Vào nội dung chính
Tạp chí khoa học

Có đủ ARV: Thách thức lớn của cuộc chiến chống SIDA tại Việt Nam

Đăng ngày:

Cũng như nhiều quốc gia đang phát triển, đại dịch HIV/AIDS là một hiểm họa lớn tại Việt Nam. Mặc dù trong những năm gần đây, Việt Nam được ghi nhận như một quốc gia có các tiến bộ đáng kể trong việc phòng chống đại dịch thế kỷ, nhưng để có thể tiếp tục đẩy lùi được HIV/AIDS Việt Nam phải có những nỗ lực gấp bội. Tính đến giữa năm 2012, ước tính toàn quốc có khoảng 250.000 người nhiễm HIV còn sống, trong đó 60.000 người chuyển sang giai đoạn AIDS, mỗi tháng Việt Nam phát hiện trung bình trên 1.000 ca mới, và đã có hơn 60.000 người qua đời vì AIDS.

ARV : Thuốc đặc hiệu trị HIV/AIDS
ARV : Thuốc đặc hiệu trị HIV/AIDS DR
Quảng cáo

Tạp chí Y tế của RFI tuần này muốn chuyển đến quý thính giả một số góc nhìn về những thay đổi lớn trong trị liệu chống HIV/AIDS trong những năm gần đây tại Việt Nam, đặc biệt là các thách thức cơ bản liên quan đến trị liệu, cụ thể là trên phương diện sử dụng thuốc ARV và việc bảo đảm nguồn cung cấp thuốc.

Khách mời của tạp chí là bác sĩ Bùi Thị Bích Thủy (bệnh viện Việt – Tiệp thành phố Hải Phòng), người đã nhiều năm làm việc với bệnh nhân HIV/AIDS, đặc biệt với kinh nghiệm phòng khám ngoại trú, bác sĩ Khuất Thị Hải Oanh (giám đốc Trung tâm hỗ trợ sáng kiến phát triển cộng đồng - SCDI – (trụ sở tại Hà Nội), một tổ chức phi chính phủ, phi lợi nhuận phụ trách Diễn đàn Xã hội dân sự hợp tác phòng chống AIDS, ông Phan Trọng Trí, phó chủ nhiệm CLB Bạn giúp bạn, một mạng lưới hỗ trợ những người mắc HIV có mặt tại 24 quận huyện thành phố Sài Gòn và ông Đỗ Đăng Đông, Trưởng Ban Điều Hành VNP+ (Mạng lưới Người sống với HIV/AIDS Việt Nam).

Trước hết xin mời quý vị nghe tiếng nói của bác sĩ Bùi Thị Bích Thủy (khoa truyền nhiễm, bệnh viện Việt – Tiệp thành phố Hải Phòng), về những thay đổi lớn trong việc điều trị HIV/AIDS trong vòng 10 năm trở lại đây và những điểm chính trong hệ thống điều trị HIV/AIDS tại Việt Nam.

- « Như một người đều biết, dịch HIV/AIDS bắt đầu từ thập kỷ 80, và cho đến bây giờ đã hơn 30 năm rồi. Ở Việt Nam, vấn đề HIV gần đây rất được quan tâm. Bắt đầu từ năm 2004, điều trị thuốc kháng virus bắt đầu được đưa vào. Và cho đến nay, có thể nói, trong 64 tỉnh trong cả nước, thì đều có các phòng khám ngoại trú cho những người nhiễm HIV/AIDS. Và ở các phòng khám ngoại trú đó, các bệnh nhân được điều trị, được quản lý, dự phòng các bệnh nhiễm trùng cơ hội, được điều trị các bệnh nhiễm trùng cơ hội đơn giản. Và họ được điều trị ARV tại các phòng khám ngoại trú đó.

Còn tại các khoa truyền nhiễm, ở tuyến tỉnh trong cả nước, thì tiếp nhận các bệnh nhân nhiễm HIV/AIDS, mà có bệnh nhiễm trùng cơ hội nặng thì được vào khoa điều trị, và sau khi được vào khoa điều trị mà ổn định, thì lại được gửi về phòng khám ngoại trú để được quản lý tíếp. Thêm nữa HIV/AIDS thường đồng hành với lao, thì các bệnh nhân sẽ được quản lý lao ở bệnh viện Lao hoặc ở trong các trung tâm y tế dự phòng của các tuyến quận, huyện, và được điều trị lao, kết hợp với điều trị AIDS.

Riêng tại Hải Phòng, theo con số báo cáo, có hơn 9.000 người bị nhiễm HIV. Riêng tại bệnh viện đa khoa Việt – Tiệp, nơi tôi làm việc, có một phòng khám ngoại trú, với số bệnh nhân được quản lý rất cao là : 2.619 người, trong đó còn 1.151 bệnh nhân còn thường xuyên đến phòng khám. Trong đó, điều trị ARV là 1.068 người. Cũng tại Hải Phòng, có tổng cộng 12 phòng khám ngoại trú dành cho bệnh nhân HIV/AIDS, như vậy, tất cả các quận, huyện, đều có phòng khám ngoại trú HIV/AIDS. »

Từ khi có ARV, điều trị HIV rất sáng sủa

Bác sĩ Bùi Thị Bích Thủy đặc biệt nhấn mạnh đến ý nghĩa mang tính bước ngoặt của điều trị ARV- liệu pháp kháng retrovirus – trong cuộc chiến đẩy lùi HIV/AIDS :

09:11

Bác sĩ Bùi Thị Bích Thủy (Hải Phỏng)

- « Nhìn chung, từ khi có ARV, thì điều trị HIV rất sáng sủa. Trước đây, người ta nói là HIV là căn bệnh chết người, thì đúng là từ khi có ARV, tôi thấy nó trở thành căn bệnh mãn tính, và bệnh nhân trở nên rất khỏe mạnh. Trước những năm 2004, khi chưa có ARV, thì khi làm tại đơn vị chuyên chăm sóc HIV, thì có thể nói là ngày nào cũng có một hai bệnh nhân chết. Tôi nghĩ đây là một tiên lượng rất tốt đối với bệnh nhân HIV/AIDS.

(…) Cái việc phòng chống HIV/AIDS tôi nghĩ là được triển khai rất là tốt tại Việt Nam, dưới sự hỗ trợ của các chuyên gia quốc tế, về mặt kỹ thuật và cả kinh tế nữa, nên các bệnh nhân nhiễm HIV/AIDS được hưởng lợi rất là nhiều. Và bản thân các thầy thuốc làm về HIV cũng được rất nhiều, vì được đào tạo nhiều và học được rất nhiều kỹ năng từ lĩnh vực HIV này. Riêng đối với các bệnh nhân, người nhà bệnh nhân cũng được tập huấn rất nhiều (…) và họ cũng chính là người trực tiếp tham gia vào cuộc phòng chống AIDS, một cách rất là tích cực. (…) Có sự phối hợp rất là tốt, từ cấp quốc gia đến các tỉnh thành, với các bác sĩ, rồi với các bệnh nhân ở cộng đồng, nên chương trình HIV/AIDS ở Việt Nam, riêng tôi, tôi nghĩ rằng rất là tốt. »

RFI : Thưa chị, theo chị cuộc chiến chống HIV/AIDS hiện nay có những trở ngại nào ?

- « Nhìn chung, cũng phải xin nhấn mạnh lại là, trước đây vấn đề kỳ thị đối với HIV/AIDS, nhưng trong cuộc đấu tranh rất dài, thì gần như việc kỳ thị đã được giảm đi rất là nhiều. Tôi cũng không muốn nói là nó đã hết hẳn. Tuy nhiên, đối với các bệnh nhân HIV/AIDS Việt Nam hiện nay có thách thức sau đây. Bản thân tôi, ngay từ những ngày đầu, vào năm 2004, khi các tổ chức quốc tế viện trợ thuốc men, kỹ thuật vào Việt Nam, thì tôi luôn luôn có một câu hỏi là : Vậy thì họ viện trợ đến khi nào, và khi nào, nếu như họ rút đi, họ không còn cho kinh phí nữa, thì lúc đấy, cái bài toán đấy sẽ phải giải như thế nào. Thì thực sự đấy là một thách thức rất lớn, mà tôi cho đây là một bài toán không phải là dễ giải ».

Đưa HIV vào Bảo hiểm Y tế

Về khả năng tạo lập nguồn thuốc cho điều trị - vấn đề nan giải hàng đầu trong việc ngăn chặn căn bệnh thế kỷ -, sau khi các tổ chức quốc tế không còn tài trợ nữa, sau đây là một vài suy nghĩ của bác sĩ Khuất Thị Hải Oanh, giám đốc Trung tâm hỗ trợ sáng kiến phát triển cộng đồng (SCDI) :

- « Đấy là nỗi lo lắng của rất nhiều người, nhất là những bệnh nhân hiện đang uống thuốc. Tuy nhiên, có mấy điều như thế này. Thứ nhất là, các nhà tài trợ quốc tế, khi rút khỏi Việt Nam, hoặc là bất kỳ nước nào, nhất là rút khỏi chương trình điều trị, thì họ cũng phải làm chuyện đấy rất có trách nhiệm, chứ không phải ngày hôm nay còn đang tài trợ cho bệnh nhân uống thuốc, mà ngày mai cắt ngay được. Phải có việc chuyển giao giữa nhà tài trợ và chính phủ Việt Nam.

Tôi biết là hiện nay, các nhà tài trợ lớn, cụ thể là chính phủ Mỹ, thì đang có động thái thảo luận với chính phủ Việt Nam, để chuyển giao chương trình điều trị sang phía chính phủ chịu trách nhiệm.

Còn về nguồn đảm bảo tài chính, tôi được biết là, chính phủ đang cân nhắc để bảo đảm nguồn tài chính đảm bảo cho điều trị sau khi các nhà tài trợ rút đi. Cụ thể là, đang có các thảo luận để đưa điều trị HIV vào chương trình bảo hiểm y tế và các chương trình an sinh xã hội khác. Bởi vì HIV cũng là một bệnh mãn tính thôi. Những bệnh nhân đang bị các bệnh mãn tsinh khác, đang được điều trị, thì bệnh nhân HIV cũng có thể được điều trị trong các chương trình như vậy.

Chỉ cần các nhà tài trợ rút khỏi Việt Nam một cách có trách nhiệm

Vấn đề thứ ba nữa là, cái chuyện chính phủ và các chương trình an sinh xã hội khác có đủ tiền để mua thuốc hay không, thì điều này phụ thuốc rất nhiều vào giá thuốc. Sản xuất thuốc ở trong nước, không có nghĩa là rẻ hơn thuốc nhập khẩu. Hiện nay, theo tôi được biết, giá thành sản xuất HIV, mà mua ở trong nước, thậm chí còn đắt hơn nhập khẩu thuốc generic (đã không còn bản quyền) của Ấn Độ. Chính phủ sẽ phải cân nhắc xem là nên mua nguồn nào cho rẻ. Sản xuất ở trong nước, thì gần như mình có tâm thế là yên tâm hơn. Tuy nhiên, sản xuất thuốc trong nước phụ thuộc vào nhiều vấn đề.

Tôi cũng biết là chính phủ hiện nay đang chỉ đạo xây dựng các văn bản, liên quan đến vấn đề bản quyền và những vấn đề khác, như giấy phép bắt buộc cho những loại thuốc cần thiết cho điều trị cho bệnh nhân ở Việt Nam.

Bản thân tôi không quá lo về chuyện này. Chỉ cần là, các nhà tài trợ, khi rút khỏi Việt Nam, thì rút đi một cách có trách nhiệm. Thứ hai là, chính phủ quan tâm đến vấn đề này, để giải quyết kể về mặt tài chính, cũng như các rào cản về pháp lý, để khiến cho thuốc cho HIV trong thời gian tới không quá đắt, nằm trong khả năng chi trả của chính phủ, cũng như của người dân. »

Điều trị ARV sớm là tốt nhưng ngân sách thêm nặng gánh

và tăng nguy cơ kháng thuốc

Như chúng ta thấy, áp dụng rộng rãi thuốc ARV trong điều trị là một bước tiến quyết định, cụ thể trong trường hợp Việt Nam để giảm một cách hết sức đáng kể số lượng người tử vong vì HIV, không chỉ kéo dài tuổi thọ của người bệnh, mà giúp cho họ có sức khỏe tốt. Tuy nhiên, cho đến nay, xét trên tổng số người nhiễm HIV, số người được điều trị bằng liệu pháp này với tài trợ quốc tế và chính phủ Việt Nam (tính vào thời điểm 2011) mới chỉ có hơn 50.000 người, trên tổng số khoảng hơn 200.000 người bệnh.

Tại Việt Nam, liệu có các chủ trương mở rộng diện sử dụng ARV, đặc biệt là sử dụng ARS sớm hơn hay không ? Đây là điều mà một số nghiên cứu cho thấy đã mở ra khả năng phòng bệnh cao hơn, cũng như khống chế tốt hơn virus HIV. Trả lời câu hỏi của chúng tôi về vấn đề này bác sĩ Khuất Thị Hải Oanh cho biết :

05:57

Bác sĩ Khuất Thị Hải Oanh (Hà Nội)

- « Hiện nay, Tổ chức Y tế Thế giới đang thí điểm với Bộ Y tế để triển khai ở hai địa phương : Cần Thơ và Điện Biên, trong một chương trình gọi là 2.0, điều trị sớm, điều trị bằng viên thuốc kết hợp để mà bệnh nhân uống thuốc dễ dàng, đơn giản hơn.

Kết quả làm tại hai địa phương này có vẻ rất khả quan. Tuy nhiên, để cân nhắc việc triển khai điều trị sớm này, sẽ áp dụng cho những đối tượng nào và ở mức độ như thế nào, thì tôi nghĩ rằng, các nhà lập chính sách ở Việt Nam còn phải cân nhắc rất là nhiều. Bởi vì là, nó có những tác động rõ ràng là tích cực, về mặt sức khỏe cộng đồng, y tế công cộng. Tuy nhiên, nó cũng có vấn đề về ngân sách. Có nghĩa là, mình phải điều trị bệnh nhân sớm hơn, có nghĩa là tăng thêm gánh nặng về ngân sách, kinh phí trong những năm ấy đối với bệnh nhân ấy. Thứ hai là vấn đề kháng thuốc đối với cá nhân bệnh nhân đấy. Và nếu như bệnh nhân kháng thuốc, thì đương nhiên là có những ảnh hưởng đến sức khỏe công cộng. Vì người kháng thuốc rồi, nếu lây cho người khác, thì sẽ là lây luôn cái chủng kháng thuốc. Tôi không biết, cuối cùng mọi người sẽ quyết định như thế nào, nhưng chắc chắn đấy là những điểm mà các nhà lập chính sách ở Việt Nam sẽ phải cân nhắc.

Khó tiếp cận ARV : Biên giới - miền núi, những người không giấy tờ... 

RFI : Thưa chị, có bệnh nhân nào và ở địa phương nào gặp khó khăn trong việc tiếp cận ARV không ? Cũng có những nơi gần như 100% người mang HIV có cơ hội được cấp và việc này rất dễ dàng.

- « Đặc biệt là ở những vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, vùng các dân tộc thiểu số, thì gần như có các ổ dịch mà mọi người không kịp phát hiện ra, và những điều kiện nào đấy, về dân trí, cũng như các hệ thống y tế ở đấy chưa đủ để phát hiện dịch một cách kịp thời và điều trị được. Đặc biệt là các vùng biên giới, miền núi, dân tộc thiểu số, thì đấy là nỗi lo ngại của chúng tôi.

Những thành phố lớn thì mọi người gần như không còn khó khăn gì trong tiếp cận điều trị ARV. Tuy nhiên, vẫn có một số người vẫn gặp khó khăn, bởi vì liên quan đến chuyện thủ tục hành chính giấy tờ. Chẳng hạn như chị em bán dâm chẳng hạn. Mà thường là chị em bán dâm thì thường ít khi làm ở quê nhà mình lắm, thường là đi chỗ khác, mà đi chỗ khác thì nhiều người không có chứng minh thư, không có giấy tờ, thì tiếp cận điều trị cũng rất là khó khăn, hoặc là những người sử dụng ma túy, những người lang thang, những người vô gia cư mà không có giấy tờ. Nhưng về cơ bản, tiếp cận điều trị ở các thành phố lớn, có thể nói là so với các địa phương khác trong cả nước thì tương đối là tốt ».

Tự bỏ tiền mua ARV uống khi mới nhiễm

Về chủ đề cuộc chiến chống HIV/AIDS tại Việt Nam, góp vào tạp chí tuần này có tiếng nói của ông Phan Trọng Trí, phó chủ nhiệm CLB Bạn giúp bạn, có trụ sở tại Sài Gòn. CLB Bạn giúp bạn bao gồm các chi nhánh có mặt tại 24 quận huyện của thành phố, để mang lại sự lắng nghe và các hỗ trợ cho những người không may bị nhiễm HIV. Ông Phan Trọng Trí cho biết một số nhận xét của ông về những thí điểm mới trong việc sử dụng ARV sớm ngay tại Sài Gòn :

- « Phát hiện mình bệnh rồi, đa số tâm lý ai cũng hoảng sợ hết, và người ta thường tìm cách muốn được uống thuốc dự phòng, thì bây giờ hiện tại mình đã có chương trình không phải đợi CD4 tụt xuống quá thấp mới được đi điều trị nữa, mà khi người ta có cơ hội, điều kiện, thì người ta cũng được tham gia điều trị.

Trường hợp này thì không hiếm, thậm chí rất nhiều trường hợp các bạn điện thoại tới hỏi là, sau một bữa ăn chơi này nọ, thậm chí hun hít, cũng hoảng sợ nữa… thì mình sẽ hỏi cái địa chỉ của người ta ở, rồi mình sẽ lên danh sách địa chỉ gần trung tâm điều trị, mình giới thiệu người ta tới, ‘‘chuyển gửi’’ người ta tới. Và ở đó, người ta sẽ lên danh sách, người ta sẽ làm xét nghiệm và cung cấp thuốc cho mình. Nếu mà đủ (tiêu chuẩn) miễn phí, thì sẽ cấp thuốc hoàn toàn miễn phí, nhưng còn những người chưa thuộc đối tượng điều trị miễn phí, thì phải bỏ tiền ra »

RFI : Như thế nào thì được điều trị miễn phí ?

04:37

Ông Phan Trọng Trí (Sài Gòn)

- « Đối tượng miễn phí là phải có hoàn cảnh nghèo, rồi không có khả năng lao động, và CD4 tụt xuống hơn 300 thì mới được vô chương trình điều trị.

Còn những người mới vừa phát hiện mình bị, thì người ta chỉ cần bỏ tiền ra mua thuốc dự phòng. Nó cũng là một dạng ARV, và cũng uống liên tục trong vòng 1 tháng. Mình uống để cho mình an tâm, và sau khi uống thuốc thì khoảng 3 tháng sau, bắt đầu từ ngày mình bị nhiễm, thì mình đi xét nghiệm lại, còn khi nào vô chương trình điều trị, thì mình sẽ uống suốt đời.

Nói chung là, đàn ông con trai bây giờ, như tuổi trẻ bây giờ, con gái, con trai ra đường quan hệ lung tung lắm. Cái đó mình phải hướng dẫn cho người ta, ví dụ có quan hệ, thì phải quan hệ an toàn, sử dụng bao cao su đúng cách. Còn nếu mà người ta đã phát hiện bị mắc bệnh, thì trước mắt, trong khoảng thời gian chưa xin được vô điều trị miễn phí, thì vẫn phải bỏ số tiền ra mua thuốc uống, rồi sẽ nhờ những người trong trung tâm nơi người ta ở, người ta đưa vô danh sách điều trị miễn phí, thì mới được uống thuốc miễn phí hàng tháng ».

Dùng ARV sớm để bảo vệ sức khỏe

Thời điểm sử dụng thuốc ARV vào lúc nào là hợp lý là một thực tế ảnh hưởng rất lớn đến hiệu quả của việc chăm sóc và điều trị bệnh nhân HIV. Về vấn đề này, như chúng ta đã biết, có nhiều quan điểm rất khác biệt, thậm chí trái ngược nhau. Như bác sĩ Bùi Thị Bích Thủy cho biết, hệ thống y tế chính thức tại Việt Nam hiện nay đang áp dụng một số quy định thống nhất chung của Tổ chức Y tế Thế giới, căn cứ trên số liệu xét nghiệm CD4, được điều chỉnh theo hướng nâng lên. Bên cạnh đó, trong hiện tại Việt Nam đang là nước đi đầu thí điểm áp dụng liệu pháp 2.0 điều trị sớm của WHO phối hợp với chương trình HIV của Liên Hiệp Quốc, tại hai địa phương, với hy vọng tạo đột phá trong việc đẩy lùi HIV.

Gần đây, trên thế giới đã có một số kinh nghiệm, tuy còn ít ỏi, cho thấy, nếu điều trị bằng ARV sớm nhất có thể, thì sẽ nâng cao rất nhiều khả năng khống chế HIV, thậm chí có nghiên cứu cho thấy HIV bị khống chế, và người có HIV sau đó không cần dùng thuốc nữa. Phát hiện này, cho đến nay, mới đang trong giai đoạn nghiên cứu. Việc điều trị sớm, khi chỉ số CD4 chưa xuống quá thấp được nhiều người, trong đó, có ông Phan Trọng Trí, Phó chủ nhiệm CLB Bạn giúp bạn, ghi nhận như là một biện pháp có ý nghĩa hệ trọng trong việc bảo vệ sức khỏe của người bệnh. Hiển nhiên, về vấn đề mang tính kỹ thuật này, tranh luận giữa các quan điểm khác nhau là điều khó tránh khỏi. Sau đây là chia sẻ kinh nghiệm của ông Phan Trọng Trí về thực tế tại TPHCM.

- « Thay vì như lúc trước là, phải đợi trong cơ thể mình CD4 tụt xuống mức người ta báo động (theo quy định), thì mới được vô điều trị. Đến lúc đó, sức khỏe của người bệnh người ta đã yếu quá đi rồi. Cái vấn đề vực dậy sức khỏe và tinh thần cho người ta nó rất là khó, và rất là lâu. Xuống thì nó xuống rất là lẹ.

Để ý lúc CD4, khi mới phát hiện (thấy HIV), thì chỉ số này rất là cao, nó khoảng hơn 800, hơn 1.000… Nhưng nếu mà để nó tụt xuống mức, lúc trước là mức báo động để được đi điều trị là phải dưới 150, và bây giờ là nâng lên từ từ là 250, rồi 300... Những người mà CD4 bị tụt xuống mức 150, thì gần như là họ không đi nổi nữa, sức đề kháng không còn. Và khi điều trị, thì uống không biết bao lâu, thì cái CD4 mới lên được khoảng chừng 400-500, và rất là lâu. Lúc đó để vô được chương trình điều trị rất là khó. Bây giờ nhà nước mình thoải mái hơn trong vấn đề đó.

Bây giờ, những người muốn điều trị sớm, nếu người ta có điều kiện, người ta có tiền, người ta có thể mua thuốc uống luôn để giữ cho sức khỏe người ta ổn định. Thì điều trị sớm nó là như thế thôi. Còn những trường hợp điều trị sau, để sức khỏe mình báo động lên rồi (mới dùng thuốc), thì (xuất hiện) bao nhiêu bệnh nhiễm trùng cơ hội, rất nhiều loại bệnh, khó mà chữa trị được lắm. »

RFI : Thưa anh, đã có nhiều người áp dụng theo điều trị thí điểm ARV sớm không ?

- « Cũng có rồi. Nó cũng đơn giản thôi. Mình chỉ cần đi khám và có giấy là mình bị mắc căn bệnh đó, thì có điều kiện, người ta sẽ hướng dẫn mình vô, làm thủ tục cho mình mua thuốc, xét nghiệm máu. Coi phác đồ xem máu mình hợp với loại thuốc nào, thì sẽ cho mình uống. Điều trị sớm, thì rõ ràng có lợi hơn, vì sức khỏe đương nhiên là quan trọng nhất. Vì sức khỏe của người ta sẽ giữ cho người ta luôn ổn định, nhưng với điều kiện phải tuân thủ điều trị, là phải uống đúng giờ, chứ không phải thích uống lúc nào là uống, thì mới giữ được. Còn mình uống không đúng giờ, không đúng thuốc, bỏ thuốc, thì lúc đó cơ thể mình nó kháng thuốc, thì coi như là mệt cho mình thêm ».

RFI xin cảm ơn bác sĩ Bùi Thị Bích Thủy, bác sĩ Khuất Thị Hải Oanh, ông Phan Trọng Trí và ông Đỗ Đăng Đông, đã dành thời gian cho tạp chí.

Sau khi các nhà tài trợ rút, giá thuốc có thể sẽ tăng cao

Vấn đề đáp ứng nguồn thuốc ARV tại Việt Nam sau khi các nhà tài trợ Quốc tế rút đi hiện vẫn chưa được thể hiện rõ trong kế hoạch của chính phủ. Hiện Việt Nam có khoảng 67 ngàn người đang được điều trị bằng thuốc ARV miễn phí thông qua các chương trình lớn như PEPFAR, Quĩ Toàn Cầu, … trong đó khoảng hơn một nửa số bệnh nhân này được uống thuốc trong chương trình PEPFAR. Chương trình AIDS Quốc gia chỉ bao phủ được 10% trong số này, còn lại là từ các chương trình tài trợ HIV khác. Số người dự kiến sẽ cần tiếp cận điều trị đến năm 2015 (theo tiêu chuẩn mới với số CD4< 350 tế bào/mm3 máu) là khoảng 137,135 người.

Hiện ngân sách của chính phủ cho HIV chỉ tăng được khoảng 20% so với lúc trước và con số này là không đáng kể để đáp ứng được nhu cầu của số lượng lớn bệnh nhân hiện nay, sau khi các nguồn tài trợ quốc tế ngừng lại.

Việt Nam tuy có khả năng sản xuất thuốc ARV trong nước (một số hãng dược phẩm nội địa cũng đang sản xuất hầu hết các thuốc bậc 1) nhưng lại không có thị trường trong nước, vì hiện chưa có hãng dược phẩm nội địa nào có được giấy chứng nhận chất lượng của Tổ chức Y Tế Thế giới tại Việt Nam. Vì vậy hầu hết thuốc sản xuất trong nước được xuất sang châu Phi.

Việt Nam đang tham gia TPP và đang dự thảo FTA với Hoa Kỳ trong đó nhấn mạnh vào yếu tố sáng chế và bản quyền, việc này càng làm cho các hãng dược phẩm trong nước không có cơ hội đưa sản phẩm nội địa ra thị trường trong nước. Thêm nữa là, các tập đoàn dược phẩm đa quốc gia cũng đang thắt chặt vấn đề bản quyền bằng cách tăng cường đăng ký bảo hộ sáng chế cho các sản phẩm ARV của họ tại Việt Nam. Điều này sẽ khiến cho giá thuốc tăng cao, sau khi các nhà tài trợ rút.

Việt Nam đang gấp rút xây dựng và ban hành thông tư về Giấy phép nhượng quyền để đối phó với việc độc quyền sáng chế sau này. Tuy nhiên việc này cũng vẫn chậm trễ vì hiện nhiều thuốc đã được cấp bằng sáng chế tại Việt Nam rồi.

Về cơ bản, phía chính phủ Việt Nam đang tìm mọi cách để tăng kinh phí HIV hàng năm, thúc đẩy quá trình xin giấy phép chất lượng sản phẩm của các công ty dược phẩm nội địa, và xem xét lại luật sáng chế để đối phó với các thách thức trong việc cung cấp thuốc cho người bệnh hiện nay cũng như sau này.

Thông tin do Mạng lưới Người sống với HIV/AIDS Việt Nam (VNP+) cung cấp
 

Các tin bài liên quan

Ấn Độ bác yêu cầu cấp bằng sáng chế của hãng dược phẩm Novartis

Một nhóm nghiên cứu Tây Ban Nha công bố vắc xin mới ngăn chặn Sida

Cải thiện sức khỏe thai phụ : Ưu tiên hàng đầu của cộng đồng quốc tế

Nhân hội nghị thế giới về SIDA : Hy vọng khống chế được nạn dịch thế kỷ

Dịch bệnh Sida vẫn còn nghiêm trọng, dù có nhiều tiến bộ lớn

Cộng đồng quốc tế nỗ lực diệt trừ dịch bệnh Sida

Một số thành tựu lớn của y học thế giới trong năm 2011

Công nhận nghề mại dâm : chủ đề gây tranh luận tại Việt Nam

Thuốc Truvada với việc ngăn ngừa hiểm họa HIV

Phòng chống sida tại Việt Nam ngày càng tiến triển

Định kiến là rào cản lớn cho việc phòng chống AIDS/SIDA tại Việt Nam

Bác sĩ Khuất Thị Hải Oanh và công tác giúp đỡ người nhiễm HIV tại Việt Nam

Để chống AIDS có hiệu quả, Việt Nam quy định giữ bí mật danh tánh cho những người nhiễm HIV

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Xem các tập khác
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.