Vào nội dung chính
Tạp chí Việt Nam

Quốc phòng Việt-Úc : Canberra sẵn sàng tiến tới, Hà Nội còn ngại Bắc Kinh

Đăng ngày:

Việt Nam và Úc vừa nâng cao thêm một mức quan hệ quốc phòng song phương với một cuộc đối thoại chiến lược ngoại giao – quốc phòng đầu tiên ở cấp thứ trưởng tại Canberra ngày 21/02/2012. Việc Việt Nam tăng cường đối thoại chiến lược với Úc diễn ra trong bối cảnh Hà Nội bắt đầu chú ý hơn đến việc thắt chặt thêm quan hệ quốc phòng và an ninh với các nước trong và ngoài khu vực, từ Ấn Độ, Nhật Bản, cho đến Úc, Hoa Kỳ…

Chiến hạm Úc HMAS Yarra, ghé cảng Sài Gòn ngày 10/10/2011 nhân một chuyến thăm hữu nghị.
Chiến hạm Úc HMAS Yarra, ghé cảng Sài Gòn ngày 10/10/2011 nhân một chuyến thăm hữu nghị. DR
Quảng cáo

Theo các nhà phân tích, thái độ càng lúc càng quyết đoán của Trung Quốc trong việc áp đặt các đòi hỏi chủ quyền của họ tại Biển Đông không xa lạ gì với động thái của Việt Nam.Tuy nhiên, theo ghi nhận chung, bước đi của Việt Nam cho đến nay luôn luôn dè dặt, như thể là Hà Nội vẫn cố gắng tránh không làm phiền lòng Bắc Kinh.

Nhà báo Lưu Tường Quang tại Sydney đã điểm lại những dấu mốc chính trong quan hệ quốc phòng Việt-Úc, để nhận định rằng trong thời gian qua, trong lãnh vực quốc phòng, Canberra là phía thường xuyên chủ động đề nghị nâng cấp quan hệ song phương.

Quan hệ này đã có bước chuyển cụ thể vào thời điểm 2009 là năm Trung Quốc bắt đầu có những hành động quyết đoán hơn tại Biển Đông, đặc biệt là nhắm vào Việt Nam, trong lúc Úc cũng xác định trong Quyển Sách trắng về Quốc phòng 2009 rằng đà vươn lên về quân sự của Trung Quốc là mối đe dọa đối với sự ổn định trong khu vực.

Theo nhà báo Lưu Tường Quang, Cơ chế đối thoại chiến lược ngoại giao quốc phòng vừa được hai bên khai mở là hệ quả logic của chiều hướng phát triển quan hệ quốc phòng Việt-Úc, trong bối cảnh Hà Nội và Canberra cùng chia sẻ mối quan tâm chiến lược là vấn đề Biển Đông và các động thái của Trung Quốc.

Trả lời phỏng vấn của RFI, nhà báo Lưu Tường Quang trước hết cho biết thêm chi tiết về cuộc họp tại Canberra vừa qua :

Lưu Tường Quang : Ông Phạm Quang Vinh, Thứ trưởng Ngoại giao và ông Nguyễn Chí Vịnh, Thứ trưởng Quốc phòng Việt Nam đã đến Canberra để gặp bà Gillian Bird, Phó Tổng thư ký bộ Ngoại giao Úc, và ông Peter Jennings, Phó Tổng thư ký đặc trách chiến lược quốc phòng.

Về hình thức, nhân vật từ Việt Nam đến rõ ràng là nhân vật quan trọng, những đảng viên cao cấp, như trường hợp ông Nguyễn Chí Vịnh còn là ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản. Còn phía Úc, cả bà Gillian Bird và ông Peter Jennings đều là chuyên viên, không phải là chính trị gia. Cho nên đây là một cuộc đối thoại giữa hai thứ trưởng ngoại giao và quốc phòng của Việt Nam với 2 Phó Tổng thư ký của bộ Ngoại giao và Quốc phòng Úc Đại Lợi.

Thông tin về cuộc thảo luận gọi là « Quốc phòng và Ngoại giao » ở mặt chiến lược » giữa Úc và Việt Nam được phổ biến nhiều từ phía Việt Nam, qua bản tin TTXVN hơn là từ phía Úc.

Căn cứ vào những nguồn tin này thì không biết cuộc họp đã đạt được những kết quả cụ thể nào, ngoài việc hai bên cam kết sẽ nâng cao liên hệ song phương lên một tầm mức mới để kỷ niệm « 40 năm thiết lập quan hệ ngoại giao » giữa Canberra và Hà Nội, từ năm 1973 đến 2013. Bản tin cũng cho biết rằng cuộc thảo luận dựa vào chương trình hành động 2010-2013, đã được hai bên thảo luận và đồng ý trước đây.

Cho nên có thể cũng vì lý do đó mà không có sự đồng ý nào mới và quan trọng, ngoài những việc đã thỏa thuận, và do đó cuộc thảo luận có thể là đã xác định lại những điều chính yếu đã được thảo luận trước đây.

RFI : Trong những thông tin liên quan đến cuộc họp này, có vấn đề Biển Đông… Yếu tố này đã được đề cập tới trong một cuộc họp Việt - Úc nào hay chưa ?

Lưu Tường Quang : Điểm này thật sự là một điểm quan trọng nhưng không phải là một điểm mới. Đó là tại vì lập trường của Úc từ trước đến nay vẫn chủ trương rằng vấn đề Biển Đông phải được giải quyết bằng phương tiện ngoại giao và hoà bình. Và Úc luôn luôn ủng hộ lập trường của Hoa Kỳ là vấn đề Biển Đông phải được giải quyết trên căn bản luật biển và luật quốc tế. Và tại Biển Đông cũng như trên tất cả các biển khác, đều phải có sự tự do lưu thông hàng hải.

Đấy là lập trường rất căn bản của Úc Đại Lợi, và lập trường này, Úc cũng đã nhắc đi nhắc lại nhiều lần trong các hội nghị an ninh khu vực ARF, cũng như trong các buổi họp của các bộ trưởng Quốc phòng ASEAN mở rộng (ADMM+) cũng như ở Thượng đỉnh Đông Á.

Thêm một cơ hội để Việt Nam và Úc xác định trở lại lập trường về Biển Đông

Cho nên, nói một cách cụ thể, thì đây (cuộc họp vừa qua) là một cơ hội để Việt Nam và Úc xác nhận lại lập trường đã có từ trước đến nay.

Một cách chi tiết, tôi có thể nói thêm là Úc Đại Lợi trước đây, vào giữa năm 2010 - bấy giờ ông Stephen Smith giữ vai trò Bộ trưởng Ngoại giao - thì ông đã từng tuyên bố rằng : « Vấn đề Biển Đông liên hệ tới Việt Nam và Trung Quốc nên được giải quyết bằng thương thuyết song phương ».

Nói một cách khác lập trường ông Stephen Smith với tư cách Ngoại trưởng có vẻ như ủng hộ lập trường của Bắc Kinh, và điều đó đã được báo chí Bắc Kinh, chẳng hạn như tờ China Daily ghi nhận.

Tuy nhiên khi ông Stephen Smith rời bộ Ngoại giao và đảm nhận chức vụ Bộ trưởng Quốc phòng, vào tháng 10/2010, khi ông đến Việt Nam để tham dự hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN Mở rộng lần đầu tiên, thì ông lại có tuyên bố hơi khác là : « Vấn đề Biển Đông nên được giải quyết bằng phương pháp ngoại giao và một cách hoà bình giữa các phe liên hệ ».

Ông không còn lập lại là vấn đề phải được giải quyết bằng phương thức thương thuyết song phưong nữa. Tuy nhiên, khi nói là giải quyết bằng phương pháp hoà bình và ngoại giao giữa các phe liên hệ, ông không nói rõ là song phương hay đa phương. Tôi cho đây là điểm tế nhị mà ông không muốn nói rõ.

Tuy nhiên nếu từ một vị trí là « cuộc thương thuyết trên căn bản song phương » trở thành « cuộc thương thuyết giữa các phe liên hệ », thì đó cũng là một sự tiến triển có vẻ như phần nào thuận lợi cho Việt Nam.

Cho nên vấn đề Biển Đông mà hai bên đã thảo luận và ghi nhận vào trong bản tin của TTXVN, thì thật ra là một lập trường đã có, không phải là một lập trường mới. Nhưng tuy vậy, nó cũng quan trọng ở chỗ là hai bên đã xác nhận lập trường theo đúng với lập trường cố hữu của hai nước.

RFI : Như thế cuộc đối thoại vừa qua ở Canberra có điểm gi mới ?

Lưu Tường Quang : Điểm quan trọng không phải về phưong diện nội dung, nhưng mà là về phương diện hình thức. Tại vì đây là lần đầu tiên mà cả hai nước đồng ý cấu trúc một cuộc đối thoại hàng năm ở cấp thứ trưởng.

Úc Đại Lợi cũng như Hoa Kỳ, Anh Quốc và các quốc gia khác chẳng hạn như Indonesia, Nhật Bản, Nam Hàn, Philippines, Thái Lan hay Singapore… đều có những cuộc họp hàng năm để thảo luận về vấn đề chiến lược. Tuy nhiên đối với Việt Nam, trước đây đã có những cuộc thảo luận khi cần thiết, nhưng không đặt trên căn bản hàng năm và ở cấp thứ trưởng.

Cấu trúc đối thoại chiến lược thường xuyên hoàn toàn có khả năng được nâng "cấp"

Cho nên điểm mới là cả Canberra và Hà Nội - bắt đầu từ năm 2012 - đã thiết lập được một cấu trúc đối thoại, và cấu trúc này được tiếp diễn trong tương lai. Tôi cho rằng đây là một bước đầu tiên quan trọng để hai bên có thể phát triển mối liên hệ song phương qua những cuộc đối thoại chiến lược ngoại giao và quốc phòng như vậy. Sau này, hai bên có thể nâng lên tầm mức cao hơn.

Ví dụ như cuộc đối thoại giữa Hoa Kỳ và Úc Đại Lợi được đặt trên căn bản bộ trưởng Ngoại giao và Quốc phòng, đối thoại Anh – Úc, Nhật - Úc cũng đặt trên cấp bộ trưởng. Vì lý do đó, đối với Việt Nam, đây là một bước đi chậm, nhưng có thể phát triển trong tương lai để trở thành một cuộc đối thoại thật sự chiến lược ở cấp bộ trưởng, tức cấp chính trị, thay vì ở cấp chuyên viên hiện nay.

RFI : Phải chăng nhân tố Trung Quốc và Biển Đông đã góp phần thúc đẩy quan hệ quốc phòng Việt – Úc, và đặc biệt là thúc đẩy Việt Nam tìm cách thắt chặt hơn nữa quan hệ quốc phòng với Úc ?

Lưu Tường Quang : Tuy là một quốc gia đã phát triển, chỉ là một cường quốc ở bậc trung mà thôi, nhưng Úc Đại Lợi thật sự đã có tầm nhìn xa.

Trong thời kỳ Cộng Hoà Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam bị Hoa Kỳ cấm vận, chính sách ngoại giao của Úc đối với Việt Nam thời bấy giờ là tìm cách đưa Việt Nam ra khỏi thế cô lập về phương diện ngoại giao, bằng cách khuyên Hoa Kỳ, vận động để Mỹ cứu xét việc bãi bỏ cấm vận.

Sau khi việc đó được thực hiện, Úc cũng có tầm nhìn xa là đi bước trước trong việc thảo luận mặt quốc phòng với Việt Nam. Vào năm 1999, do đề nghị của Úc - chứ không phải đề nghị của Việt Nam - việc trao đổi tùy viên quân sự giữa hai nước đã được thực hiện và khởi đầu cuộc đối thoại song phương về quốc phòng.

Úc chủ động thúc đẩy quan hệ, Việt Nam chỉ tích cực đáp ứng sau khi bị Trung Quốc chèn ép

Từ năm 1999-2000 cho đến bây giờ, có rất nhiều cuộc trao đổi, thăm viếng giữa các giới chức quân sự hai nước. Chính ông Nguyễn Chí Vịnh cũng đã từng tới Canberra tháng 03/2010 để gặp Bộ trưởng Quốc phòng Úc lúc ấy là ông John Faulkner để thảo luận về những vấn đề hợp tác quốc phòng giữa hai bên, và chắc chắn trong đó có vấn đề Biển Đông.

Và cũng nên nhớ rằng vào tháng 10/2010, Bộ trưởng Quốc phòng Úc, Stephen Smith, đã đến tham dự hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng mở rộng của ASEAN, và đã ký một Biên bản Ghi nhớ với ông Phùng Quang Thanh (Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam), theo đó hai nước sẽ hợp tác với nhau về việc đối thoại chính sách ở mức độ chiến lược, và đấy là lần đầu tiên mà trong những văn bản giữa Úc Đại Lợi và Việt Nam, từ ngữ « đối thoại chiến lược » được nêu lên. Đấy là điểm thứ nhất.

Điểm thứ hai là Úc Đại Lợi sẽ tập trận với Việt Nam, và huấn luyện cho thành viên của quân đội Việt Nam. Điểm thứ ba là việc rất thông thường : Trợ giúp về cứu trợ nhân đạo và cứu trợ thiên tai. Cho nên sự phát triển đó nó đã trải qua nhiều năm và phần lớn do Úc chủ động.

Tuy nhiên gần đây, vì vấn đề tranh chấp Biển Đông và sự căng thẳng tại Biển Đông mà Trung Quốc đã gây ra, cho nên Việt Nam có vẻ như đang đáp ứng lại những sáng kiến của Úc, và do đó, đã mở rộng hợp tác có thể nói là về phương diện ngoại giao và quốc phòng ở mặt chiến lược.

Và tôi cũng xin nói rõ là vào năm 2008, trong chuyến công du Úc Châu của ông Nguyễn Tấn Dũng (Thủ tướng Việt Nam), thì vấn đề hợp tác đã được đặt ra, nhưng chỉ trên mức độ « toàn diện (comprehensive) ». Đến năm 2009, khi ông Nông Đức Mạnh (Tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam) đến Canberra, vấn đề hợp tác lại cũng được đặt ra và cũng trên căn bản toàn diện, và hai bên đã ký kết một thỏa thuận về hợp tác toàn diện.

Thỏa thuận này ghi nhận những hợp tác quan trọng về nhiều phương diện :

(1) Trao đổi ý kiến về chính sách và phát triển liên hệ chính trị về mọi phương diện ở mức độ chuyên viên.

(2) Phát triển hợp tác kinh tế và thương mại, trong vấn đề tự do hóa thương mại đặc biệt là trong diễn đàn ASEAN – cần nhớ rằng ASEAN với Úc Đại Lợi và New Zealand đã ký một hiệp ước tự do mậu dịch - và trong những diễn đàn như Diễn đàn APEC, Thượng đỉnh Đông Á, và quan trọng là trong diễn đàn thương thuyết về Hiệp định hợp tác xuyên Thái Bình Dương TPP, cũng như vấn đề hạ nguồn sông Mêkông.

(3) Úc viện trợ phát triển và viện trợ kỹ thuật cho Việt Nam trong đó có việc xây cất cầu Cao Lãnh, và trợ giúp kỹ thuật liên hệ đến những vấn đề nguyên tử năng.

(4) Xây dựng hợp tác thân hữu về phương diện quốc phòng và an ninh.

Từ thỏa thuận hợp tác toàn diện năm 2009 đó, hai bên đã soạn thảo và đồng ý một « Chương trình hành động 2010- 2013 ». Cuộc thảo luận ngày 21/02/2012 giữa Việt Nam và Úc ở cấp thứ trưởng và chuyên viên hai bộ Ngoại giao và Quốc phòng diễn ra trong khuôn khổ chương trình đó.

RFI : Đâu là các trở ngại trong việc tăng cường quan hệ quốc phòng song phương Việt - Úc ?

Lưu Tường Quang : Khi ông Nông Đức Mạnh sang Úc vào năm 2009, và một hiệp ước về hợp tác toàn diện được ký kết, thì cũng vào năm 2009 đó, Úc Đại Lợi đã phổ biến một quyển Sách trắng về Quốc phòng, trong đó tuy không nói rõ, nhưng Canberra đã coi Trung Quốc là mối đe dọa cho Úc và cho vùng Á châu - Thái Bình Dương trong hai, ba thập niên sắp tới, cho đến năm 2030.

Cũng vì lý do đó mà Úc Đại Lợi đã nhìn ra và đã có những sự cải thiện về hợp tác quốc phòng an ninh, không chỉ với Việt Nam, mà với tất cả các nước khác trong vùng, đặc biệt là với Indonesia, Philippines, Thái Lan, Singapore, và tất nhiên với Nhật Bản và Nam Hàn. Và cũng vì lý do đó, Úc đẩy mạnh hợp tác với các quốc gia mà công cuộc hợp tác chưa phát triển như Việt Nam.

Việt Nam do dự vì không muốn hay không dám làm phật lòng Trung Quốc ?

Đồng thời Úc Đại Lợi cũng đẩy mạnh và mở rộng hợp tác, chẳng hạn như với Hoa Kỳ. Khi tổng thống Obama thăm Canberra vào giữa tháng 11/2011, hai bên đã đồng ý để cho thủy quân lục chiến Mỹ có thể sử dụng căn cứ Darwin ở miền Bắc Úc, một căn cứ án ngữ đường hàng hải lưu thông về Biển Đông. Darwin cũng như các hải cảng ở miền Bắc Úc Đại Lợi là những phương tiện quốc phòng rất quan trọng, vì nằm giữa Nam Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương.

Cũng vì lý do đó mà Úc không ngần ngại nói rõ, và có những hành động cụ thể trong việc hợp tác an ninh và quốc phòng với đồng minh chiến lược là Hoa Kỳ, nhưng đồng thời cũng xúc tiến việc cải thiện bang giao thân hữu song phương mạnh mẽ với Trung Quốc, nhất là về phương diện thương mại.

Và cũng vì lý do đó, để trả lời câu hỏi của anh, tôi cho rằng, trong sự phát triển quan hệ về phương diện ngoại giao và quốc phòng ở mức độ chiến lược giữa Úc và Việt Nam, nếu có trở ngại, thì điều đó không phát xuất từ phía Canberra - tại vì Úc thấy rõ vị trí chiến lược của mình, thấy rõ mục tiêu cần theo đuổi để bảo vệ quyền lợi an ninh, kinh tế, quốc phòng của mình - mà là có thể phát xuất từ Việt Nam.

Khi ông Nguyễn Chí Vịnh thăm Trung Quốc trước đây, và gần đây, khi ông Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng sang viếng Trung Quốc, hai bên đã ký rất nhiều thỏa hiệp gọi là đặc biệt.

Ông Nguyễn Chí Vịnh đã từng nói tại Bắc Kinh là Việt Nam sẽ theo đuổi chính sách « 3 không », không hợp tác quốc phòng, không để cho quốc gia nào sử dụng căn cứ tại Việt Nam để đánh phá quốc gia khác…

Trên phương diện này, lúc nào Trung Quốc cũng coi rằng nếu Việt Nam có những liên hệ hợp tác quốc phòng chặt chẽ nào đó - với Ấn Độ, với Hoa Kỳ, và có thể với Úc Đại Lợi chẳng hạn – thì đó là những cử chỉ có vẻ như không phù hợp với những thỏa hiệp mà Hà Nội đã ký kết với Bắc Kinh, có vẻ như không phù hợp với điều mà Bắc Kinh luôn luôn nhắc nhở là quan hệ theo « 16 chữ vàng và 4 tốt ».

Vì lý do đó, chúng ta thấy rằng trong hợp tác quốc phòng, Hà Nội rất dè dặt và đôi khi không dám tham dự những cuộc thao diễn quân sự, chẳng hạn như cuộc tập trận Hổ Mang Vàng tại Thái Lan, cuộc tập trận Milan của Ấn Độ, hay là những cuộc tập trận quan trọng hàng năm giữa Úc Đại Lợi với Hoa Kỳ. Nhiều quan sát viên các nước đã đến tham dự, nhưng Việt Nam lúc nào cũng do dự, vì không muốn hoặc là không dám làm phật lòng Trung Quốc chăng ?

Câu hỏi mà anh nêu ra là một câu hỏi quan trọng, và nếu tôi có thể dự đoán được thì trở ngại trong tương lai (trong việc thúc đẩy quan hệ quốc phòng Việt Úc, nếu có xẩy ra, thì sẽ phát xuất từ Việt Nam, vì không dám hoặc không muốn làm mất lòng Trung Quốc.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Xem các tập khác
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.