Vào nội dung chính
Tạp chí khoa học

Động vật hoang dã tiếp tục bị tận diệt ở Việt Nam

Đăng ngày:

Cá sấu xiêm, tức là cá sấu nước ngọt, là một trong những loài động vật hoang dã quý hiếm ở Vìệt Nam. Vào năm 2005, Viện Sinh học nhiệt đới (tiền thân của Viện Sinh thái học miền Nam) đã phát hiện tại bầu Hà Lầm, xã Ea Lâm, huyện Sông Hinh (Phú Yên), có ít nhất hai cá thể cá sấu xiêm.

Ngà voi buôn lậu bị tịch thu tại Hồng Kông. Ảnh chụp ngày 20/10/2012.
Ngà voi buôn lậu bị tịch thu tại Hồng Kông. Ảnh chụp ngày 20/10/2012. Reuters
Quảng cáo

Đây được coi là nơi duy nhất ở VN còn sót lại loài cá sấu nước ngọt hoang dã đang có nguy cơ tuyệt chủng trên thế giới này và được Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên thế giới (IUCN) xếp vào mức độ cực kỳ nguy cấp. Ngay từ lúc đó, Viện Sinh học nhiệt đới đã triển khai các hoạt động nghiên cứu, bảo vệ. Nhưng công việc này bị ngừng lại khi hồ thủy điện Sông Ba Hạ bắt đầu tích nước.

Vào cuối tháng 9 vừa qua, một người dân khi đang câu cá tại hồ Ea Lâm 1, huyện Sông Hinh (Phú Yên) đã phát hiện một con cá sấu xiêm đã chết nổi lên. Con cá sấu này dài hơn 3,2 mét, nặng hơn 150 kg, đã trên 100 tuổi. Qua quan sát sơ bộ, dường như con cá sấu này đã bị siết cổ chết, nhưng cũng có thể là nó chết vì nguyên nhân khác liên quan đến việc xây thủy điện. Các cơ quan chức năng vẫn điều tra về vụ này.

Theo báo chí trong nước, tiến sĩ Vũ Ngọc Long, Viện trưởng Viện Sinh thái học miền Nam, đã tuyên bố là ông sẽ đề nghị các tổ chức nghiên cứu, bảo tồn thiên nhiên, động vật hoang dã thế giới hỗ trợ, tham gia khảo sát lại khu vực thượng nguồn sông Hinh để xác định còn cá thể cá sấu xiêm nào nữa hay không và nếu có, thì triển khai các dự án bảo tồn. Nhưng rất có thể con vừa chết là con cá sấu nước ngọt hoang dã cuối cùng của Việt Nam.

Không chỉ trong thiên nhiên mà ngay tại các vườn quốc gia, động vật hoang dã cũng không sống yên thân. Ví dụ như ngày 25/08 vừa qua, người dân địa phương phát hiện hai con voi rừng, một con đực và một con cái, bị chết tại Vườn quốc gia Yok Đôn. Ngà bên phải của voi đực đã bị cắt mất. Nhưng điều tra thù phạm vụ sát hại động vật hoang dã này không phải đơn giản, bởi vì voi bị bắn ở vùng sâu, sát biên giới và xác voi được phát hiện sau 10 ngày bị bắn.

Đó là hai trong số rất nhiều trường hợp động vật hoang dã tiếp tục bị tận diệt ở Việt Nam. Tại Việt Nam, con tê giác cuối cùng đã tuyệt chủng theo công bố của Tổ chức bảo vệ động vật hoang dã thế giới ( WWF ) năm 2010. Việt Nam hiện cũng chỉ còn dưới 50 con hổ hoang dã hiện đang phân bố rải rác ở một số vườn quốc gia và khu bảo tồn, chủ yếu ở biên giới các tỉnh miền Trung. Số lượng voi cũng ngày càng giảm khiến các chuyên gia cảnh báo trong 10 năm nữa voi Việt Nam cũng sẽ tuyệt chủng, nếu không có biện pháp bảo tồn.

Vào tháng 7 vừa qua, WWF đã thông qua một báo cáo về tình hình bảo vệ động vật hoang dã trên thế giới. Theo báo cáo này, Việt Nam nằm trong danh sách những quốc gia bảo vệ động vật hoang dã kém nhất thế giới và phải nhận hai « thẻ đỏ » đối với hai loài tê giác và hỗ. WWF cũng đánh giá hệ thống pháp luật và thực thi pháp luật của Việt Nam là « không đáng tin cậy ». Tổ chức này còn xếp Việt Nam là quốc gia yếu kém nhất trong bảng đánh giá năng lực kiểm soát hoạt động buôn bán động vật hoang dã.

Việt Nam lúc đó đã phản bác báo cáo nói trên của WWF, cho rằng báo cáo này là « thiếu tính toàn diện và khách quan ». Nhưng thực tế cho thấy rõ ràng nạn săn bắt, giết hại, buôn bán động vật hoang dã ở Việt Nam không những không được ngăn chận, mà còn tiếp tục diễn ra phổ biến.

Thậm chí, ngay cả các quân nhân, thay vì tham gia phòng chống, lại trực tiếp nhúng tay vào. Như vụ xảy ra vào tháng 7 năm nay, ba người lính thuộc Đoàn công binh 7 Binh đoàn Tây Nguyên đã mua 2 con voọc chà vá từ người dân địa phương và thuê họ làm thịt, mặc dù voọc chà vá đã được Sách đỏ Việt Nam xếp vào loạt nguy cấp, có nguy cơ tuyệt chủng, như hỗ và gấu. Trước khi làm thịt, ba người linh này còn hành hạ con vật ( bắt hút thuốc ) rồi tung ảnh lên mạng, gây phản ứng phẫn nộ khắp nơi.

Tờ Tuổi Trẻ đầu tháng 11 vừa qua đã đăng tải một loạt bài phóng sự về việc tận diệt và buôn bán thú rừng. Theo tờ báo này, « thú rừng đang bị tàn sát ở nhiều tỉnh thành, là đặc sản trên bàn nhậu trong nhà hàng, quán ăn. Điều đáng nói, nhiều loài thú quý hiếm được buôn bán công khai và ngang nhiên tồn tại trong một thời gian dài. »

Những bài phóng sự của Tuổi Trẻ nói về những lò buôn bán động vật hoang dã ở nhiều nơi như Sài Gòn, Đắk Lắk, Bình Phưóc,.. . Không biết trong thời gian qua, chính quyền địa phương ở nơi đó làm việc như thế nào, nhưng chỉ đến khi Tuổi Trẻ đăng các phóng sự nói trên, họ mới vội vã đi kiểm tra, xác minh các điểm buôn bán động vật hoang dã!

Trả lời phỏng vấn RFI Việt ngữ vào tháng 7 vừa qua, giáo sư Đặng Huy Huỳnh, Chủ tịch Hội động vật học, cho biết là mặc dù Việt Nam đã có nhiều luật bảo vệ động vật hoang dã, nhưng tình trạng suy giảm các loài hoang dã này là « nguy cấp », ví dụ như đối với loài hỗ.

Về tê giác, thì như đã nói ở trên, tổ chức WWF cho là tê giác đã tuyệt chủng ở Việt Nam do nạn săn bắn, đặc biệt bởi vì nhiều người vẫn nghĩ rằng sừng tê giác chữa được bách bệnh và giá bán của sừng tê giác rất mắc. Thế nhưng giáo sư Đặng Huy Huỳnh vẫn hy vọng là còn sót lại vài con tê giác ở Việt Nam.

Giáo sư Đặng Huy Huỳnh cũng nhân dịp này nói rõ là sừng tê giác hay những bộ phận khác của những loài động vật hoang dã không phải là những liều thuốc bách bệnh như người ta nghĩ.

Ngoài việc săn bắn, buôn bán, giáo sư Đặng Huy Huỳnh cho rằng nguyên nhân khiến nhiều động vật hoang dã bị tuyệt chủng hoặc có nguy cơ tuyệt chủng còn là do môi trường trường sống của chúng ngày càng bị thu hẹp.

Theo giáo sư Đặng Huy Huỳnh, một trong những hướng bảo tồn động vật hoang dã ở Việt Nam, đó là hỗ trợ việc nuôi một số động vật hoang dã trong các gia đình hoặc tại các vườn quốc gia, nói chung là khuyến khích người dân tham gia vào việc này.
 

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Xem các tập khác
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.