Vào nội dung chính
VIỆT NAM - SỨC KHỎE

Hơn 3 triệu trẻ em Việt Nam dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng

Một công trình nghiên cứu của Việt Nam năm 2009-2010 về tình trạng dinh dưỡng tại Việt Nam, công bố hôm qua 04/04/2012 kết luận : Có đến một phần ba trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng. Tình trạng suy dinh dưỡng tác hại đến sự phát triển của các em.  

Gần một phần ba trẻ dưới 5 tuổi ở Việt Nam bị suy dinh dưỡng
Gần một phần ba trẻ dưới 5 tuổi ở Việt Nam bị suy dinh dưỡng DR
Quảng cáo

Công trình nghiên cứu nêu rõ : Trong số các em gần đến tuổi đi học, thì 17,5 % (1,3 triệu) thiếu ký, trong lúc 29,3% (3,4 triệu) bị còi cọc.

Một điểm đáng ngại hơn nữa trong bản báo cáo này là trẻ em ở những vùng xa, vùng sâu chịu hậu quả suy dinh dưỡng cao gấp đôi số các em ở những vùng phát triển hơn.

Nhũng báo cáo khoa học khác còn chứng minh tình trạng trẻ em thiếu dinh dưỡng không chỉ tác động đến sự phát triển cá nhân của các em, mà còn ảnh hưởng đến phát triển xã hội, kinh tế của đất nước.

Theo ông Nguyễn Việt Tiến, thứ trưởng bộ Y tế, « bản nghiên cứu này giúp hiểu biết thêm về tình trạng dinh dưỡng của các gia đình ở Viêt Nam, cho thấy tầm quan trọng của vấn đề đối với Việt Nam ».

Bên cạnh nạn thiếu dinh dưỡng, bản nghiên cứu còn nêu bật một vấn đề đáng ngại : nạn trẻ em bị béo phì, chiếm tỷ lệ gần 6%. Ở những thành phố lớn, Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, mức này lên đến 12-15%. Từ năm 2006, trẻ em béo phì đã tăng gấp 6 lần.

Việt Nam như thế theo thứ trưởng Y tế, đứng trước hai thách thức, một mặt nạn suy dinh dưỡng, một vấn đề lớn ở nhiều vùng nông thôn, đặc biệt là vùng núi, và một mặt khác, nạn trẻ béo phì ở các thành phố. Tình hình theo ông, đòi hỏi các hành động nhanh chóng để Việt Nam không phạm cùng những sai lầm như các nước có thu nhập trung bình.

Tình hình tuy vậy cũng có một vài điểm tích cực : Theo bản báo cáo, tỷ lệ trẻ em còi cọc giảm trung bình 1,3 % mỗi năm, còn trẻ em thiếu ký giảm 7,1% từ năm 1995 đến 2010.

Theo đại diện cơ quan Liên Hiệp Quốc UNICEF, Rajen Kumar Sharma, "cho dù đà gia tăng số lượng trẻ em bị còi cọc đã giảm đáng kể trong những năm vừa qua, nhưng số lượng này vẫn còn quá cao".

Chính phủ Việt Nam đã đưa ra một Chiến lược Dinh dưỡng Quốc gia từ nay đến năm 2020. Theo đại diện UNICEF, chiến lược trên đặc biệt nhắm vào vấn đề trẻ em còi cọc, hậu quả của nạn thiếu dinh dưỡng, và đang thu hút chú ý của giới đầu tư vì tính nghiêm trọng của vấn đề.

Chiến lược cho đến năm 2020 của Việt Nam, còn bao hàm cả những hướng đi đến năm 2030, đã được chính phủ Việt Nam thông qua vào tháng hai vừa qua.

Mục tiêu là đảm bảo, tăng cường sự phát triển thể chất và tinh thần của dân chúng qua việc ăn uống đúng đắn, tập trung trên chất lượng bữa ăn, hướng dẫn các bà mẹ về thế nào là bữa ăn tốt, giảm nạn béo phì và thiếu dinh dưỡng.

Chiến lược dự kiến giảm tỷ lệ trẻ em còi cọc dưới 5 tuổi xuống 23%, và trẻ em thiếu ký xuống còn 12,5% vào năm 2020.

Cuộc nghiên cứu do Viện Dinh dưỡng Quốc gia thực hiện ở 63 tỉnh thành Việt Nam.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.