Vào nội dung chính
ĐÀI LOAN-VIỆT NAM-BIỂN ĐÔNG

Sau Trung Quốc, đến lượt Đài Loan phản đối Luật Biển của Việt Nam

Được thông qua vào tháng 6/2012, Luật Biển của Việt Nam đã chính thức có hiệu lực kể từ ngày 01/01/2013. Ngay từ trước lúc bộ luật này có hiệu lực, ngày 31/12 vừa qua, Trung Quốc đã lên tiếng bác bỏ văn kiện này, và vào hôm sau, ngày 03/01, đến lượt Đài Loan chính thức bày tỏ quan điểm phản đối. 

Biển Đông
Biển Đông DR
Quảng cáo

Theo các nguồn tin báo chí tại Đài Bắc, một quan chức Bộ Ngoại giao Đài Loan đã phản đối mạnh mẽ bộ luật của Việt Nam theo đó hai quần đảo đang tranh chấp ở Biển Đông là Hoàng Sa và Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam.

Ngay trong điều đầu tiên của chương đầu tiên, bộ Luật Biển của Việt Nam đã xác định ngay là « quần đảo Hoàng Sa, quần đảo Trường Sa… thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia của Việt Nam… »

Được báo chí địa phương yêu cầu bình luận, ông Hạ Quý Xương (Steve Hsia), phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Đài Loan đã cho rằng đòi hỏi của Việt Nam « bất hợp pháp và vô giá trị ». Nhân vật này cho biết thêm là chính quyền Đài Bắc đã chuyển lời phản đối nghiêm khắc đến văn phòng đại diện của Việt Nam.

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Đài Loan đã nhắc lại tuyên bố chủ quyền của Đài Loan trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa - mà họ cũng gọi theo tên tiếng Hoa là Tây Sa (Shisha) và Nam Sa (Nansa) – đồng thời nhấn mạnh rằng chính quyền Đài Loan không công nhận điều mà họ gọi là động thái « đơn phương » của Việt Nam.

Đài Loan cũng nhắc lại là họ tôn trọng nguyên tắc « bảo vệ chủ quyền, tạm gác tranh chấp, tìm kiếm hòa bình và có đi có lại, phát huy việc đồng thăm dò (các nguồn tài nguyên trong khu vực) ». Do đó, theo phát ngôn viên Đài Loan, nước ông sẵn sàng làm việc với các nước có liên can để thu hoạch các nguồn lợi từ Biển Đông.

Điều mà giới quan sát ghi nhận là Đài Bắc đã có phản ứng rập khuôn theo Bắc Kinh. Ngày 31/12/2013, bà Hoa Xuân Oánh, tân phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc cũng phản đối và xem Luật Biển của Việt Nam « bất hợp pháp và vô giá trị ».

Trong những tháng gần đây, Đài Loan liên tiếp có những động thái nhằm khẳng định các đòi hỏi chủ quyền của họ trên các vùng biển Hoa Đông cũng như Biển Đông, mà gần đây nhất là quyết định sẽ cho tàu đến thăm dò dầu khí ngoài khơi hòn đảo duy nhất mà họ chiếm đóng ở vùng Trường Sa (Thái Bình hay Ba Bình) đang tranh chấp với Việt Nam, Philippines và Trung Quốc.

Philippines đã lập tức lên tiếng phản đối quyết định của Đài Loan, nhưng một cách nhẹ nhàng, trong lúc Việt Nam cho đến giớ vẫn chưa thấy lên tiếng. Theo các nhà phân tích, sở dĩ Hà Nội hay Manila không phản ứng mạnh đó là vì không muốn đẩy Đài Bắc về phía Trung Quốc, vốn đang muốn dùng kinh tế để thu phục Đài Loan.

Về phần Đài Loan, họ phải cố gắng chuyển động để nhắc nhở các láng giềng rằng họ cũng là một bên tranh chấp tại Biển Đông, cho dù thường xuyên bị gạt ra bên lề các cuộc thương thảo, hay các hội nghi khu vực.

 

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.