Vào nội dung chính
VIỆT NAM - TRUNG QUỐC - CHỦ QUYỀN

Biểu tình phản đối Trung Quốc tại Hà Nội diễn ra trong không khí ôn hòa

Sáng hôm nay 01/07/2012, ở Việt Nam tại Hà Nội và Sài Gòn, hàng trăm và có thể đến ngàn người, đã xuống đường tuần hành ôn hòa để bày tỏ thái độ trước các hành động lấn lướt của Trung Quốc diễn ra dồn dập tại khu vực Biển Đông trong thời gian gần đây. Bà Lê Hiền Đức, giải Liêm chính 2007, cho biết về diễn biến biểu tình ở Hà Nội và các suy nghĩ của bà.

Biểu tình phản đối Trung Quốc tại Hà Nội, sáng 01/07/2012, tại tượng đài Cảm Tử Quân, bên hồ Hoàn Kiếm.
Biểu tình phản đối Trung Quốc tại Hà Nội, sáng 01/07/2012, tại tượng đài Cảm Tử Quân, bên hồ Hoàn Kiếm. REUTERS/Stringer
Quảng cáo

Riêng tại Hà Nội, theo một số nhân chứng tại chỗ, đã có khoảng 500 người tham gia biểu tình, mặc dầu trời mưa to khiến nhiều người, từ các khu vực phụ cận thủ đô, dự định tham gia vào cuộc biểu tình, đã phải hủy chuyến đi vào giờ chót.

Từ Hà Nội, bà Lê Hiền Đức – người được Tổ chức Minh bạch Quốc tế (Transparency International) trao giải Liêm chính 2007 về công lao chống tham nhũng tại Việt Nam - cho RFI biết về diễn biến của cuộc biểu tình phản đối Trung Quốc tại Hà Nội, thái độ của các lực lượng giữ gìn trật tự và những suy nghĩ, cảm xúc của bà trước các động thái gây hấn của Trung Quốc.

08:27

Bà Lê Hiền Đức (Hà Nội)

RFI : Xin Bà cho thính giả biết về cuộc biểu tình tại Hà Nội sáng nay, mà Bà là một trong những người tham gia ?

Bà Lê Hiền Đức : Tôi là Lê Hiền Đức, công dân Việt Nam, đã 81 tuổi, nhưng vì tình hình nghiêm trọng : Trung Quốc xâm lấn biển đảo của Việt Nam, cho nên sáng nay, tôi tham gia cuộc biểu tình. Tôi tuổi cao sức yếu, và cách đây một tháng tôi bị sở Thông tin Truyền thông (Hà Nội) « khủng bố » và hành hung tôi, khiến tôi bị một vết thương khá năng. Nhưng dầu sao hôm nay, với tình hình Trung Quốc xâm chiếm biển đảo Việt Nam, nên dù mưa tầm tã, tôi cùng bà con nhân dân Hà Nội và một số tỉnh lân cận, cũng xuống đường biểu tình phản đối hành động ngang ngược của Trung Quốc. Trung Quốc đã thành lập thành phố Nam Sa, nơi trước kia gọi là huyện Tam Sa, ôm trọn mấy đảo Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam.

Chúng tôi trước đây thường nói giặc đến cửa rồi, nhưng bây giờ không phải là đến cửa đâu, mà là nó vào hẳn trong nhà mình rồi, nên những người dân yêu nước chúng tôi không thể nào ngồi im để chúng nó có thể xâm lược Việt Nam một cách ngang nhiên như thế.

Cả cuộc đời tôi, tôi đã chiến đấu rất nhiều, tôi gặp rất nhiều sự kiện, nhưng chưa bao giờ tôi thấy tình hình đất nước nguy nan nghiêm trọng như hiện nay. Chúng tôi đã xuống đường biểu tình hôm nay để thể hiện lòng yêu nước của nhân dân Việt Nam chúng tôi, đồng thời để hoan nghênh Luật Biển mà Quốc hội vừa thông qua. Chúng tôi biểu tình cũng để Trung Quốc biết được tinh thần yêu nước của người Việt Nam, sẵn sàng hy sinh tất cả để bảo vệ độc lập cho dân tộc, bảo vệ chủ quyền đất nước Việt Nam thân yêu của chúng tôi.

RFI : Xin Bà cho biết các diễn biến cụ thể của cuộc biểu tình ?

Bà Lê Hiền Đức : Sáng nay, 8 giờ kém vài phút tôi đã có mặt ở vườn hoa trung tâm thành phố Hà Nội tại bờ hồ Hoàn Kiếm, gần tượng đài Lý Thái Tổ. Dù trời mưa rất to, nhưng dần dần những người chúng tôi theo thông báo đã có mặt đầy đủ, với số lượng khoảng trên 500 người.

Chúng tôi tập hợp tại đây, có khẩu hiệu, biểu ngữ, chụp hình với nhau và tuần hành trên đường phố Hà Nội, suốt từ vườn hoa Lý Thái Tổ đến ngã tư Trần Phú – Điện Biên, tới đó thì bị công an ngăn lại không cho tiếp tục đi nữa, bởi vì còn cách sứ quán Trung Quốc khoảng 400-500 mét. Nhân dân cũng có ý kiến, một số thanh niên vô cùng bức xúc : Tại sao lại ngăn cuộc biểu tình ôn hòa của chúng tôi ? Đường của chúng tôi cơ mà ?! Ngày xưa chúng tôi thường nói : « Đường ta ta cứ đi, nhà ta ta cứ xây, ruộng ta ta cứ cầy ». Trong những năm kháng chiến, chúng tôi đã hy sinh và đã giữ được đất nước như thế, nhưng bây giờ giữa thủ đô Hà Nội mà chúng tôi bị ngăn cấm không được đi đến sứ quán Trung Quốc để giương các khẩu hiệu tiếng Anh, tiếng Việt… để họ biết rằng người Việt Nam chúng tôi không hèn hạ đâu.

Chúng tôi khuyên bảo nhau, thế này là đạt được mục đích là, cho toàn thể nhân dân biết, là chúng tôi đã xuống đường biểu tình. Như vậy, chúng tôi bằng lòng quay trở lại, bởi vì chúng tôi không muốn gây sự với công an làm gì. Để giữ cho hòa bình, thì chúng tôi sẽ biểu tình nữa, tiếp tục biểu tình nữa, nếu như Trung Quốc không dừng lại việc xâm chiếm biển đảo của Việt Nam.

Bà Lê Hiền Đức ngồi trên xe lăn ở giữa đoàn biểu tình, Hà Nội, 01/07/2012
Bà Lê Hiền Đức ngồi trên xe lăn ở giữa đoàn biểu tình, Hà Nội, 01/07/2012 (Ảnh : Hoàng Đình Nam/AFP/Getty Images)

RFI : Xin Bà cho biết các nhận xét của Bà về thái độ của lực lượng an ninh, giữ trật tự sáng nay ?

Bà Lê Hiền Đức : Riêng về lực lượng cảnh sát giao thông, sau khi tôi góp ý, thì thấy các anh ấy nói năng nhẹ nhàng hơn, trong việc nhắc nhở người dân không để vướng lòng đường, cản trở giao thông. Tôi thấy lực lượng cảnh sát giao thông biết tiếp thu ý kiến nhân dân, và hoàn thành tốt nhiệm vụ, đúng như đề nghị của tôi đối với ông Bộ trưởng Bộ Công an và Sở công an Hà Nội, là chỉ giữ trật tự thôi, chứ không được đàn áp dân. Tôi khen ngợi và hoan nghênh lực lượng cảnh sát giao thông, để họ phát huy.

Còn lực lượng cảnh sát « áo xanh », thì một vài người có thái độ thiếu lịch sự, xấc xược, hung hăng, nhưng mà may, các thanh niên đi biểu tình cũng kìm hãm được, cho nên không có gì đụng độ như năm ngoái, không có chuyện đạp vào mặt người yêu nước, không có chuyện vác người yêu nước lên vai, trông như con lợn (như trong một số cuộc biểu tình mùa hè năm ngoái). Rất mừng là sáng hôm nay không có những hiện tượng nào đáng tiếc xảy ra cả. Chúng tôi cảm thấy, cuộc biểu tình hôm nay thành công.

RFI : Xin hỏi bà một câu cuối : Bà đánh giá như thế nào về động thái của Trung Quốc, thái độ phản ứng của chính quyền Việt Nam, và dự kiến về tương lai của những cuộc biểu tình như thế này ?

Bà Lê Hiền Đức : Về cá nhân tôi, thứ nhất là tôi già rồi, trình độ tôi kém, nên tôi không biết phân tích nhiều. Nhưng tôi chỉ biết rằng, thứ nhất Hoàng Sa và Trường Sa là của Việt Nam, những người dân chúng tôi, ngư dân, ra biển của mình để đánh cá, ao nhà mà bị bắt bớ, giam cầm, bắt tàu, bắt người, đòi tiền chuộc. Đấy là một hành động rất dã man và khiêu khích. Về Trung Quốc, mối nguy là rất nghiêm trọng. Còn về phía chính quyền, chúng tôi hoan nghênh Luật Biển mà nhà nước mới đưa ra. Vì hoan nghênh Luật Biển, nên chúng tôi mới đi biểu tình. Chúng tôi đi biểu tình có thể là một lần, hai lần. Nếu thái độ của Trung Quốc vẫn xấc xược, vẫn nhâng nháo và ngang nhiên, nếu Trung Quốc không dừng lại, không chặn lại, thì nhân dân vẫn tiếp tục phẫn nộ, và đi tiếp, không phải chỉ có một cuộc biểu tình đâu.

Hy vọng rằng, chính quyền sẽ thông cảm với tinh thần yêu nước của dân, đây chỉ là hy vọng thôi nhé, mà phải có biện pháp mạnh hơn, rắn hơn để chặn đứng bàn tay xâm lược của Trung Quốc.

RFI : Xin chân thành cảm ơn Bà Lê Hiền Đức.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.