Vào nội dung chính
VIỆT NAM - MÔI TRƯỜNG

Việt Nam không còn chống dự án đập Xayaburi của Lào

Hôm qua, 08/11/2012, sau một năm rưỡi đình hoãn, Lào xác nhận đã khởi công xây dựng đập Xayaburi trên sông Mêkông, một công trình đã gây rất nhiều tranh cãi, do mối quan ngại về những tác hại của đập lên môi trường và sự đa dạng sinh thái của vùng Mêkông.

Trang bìa dự án công trình thủy điện Xayaburi do nhà thầu thực hiện.
Trang bìa dự án công trình thủy điện Xayaburi do nhà thầu thực hiện. DR
Quảng cáo

Thứ trưởng Năng lượng Lào Viraphonh Viravong cho hãng tin AFP biết là trong lễ khởi công đập thủy điện Xayaburi hôm thứ Tư có sự tham dự của hai đại sứ Việt Nam và Cam Bốt.

Sau khi phản đối quyết liệt việc Lào xây đập Xayabrui, Việt Nam dường như không còn chống dự án này nữa. Trong cuộc họp báo thường kỳ tại Hà Nội hôm qua, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Việt Nam Lương Thanh Nghị đã tuyên bố là chính phủ Lào quyết định khởi công xây dựng thủy điện Xayaburi « sau khi đã điều chỉnh thiết kế của công trình để giảm thiểu tác động đối với hạ du và trong quá trình xây dựng, nếu phát hiện công trình gây tác hại lớn sẽ dừng ngay dự án ». 

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Việt Nam không phản đối việc Viên Chăn khởi công dự án này, mà chỉ nói là Việt Nam hy vọng rằng Lào « sẽ tiếp tục tiến hành nghiên cứu tác động môi trường và hoàn thiện thiết kế của đập Xayaburi ». 

Thủ tướng Cam Bốt Hun Sen cũng đã đồng ý « trên nguyên tắc » việc xây đập Xayaburi, sau khi hội đàm với Chủ tịch Lào Choummaly Sayasone. 

Tháng 5 năm ngoái, Ủy hội sông Mêkông ( bao gồm bốn nước Việt Nam, Lào, Cam Bốt, Thái Lan ) đã đình chỉ dự án Xayaburi, do tập đoàn Thái Lan Ch Karnchang thực hiện với chi phí tổng cộng 3,8 tỷ đôla. Sau đó, chính phủ Viên Chăn khẳng định đã sửa đổi thiết kế dự án để đáp ứng những mối quan ngại của hai nước vùng hạ lưu Mêkông là Việt Nam và Cam Bốt.

Theo các nhà bảo vệ môi trường, đập thủy điện Xayaburi với công suất 1.260 megawatt, sẽ gây tác hại rất nặng nề đối với 60 triệu dân vẫn sống nhờ vào con sông Mêkông về mặt vận chuyển, lương thực và kinh tế.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.