Vào nội dung chính
Tạp chí xã hội

Luật nhập cư Ba Lan : một dự thảo gây tranh luận

Đăng ngày:

Cuối tháng 10/2012 vừa qua, tại Ba Lan có một sự kiện đáng chú ý đối với những người nhập cư nước ngoài, trong đó có những người nhập cư đến từ Việt Nam, đó là dự thảo luật nhập cư mới đã gần hoàn tất và chuẩn bị được trình ra trước Quốc hội Ba Lan vào đầu năm tới 2013. Dự thảo luật nhập cư Ba Lan cùng lúc nhận được nhiều tiếng nói khen ngợi và chỉ trích.

Ba Lan gia nhập Schengen - Hiệp ước tự do đi lại giữa các nước Châu Âu - từ năm 2007
Ba Lan gia nhập Schengen - Hiệp ước tự do đi lại giữa các nước Châu Âu - từ năm 2007
Quảng cáo

Theo một số người am hiểu về hồ sơ này, được soạn thảo từ năm 2010, dự luật nhập cư mới của Ba Lan sẽ cho phép Ba Lan hội nhập tốt hơn vào các nguyên tắc pháp lý của Liên Hiệp Châu Âu trong lĩnh vực này, đặc biệt trong việc ngăn cản các luồng di cư bất hợp pháp, nhất là nạn buôn người. Bộ luật tương lai cũng hứa hẹn một số thay đổi theo hướng đơn giản hóa các thủ tục và tạo một số điều kiện để bảo đảm các quyền của con cái người nhập cư hợp pháp, người lao động đáp ứng được các điều kiện theo quy định… Tuy nhiên, một số người hoạt động trong lĩnh vực bảo vệ nhân quyền cũng lo ngại rằng, luật nhập cư mới làm gia tăng các phân biệt đối xử với người nước ngoài, gây bất lợi cho chính xã hội Ba Lan.

Các khách mời của tạp chí Cộng đồng của RFI tuần này là các nhà báo Lê Hải và Ngô Văn Tưởng, ông Ngô Hoàng Minh – tổng thư ký Hội Văn hóa Xã hội người Việt (một tổ chức những người Ba Lan gốc Việt tại Ba Lan) - và bà Tôn Vân Anh, thành viên ban tư vấn của văn phòng phát ngôn về quyền công dân của chính phủ Ba Lan.

Một số điểm thuận lợi cho người nhập cư trong dự luật mới

Ông Ngô Hoàng Minh cho biết về một số điểm thuận lợi cụ thể đối với người nhập cư trong dự thảo mới, và tinh thần chính của bộ luật này.

Ông Ngô Hoàng Minh : Tất cả những sự thay đổi nói chung đều có lợi cho người nước ngoài. Nhưng về xu hướng, nhìn chung Ba Lan sẽ chấp hành các bộ luật chung của Liên minh Châu Âu và bộ luật về người nước ngoài sẽ được sửa đổi dần dần để giống với các bộ luật khác về người nước ngoài của các quốc gia thành viên khác của Liên minh Châu Âu.

08:18

Ông Ngô Hoàng Minh (Toàn bộ phỏng vấn)

Có mấy sự thay đổi chủ yếu như sau. Về công tác làm giấy phép lao động, thì hồi xưa phải sang phòng ngoại kiều làm các giấy phép cư trú dài dòng, mất thời gian và chi phí cho người nước ngoài. Bây giờ họ sẽ cho chế độ một cửa. Tức là vừa xin giấy phép lao động và được cấp thẻ cư trú luôn theo giấy phép lao động ấy.

Thay đổi thứ hai là về thẻ cư trú. Ở Ba Lan có ba loại thẻ. Thẻ ngắn hạn 1, 2 năm, thẻ lâu dài ở Châu Âu 5 năm và thẻ định cư là 10 năm. Thì hồi xưa, những cha mẹ có thẻ 5 năm hoặc 10 năm, thì con cái không được ăn theo, mà chỉ được được thẻ 1, 2 năm. Bây giờ họ sẽ thay đổi, nếu một bố hoặc một mẹ như vậy, thì đứa con cũng sẽ được định cư luôn theo bố hoặc mẹ.

Còn khoản thay đổi nữa là, chỉ cấp visa vào Ba Lan để làm một việc cụ thể ngắn hạn, và xu hướng chung là visa sẽ không được gia hạn. Nhưng có những trường hợp đặc biệt, ví dụ như khám bệnh, thì sẽ cho gia hạn visa.

Và đối với việc gia hạn visa hay thẻ cư trú, thì chỉ cần nộp trước một ngày. Hồi xưa phải nộp trước 45 ngày thì rất phiền toái. Nếu ai nộp chậm chỉ một vài ngày là người ta có quyền từ chối, như vậy phải ra nước ngoài chờ quyết định thì rất phiền toái. Bây giờ trước khi hết hạn 1 ngày, thì nộp đơn xin gia hạn, thì người ta sẽ không cấp visa chờ đợi nữa vào hộ chiếu. Và như vậy, thì mình có thể ngồi chờ hàng tháng.

Một thay đổi khác nữa là những người làm ngoại giao, chỉ cần có chứng nhận thì có thể ra vào Ba Lan mà không cần xin thẻ.

Người ta cũng khuyến khích những người hợp tác trong việc chống nạn buôn người, và sẽ cấp giấy tờ để cư trú lâu dài. Những người bị đưa sang Ba Lan bất hợp pháp thiệt thòi rất nhiều, phải trả một khoản tiền lớn tại Việt Nam, rồi sang đây bị ngược đãi, hoặc không có việc làm. Luật Ba Lan sẽ khuyến khích người ta khai báo. Người khai báo sẽ được cấp visa 3 tháng hoặc thẻ cư trú ngắn hạn trong thời gian hợp tác. Bây giờ người ta sẽ gia hạn cho chuyện này, vì biết rằng người Việt rất ngại chuyện khai báo. Trong thời gian chưa khai báo gì cả, chỉ cần có ý định hợp tác, để mình có thời gian suy nghĩ, và sẽ hợp lý hóa cư trú nếu như người đó có mong muốn.

Luật nhập cư nhìn chung sẽ ngày càng chặt chẽ hơn

RFI : Xin ông cho biết quá trình dự luật này từ đây đến khi được áp dụng ?

Ông Ngô Hoàng Minh : Dự luật này đã được soạn thảo từ hai năm nay. Dự thảo sẽ được trình Quốc hội và Quốc hội sẽ thảo luận và khoảng tháng 2, chính phủ sẽ phê duyệt. Tháng 5 sẽ đưa lên công báo và khoảng ba tháng sau thì sẽ có hiệu lực.

RFI : Từ đây đến khi trình ra Quốc hội, dự thảo này còn có những sửa đổi quan trọng không ?

Ông Ngô Hoàng Minh : Nói chung, những bộ luật trước không có những thay đổi nhiều. Không hy vọng rằng bộ luật này sẽ có nhiều dễ dãi hơn. Luật nhập cư, theo tôi hiểu, sẽ ngày càng chặt chẽ hơn, chỉ có điều người ta tạo điều kiện cho quyền con người của mình cao hơn thôi, chứ không bị thủ tục hành chính rườm rà của Ba Lan cản trở quyền cư trú của mình. Nếu mình có những gì phi pháp thì họ sẽ không giúp đỡ nữa.

Thí dụ như, trước đây, người ta bắt giam nhiều người Việt Nam vào trong trại trong vòng một năm, và có nhiều  người Việt Nam khai tên tuổi không khớp và Việt Nam không nhận về. Phía Ba Lan không làm thế nào trục xuất được về Việt Nam, vì Việt Nam bảo không phải công dân của mình. Luật của Ba Lan chỉ cùng lắm bắt giam một năm vì tội không có giấy tờ, nên những người này tận dụng được tình trạng này để được cấp thẻ khoan hồng (chứ không phải thẻ tỵ nạn). Nhưng bây giờ người ta không giúp như thế nữa. Và phải đợi 10 năm sau mới được xin thẻ định cư, và trong thời gian này không được đi đâu ra khỏi Ba Lan.

Luật sẽ ngày càng chặt, người ta đã tạo điều kiện cho người Việt Nam 3 lần : 2003, 2008 và 2011-2012. Đã có những đợt khoan hồng cho hầu hết những người Việt Nam cư trú (bất hợp pháp) lâu năm. Những ai đã đứt thẻ bây giờ, thì khó có cơ hội xin thẻ mới. Cứ phải làm theo đúng luật thôi. Người ta sẽ xét quá trình xin thẻ, gọi là “theo từng chữ một”. Tức là sẽ mở luật ra mà xem… nếu đúng thì cấp, còn nếu không đủ điều kiện thì người ta không còn nghĩ ra cái gì để giúp mình nữa.

Nghĩa vụ của quốc gia có biên giới chung với nhiều nước ngoài Liên hiệp Châu Âu

Tại sao bộ luật nhập cư mới trở nên chặt chẽ hơn với người nhập cư ? Sau đây là giải thích của nhà báo Ngô Văn Tưởng. Bên cạnh đó, ông Ngô Văn Tưởng cũng cho biết một số lo ngại của ông về những phân biệt đối xử đối với người lao động nhập cư trong dự thảo luật mới.

Ông Ngô Văn Tưởng : Bộ luật mới về người nước ngoài đã được các cơ quan của chính phủ Ba Lan soạn thảo trong hai năm trở lại đây và bây giờ chính phủ đương nhiệm đã công bố kết thúc soạn thảo. Có thể nói là dự thảo đã rất sâu và cụ thể, và nếu có sửa đổi, thì cũng không nhiều. Bộ luật này trong vòng nửa năm tới sẽ được thực hiện.

07:27

Nhà báo Ngô Văn Tưởng (Toàn bộ phỏng vấn)

Trước hết, bộ luật mới có nhiều cản trở đối với người nước ngoài. Chính quyền Ba Lan lấy lý do là bộ luật mới này phải phù hợp với các chỉ dẫn chung của Châu Âu về người nước ngoài trong Liên minh Châu Âu. Chúng ta cần nhớ rằng, Ba Lan có biên giới với các nước ngoài Liên minh Châu Âu, ngoài hệ thống Schengen, cho nên Ba Lan có những luật cụ thể chặt chẽ. Bởi vì, nếu người nước ngoài đã vào được Ba Lan, hợp thức hóa cư trú ở Ba Lan, thì cũng có nghĩa là đã vào được Châu Âu, đi lại tự do ở khối Schengen, ở Châu Âu. Chính vì thế, nên bộ luật này có nhiều điểm khó hơn trước rất nhiều, chẳng hạn như việc người nước ngoài phải lấy vân tay…

Ngoài ra, còn có nhiều điều khoản chặt chẽ khác, như việc cần phải xin giấy phép lao động với các điều khoản nghiêm ngặt cho người nước ngoài ở Ba Lan. Ngay cả việc điền đơn cũng rất phức tạp. Hơn nữa, việc người nước ngoài mất việc, hay phải xin việc làm ở một chủ mới, cũng rất ảnh hưởng đến giấy tờ cư trú của người đó. Trong trường hợp người nước ngoài phải xin việc cùng một lúc ở nhiều chủ, thì có thể không được tiếp tục gia hạn giấy tờ cư trú của mình. Những điều này khiến cho việc tạm cư của người nước ngoài ở Ba Lan trở nên khó khăn hơn rất nhiều.

Những khó khăn của Ba Lan trong vấn đề người nhập cư

Bà Tôn Vân Anh - thành viên ban tư vấn của người phát ngôn về quyền công dân của chính phủ Ba Lan - cho biết những khó khăn của Ba Lan trong việc tìm ra một chính sách thỏa đáng đối với vấn đề người nhập cư :

Bà Tôn Vân Anh : Ba Lan là đất nước mà vấn đề di cư là hoàn toàn mới mẻ. Hai mươi năm trước, khi Ba Lan còn ở trong chế độ cộng sản, thì Ba Lan là nước mà người ta phải bỏ nước ra đi. Di dân, kiều bào Ba Lan ở nước ngoài rất nhiều. Mới 20 năm trở lại đây Ba Lan mới trở thành nước hấp dẫn đối với người di cư, người tỵ nạn chính trị, trong đó có người Việt Nam.

14:02

Bà Tôn Vân Anh (Toàn bộ phỏng vấn)

Hiện nay, có một hiện tượng mới là khi Châu Âu mở cửa, rất đông thanh niên đi ra nước ngoài kiếm việc làm, cũng như tìm một tương lai khác. Vì thế, khi mà Ba Lan chưa kịp có một bộ luật mới về việc đón nhận người nước ngoài, thì đã phải gánh chịu một sự thiếu hụt về nhân lực ngay tại nước mình.

Khía cạnh thứ ba là, Ba Lan chịu áp lực nhất định từ Châu Âu, muốn Ba Lan cũng rập khuôn cách làm, một số bộ luật về người nước ngoài để ứng dụng tại Ba Lan.

Chúng tôi cho rằng, đây là một khó khăn đối với Ba Lan khi phải giữ cân bằng giữa ba vấn đề kể trên.

Các đòi hỏi về nhân quyền của Châu Âu và xu thế "xã hội công dân"

Dự thảo luật nhập cư mới của Ba Lan được nhiều người trong giới chuyên gia coi như là một thành công, như một kết hợp giữa các đòi hỏi nghiêm khắc của Liên hiệp Châu Âu trong việc ngăn chặn nhập cư bất hợp pháp và các tiêu chuẩn về nhân quyền, cũng như việc khuyến khích người nhập cư hội nhập tốt hơn vào xã hội Ba Lan. Sau đây là ý kiến của nhà báo Lê Hải :

Ông Lê Hải : Quá trình soạn thảo dự luật nhập cư này phải cám ơn các lãnh đạo hàng đầu của Ba Lan, nhất là ông tổng thống mới Bronislaw Komorowski và ông bộ trưởng nội vụ Jacek Cichocki. Bộ trưởng Jacek Cichocki là một chính khách rất trẻ, sinh năm 1971, tốt nghiệp khoa báo chí chính trị và triết học ở Đại học Warszawa, và nhiều năm kinh nghiệm trong các bộ ngành của chính phủ, đặc biệt là đã từng làm giám đốc một trung tâm nghiên cứu châu Á, cho nên rất nắm được vấn đề. Ông cũng là người hướng về các giá trị nhân quyền mới của Liên hiệp Châu Âu về nhân đạo và bảo đảm quyền cho di dân, thể hiện qua việc đăng cai tổ chức liên hoan phim đầu tiên chống tình trạng ngược đãi di dân, tổ chức ở Warszawa.

06:06

Nhà báo Lê Hải (Toàn bộ phỏng vấn)

Tổng thống Bronislaw Komorowski, xuất thân từ một gia đình trí thức, bố mẹ ông đều là hai vị giáo sư nổi tiếng ở Ba Lan, còn bản thân ông cùng vợ rất tích cực ủng hộ hình ảnh của một xã hội Ba Lan chấp nhận nhiều màu sắc chủng tộc của dân nhập cư.

Chứ thực ra vấn đề nhập cư không phải được xã hội Ba Lan quan tâm. Người Ba Lan phải lo rất nhiều thứ, cụ thể là vấn đề ngân sách, thất nghiệp… Vấn đề người nước ngoài là một gánh nặng hơn là một hướng để mở ra.

Ở đây có áp lực của Liên Hiệp Châu Âu, đặc biệt là các nước giàu hơn như Anh, Pháp, Đức và một số nước Bắc Âu, thông qua Bruxelles, khiến Ba Lan buộc phải đi theo hướng sửa đổi luật, làm sao cho nhân đạo hơn, phù hợp hơn với các giá trị nhân quyền của Châu Âu, mà Ba Lan là một nước thành viên.

Chịu một sức ép như vậy, và có một thế hệ lãnh đạo mới, trẻ và hiểu vấn đề nên Ba Lan nhanh chóng sửa luật. Ngoài ra, xã hội Ba Lan có điểm tốt là, người ta đang du nhập cái xu hướng gọi là « xã hội công dân ». Thì ở bên Châu Âu, có rất nhiều quỹ để tài trợ cho người nước ngoài hội nhập và các tổ chức phi chính phủ chuyên về « xã hội công dân » là luôn luôn có mặt, luôn luôn có nguồn tiền để tổ chức các hội thảo. Cái dự luật này năm sau mới thông qua. Khi bộ trưởng Nội vụ và các ban ngành tổ chức một cuộc họp để « dứt điểm » bộ luật này vào giữa tháng 10, thì ngay lập tức các tổ chức phi chính phủ cũng tổ chức một cuộc họp để các giới chức chính phủ trình bày về dự luật này để lấy ý kiến của công chúng và các nhà hoạt động xã hội.

Dự thảo luật mới chưa có đột phá, mà vẫn dập khuôn những cách làm "hà khắc"

Sau đây là một số quan ngại của bà Tôn Vân Anh về dự thảo luật nhập cư mới :

Bà Tôn Vân Anh : Bộ luật mà chúng ta đang bàn tới đã được soạn thảo từ nhiều năm nay, và chưa thực sự theo được những gì mà chúng tôi nhận xét, cùng với các tổ chức bảo vệ quyền lợi cho người nước ngoài. Chúng tôi vẫn cho rằng, bộ luật này vẫn chưa có gì là đột phá, mà vẫn tiếp tục dập khuôn những gì hà khắc đối với người nước ngoài. Ví dụ vẫn chưa mở ra khả năng nào cho những người di cư bấp hợp pháp sang Ba Lan, có quyền cư trú hợp pháp, sau một thời gian nhất định. Đó là điều mà Ba Lan vẫn còn rất bối rối, chưa biết phải xử lý ra sao với dân nhập cư bất hợp pháp. Chúng ta biết rằng, Ba Lan là nước đầu tiên của Châu Âu về phía đông, nên sẽ có rất nhiều người di dân sẽ đổ vào Châu Âu qua Ba Lan trong những năm vừa qua và sắp tới.

Một điểm nữa chúng tôi không cảm thấy yên tâm là cơ quan liên quan đến người di cư vẫn là thuộc bộ Nội vụ. Theo chúng tôi, một khi bộ Nội vụ vẫn còn phụ trách người nước ngoài, thì thái độ có lẽ khó thay đổi. Theo chúng tôi, nếu vấn đề người nước ngoài được bộ Lao động và Xã hội quan tâm và thực hiện, thì sẽ hợp lý hơn, vì đây là vấn đề liên quan nhiều hơn đến chính sách, đến xã hội và việc phân phối người di cư, chứ không chỉ có liên quan đến vấn đề an ninh nội bộ mà thôi.

Có điều chúng tôi rất lo ngại là, các dự luật thường được công bố rất rộng rãi, và trong một thời gian dài, ít nhất là một tháng, cho các tổ chức phi chính phủ. Tuy nhiên, đối với bộ luật đang soạn thảo này có khả năng không có đủ thời gian để các tổ chức phi chính phủ đọc và cho ý kiến. Cái bộ soạn thảo này vẫn chưa chính thức được coi là bản cuối cùng. Không chỉ chúng tôi, mà cả quỹ nhân quyền Helsinki và rất nhiều tổ chức khác cũng theo dõi vấn đề này. Cho đến nay, tổ chức của chúng tôi, quỹ Helsinki… chưa nhận được thư hỏi ý kiến chính thức từ bộ Nội vụ Ba Lan về vấn đề này (...). 

Dự thảo luật về người nhập cư chưa chắc đã lên được Quốc hội trong khung hình như hiện nay. Hiện nay vẫn có nhiều tổ chức phi chính phủ đang ráo riết vận động để chuyển đổi một số vấn đề trong dự thảo, liên quan thứ nhất đến vấn đề người tỵ nạn, thứ hai rất là quan trọng là liên quan đến gia đình, cũng như là trẻ em của những người nhập cư, bất kể tình trạng giấy tờ cư trú của bố mẹ (....).

Chúng tôi muốn, trong việc hợp thức hóa cư trú cho người nước ngoài, phải có một chương trình liên quan đến việc hội nhập để người nhập cư thấy rằng, người ta gắn bó với Ba Lan không chỉ về vấn đề kinh tế. Một khiếm khuyết trong bộ luật này là bỏ lỏng những gì liên quan đến vấn đề hội nhập.

Xin chân thành cảm ơn các vị khách mời và quý thính độc giả đã quan tâm đến chương trình

Tin và bài liên quan

Ba Lan : Luật ân xá cho người nhập cư bất hợp pháp là con dao hai lưỡi

Ba Lan: Người nhập cư lậu xin hợp thức hóa đạt mức kỷ lục

Luật quốc tịch và định cư của Ba Lan, rào cản hội nhập cho cộng đồng người Việt

Ba Lan hợp thức hóa đại trà người nhập cư trái phép

Ba Lan điểm đến của nhập cư lậu và tội phạm trồng cần sa của người Việt

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Xem các tập khác
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.