Vào nội dung chính
BIỂN ĐÔNG

Trung Quốc lùi bước tại Biển Đông trước sức ép của quốc tế ?

Phải chăng các phản ứng quan ngại của Hoa Kỳ và nhiều nước trong vùng, từ Singapore, Indonesia, cho đến Việt Nam, Philippines sẽ khiến Trung Quốc phải lùi bước trên ý định tự trao quyền chận giữ tàu thuyền ngoại quốc tiến vào vùng Biển Đông ?

Tàu hải giám Trung Quốc số 84 và số 17 trên Biển Đông. Ảnh chụp ngày 26/05/2011 (Reuters)
Tàu hải giám Trung Quốc số 84 và số 17 trên Biển Đông. Ảnh chụp ngày 26/05/2011 (Reuters)
Quảng cáo

Câu hỏi này đang được đặt ra sau khi một lãnh đạo tỉnh Hải Nam, đồng thời là một chuyên gia Trung Quốc được lắng nghe về Biển Đông liên tiếp khẳng định tính chất địa phương, cục bộ của quyết định gây tranh cãi đó. 

Theo hãng tin Anh Reuters, vào hôm nay, 05/12/2012, ông Ngô Sĩ Tồn, lãnh đạo sở Ngoại Vụ tỉnh Hải Nam, kiêm Viện trưởng Viện Nghiên cứu Nam Hải, một cơ quan tham vấn cho chính quyền Bắc Kinh về Biển Đông, đã công nhận rằng : Các quy định mới về chận xét và xua đuổi tàu ngoại quốc - được tỉnh này thông qua vào hạ tuần tháng 11/2012 - chỉ là một sáng kiến cấp tỉnh. 

Trả lời phỏng vấn của Reuters qua điện thoại, quan chức này cho biết : "Đó không phải (là sáng kiến của Bắc Kinh). Chính các cơ quan thực thi pháp luật ở địa phương đã khởi xướng điều này ». Ông Ngô Sĩ Tồn nói rõ thêm là các quan chức tỉnh của ông « chắc chắn sẽ phải báo cáo lên trên và chắc chắn sẽ phải xin ý kiến ​​từ ban bộ hữu trách. » 

Như đã phát biểu gần đây với đặc phái viên nhật báo Mỹ New York Times, ông Ngô Sĩ Tồn đã nhắc lại rằng các quy tắc được cơ quan luật pháp Hải Nam thông qua vào tuần trước, một phần là nhằm đối phó với sự gia tăng của các tàu đánh cá Việt Nam gần quần đảo Hoàng Sa - một quần đảo mà cả hai nước đều đòi chủ quyền. Theo ông, các quy định mới đã được bàn bạc thảo luận từ một năm nay, nhằm bổ sung các quy tắc đã có từ năm 1999. 

Một lần nữa nhân vật này chĩa mũi dùi vào Việt Nam khi nhấn mạnh : « Quy định mới nhắm vào các nước láng giềng mà các hành vi xâm nhập chủ yếu quanh vùng quần đảo Hoàng Sa rất nghiêm trọng. Trong những năm gần đây, ngày càng có thêm nhiều tàu cá Việt Nam xâm nhập vào vùng Hoàng Sa… nhưng cho đến nay không có cơ sở luật định để trừng phạt họ ». 

Nhưng trong một lập luận có thể gọi là chia rẽ Việt Nam với phần còn lại của khu vực đang công khai tỏ thái độ rất quan ngại là các tuyến hàng hải quốc tế đi ngang qua Biển Đông bị quyết định khám soát của Trung Quốc gây trở ngại, quan chức Trung Quốc này đã nhắc lại lời hứa của chính quyền Bắc Kinh : « Trung Quốc đã cam kết là tàu thuyền ngoại quốc luôn được hưởng quyền tự do lưu thông tại vùng Biển Đông, không hề bị ảnh hưởng của các quy định mới đó, cũng như không bị tác động của các tranh chấp chủ quyền ». 

Theo một số nhà phân tích, sau hàng loạt những lời thúc giục Bắc Kinh làm rõ quy định khám soát tàu thuyền nước ngoài do tỉnh Hải Nam đưa ra, những tuyên bố đầy tính trấn an trên đây của Trung Quốc có thể là dấu hiệu cho thấy là chính quyền trung ương có phần lùi bước sau khi đã tung ra một quả bóng thăm dò. 

Một số nhà phân tích khác thì căn cứ vào tình trạng ở Trung Quốc không có một cơ chế thống nhất để lo về hồ sơ Biển Đông để cho rằng hành động của tỉnh Hải Nam quả là một sáng kiến cục bộ, chứ không thể hiện sự chuyển hướng trong chính sách của Bắc Kinh theo chiều hướng hung hăng hơn. 

Theo hãng Reuters, Giáo sư Chu Phong, thuộc Đại học Bắc Kinh đã đoan chắc rằng quyết định cứng rắn của tỉnh Hải Nam không hề thể hiện một sự thay đổi chính sách nào, và cho đến giờ chưa thấy một bằng chứng nào cho thấy có sự chuyển hướng.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.