Vào nội dung chính
VIỆT NAM

Việt nam : Nữ sinh bị đuổi học vì sửa lời Hồ Chí Minh trở lại lớp

Bị phạt đuổi học một năm, nữ sinh Nguyễn Thanh Vi, lớp 8 trường Lý Tự Trọng ở Tam Kỳ, Quảng Nam sẽ đi học trở lại kể từ ngày mai 16/01/2013 sau một tuần lễ nghỉ học. Tội « xuyên tạc lịch sử » sửa lời cố chủ tịch Hồ Chí Minh được giảm xuống thành « xúc phạm thầy cô trên Facebook ».

Trường Trung học Lý Tự Trọng tại thành phố Tam Kỳ, Quảng Nam (DR)
Trường Trung học Lý Tự Trọng tại thành phố Tam Kỳ, Quảng Nam (DR)
Quảng cáo

Theo AP, chính quyền Việt Nam đã hủy bỏ hình phạt đuổi học một năm một nữ sinh lớp 8 vì tội phát tán trên mạng xã hội Facebook vào ngày 17/12/2012, lời kêu gọi « Toàn quốc kháng chiến » của ông Hồ Chí Minh năm 1946 mà em học sinh này sửa lại. Nguyễn Thanh Vi bị buộc tội « xuyên tạc lịch sử, xúc phạm thầy cô ».

Trong « Tuyên ngôn học sinh 2011-2012 », cô học sinh tỉnh Quảng Nam 14 tuổi này kêu gọi thế hệ học sinh ngày nay phải « đứng lên » bảo vệ quyền học tập của mình không chấp nhận trả tiền « học thêm » để lên lớp. Vào phòng thi thì phải sử dụng mọi biện pháp quay cóp để được điểm tốt, ứng dụng định lý Pi-« ta ngó » (Pythagore).

Theo ban giám hiệu thì Thanh Vi xứng đáng bị phạt nặng « tội xúc phạm thầy cô » nhưng nhà trường « khoan hồng » cho đi học lại sau khi gia đình và Đoàn thanh niên cộng sản nhận trách nhiệm thiếu sót. Bản thân Thanh Vi « phân trần » là « làm vậy cho vui chứ không có ý xuyên tạc lịch sử và xúc phạm thầy cô ».

Tuần trước, khi tin nữ sinh Thanh Vi bị đuổi học một năm, hơn 70% độc giả của mạng VNExpress được hỏi ý kiến cho rằng đây là một hình phạt quá nặng. Công luận trên mạng tại Việt Nam nhận định vụ việc này thể hiện một trong những hệ quả tất yếu của tình trạng xuống cấp của nền giáo dục khi mà « nhà trường biến thành thị trường ».

 

 

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.