Vào nội dung chính
VIỆT NAM - NĂM MỚI

Việt Nam tưng bừng đón năm mới Nhâm Thìn, tạm quên đi nỗi lo lạm phát

Cùng hòa chung nhịp với toàn thể châu Á, người Việt Nam đã chào đón năm Nhâm Thìn với những màn pháo bông rực rỡ, những hội Tết linh đình, chợ hoa nở rộ. Truyền thống ăn Tết – theo phương châm làm lụng cả năm, ăn ba ngày Tết - vẫn được tôn trọng, cho dù chính quyền không ngừng lên tiếng kêu gọi mọi người hạn chế chi tiêu trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam bị lạm phát đe dọa.

Đi chợ ngày Tết
Đi chợ ngày Tết DR
Quảng cáo

Do lệnh cấm đốt pháo vẫn có hiệu lực, người Việt trên toàn đất nước đã đón giao thừa bằng những màn pháo hoa hoành tráng. Thủ đô Hà Nội chẳng hạn, đã đón xuân bằng những màn pháo bông đồng loạt tại 29 địa điểm, nhất là ở bên Hồ Hoàn Kiếm. Thành phố Hồ Chí Minh cũng không thua kém, với các điểm bắn từ Thủ Thiêm, Gò Vấp đến Đầm Sen, Củ Chi … Tất cả các tỉnh thành hầu như cũng đều có pháo bông để người dân vui đón năm mới.

Vấn đề là các lễ hội đón xuân đòi hỏi nhiều chi phí vào lúc Việt Nam vẫn đang bị lạm phát phi mã. Ngay từ trước Tết, các cấp hữu trách, từ Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho đến Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình đều đã yêu cầu người dân bớt chi tiêu nhân dịp Tết. Trên trang web chính phủ Việt Nam ngày 14 tháng Giêng vừa rồi, ông Dũng đã kêu gọi mọi người ăn Tết trong tinh thần tiết kiệm. Còn ông Bình thì tỏ ý hy vọng là việc dè xẻn chi tiêu cho ngày Tết chi tiêu sẽ giúp kềm chế lạm phát.

Xin nhắc lại là theo số liệu chính thức, lạm phát tại Việt Nam vẫn vượt mức 17% trong tháng Giêng, một tỷ lệ cao nhất vùng châu Á Thái Bình Dương, vốn đã làm cho đồng nội tệ Việt Nam bị giảm giá xuống đến mức thấp nhất từ năm 2008 đến nay, và khiến cho khoảng một phần 10 doanh nghiệp bị sụp đổ trong năm 2011.

Tuy nhiên, những lời kêu gọi tiết kiệm của chính quyền có phần vô ích vì không thể nào thay đổi thói quen chi tiêu của người dân. Theo ghi nhận của hãng tin Mỹ Bloomberg, giới bán lẻ và các quan chức chính phủ đã xác nhận rằng việc mua sắm vẫn tăng vọt nhân dịp Tết. Theo dự báo của chính phủ Việt Nam, nhu cầu hàng Tết và giao thông vận tải nhân dịp này cũng sẽ tăng 10% so với năm ngoái.

Một ví dụ cụ thể : Theo ông Nguyễn Văn Đồng - Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội, doanh số bán lẻ trong dịp Tết tại đây được dự báo sẽ tăng 22%, đạt mức xấp xỉ 1,4 tỷ đô la, tương đương với khoảng 1% sản phẩm quốc nội (GDP) của cả nước vào năm ngoái.

Một ví dụ khác : Công ty rượu bia Sài Gòn, nhà sản xuất bia lớn nhất Việt Nam, cho biết sẽ làm ra 120 triệu lít bia trong tháng này, tăng 20% so với cùng kỳ Tết năm ngoái. Tập đoàn bánh ngọt Kinh Đô, thuộc diện lớn nhất Thành phố Hồ Chí Minh, cũng dự kiến sức cầu tăng 15%, cho dù giá cả năm nay cao hơn năm ngoái 10%.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.