Vào nội dung chính
VIỆT NAM - XÃ HỘI

Việt Nam: Đêm trắng của nông dân Văn Giang chống cưỡng chế đất

Đêm thứ Hai rạng sáng thứ Ba 24/04/2012, khoảng ba ngàn người dân của ba xã Phụng Công, Xuân Quan và Cửu Cao, thuộc huyện Văn Giang tỉnh Hưng Yên, vẫn thức trắng trên cánh đồng. Đó là vì đất đai của họ sẽ bị chính quyền địa phương cưỡng chế để giao cho công ty tư nhân Việt Hưng xây dựng một khu đô thị mang tên Ecopark.

Nông dân ba xã bị tịch thu đất của huyện Văn Giang tỉnh Hưng Yên thức trắng đêm 23/04/2012 để chuẩn bị đối phó với lực lượng cưỡng chế.
Nông dân ba xã bị tịch thu đất của huyện Văn Giang tỉnh Hưng Yên thức trắng đêm 23/04/2012 để chuẩn bị đối phó với lực lượng cưỡng chế. REUTERS/Stringer
Quảng cáo

08:49

Phỏng vấn nông dân Văn Giang - 24/04/2012

Theo thông tin trên mạng, trước đó, tất cả các nhà báo được mời đến dự họp để thông báo vụ cưỡng chế đã bỏ ra về, không dự bữa cơm do Ủy ban huyện mời.

Những người nông dân tay không chuẩn bị đối đầu với một lực lượng cưỡng chế được huy động lên đến hàng ngàn, vẫn tỏ ra không sợ hãi.

Một nông dân đã trả lời phỏng vấn của RFI Việt ngữ vào lúc gần bốn giờ sáng Việt Nam, thời điểm lực lượng cưỡng chế sắp tấn công.

Chào chị, chị có thể cho biết sơ qua tình hình được không ?

Hiện bây giờ dân chúng tôi khoảng gần ba nghìn người, đương tập trung nằm giữa cánh đồng, màn trời chiếu đất để chờ bộ máy chính quyền ba cấp, từ tỉnh xuống đến xã. Họ đương chuẩn bị lực lượng xe xích sắt, máy ủi, máy xúc, và bộ đội, công an, xã hội đen. Xe thì ba loại, khoảng tám mươi chiếc, còn người vừa công an vừa bộ đội cộng với xã hội đen khoảng ba nghìn người. Họ đang tập trung ở chỗ khu huyện Văn Giang. Nếu không có gì thay đổi thì tầm khoảng bốn giờ sáng hôm nay là họ sẽ đổ bộ ồ ạt xuống để cưỡng chế khu đất của chúng tôi.

Thưa chị như vậy bà con sẽ đối phó như thế nào, sẽ giao đất cho họ ?

Không, làm sao giao đất được ! Đất của chúng tôi bao nhiêu năm nay chúng tôi vẫn làm, đất bờ xôi ao mật. Bây giờ ba cấp chính quyền họ câu kết với nhau, họ ăn cướp của chúng tôi, thì làm sao mà chúng tôi giao được ! Không họp bàn, không thỏa thuận được với dân, không tạo sự đồng thuận của dân, cứ thế là họ đọc lệnh cưỡng chế. Vậy thì họ cướp mất nhân quyền của chúng tôi.

Hôm nay là chúng tôi hàng bao nhiêu người dân muôn người như một, ba xã của cái vùng dự án này, tất cả tập trung, màn trời chiếu đất để quyết tử với chúng nó ! Thế của chúng nó thì quá mạnh, chúng tôi như trứng chọi với đá, nhưng mà bây giờ biết làm thế nào được.

Họ có chính quyền, quân đội, tiền tài này, họ có vũ khí này, dân chúng tôi chỉ có hai bàn tay trắng. Nhưng chúng tôi sẽ kiên quyết chiến đấu đến cùng. Chúng tôi sẵn sàng mỗi người một chai xăng ngay. Nếu mà chúng nó cố tình thì chúng tôi kể cả là chết cùng với chúng nó luôn.

Nếu lực lượng cưỡng chế hùng hậu như vậy, bà con có sợ hãi không ?

Không, dân chúng tôi không hề sợ tí nào ! Vừa căm phẫn, vừa tức, mà nói chung bây giờ chúng tôi chả còn con đường nào nữa. Bây giờ thì chỉ có tiến thôi. Chúng nó ăn cướp của mình, đi kêu pháp luật không được. Hàng bao nhiêu năm nay đi nhờ pháp luật, nhờ chính quyền, nhờ trung ương can thiệp nhưng không ai can thiệp. Thôi thì bây giờ nếu chúng nó dùng xe rồi máy móc, vũ khí thì chúng tôi cũng phải có vũ khí thô sơ để mình tự vệ cho mình chứ.

Hiện bây giờ ở đây chúng tôi vẫn thức. Những người ở nhà vẫn tiếp tế cho chúng tôi đồ ăn, đồ uống để sẵn sàng chiến đấu với chính quyền địa phương và trung ương. Vừa rồi chúng nó yêu cầu cô giáo phải bắt học sinh từ cấp 1 lên đến cấp 3 phải đi học không được nghỉ, phổ biến cho học sinh thấy chỗ đông là phải tránh, không có thì bộ đội công an bắt…

Nhưng mà nói thật, cuộc đấu tranh này để giành giật miếng cơm manh áo. Chúng tôi là những người trực tiếp sinh sống trên mảnh đất này, từ mảnh đất này mà nuôi các thế hệ, nên chúng tôi phải giữ. Nếu cần thiết, chúng tôi sẵn sàng cho các cháu ra đấu tranh cùng với các bố các mẹ. Bây giờ giữa dân và chính quyền một mất một còn luôn, chứ làm gì còn con đường nào khác ngoài con đường đấu tranh đâu.

Chính quyền đã có điều đình với dân như thế nào thưa chị ?

Không ! Cái dự án này là từ năm 2004, không cần thông báo cho dân, không cần họp bàn gì cả, mà họ đưa lên loa. Cứ đọc ra rả lên là có cái dự án đô thị thương mại Văn Giang và đường giao thông liên tỉnh, thì họ muốn lấy một số đất để tạo dựng cơ sở hạ tầng. Thế nhưng mà dân chúng tôi không nghe, bởi vì họ không cần họp bàn trong khi lấy một số lượng đất quá lớn : một trăm phần trăm đất nông nghiệp của ba xã.

Người dân chúng tôi là người lao động thì phải có đất, có ruộng. Cái năm 2008 họ cũng đưa một lực lượng lớn bảo vệ, rồi bộ đội, công an, xã hội đen, cũng máy móc hiện đại về khống chế, đàn áp. Họ càn quét, xong bắt đầu họ đập phá. Họ phá hết cả những trang trại, vườn cây cảnh, những ao cá, những con lợn, con gà, con vịt…Họ phá tan hoang hết tất cả. Thế là dân chúng tôi cũng đã đi ra tận ngoài Văn phòng Chính phủ, Văn phòng Quốc hội, rồi đi các nơi để kêu cứu, nhưng mà không có một ai bảo vệ chúng tôi cả. Đến bây giờ họ lại tiếp tục cưỡng chế, có những giấy cưỡng chế sai pháp luật. Và họ cứ thế họ làm, họ có cần gì họp bàn với dân đâu !

Hiện giờ dân chúng tôi cũng chẳng biết đi kêu ai, chẳng biết nhờ cậy ai cả. Chỉ có tự những người dân đen đoàn kết với nhau để bảo vệ đồng đất thôi. Một sống hai chết với chúng nó thôi, chứ bây giờ biết làm thế nào ?

Có lẽ bà con đã sinh sống ở đây từ lâu đời rồi, đất này trồng được những gì hả chị ?

Đất này của chúng tôi là đất bờ xôi ao mật, ngày xưa cha truyền con nối hàng bao nhiêu năm nay. Cứ đời cụ kỵ để lại cho cha ông, cha ông lại để cho các con các cháu mãi hàng bao nhiêu năm nay. Đất này là đất lịch sử ngàn năm văn hiến. Có lịch sử của Hai Bà Trưng này, hội hè hàng năm…Bây giờ sắp đến ngày hội, mà chính dịp này chúng nó đang chuẩn bị cướp đất của chúng tôi. Có những di tích lịch sử, văn hóa, nhưng mà nó cũng cướp.

Ở xã Phụng Công có lễ hội truyền thống Hai Bà Trưng. Trong lịch sử có ghi lại là Hai Bà Trưng đi chống giặc ngoại xâm, về đến xã chúng tôi thì nhân dân nghênh tiếp hai vị. Nhân dân đón nghĩa quân đến, và khi Hai Bà đi thì nhân dân còn giúp đỡ lương thảo. Hai Bà trước khi đi đã đặt tên cho xã chúng tôi là xã Phượng Công, có nghĩa là nhân dân rất là quý khách, mến người, yêu đất. Cho đến bây giờ thì lâu năm quá, bao nhiêu năm đã qua, bây giờ gọi là Phụng Công.

Chúng tôi muốn giữ đất, cơ bản nhất vẫn là để sinh sống. Nhưng bây giờ là vì cái đất bờ xôi ao mật, họ câu kết với nhau. Nó liên doanh, nó đưa cho cái bọn công ty cổ phần tư nhân Việt Hưng vào. Bây giờ chúng nó cứ một vốn bốn lời. Nó buôn đất, nó mua của dân bằng sào, nó bán bằng mét vuông, cho nên nó sẵn sàng thuê bọn xã hội đen đàn áp nhân dân. Mà đến bây giờ, đi đến tận đâu vẫn không có pháp luật nào bảo vệ. Họ mặc kệ chúng tôi, họ chả nghĩ gì đến chúng tôi cả.

Còn việc đền bù cho dân thì như thế nào ạ ?

Nếu nói đến đền bù, thì trước hết họ phải họp bàn với chúng tôi. Họ phải tạo được sự đồng thuận, biết được đâu là lợi ích của người dân, lợi ích của nhà doanh nghiệp và lợi ích của Nhà nước, phải ba cái đồng hành. Nhưng họ chỉ biết lợi ích của doanh nghiệp thôi, có cần gì lợi ích của nhân dân đâu ! Họ có cần gì họp bàn với chúng tôi đâu.

Cho đến bây giờ đi đến đâu chúng tôi cũng yêu cầu một điều rất đơn giản mà họ cũng không giải quyết. Đó là chúng tôi, những người nông dân cần phải có ruộng, những người cần ruộng phải nên để lại. Còn những người không cần ruộng thì họ ép, dùng các hình thức ép buộc, mua chuộc, dụ dỗ cho người ta bán.

Họ mua được rồi thì thôi, bây giờ dân chúng tôi chỉ mong muốn làm sao, thôi thì của chúng tôi còn lại thì dồn lại trả chúng tôi. Nhưng họ không muốn thế. Họ muốn cướp trắng trợn của chúng tôi cơ ! Cũng biết rằng là trứng chọi với đá đấy, nhưng mà chúng tôi sẵn sàng. Nếu mà hy sinh cho mảnh đất của mình thì cũng đáng làm chứ.

Ngày xưa thì Nhà nước đứng lên lấy đất của người giầu chia cho người nghèo để người ta có đất sinh sống. Thì hiện giờ họ lại tạo nên những địa chủ giầu sang, thu đất của người nghèo để cho cái bọn giầu có như thế. Thế thì liệu có còn công lý không, có còn pháp luật không ?

Người dân có tính đến các phương án đối phó khác nhau không, và các tình huống như trong trường hợp bị phá sóng điện thoại không liên lạc được chẳng hạn?

Chúng tôi thực sự là cũng vẫn phải tính. Tất nhiên là người ta có vũ khí hiện đại thì mình cũng sẽ có những vũ khí thô sơ. Thôi thì cuốc xẻng giáo mác, như là lời cụ Hồ ngày xưa ấy : « Ai có súng thì dùng súng, ai có gươm dùng gươm ». Không có súng gươm thì gậy gộc, giáo mác, chúng tôi cứ đoàn kết thì kiểu gì chúng tôi cũng phải đánh thắng, kể cả trận này đổ máu chúng tôi cũng chơi.

Hiện giờ chúng tôi đương bán lưng cho đất, bán mặt cho trời. Tôi đương nằm, nói chuyện với chị thì tôi vẫn đếm được những vì sao trên trời, mà lưng tôi ở dưới đất thế này, ở chính cái chỗ mảnh đất trang trại của nhà chúng tôi nó ủi, nó phá. Tôi đương nằm đây, giải một cái manh chiếu và nhìn lên trời. Làm gì có bạt, có gì khác ở giữa cánh đồng mênh mông như thế này.

Nếu mà nó dùng hình thức phá sóng, thì chúng tôi sẽ cử lực lượng thanh niên khỏe mạnh, 100% có xe gắn máy, sẽ chạy về thông tin.

Chúng tôi hiện có ba cái lều, làm bằng ba cái bạt. Mỗi cái bạt chúng tôi treo một cái kẻng và một lá cờ đỏ sao vàng. Ba cái lều này là của ba xã Phụng Công, Xuân Quan và Cửu Cao. Chúng tôi kiên quyết ba xã muôn người như một, quyết tâm giữ đất !

Xin cám ơn chị rất nhiều.
 

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.