Vào nội dung chính
VIỆT NAM

Khả năng Việt Nam phải nhờ đến sự trợ giúp của IMF

Trong một báo cáo công bố trên trang web của Uỷ ban Kinh tế Quốc hội Việt Nam ngày 05/09/2012, ủy ban này cho rằng Việt Nam có thể phải cần đến sự trợ giúp của Quỹ Tiền tệ Quốc tế IMF để tái cấu trúc hệ thống ngân hàng và phải nhanh chóng giải quyết nợ xấu, nợ quá hạn, nếu không kinh tế Việt Nam có nguy cơ trì trệ lâu dài.

DR
Quảng cáo

Trong bản báo cào dày 298 trang, Uỷ ban Kinh tế Quốc hội đề nghị hai điều mà chính phủ cần làm ngay. Thứ nhất, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phải đưa ra các văn bản pháp lý rõ ràng về các hoạt động mua bán nợ, đặc biệt đối với các nhà đầu tư nước ngoài. Theo Uỷ ban, đây là một yêu cầu « rất quan trọng » để giải quyết nợ xấu, nợ quá hạn.

Thứ hai, Uỷ ban Kinh tế Quốc hội Việt Nam đề nghị chính phủ thành lập một quỹ tái cấu trúc hệ thống ngân hàng. Quỹ này có thể được hình thành từ nguồn vốn vay từ IMF hoặc các quỹ quốc tế khác mà Việt Nam tham gia. Ngoài ra, quỹ tái cấu trúc hệ thống ngân hàng có thể sử dụng tiền tiết kiệm từ chi tiêu chính phủ hoặc từ việc bán trái phiếu của chính phủ. Uỷ ban Kinh tế Quốc hội Việt Nam thẩm định rằng cần phải huy động thêm ít nhất 12 tỷ đôla vào việc giải quyết nợ xấu, nợ quá hạn trong hệ thống ngân hàng Việt Nam.

Theo nhận định của hãng tin Bloomberg News hôm nay, 06/09/2012, chính phủ của thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng hiện đang cố khôi phục sự tín nhiệm của Việt Nam sau vụ bắt giữ ông Nguyễn Đức Kiên, nhà tài phiệt sáng lập ngân hàng ACB, ngân hàng lớn thứ tư ở Việt Nam tính về giá trị, vào tháng trước.

Trước đó, công an cũng đã bắt giữ ông Lý Xuân Hải, tổng giám đốc ACB. Chỉ số thị trường chứng khoán của Việt Nam đã tuột dốc mạnh ngày 27/08/2012, vì người ta sợ rằng những vụ bắt giữ có thể là dấu hiệu cho thấy hệ thống tài chính Việt Nam thêm bất ổn định, trong khi Việt Nam hiện đã có mức nợ xấu cao nhất Đông Nam Á.

Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, tỷ lệ nợ xấu của Việt Nam đã tăng từ 3,07% cuối năm 2011 lên 4,47% cuối tháng 5 vừa qua. Nhưng chính Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Văn Bình tháng 4 vừa qua nhìn nhận rằng tỷ lệ nợ xấu trên thực tế cao hơn con số chính thức, còn ngân hàng Mizuho thẩm định là có đến 20% nợ ở Việt Nam là nợ xấu.

Hãng tin Bloomberg News trích lời ông Peter Ryder, giám đốc điều hành công ty Indochina Capital ghi nhận : « Việt Nam nay đã đến mức cần phải tìm phương cách tái cấp vốn cho các ngân hàng và tái cấu trúc toàn diện hệ thống ngân hàng ». Tuy nhiên, ông Peter Ryder nghĩ rằng, Việt Nam nhờ IMF trợ giúp ngay mà không tính đến những giải pháp khác thì quả là điều rất đáng ngạc nhiên, vì người Việt Nam vẫn có truyền thống bảo vệ độc lập.

Theo Bloomberg News, bên cạnh việc giải quyết nợ xấu, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã từng tuyên bố sẵn sàng thúc đẩy việc sát nhập những ngân hàng yếu kém với nhau. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng đã ra lệnh cho các lãnh đạo ngành tiền tệ giải quyết tình trạng thiếu vốn vay, khiến hàng hàng ngàn công ty đã phải phá sản.

Nhưng như nhận định của Uỷ ban Kinh tế trong báo cáo nói trên, nguyên nhân sâu xa của những bất ổn hiện nay là do mô hình tăng trưởng của Việt Nam vẫn dựa quá nhiều vào vốn đầu tư, đặc biệt là đầu tư công và khu vực doanh nghiệp Nhà nước, khu vực hoạt động rất kém hiệu quả, nhưng vẫn được giao cho « vai trò chỉ đạo » nền kinh tế Việt Nam.
 

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.