Vào nội dung chính
VIỆT - NHẬT

Ngành ngân hàng Việt Nam mở rộng cửa đón Nhật Bản

Sự kiện ngân hàng Nhật Bank of Tokyo-Mitsubishi UFJ (BTMU) vừa mua lại 20% Ngân hàng Việt Nam Vietinbank, đã không thoát khỏi con mắt nhật báo Pháp Le Monde. Trong bài báo trang kinh tế với tựa ngắn gọn : « Ngành ngân hàng Việt Nam, đang cơ cấu lại mở ra cho ngân hàng hàng đầu của Nhật Bản », Le Monde nhắc lại đây là khoản đầu tư nước ngoài quan trọng nhất chưa từng thực hiện trong lãnh vực ngân hàng ở Việt Nam.

Một chi nhánh của ngân hàng Vietinbank tại Hà Nội. Ảnh chụp ngày 13/12/2012.
Một chi nhánh của ngân hàng Vietinbank tại Hà Nội. Ảnh chụp ngày 13/12/2012. REUTERS/Kham
Quảng cáo

Phân tích mục tiêu cũng như lợi ích mà hai bên thu được, tác giả bài báo nhìn trước tiên về phía Nhật, đánh giá là khi đầu tư khoản tiền lớn 63,1 tỉ yen (574 triệu euro) vào Vietinbank, ngân hàng lớn thứ nhì Việt Nam về mức tín dụng cấp phát, thì mục tiêu của ngân hàng lớn nhất Nhật Bản là bù đắp vào đà giảm sút của nhu cầu vay vốn tại Nhật. Ngân hàng BTMU nhắm vào tầng lớp trung lưu ở Việt Nam, cũng như tại các nước Đông Nam Á khác, vốn đang phát triển nhanh chóng.

Bên cạnh đó, Le Monde cũng nhắc lại là trước Tokyo-Mitsubishi UFJ, cũng đã có hai ngân hàng Nhật, Mizuho Financial Group Inc, vào tháng 9/2011, đã mua lại 15% cổ phần của Vietcombank, và trước đó ngân hàng Sumimoto Mitsui Financial Group, đã mua lại 15% ngân hàng Eximbank, với giá khoảng 225 triệu đô la vào năm 2007.

Nhìn về phía Việt Nam, tác giả bài báo nhận thấy ngân hàng Nhật BTMU đã đưa ra thông báo vào lúc mà Việt Nam lâm vào tình thế kinh tế tế nhị : không đạt được những mục tiêu tăng trưởng mà chính phủ đề ra. Số liệu công bố vào đầu tuần cho thấy tăng trưởng Việt Nam năm 2012 này, 5,3%, đã xuống mức thấp nhất từ 13 năm nay.

Riêng khu vực ngân hàng, vẫn gặp nhiều khó khăn vì phải gánh vác các khoản nợ xấu của các tập đoàn Nhà nước mà cung cách quản lý điều hành kém cỏi đã dẫn đến nhiều xì-căng-đan như vụ tập đoàn Vinashin. Bên cạnh đó, những khoản tín dụng địa ốc cung cấp vô tội vạ cho tư nhân trong những năm qua, cũng là yếu tố làm tình hình nghiêm trọng thêm.

Theo bài báo, cho dù các ngân hàng lớn như Vietinbank được đánh giá là tương đối lành mạnh, tỉ lệ nợ xấu theo các chuyên gia nước ngoài, ở mức 15% - 20%, tức là cao hơn nhiều so với tỉ lệ chính thức 4,47%.

Nhiều ngân hàng Việt Nam bị thiếu vốn, trong lúc lượng tín dụng mà các ngân hàng này cấp phát đã tăng lên gấp 14 lần kể từ năm 2000, để lên đến 244% GDP Việt Nam vào thời điểm hiện nay.

Le Monde nhắc lại vụ xì-căng-đan vừa qua liên quan đến ông Nguyễn Đức Kiên (người đồng sáng lập Ngân hàng ACB), một người thân cận với Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. Việc ông bị cáo buộc gian lận đã làm rung chuyển giới ngân hàng ở Hà Nội. Ông Nguyễn Tấn Dũng, theo nhận định của Le Monde, cho dù giữ được chiếc ghế Thủ tướng, nhưng đã yếu đi về mặt chính trị.

Trở lại với quyết định của ngân hàng Nhật đầu tư vào Việt Nam, Le Monde cho là nó càng nêu bật nhu cầu của Việt Nam là phải nhờ đến các đối tác nước ngoài để bơm thêm vốn vào lãnh vực ngân hàng đang bị khủng hoảng, và cung cấp cho các tác nhân tại chỗ thêm kinh nghiệm về tài chính.

Theo Le Monde, Nhật Bản đã hiện diện ở Việt Nam từ thập niên 1970, Tokyo muốn tiếp tục phát triển quan hệ với các nước Đông Nam Á. Miến Điện là mục tiêu mới nhất - một vùng được đánh giá là thiết yếu cho sự phát triển kinh tế Nhật.

Trung Quốc tung tiền mua cảng Pirée (Hy Lạp)

Nhưng không phải chỉ có Nhật Bản là tìm nơi đầu tư, Le Monde còn chú ý đến Trung Quốc, hay nói đúng hơn là tập đoàn vận tải biển hàng đầu Trung Quốc Cosco, đã mang tiền đầu tư vào Hy Lạp, và đã thành công mỹ mãn. Dĩ nhiên là tập đoàn đã chọn đúng mục tiêu, mua lại một bến của cảng Pirée nổi tiếng. Le Monde nêu bật và khen ngợi sự kiện này trong hàng tựa : « Thuyền trưởng Fu, người Trung Quốc đã vực dậy cảng Pirée. »

Le Monde ghi nhận là hoạt động đã tăng lên 70% từ khi chi nhánh của tập đoàn Cosco, Pyraeus Container Terminal (PCT) mua lại cảng container chủ yếu của Pirée cách đây ba năm. Người đứng đầu PCT, ông Fu, đã cho tân trang lại bến cảng này, xây dựng một số hạ tầng cơ sở. Một bến mới đang được xây dựng và có thể đón tàu vào mùa xuân năm tới.

Khác với những nơi khác, theo ông Fu, trên tổng số 270 nhân viên của Cosco, chỉ có 7 người Trung Quốc mà thôi. Giữa hai bên Trung Quốc và Hy Lạp có vẻ rất hợp. Nếu ở Châu Âu, người ta thường nhìn người Hy Lạp như hạng người ít chịu khó làm việc nếu không muốn nói là lười biếng, nhưng ông Fu thì chỉ có những lời khen đối với nhân viên Hy Lạp làm việc với ông...

Nhìn hình ảnh và bản đồ vùng Địa Trung Hải trong phòng làm việc của lãnh đạo công ty PCT, tác giả bài báo càng hiểu rõ tính toán của Trung Quốc khi đầu tư vào cảng Pirée : một cảng chiến lược, không xa kênh đào Suez mà tàu hàng Trung Quốc thường qua lại. Cảng Pirée là cửa ngõ chính để đến vùng Nam Âu và vùng phía Đông châu Âu khi đi về Hắc Hải và Nga.

Tóm lại Trung Quốc có vẻ toại nguyện về đầu tư ở Hy Lạp, Athens cũng vậy. Trong tình hình khủng hoảng kinh tế tài chính mà Hy Lạp đang kinh qua, đầu tư của Trung Quốc với nhiều dự án xây dựng hạ tầng cơ sở mới rất được chính phủ hoan nghênh, trong bối cảnh khó khăn này của Hy Lạp, "cuộc hôn nhân vì quyền lợi" giữa Hy Lạp và Trung Quốc sẽ còn tiếp diễn.

Tập đoàn Cosco và các tập đoàn đóng tàu của Hy Lạp cũng có quan hệ rất tốt. Phía Hy Lạp đóng tàu ở các công trường Trung Quốc và cũng không phải là đối thủ cạnh tranh với Cosco vì tập đoàn này chuyên về tàu chở container.

Tuy nhiên cũng như ở những nơi khác mà Trung Quốc đầu tư, chỉ có người lao động là giới bị thiệt, với đồng lương trả rẻ mạt. Các công đoàn ở Hy Lạp thường xuyên lên tiếng phản đối, kêu gọi đình công, như họ đã làm suốt mấy tuần lễ khi Cosco đến cảng Pirée vào mùa thu 2009.

Trung Quốc đi mua thế giới

Le Figaro cũng chú ý đến đầu tư trực tiếp Trung Quốc ở bên ngoài, mà theo tờ báo đã tăng 25% trên một năm, đặc biệt là vào lãnh vực công nghiệp và dịch vụ.

Mở đầu bài viết, tác giả Arnaud De La Grange, thông tín viên của Le Figaro tại Bắc Kinh, nhận xét hóm hỉnh : « Trung Quốc không mua cả thế giới như một số người lo ngại, nhưng họ vẫn tiếp tục mua sắm ! »

Bộ Thương mại Trung Quốc vừa tiết lộ là đầu tư trực tiếp của Trung Quốc đã tăng 25% so với năm ngoái. Việc mua sắm này còn sẽ tăng tốc. Bài báo trích lời Bộ trưởng Thương mại Trung Quốc đã xác định : tăng đầu tư ở ngoài là một xu thế không thể tránh khỏi. Trung Quốc không muốn chỉ đầu tư ồ ạt vào các công trái phiếu, như vào công trái Mỹ và ngồi lo tiền mình bị mất giá, mà Trung Quốc muốn đầu tư vào kinh tế thực thụ.

Trung Quốc đã đi thu mua, từ những công ty dịch vụ ở Mỹ - như gần đây tập đoàn bảo hiểm AIG thông báo ý định nhượng lại cho một tập đoàn Trung Quốc phần lớn vốn trong công ty ILFC, đứng thứ hai thế giới trong lãnh vực cho thuê-mua máy bay - cho đến các vườn nho ở Pháp. Trung Quốc cũng bỏ vốn vào các công ty nổi tiếng, như Club Med của Pháp trong ngành du lịch, hay Bang & Olufsen của Đan Mạch trong ngành điện tử.

Le Figaro nhìn thấy một chiều hướng mới rõ nét trong đầu tư của Trung Quốc ở ngoại quốc, đó là không phải chỉ chính phủ như trước đây, mà giờ đây các công ty Trung Quốc, cả công ty tư nhân, cũng đi mua sắm. Lãnh vực đầu tư không chỉ tập trung trên nguyên liệu mà bây giờ nhắm vào công nghiệp và dịch vụ, với tỉ lệ giờ đây là 50-50.

Châu Âu đang là nơi mà Trung Quốc thích mua hàng : 1/3 các vụ mua, sáp nhập công ty của Trung Quốc đều thực hiện ở Châu Âu, trong khi ở Mỹ chỉ khoảng 20%.

Đồng nhân dân tệ Trung Quốc ngày càng có giá

Le Figaro còn chú ý đến khía cạnh tài chính : các công ty nước ngoài ngày càng vay mượn bằng đồng nhân dân tệ. Công trái được mệnh danh là "dim sum bonds" của Hồng Kông (tên gọi các món hấp để điểm tâm được ưa thích tại Hồng Kông), mệnh giá bằng nhân dân tệ, hiện nay rất được ưa chuộng. Theo ngân hàng Anh HSBC, lượng trái phiếu loại này lưu hành ở ngoại quốc có thể tăng từ 263 tỉ nhân dân tệ (31,9 tỉ euro) trong 11 tháng đầu năm 2012 lên thành 360 tỉ nhân dân tệ vào năm tới.

 Hiện nay hoạt động kinh tế Trung Quốc đã bị chậm lại trong 7 tháng liên tiếp, chỉ đạt tăng trưởng 7,4% vào quý 3 năm nay. Le Figaro nhìn thấy là sẽ khó thực hiện mục tiêu mà ông Tập Cận Bình đề ra là tăng phần đầu tư nước ngoài, thúc đẩy tiêu thụ nội địa hầu tăng gấp đôi GDP từ đây đến năm 2020. Nhưng Bắc Kinh muốn dựa vào đồng tiền của mình để đạt ý muốn.

Đồng nhân dân tệ là đồng tiền không chuyển đổi tự do được trên thị trường quốc tế, nhưng do chính quyền quy định tỉ giá hàng ngày. Chính điều này theo Le Figaro, khiến cho Bắc Kinh bị Châu Âu và Hoa Kỳ tố cáo là cố tình kềm giá đồng tiền để hỗ trợ xuất khẩu Trung Quốc một cách bất chính.

Nhưng Trung Quốc, theo Le Figaro, còn có một đồng nhân dân tệ "off-shore" dành cho người nước ngoài, một đồng tiền chính thức song song với đồng nhân dân tệ, và đã mang lại thành công cho công trái "dim sum" Hồng Kông. Với đồng off -shore này Trung Quốc vẫn có thể đọ sức trên thị trường tài chính thế giới nhưng vẫn dành cho mình quyền quyết định hoán chuyển hoàn toàn đồng nhân dân tệ.

Đây là một hành động khôn khéo, và Trung Quốc đang khuyến khích các đối tác thương mại chi trả bằng đồng nhân dân tệ hơn là bằng đô la. Các tập đoàn nước ngoài bắt đầu tích trữ đồng nhân dân tệ khắp nơi trên thế giới, và cả các ngân hàng trung ương cũng vậy.

Trung Quốc theo bài báo, hiện có những thỏa thuận tín dụng với nhiều nước từ Brazil, Hàn Quốc, cho đến Singapore, Malaysia, và năm ngoái đã bắt đầu buôn bán bằng nhân dân tệ với Nhật Bản, trong lúc mà đến nay 60% trao đổi hai bên là bằng đô la.

Theo ngân hàng Đức Deutsche Bank có đến 860 tỉ nhân dân tệ nằm ngủ trong các ngân hàng trên thế giới, năm tới đây số lượng này có thể lên đến 1.250 tỉ. Và mỗi lần mà Bắc Kinh thúc đẩy các đối tác sử dụng đồng nhân dân tệ, là Trung Quốc củng cố thêm quyền lực và thế đứng của mình đối với thế giới.

Tiếp tục tổng kết những sự kiện đánh dấu năm 2012, báo chí Pháp hôm nay đã tập trung nhiều trên lãnh vực kinh tế, bên cạnh tình hình Syria - như Le Monde trong tựa đầu trang nhất đưa độc giả đến thủ phủ kinh tế Alep, phồn thịnh ngày xưa, đã phải trải qua 6 tháng chiến tranh, chết chóc.

Yêu đời : Bí quyết thọ lâu

Tờ La Croix thì dành hồ sơ chính cho những người bách niên giai lão. Theo tờ báo ngày càng có nhiều người sống đến 100 tuổi ở Pháp. Và La Croix tìm hiểu nguyên hiểu để rút ra những "bài học" của họ. Theo La Croix, "bí quyết" đầu tiên là "yêu đời" như nhiều người đã tâm sự với tờ báo.

Hiện nay theo phóng sự của La Croix ở Pháp có đến 17.000 người tuổi trên 100, một điều chưa từng thấy. Vào năm 1990, thì chỉ có 3.760 người thôi.

Tình trạng y tế, sức khỏe được cải thiện, cách thức ăn uống là những yếu tố quan trọng, nhưng theo nhiều người, yếu tố tâm lý, biết nhìn cuộc sống với thái độ lạc quan có tính chất quyết định hơn.

La Croix trích dẫn bài học từ ông Robert Marchand, ở Mitry-Mory, vùng ngoại ô Paris, 101 tuổi, rất yêu thích xe đạp. Ông là người được cả thế giới biết đến vì là người đầu tiên ở lứa tuổi 100, đạp suốt 100 cây số trong 4 tiếng 17 phút.

Một ê-kíp truyền hình Nhật đã đến nơi để phỏng vấn. Nhưng bí quyết thành tích thể lực phi thường này theo ông rất đơn giản : « Không uống rượu, không hút thuốc, không ăn nhiều thịt », vì ông không thích .

Nhưng có lẽ điều quan trọng nhất là ông lúc nào cũng giữ được sự vui vẻ, cho dù cuộc sống không phải lúc nào cũng dễ dàng. Ông đã chu du nhiều nơi từ Venezuela cho đến Canada, làm đủ nghề từ nhân viên cứu hỏa cho đến tiều phu, nhưng biết giữ được cái nhìn lạc quan để vươn lên trở lại, và nhất là tập trung vào cuộc sống trước mắt, không suy tư nhìn về quá khứ để thương xót cho số phận mình.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.