Vào nội dung chính
VIỆT NAM - KINH TẾ

Kế hoạch tái cơ cấu kinh tế của Việt Nam bị chỉ trích

Thủ tướng Việt Nam vừa phê duyệt Đề án tổng thể tái cơ cấu kinh tế cho giai đoạn 2013-2020, với mục tiêu « nâng cao chất lượng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh ». Nhưng theo hãng tin Reuters một số chuyên gia cho rằng kế hoạch này không có bước đột phá nào cả.

Việt Nam cam kết thực hiện một chính sách tiền tệ " thận trọng, hiệu quả"
Việt Nam cam kết thực hiện một chính sách tiền tệ " thận trọng, hiệu quả" Reuter
Quảng cáo

Tăng trưởng kinh tế của Việt Nam năm 2012 chỉ đạt 5,03%. Đây là mức thấp nhất từ 13 năm qua, do nhu cầu tiêu thụ nội địa sụt giảm mạnh, dẫn đến hậu quả nhiều công ty phá sản, trong bối cảnh hệ thống ngân hàng đầy nợ xấu.

Theo đề án do ông Nguyễn Tấn Dũng ký phê duyệt ngày 19/02/2013, chính phủ Việt Nam sẽ thực hiện một chính sách tiền tệ « thận trọng, hiệu quả » để kềm chế lạm phát, nhưng vẫn bảo đảm một mức tăng trưởng « hợp lý ». Việt Nam còn dự trù sẽ tái cơ cấu các thị trường tài chính và đầu tư công, củng cố các tập đoàn, tổng công ty nhà nước. Bên cạnh đó, chính phủ sẽ thực hiện chính sách tài khóa « chặt chẽ », đẩy mạnh xuất khẩu và kiểm soát chặt chẽ nhập khẩu, đồng thời đẩy mạnh sản xuất hàng nội địa.

Thế nhưng, một số chuyên gia lo ngại rằng, do các quan hệ lợi ích chồng chéo và do cơ chế ra quyết định thiếu minh bạch ở Việt Nam, đề án nói trên sẽ khó đạt kết quả mong muốn. Bản tin của Reuters đề ngày 22/02/2013 trích dẫn chuyên gia kinh tế Đinh Tuấn Minh, thuộc Ngân hàng Quân đội, cho rằng không có bước đột phá nào trong việc tái cơ cấu hệ thống ngân hàng và đầu tư công. Theo lời một chuyên gia tài chính Việt Nam ở Sài Gòn, các nhà đầu tư đang chờ xem đề án nói trên được thực hiện như thế nào.

Vào tháng 9/2012, cơ quan thẩm định tài chính Moody’s đã hạ điểm của Việt Nam, vì cho rằng khu vực ngân hàng quá yếu kém. Hệ thống ngân hàng Việt Nam hiện đang phải đối phó với một tỷ lệ nợ xấu thuộc loại cao nhất châu Á. Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước, tỷ lệ nợ xấu của Việt Nam tính đến tháng 9/2012 là gần 9%, nhưng theo cơ quan thẩm định tài chính Fitch tỷ lệ này lên tới 13%. Đề án tái cơ cấu kinh tế đề ra mục tiêu là đến năm 2015 sẽ giảm tỷ lệ nợ công xuống còn 3%.

Nhưng theo Reuters, vẫn còn những mối quan ngại về tình trạng nợ xấu ngân hàng và về nhịp độ của tiến trình cải tổ, bắt đầu từ năm 1986, để xây dựng « một nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa » ở Việt Nam.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.