Vào nội dung chính
Tạp chí tiêu điểm

Việt Nam dưới cái nhìn của “thiên triều” Trung Quốc

Đăng ngày:

Hai ngày sau cuộc biểu tình ở Hà Nội và Sài Gòn chống Trung Quốc gây hấn, các nhân sĩ Huỳnh Tấn Mẫm, Tương Lai, Hồ Ngọc Nhuận, Lê Công Giàu , Lê Hiếu Đằng ra bản tuyên bố lên án chính quyền “ ngăn cản, chận bắt, đàn áp thô bạo công dân yêu nước”. Chính sách hung hăng của Trung Quốc tại Biển Đông và sự kiện an ninh Việt Nam trấn áp đồng bào Việt nam đã làm cho ngay những người có lập trường thận trọng nhất cũng phải lên tiếng báo động “ Tổ quốc lâm nguy ”.

Anti-China protesters hold Vietnamese national flags and anti-China banners while marching on a street in Hanoi December 9, 2012.
Anti-China protesters hold Vietnamese national flags and anti-China banners while marching on a street in Hanoi December 9, 2012. REUTERS/Stringer
Quảng cáo

Từ sau Đại hội 18 của đảng Cộng sản kết thúc và qua báo động của báo chí Tây phương, công luận thế giới và một phần dân chúng tại Việt Nam biết được từ tháng Năm năm nay, Trung Quốc phát hành hộ chiếu “lưỡi bò” với đường 9 đoạn thâu tóm 80% Biển Đông. Lập tức, những người Việt Nam quan tâm đến vận mệnh quốc gia đã công bố một bản thông cáo lên án Trung Quốc xâm lược với nội dung mời gọi nhân dân Việt Nam cảnh giác trước âm mưu xâm lấn của Bắc Kinh. Tuy nhiên, không rõ vì những lý do sâu xa nào mà những biến cố, những sự kiện liên quan đến an nguy lãnh thổ, lãnh hải Việt Nam đều không được chính phủ và truyền thông, do Nhà nước kiểm soát, loan tải đến dân chúng. Thông tin về vụ tàu thăm dò địa chấn Bình Minh 02 bị tàu Trung Quốc tấn công vào cuối tháng 11 cũng bị kiểm duyệt hoặc thay đổi nội dung.

Vào ngày Chủ nhật 09/12/2012 vừa qua, khi diễn ra hai cuộc xuống đường tại Hà Nội và Sài Gòn chống Trung Quốc, công an Việt nam, thay vì bảo vệ trật tự cho đoàn biểu tình thì lại ra tay ngăn chận : 24 người bị bắt tại Hà-Nội. Tại Sài-Gòn, từ các nhân sĩ có tiếng tâm đến giới tranh đấu trẻ tuổi đã bị công an chận bắt trên đường, như trường hợp giáo sư Tương Lại, hay bị bao vây tại nhà như ông Lê Hiếu Đằng, Cao Lập…hoặc bị đánh như blogger Lê Cường.

Tại biển Hoa Đông, Bắc Kinh lại có động thái leo thang mới, xung khắc với Nhật Bản. Hôm nay,13/12/202 sau nhiều tuần lễ đưa tàu “ngư chính” xâm nhập lãnh hải quần đảo Senkaku mà Trung Quốc gọi là Điếu Ngư, lần đầu tiên, máy bay Trung Quốc vi phạm không phận. Nhật Bản phản ứng tức khắc, đưa máy bay quân sự vào vùng.

Philippines, dù quân đội yếu hơn cả Việt Nam, cũng tỏ ra cương cường, công khai kêu gọi Mỹ giúp đỡ quân sự và ủng hộ Nhật Bản tái võ trang để đối trọng với Trung Quốc.

Tại Pháp, giới chuyên gia địa lý chính trị, nhân cuộc hội thảo về Biển Đông vào tháng 10/2012, ủng hộ chính nghĩa Việt Nam và Philippines và kêu gọi hai quốc gia Đông Nam Á này phải kiện Trung Quốc ra tòa án quốc tế.

Trong bài phân tích “ Quan hệ Việt-Trung/ Việt Nam trong tầm nhìn của thiên triều Trung Quốc - A propos des relations sino-vietnamiennes. Le Viet du Sud au miroir de la Chine impériale, giáo sư Trịnh Văn Thảo, đại học Aix-en-Provence, Pháp, nhận định : Từ năm 1972 , Trung Quốc xem Việt Nam là món hàng đổi chác với Mỹ để thực hiện giấc mộng bá chủ: Thanh toán nhà cải cách Hồ Diệu Bang, tiêu diệt phong trào sinh viên Thiên An Môn, truy bức không ngừng nghỉ giới trí thức kiên cường… tất cả đều nằm trong một chuổi “logic” … theo mô hình Trung Quốc, thiểu số có đặc quyền đặc lợi tóm thâu tài sản chung làm tài sản riêng, ép lương bắt chẹt công nhân và trưng thu ruộng đất của nông dân…

Theo giáo sư Trịnh Văn Thảo, đó là “số phận của các dân tộc láng giềng nếu mai đây Bắc Kinh làm chủ Đông Nam Á”.

Thật ra, đảng Cộng sản Việt Nam đã biết âm mưu của Trung Quốc. Năm 1979, quyển sách “ Sự thật về quan hệ Việt nam Trung Quốc trong 30 năm qua ” do nhà xuất bản Sự Thật ấn hành, ghi rõ một câu nói của Mao Trạch Đông vào năm 1965 : “ Phải giành cho được Đông Nam Á, bao gồm cả miền Nam Việt Nam, Thái Lan, Miến Điện và Singapore….rất giàu, nhiều khoáng sản…”.

Lưỡi bò trên biển chỉ là tiếp nối của “lưỡi Mao trên bộ ”.

Câu hỏi đặt ra là làm cách nào để thoát được bàn tay đô hộ của đảng Cộng sản Trung Quốc? Theo nhà nghiên cứu thuộc khuynh hướng cánh tả Trịnh Văn Thảo thì toàn dân Việt Nam phải nhất quyết đương đầu với Trung Quốc. Đảng Cộng sản Việt Nam không qua khỏi cuộc chiến bảo vệ chủ quyền này một cách an toàn. Phương án hiệu quả nhất là từ bỏ độc quyền yêu nước và phải cải cách chính trị phải dân chủ hóa chế độ.

RFI hôm nay xin trân trọng gởi đến thính giả những ý kiến mà giáo sư Trịnh Văn Thảo gọi là một đóng góp nhỏ nhoi của một người Việt trước tình hình nghiêm trọng của đất nước.

Giáo sư Trịnh Văn Thảo:

“…..từ năm 1972, khi (Tổng thống Mỹ) Nixon sang Bắc Kinh thì từ đó đến nay, Trung Quốc không phải là anh em với Việt Nam…. cái cuộc tranh chấp từ chiến tranh biên giới chuyển từ đường bộ xuống đường biển . Sau chuyến đi của Nixon sang Trung Quốc thì có một sự thay đổi rõ ràng trong chính sách của Trung Quốc đối với các nước lân cận. Họ xem Việt Nam và chiến tranh Việt Nam như là một món vật trao đổi với Mỹ để tìm quan hệ mới với Mỹ (thực hiện) ý đồ thống trị một cách khác sau khi chiến tranh nguội dần dần chấm dứt với sự suy yếu của Liên Xô.

Từ hai năm nay , sở dĩ Trung Quốc có thái độ hết sức khiêu khích, gây hấn với các nước lân cận, vì đó là hậu quả của chính sách chia cắt ảnh hưởng thế giới …mà Trung Quốc hiện giờ đang hy vọng thực hiện cái mộng bá chủ tại Đông Nam Á. Do Đông Nam Á có vị trị quan trọng trong quan hệ quốc tế thì cuộc tranh chấp hiện nay có thể đưa đến những hậu quả khó lường”

Người Việt Nam phải làm gì?

“ Bất cứ người Việt nào, ở trong hoàn cảnh nào, dù chính kiến thế nào, đều phải có thái độ nhất quyết đối với Trung Quốc vì Trung Quốc không có chính nghĩa. Thứ nhất, hành động hoạch định hải phận của Trung Quốc là đơn phương không có sự công nhận của ai cả…. hành động ngang ngược giống như ngày xưa Nhật Bản tự xem Mãn Châu là lãnh thổ của Nhật rồi từ đó tiến đánh Trung Quốc. Trung Quốc phải suy gẫm bài học lịch sử này. Thứ hai, với tư cách là cường quốc , thành viên thường trực Hội Đồng Bảo An, Trung Quốc phải đem vấn đề hải phận ra một hội nghị quốc tế để thương thuyết chứ không thể dùng vũ lực trấn áp các nước nhỏ. Nếu luật rừng đó tiếp tục được áp dụng thì tương lai nhân loại đáng lo. Thứ ba, Trung Quốc không có thái độ quân tử , không có hành động của một người có chính nghĩa. Trước sức mạnh của Mỹ thì Trung Quốc nhượng bộ. Nếu yêu nước thì tại sao (chính quyền) Trung Quốc không ưu tiên “giải phóng Đài Loan” mà sao lại đi đánh phá thuyền đánh cá của ngư dân Việt Nam?”

Chính quyền Việt Nam phải làm gì trước âm mưu của Trung Quốc?

“ Đây không chỉ là nhận định, phân tích mà cần phải phác họa phương cách làm việc, vì đây là vấn đề trọng yếu : viễn ảnh xung đột giữa Việt Nam và Trung Quốc là có thật…. nếu người Việt không phản ứng kịp thì Trung Quốc sẽ gia tăng áp lực ngày càng nặng để bắt buộc các dân tộc khác phải chấp nhận sự đã rồi. tôi là người dân thì tôi phản đối , không bao giờ chấp nhận đòi hỏi không chính đáng của Trung Quốc.

Nếu tôi là người cộng sản thì tôi phải đặt lại một số vấn đề chẳng hạn như chân lý vật chất và tinh thần của chủ nghĩa cộng sản ngày nay có còn đứng vững hay không trước xu hướng bá chủ của ông bạn láng giềng? Phải đoàn kết dân tộc và đoàn kết các dân tộc Đông Nam Á để đối phó với hiểm họa chung là Trung Quốc.Chân lý đoàn kết vô sản quốc tế không còn ý nghĩa gì cả, không thể vì bất cứ một lý do gì mà làm ngơ trước cảnh tượng người Trung Quốc dùng tàu chiến đánh chìm tàu cá của ngư dân Việt Nam. Đoàn kết quốc tế vô sản là khẩu hiệu rỗng, nó ru ngủ chúng ta, không cho chúng ta ( người cộng sản Việt Nam) nhận thức hiểm họa Trung Quốc. Phải động viên tất cả năng lực trong nước, (chính quyền) không thể tiếp tục xem mình là kẻ có độc quyền suy nghĩ, độc quyền sai khiến. Nếu tôi là người cộng sản, tôi phải đặt lại vấn đề đó. Nói cách khác là tự mình sửa đổi. Phương châm quan trọng nhất trong giai đoạn này là đổi mới tư tưởng, cải cách chính trị ".

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Xem các tập khác
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.