Vào nội dung chính
HOA KỲ - VIỆT NAM

Obama kêu gọi rút « bài học » Việt Nam nhân ngày Chiến sĩ trận vong

Sau 50 năm tính từ ngày Hoa Kỳ dấn thân vào cuộc chiến tại Việt Nam, Tổng thống Barack Obama vinh danh những người lính đã tham gia vào cuộc chiến và nhấn mạnh rằng, khi gửi quân chiến đấu ở nước ngoài, chính phủ phải định nghĩa rõ mục tiêu và nhiệm vụ. Người lính chiến phải được yểm trợ đầy đủ và không bị hắt hủi khi trở về với sứ mệnh bất thành.

Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama và phu nhân, cùng với Bộ trưởng Quốc phòng Leon Panetta, Quốc vụ khanh phụ trách cựu chiến binh Eric Shiseko tại Đài tưởng niệm những người lính hy sinh trong chiến tranh Việt Nam, 28/05/2012
Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama và phu nhân, cùng với Bộ trưởng Quốc phòng Leon Panetta, Quốc vụ khanh phụ trách cựu chiến binh Eric Shiseko tại Đài tưởng niệm những người lính hy sinh trong chiến tranh Việt Nam, 28/05/2012 REUTERS/Jonathan Ernst
Quảng cáo

Hôm qua, nhân ngày Chiến sĩ trận vong 28/05/2012 được tổ chức trọng thể tại Washington, trước tượng đài ghi tên 58 000 quân nhân Mỹ hy sinh trong chiến tranh Việt Nam, Tổng thống Barack Obama khẳng định: « Cuộc chiến tranh này là một trang sử đau buồn nhất của Hoa Kỳ ».

Trong ngày đất nước Mỹ ghi ơn binh sĩ trận vong của mình, Tổng thống Hoa Kỳ không trực tiếp nhắc lại những nguyên nhân làm cho giới lãnh đạo thời thập niên 1960 đã gửi quân sang Việt Nam. Nhưng trước mặt các cựu chiến binh, ông phê phán thái độ của nước Mỹ đón tiếp và đối xử tệ bạc với người lính từ Việt Nam trở về là một « điều sỉ nhục quốc gia ». Tổng thống Obama nhận định: « Quý vị thường xuyên bị chỉ trích vì tham gia vào một cuộc chiến không do quý vị phát động. Lẽ ra, quý vị phải được phải được tuyên dương vì đã phụng sự đất nước mình trong vinh dự ».

Tổng thống Mỹ cho rằng: « Điều sỉ nhục này lẽ ra không được xảy ra » và ông cam kết sẽ làm mọi cách « để không bao giờ tái diễn ».

Trong diễn văn, Tổng thống Obama nhắc lại là các « cố vấn » Hoa Kỳ đã có mặt tại Nam Việt Nam từ thập niên 1950, nhưng năm 1962 ghi dấu bước ngoặc leo thang chiến tranh, qua các cuộc hành quân chống lại du kích cộng sản. Chiến tranh này, theo lời Tổng thống Obama, đã trở thành tâm điểm của phong trào phản chiến tại Hoa Kỳ trong thập niên 1960, gây « chia rẽ » trong nội bộ nước Mỹ.

Theo AFP, từ những yếu tố này, Tổng thống Mỹ đưa ra nhận định là phải rút tỉa bài học Việt Nam, trong bối cảnh nước Mỹ vừa « kết thúc » chiến tranh Irak, và chuẩn bị « chấm dứt » cuộc chiến 10 năm tại Afghanistan. Ông nói: « Nhân ngày tưởng niệm này, phải nhắc lại những yếu tố đoàn kết người dân Mỹ, trong đó có việc vinh danh cựu chiến binh phục vụ tại Việt Nam và không quên bài học này. Ông Obama cam kết « một khi Hoa Kỳ gửi con dân của mình đối đầu với nguy hiểm, chúng ta phải giao cho họ một nhiệm vụ rõ ràng, một chiến lược chắc chắn, những phương tiện cần thiết để hoàn thành sứ mệnh ».

Những lời tuyên bố trên hoàn toàn phù hợp với nhận định của ông cách nay 10 năm. Năm 2002, trong bối cảnh Tổng thống George Bush chuẩn bị đưa quân sang đánh nhà độc tài Saddam Hussein của Irak, bài diễn văn sắc bén lên án « chiến tranh do xúc động nhất thời » đã đưa chính khách Obama từ bóng tối lên vũ đài chính trị nước Mỹ. Trong bối cảnh tranh cử nhiệm kỳ hai, Tổng thống Obama bày tỏ nguyện vọng, từ nay về sau, lãnh đạo Hoa Kỳ phải nói thật về những hiểm nguy và những tiến triển, cũng như phải có một chiến lược đem quân trở về trong danh dự.

Thừa kế từ chính quyền đảng Cộng hòa hai cuộc chiến tranh Irak và Afghanistan, Tổng thống Obama đã có thể tuyên bố với quốc dân và cử tri là « sau hai thập niên khói lửa, Hoa Kỳ có thể thấy ánh sáng mới từ chân trời ». Người lính Mỹ cuối cùng đã rời Irak từ tháng 12 năm 2011, và lực lượng tác chiến tại Afghanistan sẽ hồi hương vào cuối năm 2014.

Tổng tư lệnh tối cao của quân đội hùng mạnh nhất địa cầu cũng không quên gián tiếp nhắc nhở công luận thế giới, bản thân mình cũng là khôi nguyên Nobel Hòa bình 2009.

Tuy vinh danh công lao và sự hy sinh của chiến binh, ông mượn lời tuyên bố của người tiền nhiệm xa xưa, Franklin Roosevelt: « Chúng ta căm ghét chiến tranh » để kết thúc thông điệp ngày « vị quốc vong thân ».

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.