Vào nội dung chính
VIỆT NAM - TRUNG QUỐC

Tàu chiến Trung Quốc tấn công tàu đánh cá Việt Nam

Hôm qua 24/02/2012 một tàu đánh cá Việt Nam đã trở về được cảng Sa Kỳ, Quảng Ngãi, sau khi bị tàu chiến Trung Quốc tấn công và tước đoạt toàn bộ tài sản, ngư cụ trước đó hai ngày, khi đang đánh cá tại vùng biển Hoàng Sa của Việt Nam. Tàu cá QNg-90281TS của thuyền trưởng Đặng Tằm ở thôn Châu Thuận Biển, xã Bình Châu, huyện Bình Sơn tỉnh Quảng Ngãi, ngày 22/2 đã bị tàu chiến Trung Quốc đuổi theo, bắn vào tàu và sau đó bắt giữ.

Một tàu cá Việt Nam ở cảng Tiên Sa, Đà Nẵng 15/07/2011 - Reuters
Một tàu cá Việt Nam ở cảng Tiên Sa, Đà Nẵng 15/07/2011 - Reuters
Quảng cáo

03:07

Ông Nguyễn Thanh Nam, Bình Châu

Các ngư dân Việt Nam bị lính Trung Quốc đánh đập, tước đoạt toàn bộ hải sản đã đánh bắt được cùng với các thiết bị, ngư lưới cụ trên tàu rồi mới thả về.  Ông Nguyễn Thanh Nam, người phụ trách thông tin liên lạc với ngư dân ở Bình Châu cho RFI biết  :

Lúc 15 giờ chiều ngày 22 dương lịch, tàu của ông Đặng Tằm đánh bắt trong phạm vi của đảo Hoàng Sa thì tàu hải quân của Trung Quốc - đó là tàu chiến, tàu quân sự ở trong đảo Phú Lâm - nó ra, và bắt đầu nó dí. Tàu ông Đặng Tằm bỏ chạy, thì nó bắn bể ca-bin, hiện còn một, hai viên đạn còn găm dính trong ca-bin. Rồi nó kéo về ngay đảo Phú Lâm, cái đảo đó có cảng. Vô đó nó bịt mắt, rồi bắt đầu tịch thu tài sản - hải sản đánh được, trang thiết bị trên tàu, các loại máy thông tin liên lạc đều bị thu hết, chỉ còn cái ghe không thôi. Những cái nắp đậy hầm cá nó cũng xách nó lia hết. Rồi nước thì nó xối vô cho tiêu đá lạnh, cá thì nó xách nó lia xuống nước hết. Số nào nó lấy thì lấy, còn số nào lia xuống nước thì nó lia. Rồi nó bịt mắt, đánh đập anh em trên tàu, xong rồi nó đuổi về chứ không bắt.

Riêng ông Đặng Tằm này là năm 2011đã bị bắt như thế này rồi, năm nay lại bị bắt nữa. Thì lúc 15 giờ chiều ngày 22, sự cố xảy ra thì ông đưa tin về cho tôi là gần 16 giờ, tôi nhận được tin. Trên tàu đi có 9 lao động. Sau khi nắm được thông tin rồi, tôi có báo cáo cho ủy ban xã, rồi báo cáo cho huyện, các ban phòng chống lụt bão, văn phòng Bộ Tư lệnh, trinh sát Bộ chỉ huy biên phòng, các lực lượng liên quan nắm rõ.

Mãi đến bốn giờ sáng ngày 24, tức sáng hôm qua, thì ông ấy cập về tới cảng. Anh em đã mang máy tới phỏng vấn và quay phim, chụp ảnh…mãi đến chín, mười giờ ngày 24 mới xong công việc.

Dạ lúc đó là tàu đang ở vùng biển của Việt Nam phải không ?

Đúng rồi, biển đó là biển của Việt Nam. Lâu nay là bà con ngư dân Việt Nam mình, đặc biệt là dân Quảng Ngãi, vùng biển Hoàng Sa là cứ ra ngư trường đó đánh bắt. Bởi vì lâu nay vẫn nghe Hoàng Sa là của Việt Nam, cho nên bà con cứ đi ra đó đánh bắt thôi. Chứ giờ mà đánh bắt ở những ngư trường phía bờ của Việt Nam thì không có cá, cho nên phải vươn ra miết ngoài đảo đó để đánh. Những chuyến biển nào mà không bị bắt thì về cũng kiếm được gạo nuôi vợ nuôi con, còn những chuyến biển bị trục trặc, bắt bớ hoặc là gió bão, áp thấp nhiệt đới thì coi như phải chịu lỗ.

Khu vực đó cá nhiều. Vùng biển đánh bắt đó rộng, dễ làm. Từ con cá chuồn, cá mú, cá ngừ đại dương đều ở vùng biển đó hết, cho nên bà con ra đánh bắt dễ.

Bị lấy hết cá đánh bắt được, rồi ngư cụ vân vân, thì thiệt hại chắc là nhiều ?

Cái sản lượng mất cả bảy, tám chục triệu. Còn nó thu máy thông tin liên lạc, máy tầm ngư, máy định vị - máy dò cá, máy để xác định hướng đi, đường đi, rồi máy quét, đủ thứ máy bị nó lấy, to của lắm chứ. Nhiều tiền lắm ! Một cái máy bữa nay mua là bốn mươi triệu rồi. Bây giờ về làm sao sống đây, không biết vay tiền nhà nước để sống được không nữa. Cũng khó !

Xin cảm ơn ông Nguyễn Thanh Nam ở Quảng Ngãi.
 

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.