Vào nội dung chính
LÀO - THÁI - VIỆT

Lào và Thái Lan có thể phớt lờ Việt Nam để xây đập Xayaburi

Dù chính trường Pháp vẫn là chủ đề trọng tâm các tạp chí Pháp ngữ tuần này, tuần báo Pháp Le Nouvel Observateur cũng chú ý đến Miến Điện với thắc mắc là chính quyền ở Naypyidaw có thật tâm "chơi trò" dân chủ hay không. Riêng tạp chí Anh The Economist thì nhìn sang Lào, với hồ sơ đập Xayaburi, vào báo động là Lào có thể bất chấp phản đối của Việt Nam để xây dựng công trình này ngay trong năm 2012.

Vị trí dự định xây đập Xayaburi.
Vị trí dự định xây đập Xayaburi. INTERNATIONAL RIVERS
Quảng cáo

Trước hết, The Economist phác họa lại bối cảnh : Tháng 12 vừa qua, Ủy hội sông Mêkông (MRC) đã lại yêu cầu tạm ngưng đề án xây dựng đập thủy điện Xayaburi ở miền bắc Lào. Đề nghị hoãn xây dựng đã được nhiều nhóm môi trường hoan nghênh. Tuy nhiên tuần báo Anh cho rằng Lào hoàn toàn có thể thúc đẩy công trình này trong năm 2012, với hậu thuẫn của phía Thái Lan, bất chấp phản đối của Việt Nam.

Trong bài viết từ Chiang Mai mang tựa đề « Một con đập khổng lồ được lên kế hoạch tại Lào lại bị trì hoãn », ký giả của The Economist nêu bật thái độ phấn khởi của các nhóm bảo vệ môi trường sau quyết định của bốn thành viên Ủy hội là Cam Bốt, Lào, Thái Lan và Việt Nam. Họ đã từ chối bật đèn xanh cho con đập đầu tiên trên dòng chính sông Mêkông ở vùng hạ nguồn, chờ kết quả nghiên cứu sâu hơn của Nhật Bản về tác động của con đập.

Giới bảo vệ môi trường có nguy cơ bị mừng hụt

Quyết định này đã rất được hoan nghênh. Nhiều nhóm môi trường lập luận rằng, nếu con đập được xây dựng, nó sẽ phá hủy hệ sinh thái và gây tổn hại cho thủy sản, an ninh lương thực và sinh kế của 65 triệu cư dân trong vùng. Ngoài ra, đèn xanh cho Xayaburi cũng có thể mở đường cho tám con đập khác ở Lào, và hai tại Cam Bốt.

Tất cả các dự án trên đều phải kinh qua tiến trình tham vấn ý kiến của Ủy hội Sông Mêkông, vốn có nhiệm vụ cải thiện đối thoại giữa các quốc gia ven sông cũng như quản lý dòng sông. Theo ông Philip Hirsch, một chuyên gia về sông Mêkông tại Đại học Sydney ở Australia, quyết định hoãn đề án Xayaburi có tác động rộng lớn hơn vì « nếu đẩy mạnh được dự án Xayaburi, các nhóm chủ trương xây đập sẽ thành công trong việc xây thêm các công trình còn lại ».

Tuy nhiên, đối với The Economist, giới bảo vệ môi trường có thể sẽ bị mừng hụt. Một cựu quan chức Lào từng làm việc trong ngành thủy điện đã xác nhận những gì nhiều người đã nghi ngờ : « Chính phủ Lào đã dứt khoát quyết định xây dựng đập Xayaburi. Bất chấp những khuyến cáo của các quốc gia khác ở vùng hạ nguồn sông Mêkông, Lào đã quyết tâm xúc tiến công trình này vào năm 2012 ».

Lào không phải là nước nghèo đầu tiên bị kẹt giữa một bên là nhu cầu phát triển đất nước, và một bên kia là các mối quan ngại về môi trường và ngoại giao. Chiến lược kinh tế của chính phủ Lào dựa chủ yếu vào thu nhập từ việc bán điện cho các nước láng giềng.

Nhân cuộc họp tháng 12 vừa qua của Ủy hội Sông Mêkông tại Cam Bốt, ông Lim Kean Hor, Bộ trưởng bộ Thủy lợi của nước chủ nhà, đã viện đến "tinh thần khu vực" trong bản Hiệp định Mêkông (đã thành lập ra Ủy hội Sông Mêkông vào năm 1995) để kêu gọi các nước « phát triển kinh tế mà không gây thiệt hại cho đời sống cư dân và môi trường sinh thái ».

Nếu Lào quyết tâm xây đập thì không ai cản được

Thế nhưng, The Economist đã tỏ ra hoài nghi và tự hỏi là liệu một sự phát triển cân bằng như vậy có thể đạt được với cơ chế quốc tế hiện đang quản lý dòng sông hay không. Ủy hội Sông Mêkông hoạt động theo nguyên tắc đồng thuận, và các thành viên không có quyền phủ quyết. Nếu Lào cứ quyết định xúc tiến đề án Xayaburi, thì không ai làm gì được.

Điều có thể khiến cho Lào ngần ngại, theo tuần báo Anh, đó là việc không muốn xúc phạm Việt Nam, người hàng xóm phía đông, đồng thời là người bạn thân thiết. Hai Đảng Cộng sản cầm quyền đã là đồng minh với nhau trong hơn 50 năm qua. Lo ngại trước nguy cơ ngành đánh bắt thủy sản và sản xuất nông nghiệp của mình ở vùng đồng bằng sông Cửu Long phì nhiêu bị thiệt hại, Việt Nam đã yêu cầu đình hoãn xây đập trên dòng chính sông Mêkông trong 10 năm.

Ngược lại với Việt Nam, Thái Lan lại là nước mà khu vực tư nhân có lợi ích rất lớn trong việc xây đập Xayaburi. CH. Karnchang, một công ty Thái Lan có trụ sở tại Bangkok, là chủ thầu xây dựng, với nguồn tài chính đến từ bốn ngân hàng Thái Lan, và 95% sản lượng điện sẽ được bán cho Thái Lan. Một thỏa thuận mua điện đã âm thầm được ký kết giữa Thái Lan và Lào, và phía Thái Lan đã xúc tiến việc xây dựng tuyến đường đi đến nơi đặt con đập.

Piaporn Deetes thuộc tổ chức Sông ngòi Quốc tế, một nhóm bảo vệ môi trường, đã tố cáo là khi coi thường khuyên cáo của Ủy hội Sông Mêkông, « Thái Lan và Lào đã đe dọa tinh thần hợp tác khu vực và sự toàn vẹn của Hiệp định Mêkông năm 1995 ».

The Economist cũng ghi nhận sự đối lập Mỹ - Trung trong hồ sơ Xayaburi. Một phát ngôn viên của Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton, đã ca ngợi quyết định trì hoãn việc xây đập. Còn Trung Quốc là nước đã xây dựng nhiều con đập trên thượng nguồn sông Mêkông, đoạn chảy qua Trung Quốc.

Các nhà quan sát trong khu vực, và ở Washington, đều cho rằng nếu dự án Xayaburi được tiến hành, những con đập tiếp theo tại Lào sẽ được các công ty Trung Quốc xây dựng, giúp Trung Quốc tiến sâu hơn nữa vào Đông Nam Á.

Do đó, The Economist kết luận : Mối quan ngại của Mỹ, suy cho cùng, không chỉ liên quan đến vấn đề môi trường mà thôi.

Miến Điện sắp được tự do nay mai ?

Về Miến Điện, Le Nouvel Observateur đã thắc mắc về thái độ cởi mở hiện nay của chính quyền dân sự mới, và đặt câu hỏi trong hàng tựa bài phóng sự của đặc phái viên Anatole Perrot : « Miến Điện : Tự do vào ngày mai chăng ? »

Tạp chí liệt kê các dấu hiệu : Đối thoại với đối lập, giảm kiểm duyệt, cam kết bầu cử tự do... để tự hỏi là phải chăng chính quyền Miến Điện thực sự đi theo con đường dân chủ, hay là chỉ muốn cấm vận được bãi bỏ và Miến Điện thoát ra khỏi sự cô lập ? Theo tạp chí Pháp thì lãnh tụ đối lập Aung San Suu Kyi có vẻ tin tưởng vào những gì đang được xúc tiến.

Đặc phái viên Le Nouvel Observateur mô tả một cảnh tượng không ai có thể tưởng tượng nổi trước đây : cảnh náo nhiệt trước trụ sở đảng Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ của bà Aung San Suu Kyi, sau khi đảng này chính thức được quyền tranh cử Quốc hội.

Đám đông vui mừng chen nhau mua, nào là áo phông, móc chìa khóa có hình của bà Aung San Suu Kyi và phụ thân của bà, anh hùng Aung San. Tiếng máy ảnh, ánh đèn flash lóe sáng, ai cũng muốn có một bức hình kỷ niệm. Có người quay phim, và có lẽ có công an. Nhưng một phụ nữ nhún vai, cho là họ có mặt khắp nơi, bà không có vẻ gì sợ sệt.

Sự thờ ơ của dân chúng không màng đến sự có mặt của công an, đối với tác giả bài báo, chính là điều mới mẻ gây ngạc nhiên, nhất trong một đất nước khét tiếng về chủ trương đàn áp áp chỉ hơn một năm trước đây mà thôi. Sự hù doạ như không còn hiệu quả nữa.

Tác giả bài báo trích lời diễn viên nổi tiếng Zarganar vừa được trả tự do tháng 10 vừa qua. Ông đã bị bắt giam rất nhiều lần, nhưng về lần được thả hồi tháng 10, ông cho biết : « Những lần trước đây, khi ra khỏi tù tôi bị mọi người tránh né, vì thấy đi chung với một cựu tù nhân chính trị thì không tốt chút nào. Nhưng lần này thì khác hẳn, những người nhận ra tôi đã chạy lại hỏi thăm, muốn chụp hình với tôi. Rất là kỳ diệu : Họ không còn lo sợ nữa. »

Bài viết cũng trở lại vấn đề tù chính trị, nhắc lại điều được xem là một bước tiến : việc trả tự do cho 200 tù nhân vào tháng 10, trong đó có ông Zarganar nói trên và một số lãnh đạo phong trào 1988. Hiện nay thì vẫn còn nhiều tù chính trị bị giam cầm - từ 600 đến 1.300 người. Theo một số nguồn tin, sẽ có những đợt trả tự do nhân các ngày lễ vào tháng Giêng và tháng Hai. Hiệp hội Trợ giúp Tù nhân Chính trị AAPP, trụ sở tại Thái Lan, cũng đã công nhận là điều kiện giam cầm đã được cải thiện.

Miến Điện : "Trung Quốc" vẫn là một chủ đề cấm kỵ

Le Nouvel Observateur còn điểm qua những bước tiến bộ khác, như đối thoại, ngưng bắn với các lực lượng thiểu số... hay động thái giảm bớt kiểm duyệt minh họa cho thái độ cởi mở hiện nay : Đài truyền hình của giới ly khai - DVB, Tiếng nói Dân chủ của Miến Điện, truyền đi từ Na Uy qua vệ tinh, đang trở thành đài được đông đảo người dân bắt xem nhất. Đại diện chính quyền còn đi gặp những người sống lưu vong ở nước ngoài, mời họ về nước, nhất là giới báo chí. Một số đã chấp nhận lời mời, chuẩn bị mở văn phòng tại Miến Điện.

Tuy thế, theo bài báo, chế độ kiểm duyệt vẫn còn rất nặng nề đối với những bài viết mang tính chất chính trị. Một nhà báo có tiếng tăm, ông Maung Wuntha, được chính quyền cho phép lập báo riêng, tuần báo chính trị : People Age, đã cho xem số báo ông sắp ra, đầy rẫy những hàng bị kiểm duyệt, gạch xóa bằng mực đỏ.

Ông hóm hỉnh hỏi lại là muốn biết những chủ đề cấm kỵ không ? Đó là « Tất cả những gì liên quan đến Trung Quốc, đầu tư Trung Quốc, các vấn đề sắc tộc, quân đội trước phe nổi dậy, nỗi thống khổ của phụ nữ và trẻ em các sắc tộc... cũng như không được nói đến sự thống trị của quân đội và những gì liên quan đến Đức Đạt Lai Lạt Ma. »

Tuy nhiên nhà báo Maung Wuntha, một người thân cận với bà Aung San Suu Kyi, tin là những dấu hiệu cởi mở hiện nay nằm trong ý chí thật sự cải tổ của chính quyền Thein Sein. Vấn đề là những nhà "cải tổ" phải thoả hiệp với cánh "cứng rắn", mà nhân vật tiêu biểu nhất không ai khác là đương kim Bộ trưởng Thông tin.

Phóng viên Le Nouvel Observateur trở lại sự kiện được xem là điểm son trong các hành vi cởi mở của chính quyền Naypyidaw : việc chính thức cho đảng của bà Aung San Suu Kyi hoạt động và tranh cử, và thắc mắc tại sao bà Aung San Suu Kyi chấp nhận hợp tác.

Câu trả lời nằm trong cảnh tượng kỳ lạ của buổi gặp gỡ giữa ông Thein Sein và lãnh tụ đối lập vào tháng 8/2011 ở Dinh Tổng thống : Cùng với ông Thein Sein, trong cuộc tiếp xúc có cả phu nhân của ông. Theo lời một nhà ngoại giao châu Âu mà bà Aung Suu Kyi đã kể lại sự việc, hai người phụ nữ đã ôm chầm lấy nhau. Đã có một sự tin tưởng ngay giữa Tổng thống Miến Điện và nhà đối lập. Khi trở về Rangoon, bà Aung Suu Kyi khẳng định với nhũng người thân là bà thấy « Tổng thống muốn cải tổ, muốn dân chủ, và ông thành thật, đáng tin tưởng ».

Cựu lãnh đạo Than Shwe : Nhạc trưởng của các thay đổi tại Miến Điện ?

Những nhà đối lập cao niên, khoảng 80 tuổi, thì vẫn thận trọng. Vì dù ông Thein Sein có là người thành thật, câu hỏi là ông sẽ "cầm lái" được vững chắc hay không ? Hiện nay ông cũng đang bị bệnh tim. Ông phải đối phó với phe "bảo thủ" sẵn sàng đảo chính, ông cũng phải "thỏa hiệp" với người đầy quyền lực trước đây là tướng Than Shwe, mà theo bài báo, người đã cất nhắc ông Thein Sein lên vị trí hiện nay, kể cả chiếc ghế tổng thống. Cho nên câu hỏi thực sự quan trọng hiện nay là ông Than Shwe muốn gì ?

Ông Than Shwe được xem là chuyên gia "chiến tranh tâm lý", cho nên trả lời câu hỏi này không dễ, nhưng tất cả các nhà bình luận đều đồng ý trên một điểm : những gì mà thế giới đang chứng kiến ở Miến Điện không phải là một sự bộc phát của dân chúng như ở thế giới Ả Rập mà là sự thực hiện ngoạn mục của "một lộ trình" được chính ông Than Shwe thiết lập từ năm 2003 để đưa Miến Điện ra khỏi chế độ quân sự một cách "trật tự".

Cho nên, theo bài viết, nhà chính trị học và cố vấn chính trị của Tổng thống Thein Shein đã giải thích : « Ông Than Shwe, thì đơn giản thôi, ông không muốn có một kết cuộc như những người tiền nhiệm, mà chính ông đã bắt giam, với vợ con của họ, và bị chết trong tù. Ông có nguy cơ lâm vào tình cảnh đó nếu ông để cho một nhân vật độc tài khác kế vị. Và do đó, ông đã chọn một kịch bản khác : chuyển biến có "trật tự" và dần dần đến dân chủ, như thế, ông có cơ may kết thúc cuộc đời một cách yên ổn. »

Tóm lại theo bài báo, phải chăng là người ta đang chứng kiến một mô hình chuyển tiếp dân chủ kiểu Miến Điện ? Một mô hình mà tác giả bài viết nhìn thấy có ba điểm lợi trong tính toán của giơí lãnh đạo : tránh được một cuộc cách mạng của dân chúng, bảo đảm tuổi già yên ổn cho lãnh đạo, và điểm thứ ba là giải quyết cạm bẫy của việc bị hoàn toàn lệ thuộc vào Trung Quốc, nước đã đầu tư 14 tỷ đô la vào Miến Điện trong năm 2010.

Muốn thoát khỏi sự lệ thuộc hoàn toàn này, Miến Điện phải giành được việc Châu Âu và Mỹ bãi bỏ cấm vận. Đây là thêm một nguyên nhân để cải tổ chính trị. Và họ cần đến bà Aung San Suu Kyi.

Hồ sơ chính của các tạp chí Pháp

L'Express dành trang bìa là các ứng viên Pháp đã bị các nhóm thế lực, đặc biệt là Franc – Maçon (Hội Tam Điểm), thao túng như thế nào. Trong lúc đó, Le Nouvel Observateur nhìn lại thời thơ ấu các ứng cử viên, với 4 ảnh trên trang bìa của các ông François Hollande, Nicolas Sarkozy, François Bayrou, và bà Marine Le Pen. Nhiều người, như ông Hollande, lúc còn bé tí đã khẳng định : ''Tôi sẽ là Tổng thống''.

Riêng Tạp chí Courrier International nêu câu hỏi : Thế kỷ XXI đi về đâu ? Tờ báo nhận thấy là Phương Tây đang phải đối mặt với các cường quốc của Ngày mai.

Theo Courrier International, Phương Tây, bị tê liệt với cuộc khủng hoảng, thấy ảnh hưởng của mình bị thách thức trước sự vươn lên của các quốc gia đang trỗi dậy với những tham vọng ngày càng cao.

Courrier International cũng nêu câu hỏi là phải chăng Châu Mỹ Latinh sẽ thống trị thế giới vào thế kỷ XXII. Khi ấy thì cũng sẽ phải dè chừng Châu Á, một trung tâm khác của hành tinh. Châu Phi, với trọng lượng dân số của mình cũng có vai trò nhất định.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.