Vào nội dung chính
Tạp chí văn hóa

Liên hoan Vesoul : Việt Nam qua ống kính của Trần Anh Hùng và Philippe Rostan

Đăng ngày:

Hai bộ phim tài liệu của Philippe Rostan và ba tác phẩm của Trần Anh Hùng đưa khán giả Liên hoan điện ảnh châu Á Vesoul đến với Việt Nam. Liên hoan Vesoul chiếu lại toàn bộ 4 tác phẩm của Trần Anh Hùng và mỗi suất chiếu đều hết vé. "Inconnu, présumé Français" của Rostan, nói về những người con lai Việt Nam sinh ra trong thời kỳ chiến tranh Đông Dương, thu hút khán giả.

Đạo diễn Philippe Rostan (trái) vàTrần Anh Hùng (phải)
Đạo diễn Philippe Rostan (trái) vàTrần Anh Hùng (phải) RFI / Thanh Hà
Quảng cáo

Về tác giả Trần Anh Hùng, như đã biết « Mùi Đu Đủ Xanh » từng đoạt giải thưởng Ống Kính Vàng tại liên hoan điện ảnh quốc tế Cannes năm 1993 và giải thưởng César của làng điện ảnh Pháp dành tặng bộ phim đầu tay xuất sắc nhất. Bộ phim kế tiếp của ông là « Xích Lô » năm 1995 đoạt giải Sư Tử Vàng tại liên hoan Venise và Trần Anh Hùng trở thành nhà đạo diễn trẻ tuổi nhất trong lịch sử liên hoan Venise đoạt giải thưởng cao quý này. Dù vậy « Xích Lô » đã bị kiểm duyệt và không được trình chiếu tại Việt Nam.

Trần Anh Hùng phải đợi 5 năm sau đó mới được phép thực hiện « Mùa Hè Chiều Thẳng Đứng » được đệm bằng tiếng nhạc của những trận mưa rào nhiệt đới. Liên hoan Vesoul không quên tác phẩm mới nhất của Hùng là « Rừng Na Uy » một bộ phim dựa trên tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Nhật Bản Haruki Murakami. Trong buổi trình chiếu vào chiều ngày 16/02/2012, khán giả đã rất thích bộ phim này của Trần Anh Hùng.

Trả lời ban Việt ngữ, tác giả của "Mùi Đu Đủ Xanh" chia sẻ với thính giả của đài một số suy nghĩ về điện ảnh Việt Nam và tiết lộ dự án ông đang ấp ủ. Bài phỏng vấn được thực hiện một ngày sau buổi trình chiếu Rừng Na Uy.

06:57

Trần Anh Hùng- Vesoul

 

 

 

 Về phần đạo diễn mang hai dòng máu Pháp Việt, Philippe Rostan, bộ phim tài liệu « Inconnu, présumé Français- Kẻ vô danh được coi là người Pháp » của anh đã gây nhiều xúc động không phải vì những hình ảnh đẹp hay do kịch bản độc đáo. Khán giả bâng khuâng khi nghe kể lại những cảnh chia ly của những đứa bé có mẹ nhưng gần như mồ côi.

Philippe Rostan
Philippe Rostan RFI / Thanh Hà

Philippe Rostan chia sẽ cảm nghĩ của anh trước sự đón nhận của khán giả Vesoul sau hai buổi chiếu phim « Chợ Tình » và « Inconnu, présumé Français » :

"Tôi rất ngạc nhiên khi thấy đông khán giả đến xem bộ phim tài liệu « Chợ tình » và lại càng ngạc nhiên hơn khi thấy họ trở lại ngày hôm sau trong buổi ra mắt khán giả Vesoul tác phẩm « Inconnu, présumé Français – Kẻ vô danh được coi là người Pháp»

Đây là hai bộ phim khá khác nhau. « Inconnu, présumé Français » đã gợi lên nhiều cảm xúc của khán giả. Trong khi đó « Chợ tình » như là một tiếng gọi viễn du. Bộ phim này làm dấy lên sự tò mò của người xem, nó khơi lên những câu hỏi về một cộng đồng thiểu số Việt Nam, về cuộc sống của họ về quan niệm của họ về tình yêu.

Tôi cũng đã có dịp trao đổi với khán giả, nhất là về trường hợp của những đứa con lai giữa các phụ nữ Việt Nam với những người lính Pháp trong thời kỳ chiến tranh Đông Dương. Bản thân tôi, tôi cũng đã hết sức xúc động khi thực hiện bộ phim tài liệu này.

Những nhân chứng, tức là những đứa bé hầu như không biết gì về cha mình và chúng đã phải sớm xa mẹ, để sống trong các cô nhi viện, và sau nữa là chúng đã phải rời khỏi Việt Nam để đến vùng đất lạ. Tôi thật bất ngờ khi thấy nơi những người đối diện với mình, vết thương mấy chục năm sau vẫn chưa lành. Vết thương chưa lành của họ lại mở ra trước ông kính.

Sự nhiệm màu của ống kính camera là chúng ta như sống lại khoảnh khắc mà những cô bé, cậu bé con lai đã phải chia lìa Việt Nam, chia lìa gia đình họ để sang Pháp. Những nhân chứng trước mặt tôi như ngược dòng thời gian, để trở về với quá khứ, họ trở lại là những đứa nhỏ 7- 8 tuổi và cảm xúc của họ trào lên, họ bật khóc như trẻ thơ ... Như thủa phải rời xa Việt Nam, lên tàu sang Pháp ».

Trong phim chúng ta hình dung ra được cảnh của những đứa trẻ không có cha, mẹ chúng vì lý do nào đó – đưa chúng vào FOEFI – Hội trẻ em Pháp gốc Đông Dương - rồi năm 1954, khi Pháp rút khỏi Việt Nam những đứa trẻ đó được FOEFI đưa lên tàu về Pháp. Từ đó chúng mất luôn liên lạc với mẹ và phải cắt đứt những liên hệ cuối cùng với miền « đất mẹ » là Việt Nam.

Khi đặt chân lên « quê cha » thì họ hoàn toàn bỡ ngỡ và phải nhập vào với một cuộc sống mới. Một trong số những nhân vật trong phim tài liệu của anh đã kể lại là ông được may mắn qua Pháp cùng với người em ruột. Nhưng em trai ông được đưa về một trại định cư khác và thế là ông bị cướp mất liên hệ máu mủ cuối cùng. Nói cách khác, những đứa trẻ mới chỉ 7, 8 tuổi đầu đã phải sống những cảnh chia ly liên tiếp và trước ống kính của Rostan, họ đã kể lại đoạn đường đầy thách thức đó :

« Tất cả những sự chia ly đó thật rất đau đớn đối với họ. Điều kinh khủng nhất là một khi đến Pháp, những ai có anh, chị, em đều bị chia ra mỗi người mỗi ngả. Có những người cho tới nay vẫn không có tin tức của anh chị em ruột thịt. Hội trẻ em Pháp gốc Đông Dương FOEFI dường như đã ngưng hoạt động vào cuối thập niên 1980. Tuy vậy những đứa trẻ lớn lên trong Hội – giờ đây họ đã trên dưới 60 tuổi, vẫn thường gặp lại nhau hàng năm vào những dịp nghỉ cuối tuần, hay ngày Tết. Họ như anh em một nhà.

Dù sao thì FEOFI cũng đã giúp họ nên người cho dù họ đã phải trải qua nhiều đắng cay. Điều kỳ diệu làm tôi xúc động hơn cả là bản năng tồn tại của con người. Tất cả những đứa nhỏ được đưa về Pháp đều đã tự vươn lên, chúng vượt qua đau khổ để tiếp tục sống. Cho dù trong tâm hồn và thể xác họ còn mang nặng nhiều thương tích cũng như là họ vẫn còn giữ lại những gì Việt Nam trong tâm hồn ».

 

 

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Xem các tập khác
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.