Vào nội dung chính
Tạp chí văn hóa

Hà Thị Cầu – Truyền nhân cuối cùng của nghệ thuật Hát xẩm?

Đăng ngày:

Nghệ nhân Hà Thị Cầu vừa ra đi ở tuổi ngoài 90. Giới những người yêu quí nghệ thuật cổ truyền Việt Nam thương và tiếc một đỉnh cao. Nhiều tiếng nói khẳng định : « Người hát xẩm cuối cùng đã về trời ». Sự ra đi của Hà Thị Cầu liệu có phải là dấu chấm cáo chung Hát xẩm, môn nghệ thuật một thời là món ăn tinh thần quen thuộc của đông đảo người bình dân Việt Nam ?

Nghệ nhân Hà Thị Cầu
Nghệ nhân Hà Thị Cầu DR
Quảng cáo

Hát xẩm, môn nghệ thuật từng đặc biệt nở rộ tại miền bắc Việt Nam trong nửa đầu thế kỷ XX, đã không có đất sống trong chế độ mới. Nhưng những gì thấm sâu vào máu thịt của người nghệ sĩ đích thực không thể nào biến mất. Trong cuộc đời gần một thế kỷ của mình, nhất là hai mươi năm cuối đời, Hà Thị Cầu đã liên tục truyền đến cho các thế hệ đi sau những gì tinh túy nhất trong môn nghệ thuật của đầu thế kỷ trước.

Tạp chí Văn hóa của RFI tuần này xin chuyển tới quý thính giả tiếng nói của một số nhà nghiên cứu, nghệ sĩ, từng gắn bó với nghệ nhân Hà Thị Cầu hay đặc biệt quan tâm đến di sản của bà.

Khách mời của tạp chí là nhà dân tộc nhạc học Trần Quang Hải (Paris), nghệ sĩ Mai Tuyết Hoa, nhạc sĩ Đặng Hoành Loan và nhà nghiên cứu Bùi Trọng Hiền từ Hà Nội.

Vượt lên đau khổ : Thần lực của một giọng hát

Mở đầu tạp chí là tiếng nói của nhà nghiên cứu Trần Quang Hải :

05:49

Nhà nghiên cứu Trần Quang Hải

RFI : Xin ông cho biết cảm nhận và suy nghĩ của ông trước sự ra đi của nghệ nhân Hà Thị Cầu.

Trần Quang Hải : Bà ấy mất đi là xứ Việt Nam mất đi một gia tài rất lớn, về văn chương, văn học dân gian, là cái văn học dính liền với những người « dân gian », những người nghèo nhất. trong xã hội. Tôi thấy rằng, muốn hát xẩm cho thật hay, phải sống rất nhiều, phải lăn lộn vào trong cuộc đời, phải có nhiều kinh nghiệm, phải có nhiều đau khổ và chính là cái đau khổ đó mới tạo ra một cái thần lực ở trong giọng hát của mình.

RFI : Ông có thể cho biết, vì sao ông lại biết đến môn nghệ thuật hát xẩm và những kỷ niệm của ông với nghệ nhân Hà Thị Cầu.

Trần Quang Hải : Khi tôi đi về Việt Nam lần đầu tiên, thì tôi có nghe nói ở Hà Nội có một điệu hát xẩm, thì tôi có đi gặp anh Thao Giang, phó giám đốc Trung tâm về nhạc dân gian Việt Nam. Anh ấy nói với tôi là đương muốn trùng tu hát xẩm trở lại, sau khi bị mất đi trên 50 năm. Khi đó, Thao Giang mới cho tôi nghe một số làn điệu đặc biệt, trong đó có một vài bài do bà Hà Thị Cầu hát. Tôi hỏi, ai mà có giọng quá đặc biệt như vậy.

Tôi gặp một bà cụ, cái cặp mắt rất là sắc sảo và cái giọng nói rất là vang, vang mạnh lắm và tiếng đờn nghe não ruột luôn. Tôi nhắm mắt mà nghe, thì tôi thấy rằng, rõ ràng là người này đã sống rất nhiều và đã có một đời sống rất là gian truân, nhưng mà có điều, vẫn lướt lên để sống, chấp nhận cái cuộc sống của mình, chứ không có đòi hỏi gì nhiều hết. Thành ra cái tiếng đờn và giọng hát, nó đi quyện vào nhau. Tôi rất lấy làm sung sướng được nghe bà ấy hát. Lần đầu tiên bà ấy hát cho tôi nghe bài « Thập ân ». Thì tôi nhớ hoài cái bài Thập ân này. Nó nói lên cái lòng hiếu thảo của người con.

Từ đó về sau này, tôi không có dịp gặp được bà ấy nữa. Có điều tôi theo dõi tất cả những sinh hoạt của bà, qua báo chí, qua đài truyền hình… Tôi biết rằng năm 2008 bà ấy được lãnh giải thưởng Đào Tấn, là một giải thưởng rất là quan trọng cho những người đã phụng sự âm nhạc dân tộc và nghệ thuật cổ truyền.

Trong 10 năm chót của cuộc đời bà ấy, có rất nhiều học trò đã đến học với bà ấy. Anh Thao Giang cũng đã quay nhiều phim cho đài truyền hình về sinh hoạt của bà ấy và có phim « Xẩm Đỏ », được đạo diễn Lương Đình Dũng quay cách nay 2 năm.

Tôi xem bà ấy cũng như tất cả những diva, hay những người nghệ sĩ lớn, hay những ca sĩ lớn của xứ Việt Nam hay ngay như trên thế giới, ngang hàng với bà Quách Thị Hồ. Bà ấy có một giọng hát rất là đặc biệt, là đại diện cho một truyền thống âm nhạc đang sắp mai một đi (…).

Di sản lớn, tiếp thu rất nhỏ

Theo như tôi nghĩ, sự ra đi của bà Hà Thị Cầu sẽ để lại sự mất mát rất lớn trong truyền thống hát xẩm. Không có một cơ quan nghiên cứu để làm một cuộc điền dã, đi thâu thập bà ấy, theo phương pháp dân tộc nhạc học. Các điền dã ít có làm hoặc chỉ làm một cách chung chung để thâu một số bài bản cho một số người trẻ học thôi, chứ không có đi thâu một cách tận tường, thâu hết – một việc cần làm để duy trì truyền thống hát xẩm với người cuối cùng còn lại của truyền thống này.

Nhạc sĩ Đặng Hoành Loan là người đã thực hiện từ sớm việc thu thanh nghệ nhân Hà Thị Cầu. Sau đây ông chia sẻ một số ấn tượng về tài năng Hà Thị Cầu và thực trạng của việc kế thừa.

01:15

Nhà nghiên cứu Đặng Hoành Loan

Đặng Hoành Loan : Bà ấy là một tài năng xẩm, với giọng hát tuyệt vời, với những rung cảm dường như nó từ máu, từ trong huyết mạch của bà ấy, cho nên khi bà ấy cất lên giọng hát là nó cuốn hút người ta ngay. Tôi được làm việc với bà ấy và thu thanh toàn bộ những vốn liếng của bà ấy vào những năm 1990. Nếu bây giờ đem đối chiếu lại với cái việc bà truyền lại cho lớp trẻ hiện nay, thì chắc chỉ được 1/10 thôi.

Đấy là vốn liếng bài bản. Còn vốn liếng nghệ thuật, tức là cái trình diễn nghệ thuật của bà ấy, thì phải nói rằng là lớp trẻ chưa tiếp cận được. Bởi vì bà có một tài năng mà không phải nghệ sĩ nào cũng có. Một người vừa đàn, vừa hát, một người vừa đánh trống, vừa hát. Một người tự mình có thể đánh hai ba trống một lúc, thì đấy là điều hiếm thấy. Đồng thời bà ấy lại là một nghệ sĩ, một người hát xẩm, đúng là xẩm, tức là sự ngẫu hứng những bài hát, thì bà ấy là người ngẫu hứng vô cùng tài ba. Và có nhiều bài hát bà để lại những dấu ấn rất sâu, như « Yên Mô quê mình », là bài viết về quê hương Yên Mô của bà ấy.

Có lẽ đây là người cuối cùng ra đi cùng với tài sản xẩm, không còn bao giờ có thể thấy nó hiện hữu được nữa. Và nếu nói một cách theo chủ quan của những người… thì cũng có thể nói là cũng còn lại một chút ít, của lớp trẻ tiếp thu được dăm ba bài.

Cũng như nhà dân tộc nhạc học Trần Quang Hải, nhạc sĩ Đặng Hoành Loan nhận thấy, nghệ nhân Hà Thị Cầu đã ra đi, và cùng với bà là cả một « gia tài » hết sức lớn lao đã một đi không trở lại, lớp nghệ sĩ trẻ mới chỉ thâu nhận được những điều ít ỏi từ người nghệ sĩ lớn.

Nỗ lực nối lại một truyền thống nửa thế kỷ đứt đoạn

Như chúng ta biết, môn hát xẩm như một phương tiện kiếm sống của những người mù trên các không gian ngoài đường phố đã không còn tồn tại từ hàng chục năm nay. Trong thời gian ít năm trở lại đây, tại Hà Nội bắt đầu phát triển một số nhóm biểu diễn do các nghệ sĩ, các nhà nghiên cứu chủ trì với mục tiêu phục dựng lại những bài hát và làn điệu xẩm thời xưa.

Trung tâm phát triển nghệ thuật âm nhạc, Hội Nhạc sĩ Việt Nam, kể từ năm 2008, đã tổ chức Lễ giỗ Tổ nghề hát xẩm (vào ngày 22/2 âm lịch) sau nửa thế kỷ gián đoạn, nhằm nối lại với truyền thống này.

Chúng tôi xin chuyển đến quý vị tiếng nói của nghệ sĩ Mai Tuyết Hoa, một trong những giọng hát và tay đàn quen thuộc với nhiều người yêu thích xẩm. Chị Mai Tuyết Hoa là một trong các trụ cột của sân khấu xẩm được tổ chức vào thứ bảy hàng tuần trước cửa chợ Đồng Xuân (Hà Nội). Sau đây nghệ sĩ Mai Tuyết Hoa chia sẻ những kỷ niệm và ấn tượng in dấu trong tâm hồn chị trong thời gian được theo học nghệ nhân Hà Thị Cầu.

03:07

Nghệ sĩ Mai Tuyết Hoa

Mai Tuyết Hoa : Tôi biết bà qua giọng hát, qua những cái băng tư liệu của Viện nghiên cứu âm nhạc Việt Nam sưu tầm. Nghe băng, nghe đĩa của cụ và tôi đã bắt chước cái giọng hát của cụ, cũng như tiếng đàn của cụ. Cái điều ấn tượng nhất với tôi là cái phong cách của cụ, cũng như tính cách của cụ, rất là gần gũi, dí dỏm và rất là hài hước.

Riêng đối với nghệ thuật hát xẩm, thì phải nói, nó rất là phong phú. Phong phú ở bài bản, phong phú ở làn điệu, có buồn, có vui. Nói chung, thì nghệ thuật hát xẩm diễn tả được tất cả những tâm trạng của con người. Và cái điều khó nhất, chính là làm sao mà mình hát gần gũi nhất, dí dỏm nhất và lôi cuốn người nghe nhất. Và cho dù là, cho đến bây giờ, tôi đã học đến hơn mười năm, nhưng mà cái điều mà nghệ nhân Hà Thị Cầu làm được, cuốn hút được người nghe, thì tôi nghĩ vẫn còn rất là xa, bởi vì tôi cũng chỉ có thể học được một chút gì đó của cụ thôi, còn để đạt đến đỉnh điểm như cụ, thì tôi nghĩ điều đó khó ai có thể làm được.

Hát cho mình, hát cho mọi người

Đặc biệt là nghệ thuật hát xẩm, thì nó không như những loại hình nghệ thuật khác, nó khác quan họ, nó khác ca trù, nó rất là dân dã, rất là bình dân. Bình dân ở đây là nó rất gần gũi với mọi người. Ở mọi tầng lớp đều có thể thưởng thức nghệ thuật hát xẩm, vì nó dễ nghe, dễ hiểu. Nghệ thuật hát xẩm chính là cái mà người hát xẩm hát cho mình và cho mọi người.

RFI : Hát cho mình và hát cho mọi người là như thế nào, xin chị diễn tả thêm.

Mai Tuyết Hoa : Người hát xẩm hát thế nào để cho người nghe cảm thấy rằng là, cái điều này nó lay động lòng người lắm, nó miêu tả được nhân tình thế thái, thời sự chiến cuộc. Hoặc là ví dụ như, một người rất thích người hát xẩm hát cho một nỗi niềm gì đấy của mình, ví dụ như anh đang thích một cô này, mà chưa nói được ra lời, thì nhờ người hát xẩm hát cho là tôi đang rất là thích cô đấy, cô có đồng ý đến với tôi hay không ? Người hát xẩm hát cho cuộc đời mình và hát hộ người kia. Người kia cảm thấy rằng là anh hát xẩm này anh ấy có ích, anh ấy giúp được cô kia cô ấy hiểu được ý nghĩa của anh í, thì anh í động lòng, anh í để vào chậu thau đồng một chút ít tiền vào chậu thau đồng, gọi là thưởng cho người hát xẩm. Chứ người hát xẩm không đi xin, đó là điều tôi muốn nói với tất cả mọi người là như vậy.

Kết thúc chương trình hôm nay, chúng tôi xin mời quý vị nghe tiếng nói của nhà nghiên cứu Bùi Trọng Hiền, người được nghệ nhân Hà Thị Cầu nhận làm con nuôi. Ông cũng là người từ gần 20 năm nay liên tục nỗ lực để hiểu xẩm, với hy vọng truyền đến công chúng những bí ẩn của môn nghệ thuật này.

Bùi Trọng Hiền : Tôi được nghe giọng của bà lần đầu tiên là vào năm 1979-1980, thời đó trên làn sóng phát thanh của đài tiếng nói Việt Nam, phát một bài hát xẩm, gọi là « Theo Đảng trọn đời », là do bà đặt lời, vừa đàn, vừa hát. Đấy là lần đầu tiên trong cuộc đời tôi được nghe. Hồi đó còn nhỏ lắm, thì thấy đó là một giọng hát rất hay. Nội dung của bài ca ấy nói về những người con đi tha phương cầu thực, tìm miếng ăn để sống, trong thời ly loạn của chiến tranh.

Sau này, khi lớn lên, học nhạc cổ rồi trở thành một người làm nghiên cứu, thì cái lần tôi được tiếp xúc chính thức với bà là năm 1992, trong những cuộc liên hoan ở Hà Nội, thì được gặp bà. Thì đến năm 1994, tôi mới có dịp được về Ninh Bình, để thăm bà. Từ đó, bà nhận tôi làm con nuôi, và tôi nhận bà làm mẹ đỡ đầu. Cứ có cơ hội, thì tôi lại xách máy và phi xe máy 120 cây về Ninh Bình nhà bà, và tranh thủ học hỏi và ghi chép tất cả, và thu âm toàn bộ những gì tinh hoa nhất, mà bà có.

Cái phóng khoáng và giang hồ của xẩm

Thông qua bà, tôi hiểu được xẩm của thời xưa, bởi vì bà là người cuối cùng hát xẩm. Thông qua những lời kể của bà, rồi những ngón đàn tiếng ca của bà, rồi tất cả những kỹ thuật, về phách, sênh, đàn nhị, về cách đặt lời của bà, cũng như tất cả những gì kỳ vĩ nhất của nghệ thuật xẩm của những người hát rong, vốn là những người hỏng mắt, cứ theo đó mà tuôn trào qua những lời kể, và tôi đã ngấm rất nhiều và thực sự bà là một người thầy rất lớn của tôi.

Suốt từ đó, cho đến khi bà còn khỏe, trong rất nhiều năm, cứ có dịp nào về là tôi lại xách máy quay lại thu âm. Một bài của bà, tôi thu không biết bao nhiêu lần, và mỗi lần bà lại đàn hát ra một dị bản khác nhau. Các bạn cũng biết là nghệ thuật xẩm cũng như rất nhiều thể loại nghệ thuật cổ truyền khác của Việt Nam là nghệ thuật ngẫu hứng. Mỗi làn điệu có một « lòng bản », trên cái lòng bản đó, người ta trình diễn các dị bản rất khác nhau. Đó là độ « giang hồ » của xẩm.

08:56

Nhà nghiên cứu Bùi Trọng Hiền

RFI : Thưa anh, nghệ thuật xẩm có rất nhiều làn điệu. Làn điệu nào có thể nói là đặc trưng cho nghệ thuật hát xấm và bản thân nghệ nhân Hà Thị Cầu là đỉnh cao trong những làn điệu đó ?

Bùi Trọng Hiền : Từ một hình thức hát rong của những người hỏng mắt, xẩm đã sáng tạo những làn điệu của riêng mình, mà không một thể loại nào có. Tôi lấy ví dụ như điệu xẩm Huê tình chẳng hạn. Đấy là một điệu xẩm rất nổi tiếng. Nổi tiếng đến mức mà các ngành cổ nhạc bạn, ví dụ như chèo và ca trù đã du nhập làn điệu đấy vào trong kho tàng âm nhạc của mình.

Chúng ta biết rằng xẩm ngày xưa hát ở đường phố, hát ở bến nước, sân đình, hát ở bến đò, hát ở góc chợ. Cái nhu cầu của xẩm là hát ở những nơi đông người để kiếm sống. Thế cho nên, một bài ca xẩm thường không thể là bài ngắn gọn và nó thường là những làn điệu để chuyển tải những bài thơ rất dài. Để làm sao, người ta đi chợ, người ta nghe được đoạn đầu, thậm chí người ta nghe được bất cứ đoạn nào trong lời ca đó, người ta cũng nắm bắt được làn điệu đó, và người ta cảm thấy thích thú. Vì thế, cái tính gọi là tính trường thiên, tính kể truyện của xẩm rất là rõ ràng.

Người kể truyện trong sân khấu cuộc đời

Một đặc điểm nữa là nội dung của xẩm phải rất đặc biệt. Đặc biệt để làm sao trong đám đông ấy, giữa những tiếng ồn ào của chợ búa, của bến đò, của đường phố, người ta phải nghe nó đập vào ấn tượng, vào tai, vào mắt cái người đi đường, để người ta dừng lại, người ta thưởng tiền cho người hát xẩm. Thì với cái đặc điểm hát rong, nay đây mai đó, thì bản chất cái nghề nghiệp đó, cái cách thức diễn xướng, lấy đường phối, lấy bầu trời, lấy khung cảnh xã hội làm sân khấu, gọi là « sân khấu cuộc đời » của mình, thì hát xẩm đã tự hình thành nên những tính cách nghệ thuật rất riêng.

Bà biết hầu hết tất cả các làn điệu xẩm cổ truyền. Ở bà có cái đặc biệt là bà không biết chữ, như những người nghệ sĩ xẩm thời xưa thôi, nhưng chỉ có điều cái trữ lượng lời ca và làn điệu trong bà, nó như là một cái ăn sâu vào trong máu rồi, bởi vì bà hát từ năm 8 tuổi, 10 tuổi, nó in cả cuộc đời và một lúc nào đấy là nó bật ra, thì bà lại hát trường thiên cả một đoạn rất dài. Thế cho nên, khó có thể nói là bà hát cái gì hay nhất, bởi vì đối với tôi, bu tôi hát cái gì cũng hay. Bà sử dụng thành thạo tất cả các nhạc cụ sênh, phách, trống mảnh, nhị và việc diễn tấu đa năng, vài nhạc cụ một lúc như thế, vừa hát, vừa đàn, là một điểm rất đặc trưng của xẩm. Đối với tôi, thì bu hát làn điệu nào cũng ngọt ngào và hết sức kinh điển.

RFI : Một trong những cái nét mà anh vừa nhấn mạnh, là cái sự phóng khoáng trong diễn xuất của người hát xẩm và đặc biệt là nghệ nhân Hà Thị Cầu, đúng không ạ ?

Bùi Trọng Hiền : Bản chất của mỗi làn điệu xẩm là mang tính dị bản rất lớn, mỗi người thể hiện một cách khác nhau và thậm chí cùng một người mỗi lần hát một cách khác nhau, nhưng nó lại có một lòng bản riêng của từng làn điệu (Hát minh họa hai câu trong bài Thập ân với các biến tấu khác nhau : « Mẹ mới có thai, kể từ một ân, thì con ơi, mẹ mới có thai. Âm dương nhị khí nào ai biết gì, trong lòng thì con ơi mẹ chịu sầu bi. »).

Một tuyến giai điệu có thể hát dựng lên, hoặc hát luồn xuống là tùy theo các cảm hứng của người ta lúc ấy. Nhưng cái điểm vào đầu và điểm kết thúc phải xác định được theo điệu thức của làn điệu đó và cái khung lòng bản của làn điệu đó, ứng với lời thơ lục bát, thì nó sẽ ra được làn điệu Thập ân. Và đấy chính là độ giang hồ, hoang dã của xẩm, khiến cho cái độ phóng khoáng và mỗi người sẽ thể hiện vào đó một dấu ấn của riêng mình.

RFI : Thưa anh, xẩm được coi là nghệ thuật của những người có cuộc sống rất khổ ải. Điều này có đúng không và nếu đúng, thì được thể hiện như thế nào qua giọng hát của bà Hà Thị Cầu ?

Bùi Trọng Hiền : Có điều rất lạ là cuộc sống của những người xẩm ngày xưa được xếp vào ở tầng đáy của xã hội, bởi vì họ là những người bị hỏng mắt, thì âm nhạc trở thành cứu cánh của những người hỏng mắt, và vì thế họ tìm đến xẩm. Thì đấy là cái đầu tiên ta thấy.

Nhưng điều đặc biệt của hát xẩm, chúng ta tưởng tượng là, nếu như để kiếm sống, mà chỉ hát những khúc hát bi ai không, thì sẽ rất khó, cho nên là, anh muốn người ta nghe và người ta cho anh tiền, thì thường anh phải tìm đến những chủ đề đừng có quá buồn, quá bi lụy. Tôi cho rằng chính đặc điểm xã hội đấy, từ nhu cầu của đám đông đấy, nó dẫn đến trong xẩm là âm nhạc tươi sáng rất nhiều. Những cái điệu buồn rất ít, mà cái buồn chỉ là cái buồn man mác. Cái buồn nó không bi lụy, ai oán đến mức bi sầu, cảm thấy không lối thoát. Còn lại đa số là các làn điệu vui, tươi sáng.

Xẩm đủ bản lĩnh để hát về thời sự

Chúng ta biết rằng, trong xã hội có những thói hư tật xấu gì mà người ta muốn đả kích, thì xẩm rất nhanh nhạy, biến tất cả những câu chuyện ấy thành một bài thơ dài và bắt đầu hát. Tất nhiên là trong đám đông ở chợ, khi mà nghe thấy hát về một hiện tượng có tính thời sự như thế, thì lập tức người ta sẽ dừng lại nghe và người ta rất vui, vì đánh trúng vào thị hiếu của người ta mà. Chẳng hạn như có cô gái không chồng mà chửa, hay một cô gái lấy Tây đen, hay là có một ông nhà giàu keo kiệt, chẳng hạn, thì xẩm lập tức ứng biến ngay thành bài ca. Chúng ta biết trong thời chống Pháp, thì cuộc khởi nghĩa của Đội Cấn thất bại trên Thái Nguyên, thì khi đó ai là người dám nói ? Thời đó không có báo chí nhiều như bây giờ và những thông tin ấy tất cả đều thông qua xẩm hết. Và lập tức xẩm ở Hà Nội có một bài vè rất dài, gọi là « vè Đội Cấn ». Và cả trăm câu thơ đó, người xẩm đã sáng tạo ra và hát những nội dung có tính hết sức thời sự và đánh đúng vào tinh thần yêu nước, vào cái câu chuyện vừa mới nóng hổi. Và xẩm đủ bản lĩnh để hát những điều đó.

RFI : Anh nói đến một điều rất thú vị và quan trọng. Thế ở nghệ nhân Hà Thị Cầu, thì tính thời sự và cập nhật này được thể hiện như thế nào ?

Bùi Trọng Hiền : Trong những bài hát rất nổi tiếng của bà như « Dâu lười » và « Rể lười », chẳng hạn. Chúng ta biết là trong xã hội, chuyện trong một làng xóm, một vùng nào đó, chuyện gọi là dâu lười và rể lười là rất phổ biến. Chỉ có điều, không ai có thể đem công khai ra nói được. Bỗng nhiên, có một người xẩm hát một bài « Dâu lười », rồi sau đó người ta cứ tự vận vào, chắc là nói đến ông nào đó trong xóm nhà mình, hoặc gia đình mình, người ta nghe thấy đã quá. Có thể nói chuyện « Dâu lười » và « Rể lười » là một trong các chủ đề về thời sự rất đặc sắc mà bà còn nhớ lại được. Nó nằm trong kho tàng của xẩm cổ truyền. Về sau này, hầu như là bà rất ít « viết » bài ca mới, ngoài bài « Theo Đảng trọn đời » rất nổi tiếng, vào thời gian Việt Nam chống lại quân Trung Quốc xâm lược năm 1979. Còn phần lớn kho tàng bà hát thì phần lớn là xẩm cổ truyền, lời cổ truyền hết.

RFI : Nghệ nhân Hà Thị Cầu được coi là người hát xẩm cuối cùng, bà đã ra đi, vậy tương lai của môn nghệ thuật này sẽ ra sao ?

Bùi Trọng Hiền : Những làn điệu xẩm vẫn còn lại. Còn lại trong các băng đĩa của các nhà nghiên cứu, còn lại trong một số nghệ sĩ đã học được một vài làn điệu, nhưng một nghệ sĩ xẩm đúng nghĩa của nó, một nghệ sĩ xẩm đích thực, thì đã chấm dứt cuộc sống. Cho nên, sự ra đi của bà cũng đặt dấu chấm hết cho nghệ thuật hát xẩm nói chung. Bà Hà Thị Cầu là người cuối cùng.

RFI xin chân thành cảm ơn nghệ sĩ Mai Tuyết Hoa, các nhà nghiên cứu Trần Quang Hải, Đặng Hoành Loan và Bùi Trọng Hiền đã dành thời gian cho tạp chí

Các bài liên quan

Cải thiện sức khỏe thai phụ : Ưu tiên hàng đầu của cộng đồng quốc tế

Ngày Quốc tế Phụ nữ, nghĩ về tinh thần “Phẫn nộ” của Hồ Xuân Hương

Văn hóa cổ truyền : Làm sao đến được với công chúng ?

Ca trù trước ngã ba đường: Phục sinh hay mai một

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Xem các tập khác
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.