Vào nội dung chính
Tạp chí xã hội

Triển lãm Đại học 2012 : Cơ hội du học Pháp

Đăng ngày:

Cuối tuần tới, sẽ diễn ra Triển lãm Giáo dục Đại học Pháp, vào hai ngày Thứ bảy 08/12/2012 tại khách sạn Horison, Hà Nội và Chủ nhật 09/12/2012 tại khách sạn REX, TP. Hồ Chí Minh. Triển lãm sắp tới đem lại nhiều cơ hội cho các học sinh, sinh viên Việt Nam mong muốn học tập và nghiên cứu tại Pháp.

Ảnh Campus France
Quảng cáo

Để cung cấp thêm thông tin đến quý thính độc giả, Tạp chí Cộng đồng của RFI đã liên lạc với Campus France tại Việt Nam, cơ sở phụ trách cuộc triển lãm kể trên. Khách mời đầu tiên của tạp chí, bà Marie-Christine Charlieu, người phụ trách dự án Triển lãm Giáo dục Đại học Pháp 2012.

Nhân dịp này, chúng tôi cũng xin chuyển tới quý vị các chia sẻ kinh nghiệm của một số du học sinh và cựu du học sinh Việt Nam. Nhận lời mời của chúng tôi có anh Phi Anh, cựu sinh viên Pháp, hiện đang làm việc cho EduViet - một công ty hướng dẫn du học -, chị Nguyễn Thị Lan Anh, học sinh trường song ngữ tiếng Pháp ở Hạ Long, vừa nhập học năm thứ nhất tại trường đại học Bordeaux 4 và các ông Trần Mạnh Đức và Nguyễn Văn San, tốt nghiệp tiến sĩ tại Pháp và hiện là các lãnh đạo Hội cựu du học sinh Pháp tại Việt Nam (UAFV). Rất mong rằng, tiếng nói của các vị khách mời sẽ đem lại các thông tin hữu ích cho dự định du học của quí vị hay những người thân của quý vị.

15:51

Phần phỏng vấn Tạp chí Du học Pháp

Triển lãm du học : một hình ảnh đa sắc về nền đại học Pháp

Bà Marie-Christine Charlieu trình bày một đôi nét về các hoạt động chính trong ngày Triển lãm, đồng thời các hoạt động chủ yếu khác của Campus France nhằm hỗ trợ các bạn trẻ có nguyện vọng sang Pháp du học.

Bà Marie-Christine Charlieu : « Trước hết cần nói rằng Triển lãm du học đại học Pháp sắp tới cho thấy một hình ảnh đa sắc về giáo dục đại học Pháp, bởi vì ở đó sẽ có các trường đại học tổng hợp công lập, các trường kỹ sư, các trường thương mại và trường chuyên ngành. Điều này cho phép các sinh viên Việt Nam, cũng như các học sinh phổ thông trung học Việt Nam, có thể tiếp cận được nhiều lĩnh vực, như khoa kinh tế học, quản lý, công nghệ, khoa học cơ bản, luật học… ở tất cả các cấp học, từ đào tạo các năm đầu đại học, cho đến master và tiến sĩ.

Trong Triển lãm này, có hai kiểu gặp gỡ. Thứ nhất, các sinh viên, không có một dự án học tập cụ thể nào, có thể đến tiếp xúc với các đại diện cơ sở đào tạo để có được tất cả các thông tin cần thiết. Thứ hai, đối với các ứng viên bắt đầu xây dựng một kế hoạch du học, và muốn có một cuộc hẹn với các cơ sở đào tạo, để nhanh chóng hoàn thành kế hoạch du học của mình. Như vậy, ứng viên có thể lựa chọn cơ sở đào tạo và, về phần mình, cơ sở đào tạo có thể quyết định giữ lại ứng viên phù hợp.

Thực tế là từ hơn một tháng nay, nhiều ứng viên đang chuẩn bị một kế hoạch du học, đã gửi kế hoạch du học của mình đến cơ sở đào tạo qua internet, giải thích các động cơ, kế hoạch học tập, và cơ sở đào tạo có thể xem xét hồ sơ của các ứng viên và dành cho họ một cuộc hẹn vào ngày Triển lãm.

Campus France sát cánh với sinh viên, học sinh Việt Nam

Về các hoạt động khác của Campus France tại Việt Nam, tất nhiên chúng tôi không dừng lại ở một triển lãm. Chúng tôi rất hiểu rằng, các học sinh sinh viên rất cần sự hỗ trợ của chúng tôi ở tất cả mọi giai đoạn chuẩn bị kế hoạch du học. Chúng tôi cũng đồng thời tổ chức các hoạt động phổ biến thông tin giáo dục trên toàn quốc, vào tháng 1 và tháng 3 hàng năm.

Dịp tháng 1 là dành cho các học sinh phổ thông. Bởi vì theo lịch, ứng viên học sinh phổ thông sẽ phải quyết định chọn trường trước ngày 31/3. Trong dịp này, những ngày dành cho Du học Pháp sẽ được tổ chức tại khắp các thành phố lớn như Đà Nẵng, HCM, Hà Nội, với các khóa đào tạo ngắn để cung cấp thông tin, phổ biến các thủ tục, trắc nghiệm tiếng… Chúng tôi cũng mời cả các cựu sinh viên đến truyền đạt các kinh nghiệm của mình.

Dịp tháng 3 là dành cho các sinh viên ở bậc học master và tiến sĩ, dành cho các sinh viên.

Trong khi đó, từ tháng 9 đến tháng 10, tháng 11, chúng tôi sẽ tới các trường học ở Việt Nam, tới gặp các sinh viên để giới thiệu với họ về giảng dạy đại học Pháp, những lý do khiến nên chọn hướng du học Pháp, các điểm mạnh của giáo dục Pháp, để họ có thể lựa chọn. Bởi vì bên cạnh, những người đã xác định rõ hướng đi, có nhiều người còn đang phân vân. Nhìn chung, từ tháng 9 đến tháng 3 năm sau, chúng tôi có rất nhiều hoạt động để hỗ trợ các sinh viên, học sinh xây dựng các kế hoạch học tập của mình.

Chúng tôi có những hoạt động, như đến trường trung học tổ chức buổi gặp gỡ dưới hình thức ‘‘bữa ăn sáng Pháp’’ với các cha mẹ học sinh, cùng các học sinh, vào ngày nghỉ cuối tuần để trao đổi. Chúng tôi cũng đi nhiều nơi khác. Vì ngoài ba thành phố lớn nói trên, còn nhiều nơi khác có các trường học song ngữ tiếng Pháp, như Hạ Long, Hải Phòng, Nha Trang, Đà Lạt… Chúng tôi đi đến tất cả mọi nơi để gặp gỡ các sinh viên, học sinh, không chỉ các thành phố lớn như Hà Nội hay thành phố Hồ Chí Minh. »

Vấn đề đầu tiên : Tìm hiểu thật kỹ thông tin

Anh Phi Anh, cựu du học sinh Pháp, chia sẻ các kinh nghiệm cá nhân của mình.

Anh Phi Anh : « Hiện sinh viên Việt Nam rất thiếu thông tin về hệ thống giáo dục Pháp. Campus France hàng năm vào tháng 12, có tổ chức Hội thảo giới thiệu về các trường ở Pháp. Trong hội thảo này, Campus France cũng mời được một số trường. Đợt này sang Việt Nam mới chỉ có tầm hơn 20 chục trường, thì đây cũng là nỗ lực rất tốt. Tuy nhiên, mình cũng nên tìm hiểu thêm thông tin trên mạng, để có thể đối chiếu thêm.

Vấn đề đầu tiên là các bạn phải đối chiếu kỹ và phải có đầy đủ thông tin trước khi đưa ra lựa chọn cuối cùng. Mình nên chuẩn bị thật kỹ cho kỳ đi du học của mình. Tại vì đó là một kế hoạch rất là lớn, vì nhiều khi do mình chưa dành đủ thời gian cho nó, thì mình sẽ thiếu rất nhiều thông tin.

Bản thân tôi, trước khi đi sang học ở Pháp, không tìm hiểu kỹ về trường. Sang đấy, tôi đăng ký vào một trường bình thường, gọi là Université d’Angers. Sau khi học một năm ở đấy, thì thấy trường đó chưa được tốt, chương trình giảng dậy chưa được tốt, và bằng cấp chưa được đánh giá cao, thế là sau đó tôi phải thi sang một trường khác, gọi là Paris-Dauphine. Sau đó, tôi tìm hiểu các ngành học ở Pháp, có ngành vừa học vừa làm, rất là thuận lợi, và rất là hấp dẫn với cả sinh viên học sinh Việt Nam.

Những thông tin ấy ở Việt Nam chưa bao giờ tôi được biết. Như vậy, tôi đã phí mất hơn một năm trời. Tức là tôi muốn nói rằng, các bạn nên tìm hiểu kỹ về trường, về ngành, về khóa học và hệ thống ngành. Ví dụ, sang Pháp có thể học theo formation initiale, hoặc là formation apprentissage… Những hệ học khác nhau sẽ có ưu điểm khác nhau.

Thiếu định hướng nghề nghiệp : nguy cơ gây lãng phí của giáo dục Việt Nam

Vấn đề các sinh viên học sinh muốn du học Pháp không có được các thông tin cần thiết và thiếu khả năng xây dựng một kế hoạch du học – đào tạo hiệu quả là ghi nhận của ông Trần Mạnh Đức :

Ông Trần Mạnh Đức : « Theo tôi, định hướng nghề nghiệp là vô cùng quan trọng, mà đây là điều mà hệ thống giáo dục Việt Nam đang thiếu. Mỗi một trường hay một đơn vị đào tạo có hẳn một bộ phận gọi là ‘‘orientation profesionnelle’’. Người ta giúp mình định hướng chọn những nghề nào phù hợp với khả năng của mình và cái định hướng nghề nghiệp sau này của mình. Ở Việt Nam làm chưa tốt, dẫn đến tình trạng, nhiều học sinh sau một thời gian học rồi, thậm chí sau bốn năm sau khi ra trường, mới cảm thấy những gì mình học không phù hợp với định hướng nghề nghiệp. Theo tôi, đây là một lãng phí lớn, mà nền giáo dục Pháp đang làm rất tốt việc này.

Để vượt qua việc này, các du học sinh Việt Nam, khi sang Pháp du học, thì thứ nhất qua các công tác sinh hoạt hội, qua việc tham gia vào các hoạt động của hội sinh viên Việt Nam tại các thành phố mà mình theo học, thì mình học hỏi kinh nghiệm của các anh chị em đi trước. Cái thứ hai nữa là mình nên chủ động, tích cực hơn nữa, trong việc tìm hiểu định hướng nghề nghiệp, và đặc biệt là nên chủ động đến các bộ phận định hướng nghề nghiệp, tại các cơ sở giáo dục mà mình theo học. »

Trải nghiệm của người vượt qua cửa ải đầu tiên

Từ góc độ của một người vừa mới trải qua « cửa ải đầu tiên » của việc du học, là một học sinh phổ thông du học tự túc, chị Nguyễn Thị Lan Anh cho biết những kinh nghiệm của mình :

Chị Lan Anh : « Hiện tôi đang là sinh viên trường Bordeaux 4, chuyên ngành về kinh tế ‘‘Economie et Gestion’’. Đây vốn là nguyện vọng của tôi, hơn nữa sau khi tìm hiểu, thấy trường Bordeaux 4 cũng là một trường dạy kinh tế rất tốt. Vì hồi học cấp 3 ở Việt Nam, tôi cũng rất tự tin với điểm số của mình, tôi đã được nhận ngay, nhưng cũng có một số trường hợp, do điểm hồi cấp 3 xét không được tốt toàn bộ, thế nên có một bạn đã không được nhận theo nguyện vọng 1, và phải chuyển sang nguyện vọng 2.

Các bạn cũng nên dựa vào sức học của mình, vào bảng điểm của mình để chọn trường cho phù hợp, ví dụ cũng không nên nhất thiết phải học trên Paris, hoặc học ở một trường nào đó thật tốt. Các bạn có thể tìm một trường nào đó phù hợp với sức mình. Nếu mà học tốt thì đến năm 2, năm 3 các bạn vẫn có thể chuyển trường cũng vẫn được, cũng không gặp quá nhiều khó khăn.

Tôi có quyết định này đã từ khi học lớp 11. Vậy nên đến lớp 12, ngay từ tháng 11, tháng 12, tôi đã bắt đầu làm hồ sơ gửi qua mạng, để cho các trường bên này để làm hồ sơ nhập học. Đầu tiên thì các cô giáo ở Việt Nam đã giúp mình rất nhiều trong việc dịch các hồ sơ, như là học bạ, giấy khai sinh, sổ hộ khẩu… sang tiếng Pháp. Sau đó, làm hồ sơ trực tiếp trên mạng gửi qua Campus France. Đó là một trang web trung chuyển hồ sơ ở Việt Nam. Khi làm hồ sơ đó, thì các bạn nhập tất cả các bảng điểm vào để gửi sang các trường bên này. Lúc đó các bạn có ba nguyện vọng chọn ba trường đại học, ngoài ra có thể học IUT, hoặc là một số hệ học khác. Sau khi mình làm hồ sơ đó xong, thì tầm tháng 3 đến tháng 6 là các trường bên này bắt đầu trả lời nguyện vọng. Nếu nguyện vọng 1 bạn được nhận, thì bạn chỉ chuẩn bị hồ sơ visa tiếp tục, để chờ sang đây nhập học. Nếu không, các bạn có thể chờ nguyện vọng 2 hoặc 3, nếu không cũng còn cơ hội học IUT, hoặc các cơ hội khác.

Mình đã được ngay từ nguyện vọng 1, vào làm sinh viên của trường Montesquieu Bordeaux – 4. Sau đó, nhận được giấy gọi, thì lên làm visa. Sau đó, đến giữa tháng 8, thì mình làm visa, và đến đầu tháng 9, thì được nhận. Ngay sau khi được nhận visa bốn ngày, thì mình nhận vé máy bay vào ngày 8/9 và sang Pháp vào ngày 9/9. Khi sang bên này, mình được các anh chị đến vào năm trước, giúp đỡ rất nhiều. Hiện tại, mình đang chuẩn bị thi giữa kỳ và hết kỳ.»

Hai giới du học sinh Pháp : Trào lưu mê « bằng cấp » và …

Về những khó khăn nói chung của các sinh viên Việt Nam, sau đây là một suy nghĩ của ông Nguyễn Văn San :

Ông Nguyễn Văn San : « Nói về chuyện du học sinh Việt Nam sang Pháp, trước hết phải nói là, người trong nước tìm hiểu về cơ hội du học chưa đầy đủ, mặc dù phía Đại sứ quán có tổ chức Campus France và nhiều dịp để cung cấp thông tin cho các bạn.

Có thể chia du học sinh Pháp thành hai giới. Một giới thông thạo sẵn rồi, biết được thông tin đầy đủ khi du học, nên khi sang học, thì tương đối thuận lợi. Nhưng đặc biệt có một nhóm thứ hai, có thể tạm gọi là phần nhiều đi học do nhu cầu của bố mẹ, vì bố mẹ cho rằng đi học ở nước ngoài, có bằng cấp ở nước ngoài rất là thích thú hay ho, thế là cho tiền, khuyến khích con du học.

Đối với lực lượng du học sinh chưa nắm được thông tin ấy mình thấy là cũng nhiều. Và họ không hiểu hết được yếu tố là : Điều kiện bắt buộc để du học, là phải biết được ngoại ngữ tương đối. Nhiều khi học sinh còn đối phó. Đến lúc mà sang bên kia thì gặp rất nhiều khó khăn. Thứ hai là, chưa hiểu đầy đủ về việc đi du học, là nhằm có một kiến thức mới ở một môi trường đào tạo tiến bộ, tiếp cận được những cái văn minh, lối sống, những cách giao tiếp… thực sự rất đáng quý. Mà họ nhầm tưởng, theo một trào lưu ở Việt Nam gọi là trào lưu ‘‘bằng cấp’’.

Nhóm tương đối chủ động hơn, thì tất nhiên cũng có rất nhiều khó khăn trong du học, nhưng là những khó khăn cũng giống như những khó khăn bươn chải trong cuộc sống bình thường thôi. Có thể, có những khó khăn hơn nhiều là do thay đổi môi trường và ngôn ngữ. Nhưng cũng có nhiều người, mới đầu chưa nắm rõ lắm, nhưng cố gắng tìm hiểu, và nhất là nỗ lực trong giai đoạn đầu mới qua Pháp. Nỗ lực tìm hiểu thì cũng trải qua được. »

Đưa giáo dục Pháp, văn hóa Pháp đến tận người có nhu cầu

Về phần mình ông Trần Mạnh Đức nhấn mạnh đến sự khác biệt về văn hóa và sự thiếu chuẩn bị của nhiều du học sinh Việt Nam và có một đề xuất giúp cho các thế hệ du học sinh trong tương lai dễ dàng đến với giáo dục Pháp, văn hóa Pháp :

« Theo quan điểm của tôi, để cho cái việc này (Triển lãm du học Pháp) mang lại hiệu quả thiết thực hơn, thì ngoài sự kiện này, nếu được tổ chức thường xuyên hơn thì tốt, nếu không chúng ta cũng phải có những cách tuyên truyền phổ biến khác, để nền giáo dục Pháp, hay là nền văn hóa Pháp, có thể càng ngày càng ăn sâu vào trong tâm trí của những người Việt yêu thích nước Pháp và mong muốn du học ở Pháp.

Theo tôi, có thể là qua việc tổ chức hội thảo, hội nghị chuyên đề, những sự kiện văn hóa nghệ thuật. Tổ chức làm thế nào đế đến được tận những người thực sự có nhu cầu. Đấy là những học sinh cấp ba, đấy là những tân sinh viên các trường đại học, là những đối tượng mà theo tôi trực tiếp quan tâm đến nền giáo dục của Pháp ».

Tổ chức đào tạo hỗ trợ trước du học : còn nhiều cản trở

Ông Nguyễn Văn San, cựu du học sinh Pháp, nhấn mạnh đến một số việc cần làm để san bớt khoảng cách giữa trình độ của các sinh viên Việt Nam, với chương trình đào tạo ở Pháp. Thực tế này đòi hỏi một sự chuẩn bị mà hiện tại về cơ bản trong nước chưa cung cấp được, đặc biệt là ở khối ngành kinh tế, chuyên ngành đào tạo của ông.

« Toàn bộ giáo dục phổ thông ở Việt Nam, và càng lên cao, giáo dục đại học và sau đại học, càng cách xa, cách quãng so với các nước tiên tiến. Cho nên, ngay khi tốt nghiệp phổ thông mà các bạn đi du học ngay, thì thấy tiếp thu được nhiều hơn. Mà hết đại học rồi mới đi du học, thì thấy hụt hẫng. Mà đặc biệt là những người đi làm nghiên cứu sinh, tốt nghiệp cao học trong nước rồi, đi sang bên ấy lại càng cách xa.

Chính vì thế, gần đây một số tổ chức quốc tế của Pháp, một số trường đại học, một số Việt Kiều về nước, tổ chức một loại hình đào tạo, gọi là ''đào tạo hỗ trợ du học'' , ví dụ Pre-master, để chuẩn bị đi học nghiên cứu sinh chẳng hạn, hỗ trợ để các bạn đã có đào tạo cao học trong nước, để các bạn có thể cập nhật được tình hình ở nước ngoài. Hy vọng với quy trình ấy, các bạn mới đáp ứng được việc học ở Pháp.

Sau 10 năm, tức là từ khi Việt Nam bắt đầu cho sinh viên, học sinh ồ ạt sang du học Pháp, thì số lượng nghiên cứu được học tập ở Pháp về đã khá nhiều. Và chính chương trình này muốn dựa vào nền tảng là những nghiên cứu sinh đã du học ở nước ngoài, ở Pháp về, tham gia vào chương trình làm lực lượng chính, kết hợp với các giáo sư ở nước ngoài, hỗ trợ đào tạo.

Theo như mình biết, trong lĩnh vực kinh tế, gần đây có thầy Lê Văn Cường, nguyên giáo sư ở Paris 1, tổ chức một số chương trình, kết hợp với một số đại học trong nước, đào tạo Pre-master cho nghiên cứu sinh ngành kinh tế. Mình thấy mô hình ấy rất hay.

Từ lâu rồi, ở Việt Nam, các nhà khoa học có hai cái xu hướng. Một là muốn xây dựng một số trường đại học và trung tâm đào tạo sau đại học có đẳng cấp quốc tế. Xu hướng này đã được làm, nhưng do điều kiện cơ chế ở Việt Nam, nên nhiều chương trình không thành hiện thực. Chính vì thế, nhiều nhà khoa học Việt Kiều và trong nước cấp tiến có mong muốn xây dựng một hình thức mới, là thúc đẩy các bạn đi học ở nước ngoài, nhưng không phải tự phát như trước.

Vì từ trước các bạn phần nhiều tham khảo các chương trình học bổng, kể cả của nhà nước, nhưng các chương trình đó có hạn chế và không phổ cập lắm, và điều kiện đáp ứng cũng rất khó khăn, như vậy cần phải có một bước đệm. Bước đệm ấy (tức đào tạo trước master) có bản chất là giúp các bạn có kiến thức. Chính kiến thức ấy, cùng với lời giới thiệu của các giáo sư tham gia giảng dậy một chương trình ‘‘bước đệm’’ (phổ biến kiến thức sau đại học, gần như là nhập môn), có thể giúp cho các bạn tiếp cận được việc du học.

Tuy nhiên, gần đây, mình theo dõi chương trình hỗ trợ Pre-master của trường Paris 1 thì thấy nó cũng không phải là dễ dàng. Kinh nghiệm cho thấy, việc kết hợp với các trường đại học công ở Việt Nam, chỉ mới được một khóa thôi đã trục trặc rồi. Theo mình được biết thì chương trình này đang phải thay đổi. »

Theo bà Marie-Christine Charlieu, vào năm tới Campus France có kế hoạch thực hiện một chương trình theo mô hình "Pré-France", dành riêng cho những người chuẩn bị đào tạo nghiên cứu sinh tại Pháp, bao gồm học tiếng và học về phương pháp luận. Riêng đối với các học sinh sắp học xong trung học muốn sang Pháp du học, hiện chưa có hình thức đào tạo hỗ trợ nào để chuẩn bị về mặt khoa học. Cũng theo bà Charlieu, Campus France sẽ rất khuyến khích đối với các sáng kiến đào tạo theo kiểu Pre-master như trên.

Trở lại cuộc triển lãm giới thiệu đại học Pháp sắp tới, chúng tôi xin chuyển tới quý vị lời nhắn của bà Marie-Christine Charlieu – trưởng dự án Triển lãm Giáo dục Đại học Pháp của Campus France – với các bạn sinh viên học sinh tham dự ngày Triển lãm : Nếu các bạn có kế hoạch du học đang chuẩn bị, hãy tìm hiểu kỹ các thông tin về nơi đào tạo, liên lạc với các cơ sở đào tạo để kịp có các cuộc hẹn và chuẩn bị tốt cuộc phỏng vấn. Còn đối với những người đang tìm cách xây dựng một kế hoạch cụ thể, hãy đến Triển lãm. Bên ngoài kiểu nói chuyện cần đăng ký trước qua các cuộc gặp như trên, các bạn có thể tiếp xúc với đại diện các cơ sở đại học và hãy đặt các câu hỏi để biết rõ hơn cơ sở nào là phù hợp nhất với dự kiến đào tạo của bạn sau này. 

RFI xin chân thành cảm ơn văn phòng Campus France tại TP Hồ Chí Minh, các vị khách và quý bạn đọc, bạn nghe đài đã quan tâm đến chương trình hôm nay

Các tin bài liên quan

Du học tại Pháp : các trở ngại và những điều cần biết để thành công

Thông tư mới về sinh viên nước ngoài làm việc ở Pháp : những điều cần lưu ý

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Xem các tập khác
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.