Vào nội dung chính
VIỆT NAM - CHÍNH TRỊ

Quyền bất tín nhiệm lãnh đạo cao cấp nhất: Bước tiến nhỏ đáng ghi nhận

Hôm qua 21/11/2012, Quốc hội Việt Nam vừa thông qua một nghị quyết mở đường cho phép các nghị sĩ thực hiện quyền bỏ phiếu thể hiện thái độ bất tín nhiệm với khoảng 50 chức danh lãnh đạo cao nhất trong hệ thống chính trị. Sự kiện chưa từng thấy trong đời sống chính trị của chế độ độc đảng tại Việt Nam được công luận trong và ngoài nước chú ý. Từ Hà Nội, tiến sĩ Nguyễn Quang A nhận định.

Hoạt động của Quốc hội Việt Nam gần đây có một số sự kiện đáng chú ý, như việc dân biểu Dương Trung Quốc "khuyên" thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nên từ chức, trong phiên họp ngày 14/11/2012.
Hoạt động của Quốc hội Việt Nam gần đây có một số sự kiện đáng chú ý, như việc dân biểu Dương Trung Quốc "khuyên" thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nên từ chức, trong phiên họp ngày 14/11/2012. Nguồn ảnh : chính phủ Việt Nam
Quảng cáo

07:24

Tiến sĩ Nguyễn Quang A (Hà Nội)

RFI : Thưa ông, tại Việt Nam ngày hôm qua, có một sự kiện được báo chí trong nước và truyền thông nước ngoài ghi nhận : Quốc hội Việt Nam thông qua nghị quyết bỏ phiếu tín nhiệm đối với các chức vụ lãnh đạo cao cấp nhất. Ông có quan tâm đến việc này không ?

Ông Nguyễn Quang A : Tôi nghĩ rằng, việc bỏ phiếu tín nhiệm thường xuyên sẽ là một dấu hiệu tốt, ít ra là để tạo ra một áp lực buộc những người lãnh đạo được bầu sẽ phải cẩn trọng hơn trong việc làm của mình, và nó có thể giúp cho hoạt động của họ có hiệu quả hơn một chút.

Tuy nhiên, tôi nghĩ rằng, việc này nếu mà làm không khéo sẽ trở nên hình thức, hoặc là phản tác dụng.

RFI : Có nghĩa là như thế nào, xin ông nói rõ hơn ?

Ông Nguyễn Quang A : Thực sự lẽ ra phải tiến hành thường xuyên những việc, giống như điều diễn ra rất thông thường tại Quốc hội các nước khác, là điều trần trước các ủy ban của Quốc hội. Làm những việc điều trần như thế thì có nhiều thời gian hơn, đi sâu hơn vào những việc cụ thể, những việc của từng người (từng chức vụ lãnh đạo), và như thế thì chọn lọc hơn nhiều.

Còn nếu làm đại trà, nếu mà thông tin không được rộng rãi, không được chuẩn xác, không có những cuộc chất vấn, trao đổi, tranh luận một cách đầy đủ, thì nó rất dễ bị trở thành chuyện bỏ phiếu hình thức, và thậm chí có thể trở thành một công cụ để có thể loại bỏ nhau, theo một kiểu gì đó.

Tôi nghĩ rằng, bên cạnh điều hay như tôi nói lúc đầu, thì nó cũng có thể có những hậu quả ngược như thế, mà cần phải lưu ý.

RFI : Thưa ông, có một số đại biểu Quốc hội, trước khi nghị quyết này được thông qua, có nói đến vấn đề thể thức bỏ phiếu kín hay công khai. Ý kiến của ông về vấn đề này như thế nào ?

Ông Nguyễn Quang A : Tôi nghĩ rằng, mỗi một cách có cái hay của nó, và có cái dở của nó. Ví dụ như nếu bỏ phiếu kín không để lộ danh tính, thì người ta có thể mạnh dạn hơn. Còn bỏ phiếu mà lại ghi tên, thì người ta có thể e ngại, lúc đó có thể việc bỏ phiếu biến thành hình thức.

RFI : Từ đây sang đến kỳ họp đầu tiên của Quốc hội vào đầu năm tới, chỉ còn vài tháng nữa. Theo ông, Quốc hội Việt Nam có kịp có những thay đổi để cuộc bỏ phiếu tín nhiệm trở nên có tác dụng, chứ không bị rơi vào các khả năng xấu, như phản tác dụng hay chỉ là hình thức ?

Ông Nguyễn Quang A : Theo tôi biết, đến tháng 5/2013 mới là làm cuộc đầu tiên. Chúng ta phải đợi đến lúc đó, sau khi họ làm một cuộc ban đầu, thì mới có thể đánh giá được.

Còn từ nay đến khi đó, tôi nghĩ rằng báo giới và bản thân các đại biểu Quốc hội, thông qua các hoạt động của mình, không phải trong phiên họp, cũng có thể thảo luận để cho ra nhẽ để cho người ta hiểu kỹ hơn và nâng cao năng lực của họ. Thì cái phiên đầu tiên vào tháng 5/2012, có thể họ sẽ làm tốt hơn. Đánh giá ngay từ đầu là họ có khả năng hay không, thì tôi nghĩ là hơi sớm.

RFI : Theo quan sát của ông, các công dân, cử tri Việt Nam có nhìn nhận như thế nào đối với việc Quốc hội ra nghị quyết về việc bỏ phiếu tín nhiệm các lãnh đạo cao cấp ?

Ông Nguyễn Quang A : Tôi nghĩ rằng, người dân Việt Nam và công luận tỏ ra hoan nghênh việc này. Và tôi hiểu rằng, người ta hiểu điểm tốt của nó là chắc chắn nó sẽ tạo ra một áp lực để buộc các vị lãnh đạo ấy phải cẩn trọng hơn trong quyết định và trong hoạt động của mình. Còn những mặt (tiêu cực) có thể xảy ra, thì tôi nghĩ rằng chưa có nhiều người lưu ý đến những điểm đó.

Ít ra đây cũng là một thử nghiệm đầu tiên. Sau thử nghiệm, thì tìm ra điểm hay, điểm dở của nó, rồi cải thiện dần.

RFI : Sự kiện này được dư luận trong nước và ngoài nước đánh tích cực. Bên cạnh đó, có nhiều bình luận gia cho rằng, trong thể chế độc đảng mà đảng Cộng sản nắm quyền toàn bộ hiện nay ở Việt Nam, thì nếu không thay đổi thế chế chính trị, thì những thay đổi như vậy cũng không đi xa được hơn. Cụ thể là các đại biểu Quốc hội ở nhiều nơi không do người dân thực sự bầu ra với sự lựa chọn riêng của mình. Như vậy, không thể có những thay đổi thực chất. Xin ông cho ý kiến về vấn đề này ?

Ông Nguyễn Quang A : Tôi nghĩ rằng, ý kiến như thế là hoàn toàn có cơ sở. Trong trường hợp mà vẫn có độc đảng lãnh đạo và vẫn là « đảng cử dân bầu », thì Quốc hội cũng chỉ có chất lượng như thế thôi.

Tuy vậy, tôi nghĩ rằng, những cải tiến dẫu nhỏ, mà theo hướng tích cực, thì mình cũng nên ủng hộ. Tất nhiên, không có gì có thể thay thế mạnh bằng quyền của người dân, được « đuổi chính phủ », như là lời của cụ Hồ đã nói nhiều chục năm trước, trong trường hợp chính phủ không làm được việc. Và để làm được như thế, chỉ có, phải có cạnh tranh chính trị một cách lành mạnh, tức là ít ra phải có hai đảng cạnh tranh với nhau. Và nếu một đảng lãnh đạo, chính phủ không làm tốt, thì người dân bằng lá phiếu của mình hạ bệ họ đi, thì trong trường hợp như thế, thì thực sự mới là áp lực mạnh mẽ nhất, hiệu quả nhất.

Nhưng mà như tôi đã nói, thì trong hoàn cảnh cụ thể này, thì bước này cũng là bước cải thiện một chút và dẫu có nhỏ đi nữa, thì cũng là một bước đáng ghi nhận. Và từng những bước nho nhỏ như thế, nó sẽ đóng góp để chuyển thành một bước lớn, chuyển sang một nền dân chủ đa đảng thực sự, như là sự mong muốn của rất nhiều người ở Việt Nam.

Xin trân trọng cảm ơn ông Nguyễn Quang A.

Tin liên quan:

Quốc hội Việt Nam ra nghị quyết bỏ phiếu tín nhiệm lãnh đạo cao cấp

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.