Vào nội dung chính
VIỆT NAM - KINH TẾ

Khởi công xây Nghi Sơn: Nâng gấp đối công suất lọc dầu của Việt Nam

Nhằm đáp ứng nhu cầu nhiên liệu ngày càng tăng cao, hôm nay, 23/10/2013, Việt Nam đã cho khởi công xây dựng máy lọc dầu Nghi Sơn trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa. Với công suất 200.000 thùng/ngày, sau khi nhà máy đi vào hoạt động vào năm 2017, sản lượng lọc dầu của Việt Nam có thể tăng lên thành 330.500 thùng/ngày.

Lễ động thổ xây dựng nhà máy lọc Nghi Sơn (Thanh Hóa) ngày 10/05/2008
Lễ động thổ xây dựng nhà máy lọc Nghi Sơn (Thanh Hóa) ngày 10/05/2008 AFP
Quảng cáo

Theo giới chuyên gia quốc tế, vào năm 2018, Việt Nam sẽ bớt lệ thuộc vào xăng dầu nhập khẩu, với lượng nhập khẩu giảm 16%, xuống còn 180.000 thùng/ngày. 

Nằm tại Khu Kinh tế Nghi Sơn, huyện Tĩnh Gia (Thanh Hóa), nhà máy lọc dầu thứ hai của Việt Nam sau Dung Quất (Quảng Ngãi), vốn đã đi vào hoạt động từ năm 2009. Mang tên chính thức là Liên hợp lọc hóa dầu Nghi Sơn, dự án có tổng vốn đầu tư lên đến hơn 9 tỷ đô la, với 4 nhà đầu tư chủ chốt : Tập đoàn Dầu khí PetroVietnam, Công ty Dầu khí Quốc tế Kuwait KPI/KPE, Tập đoàn Nhật Bản Idemitsu Kosan IKC, Công ty Hóa chất Nhật Bản Mitsui Chemicals MCI. 

Theo Reuters, với khả năng lọc dự kiến là 200.000 thùng/ngày, nhà máy Nghi Sơn sẽ giúp Việt Nam tăng gần gấp đôi công suất lọc dầu trong bốn năm tới, đạt mức 330.500 thùng mỗi ngày vào năm 2017. Tuy nhiên, mức đó chỉ có thể đáp ứng một nửa nhu cầu nhiên liệu của Việt Nam vốn càng lúc càng gia tăng. 

Một trong những lý do được giới chuyên gia phân tích nêu bật để giải thích vì sao nhà máy Nghi Sơn không cung ứng thêm được cho thị trường xăng dầu nội đia, đó là vì trong Liên hợp Nghi Sơn có một nhà máy hóa dầu, sẽ thu hút một phần dầu thô được lọc để làm ra các sản phẩm hóa dầu khác như chất paraxylene. Do vậy, khối lượng nhiên liệu làm ra như xăng để bán trên thị trường nội địa ít đi. 

Theo ghi nhận của công ty tư vấn về năng lượng IHS Energy Insight – được Reuters trích dẫn - kể cả với nhà máy lọc dầu Nghi Sơn, Việt Nam vẫn sẽ phải tiếp tục nhập khẩu xăng dầu một cách đều đặn. Theo IHS, vào năm 2018, khi cả hai nhà máy Nghi Sơn và Dung Quất vận hành với đầy đủ công suất, mức nhập khẩu nhiên liệu của Việt Nam cũng sẽ chỉ giảm được 16%, từ 215.000 thùng/ngày trong năm 2012, xuống còn 180.000 thùng/ngày. 

Dù khiêm tốn, nhưng bước tiến của Việt Nam trong việc giảm bớt lệ thuộc vào nhiên liệu ngoại nhập rất đáng chú ý. Việt Nam từng phải hoàn toàn phụ thuộc vào các sản phẩm dầu nhập khẩu cho đến khi nhà máy lọc dầu duy nhất tại Dung Quất đi vào hoạt động vào đầu năm 2009. 

Nhu vậy, việc khởi công nhà máy Nghi Sơn, cột mốc thứ hai, sẽ được nối tiếp bằng hai chặng khác : Năm 2015 với việc hoàn tất công trình tăng sản lượng của nhà máy Dung Quất lên thành 10 triệu tấn/năm và năm 2018 nếu đề án nhà máy lọc dầu thứ ba được hoàn tất. Tập đoàn Dầu khí Việt Nam có kế hoạch xây dựng nhà máy Long Sơn ở miền Nam, có công suất 10 triệu tấn/năm.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.