Vào nội dung chính
Tạp chí tiêu điểm

Yếu tố “bài Trung Quốc” trong tranh cử Tổng thống Mỹ

Đăng ngày:

Trong các cuộc vận động tranh cử Tổng thống tại Hoa Kỳ từ cả chục năm nay, Trung Quốc thường xuyên bị chọn làm đối tượng công kích, bị nêu bật thành thủ phạm gây thiệt hại kinh tế lớn lao cho nước Mỹ. Cuộc đọ sức năm 2012 giữa Tổng thống Barack Obama đương nhiệm – thuộc đảng Dân chủ - với ứng cử viên đảng Cộng hòa Mitt Romney, cũng không ra ngoài thông lệ đó, với những lập luận ngày càng gay gắt.

Vật lưu niệm in hình Tổng thống Mỹ Barack Obama (trên) và ứng cử viên đảng Cộng hòa Mitt Romney bày bán tại Washington. Ảnh chụp ngày 25/07/2012.
Vật lưu niệm in hình Tổng thống Mỹ Barack Obama (trên) và ứng cử viên đảng Cộng hòa Mitt Romney bày bán tại Washington. Ảnh chụp ngày 25/07/2012. REUTERS/Jonathan Ernst
Quảng cáo

Một ví dụ điển hình là hôm 24/07/2012, trong một bài diễn văn về chính sách đối ngoại tại thành phố Reno, tiểu bang Nevada, trước khi lên đường qua Anh, Israel và Ba Lan để tôn tạo hình ảnh quốc tế của mình, ông Mitt Romney đã không ngần ngại chỉ trích chính sách bị gọi là “nhu nhược” của ông Obama đối với một số nước như Iran, Trung Quốc hay Nga.

Riêng về Trung Quốc, ông Romney không ngần ngại coi Bắc Kinh là mối đe dọa với nước Mỹ, gây thiệt hại lớn lao cho Hoa Kỳ. Ứng cử viên đảng Cộng hòa đã nhắc lại các chỉ trich thường được nghe thấy về Trung Quốc : Vi phạm trắng trợn bằng sáng chế và quyền sở hữu trí tuệ; hạn chế không cho công ty Mỹ tiếp cận dễ dàng thị trường Trung Quốc; thao túng tỷ giá đồng nhân dân tệ.

Trong quá trình vận động tranh cử vừa qua, trong tư cách là người đang điều hành đất nước, ông Obama đã luôn luôn nhấn mạnh đến khía cạnh chính quyền ông đã rất nhiều lần đối đầu với Trung Quốc để bảo vệ quyền lợi của Mỹ. Phe Dân chủ cũng tố cáo ngược lại đối thủ Romney là thủ phạm nhiều vụ di dời cơ sở sản xuất từ Mỹ ra ngoại quốc, trong đó có Trung Quốc, làm cho người Mỹ bị mất việc.

Theo như nhận định định của giới quan sát, “bài Trung Quốc” luôn luôn là một đề tài tranh cử ăn khách tại Mỹ cho dù đấy chỉ là một chủ đề nhỏ so với vấn đề mang tính chất quyết định là kinh tế.

Trung Quốc thay chỗ Liên Xô làm đối tượng bị đả kích

Trả lời phỏng vấn của RFI, nhà báo Ngô Nhân Dụng, bình luận gia tờ Người Việt tại California Hoa Kỳ, công nhận là nếu trước đây, chủ đề bài Liên Xô thường xuyên được các ứng cử viên tổng thống Mỹ ưa chuộng, thì trong thời gian gần đây, trọng tâm đả kích chuyển hướng qua Trung Quốc.

16:11

Ngô Nhân Dụng, nhà bình luận báo Người Việt tại California (Hoa Kỳ)

Trọng Nghĩa

Tuy nhiên, nếu trong cuộc vận động tranh cử, các ứng viên đều thể hiện lập trường cứng rắn đối với Bắc Kinh, thậm chí hứa là sẽ có biện pháp mạnh mẽ ngay sau khi đắc cử, thì khi trở thành tổng thống, họ đều mềm mỏng trở lại với Trung Quốc vì thực tế bắt buộc.

Phân tích về quan điểm đối với Trung Quốc đã được hai ứng cử viên Obama và Romney nêu ra trong thời gian gần đây, nhà bình luận tờ Người Việt ghi nhận là ông Romney có phần cứng rắn hơn.

Lợi thế của Obama : Đã tỏ rõ quan điểm cứng rắn qua chính sách "trở lại" châu Á

Tuy thế, trên vấn đề chính sách đối với Trung Quốc, đương kim tổng thống Obama có một lợi thế là đã thể hiện được quan điểm cứng rắn hơn người tiền nhiệm với chính sách quay trở lại Châu Á và Đông Nam Á, được ông thúc đẩy trong nhiệm kỳ sắp mãn.

“Đặc biệt về vấn đề vai trò của Trung Quốc ở cuộc bầu cử năm nay, chính quyền Obama có cái lợi là trong mấy năm vừa qua đã rất cứng rắn với Trung Quốc về mặt ngoại giao, nhất là trên vấn đề Biển Đông.

Trước đó, chính quyền Bush chú trọng đến Trung Đông nhiều hơn, không quan tâm đến Á Đông, và còn trông cậy nơi Trung Quốc để giúp Mỹ chống khủng bố…

Từ khi lên cầm quyền, ông Obama có một chính sách ngược lại, đối đầu với Trung Quốc về mặt ngoại giao, đặc biệt ở châu Á, trong vùng Biển Đông. Việc chính quyền Obama tuyên bố sẽ trở lại Thái Bình Dương, và sẽ ở lại đó…, tất cả những hành động đó khiến cho chính quyền Obama có thể nói là họ cứng rắn với Trung Quốc nhiều hơn là những người tiền nhiệm.

Thì đó là lá bài mà ông Obama có thể đưa ra để nói rằng ông rất cứng rắn với Trung Quốc.

Vào lúc tình hình Trung Quốc trở thành một trong những đề tài tranh cử và thu hút sự chú ý của dư luận Mỹ, nhà báo Ngô Nhân Dụng cho rằng Việt Nam cần phải nhân cơ hội này, nêu bật các hành vi lấn lướt của Trung Quốc nhắm vào Việt Nam tại Biển Đông, qua đó tranh thủ được sự ủng hộ của người Mỹ đối với Việt Nam trên vấn đề chủ quyền biển đảo.

“Tất nhiên là khi nào giữa Mỹ và Trung Quốc có căng thẳng, thì Việt Nam sẽ có lợi hơn. Vì Việt Nam phải chịu áp lực trực tiếp rất mạnh của Trung Quốc, cho nên lúc nào có thể được thì nên tìm cách giải tỏa bớt sức ép đó, bằng cách tìm kiếm sự thân thiện của chính quyền Mỹ.

Việt Nam cần tranh thủ cơ hội để tố cáo hành vi lấn lướt của Trung Quốc tại Biển Đông

Tôi nghĩ rằng trên phương diện ngoại giao, một nước nhỏ như Việt Nam không thể nào ảnh hưởng được lên cả một chính sách của một nước lớn như Mỹ trong vấn đề đối phó với một nước lớn khác như Trung Quốc. Nếu Hoa Kỳ đã có một chính sách nào đó đối với Trung Quốc, thì Việt Nam khó mà có thể làm cho Mỹ thay đổi.

Thực chất vấn đề là như vậy. Nhưng về phương diện dư luận, bất cứ lúc nào mà Việt Nam có thể làm cho dư luận chú ý đến tình trạng mình đang bị Trung Quốc áp bức, trên các đảo, trên việc bắt cóc ngư dân Việt Nam, hay là dọa đánh…, thì nên lợi dụng lúc tình hình chính trị ở bên Mỹ người ta chú ý đến vấn đề Trung Quốc và đang có khuynh hướng chiều ý dân mà chống Trung Quốc hơn.

Lúc này là lúc chính quyền Việt Nam nên lợi dụng để phô bày những cái khó khăn của mình vì áp lực của Trung Quốc, và những thái độ hung hăng của Trung Quốc bắt nạt các láng giềng như Việt Nam.

Đấy là việc mà Việt Nam nên làm, không phải là để thay đổi chính sách của nước Mỹ, nhưng mà để ít ra là ảnh hưởng được lên dư luận của nước Mỹ.

Một điểm khác nữa : Chính trong những lúc này mà Việt Nam nên có những cử chỉ - bề ngoài cũng được – để chứng tỏ rằng mình sẵn sàng thân thiện với chính quyền Mỹ, để cho Trung Quốc thấy rằng Việt Nam không phải lúc nào cũng sợ sệt, cũng tùy thuộc vào Trung Quốc.

Đấy là những điều mà chính quyền Việt Nam có thể làm được."

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Xem các tập khác
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.