Vào nội dung chính
VIỆT NAM - NHÂN QUYỀN

Vì sao đạo Dương Văn Mình của người H’Mông bị đàn áp?

Đầu tháng 10 vừa qua , hàng trăm người H'Mông từ bốn tỉnh Cao Bằng, Bắc Cạn, Thái Nguyên và Tuyên Quang kéo về Hà Nội tố cáo chính quyền địa phương "cấm họ theo đời sống văn minh“. Một số người biểu tình trong đó có những thiếu nữ đã bị tra tấn. Người dân Hà Nội bênh vực đồng bào miền núi cũng bị ngăn cản. Tại sao có chuyện trớ trêu như vậy và vì sao công an Hà Nội lại thẳng tay đàn áp người Hmong, cưỡng bách họ trở về nhà ? Để tìm hiểu nguồn cội vấn đề, RFI đặt câu hỏi với ông Vũ Quốc Dụng, nguyên Tổng thư ký Hiệp Hội Quốc Tế Nhân Quyền ở Frankfurt, Đức.

Người H'mông ở nhiều tỉnh phía Bắc về Hà Nội để kêu cứu chính quyền trung ương, Hà Nội, 19/10/2013. Ảnh : Facebooker Trần Thị Cảm Thanh.
Người H'mông ở nhiều tỉnh phía Bắc về Hà Nội để kêu cứu chính quyền trung ương, Hà Nội, 19/10/2013. Ảnh : Facebooker Trần Thị Cảm Thanh.
Quảng cáo

10:17

Vũ Quốc Dụng - Frankfurt - Đức - 10/11/2013

1)Tại sao người H'mông tiếp tục trở lại Hà Nội để biểu tình, mặc dù bị đánh đập và bắt đưa trở về quê quán?

Chúng ta biết người H’Mông thường tránh đụng chạm với chính quyền. Trong thập niên 80 và 90, khi chính quyền đàn áp dã man đạo Tin Lành thì người H’Mông cũng chỉ đến cầu cứu nhà thờ Tin Lành Hà Nội. Lần này các người dân tộc H’Mông bị đàn áp quá lâu và quá mức nên ra Hà Nội để cầu cứu trung ương. Lý do là các chính quyền địa phương tại 4 tỉnh Cao Bằng, Thái Nguyên, Tuyên Quang và Bắc Cạn đã phá bỏ nhà tang của họ (có nơi gọi là "nhà táng", "nhà đòn"). Khoảng 25 năm nay người H’Mông ở đó đã thay đổi tục lệ chôn cất.

Trước đây họ treo xác chết trong nhà rồi bày tiệc ra ăn uống với người chết trong 7 ngày. Sau đó mới đem xác đi chôn không có hòm ván. Bây giờ họ xây nhà tang chung để đưa quan tài vào đó cho thân nhân đến thăm viếng trong vòng 24 tiếng rồi đem chôn. Họ cho rằng làm như vậy là sạch sẽ và vệ sinh hơn, giống như người miền xuôi đang làm. Thế nhưng chính quyền địa phương lại đem quân đến phá nhà tang của họ, đánh đập, bắt bỏ tù họ và bắt họ trở lại phong tục cũ.

Họ về Hà Nội để đòi phải cho họ lập nhà tang, trả tự do cho những người bị bắt và phục hồi danh dự cho người đã dạy họ theo nếp sống mới là ông Dương Văn Mình. Nhưng sau mấy ngày họ kết luận là trên dưới cùng một giuộc cả, nghĩa là cấp trung ương, cấp tỉnh, huyện và xã đều chủ trương đàn áp giống nhau. Họ quyết tâm ở lại Hà Nội để đòi cho được một tờ giấy bảo đảm việc chấm dứt đàn áp.

Vụ này khá nghiêm trọng. Khoảng 100 người dân tộc H’Mông kéo về Hà Nội vào giữa tháng 10/2013 để biểu tình thì công an đến giải tán. Họ bị bắt và một số bị đánh mang thương tích nặng. Cô Hoàng Thị Vàng bị đánh đến nỗi 10 ngày sau vẫn không đi nổi một mình. Một số bị đưa đi mất tích. Có một số người Hà Nội đến phường Thụy Khuê để đòi lại tài sản của những người H’Mông đã bị công an đánh dã man, thí dụ ông Trương Văn Dũng bị đánh gẫy 3 xương sườn. Sau khi bị bắt đưa về nơi trú quán vào đêm ngày 23/10 vừa rồi thì có tin là người H’Mông đã trở lại Hà Nội.

2) Nỗi bức xúc của họ có liên quan gì đến đạo Dương Văn Mình không? đạo Dương Văn Mình như thế nào?

Theo những thông tin mà tôi tổng hợp được từ các nguồn của chính quyền và của người theo đạo Dương Văn Mình thì đây là một nhánh đạo tin vào Thiên Chúa và Thiên Sứ của người H’Mông ở các tỉnh cực Bắc Việt Nam. Về thực hành, đạo Dương Văn Mình chủ trương thay đổi một số điều mà đạo này cho là hủ tục như ma chay, ép hôn, lễ lạc tốn kém. Chính quyền Việt Nam không công nhận đạo Dương Văn Mình, xem là "tà đạo“ vì không phải Tin Lành mà cũng chẳng là Công giáo. Chính quyền không cho người dân H’Mông chôn cất theo kiểu đạo Dương Văn Mình dạy họ và bắt họ trở về phong tục cũ là phải treo thây ma 7 ngày 7 đêm, phải bón cơm cho xác chết, phải mổ bò mổ trâu ăn uống với xác chết trong 7 ngày rồi vác xác chết đi chôn không quan tài, rồi 13 ngày sau lại phải mổ trâu để cúng tà ma. Ban đầu chính quyền tịch thu đồ đạc để trong nhà tang, đưa quân đến các buổi lễ tang ở đó để giải tán, đánh đập và bắt giữ người tham dự. Sau này chính quyền đem quân đến san thành bình địa các nhà tang được xây dựng trong vùng rừng núi hoặc giữa ruộng nương, đánh đập và bắt giữ những người H’Mông đứng xung quanh để bảo vệ nhà tang. Tôi được xem nhiều video clip cho thấy người dân tỏ ra rất ôn hòa, kiên nhẫn và chỉ chống cự bằng cách xô đẩy khi bị công an và dân quân dùng vũ lực kéo họ đi. Hiện còn ít nhất 3 người trong đạo này đang bị chính quyền Việt Nam giam giữ là các ông Dương Văn Mình , Thào Quán Mua và Hoàng Văn Sang.

3) Việc đàn áp các người Hmông này có phải là đàn áp tôn giáo không? Với qui mô thế nào?

Thoạt nhìn người ta có thể nghĩ việc can thiệp vào chôn cất là một vấn đề về văn hóa phong tục. Tôi được đọc chỉ thị về việc "vận động đồng bào dân tộc H‘Mông thực hiện nếp sống văn minh trong việc tang, việc cưới giai đoạn 2013 – 2015“ của tỉnh Yên Bái. Chỉ thị này chỉ trích các tập tục không phù hợp với nếp sống văn minh như không đưa người chết vào quan tài, tổ chức đám tang rườm rà, lộn xộn, tốn kém và kể thành tích là đã khiến người H‘Mông rút ngắn thời gian tổ chức đám tang (từ 6 - 7 ngày xuống còn 3 - 4 ngày), đưa thi hài vào hòm trong vòng 12 tiếng, chôn cất trong vòng 24 tiếng và giảm việc giết mổ nhiều trâu bò. Tôi nghĩ đạo Dương Văn Mình đáng phải được khen vì đã đi đúng và đi nhanh hơn chính sách mong muốn của nhà nước. Thực tế không được như vậy.

Cho nên việc bắt người H’Mông phải trở về các hủ tục trong cái gọi là "cuộc vận động Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư” hoặc "Quy ước nếp sống văn hóa của người Mông” chỉ là cái cớ và là phương tiện để "ngăn chặn, xóa bỏ“ tôn giáo Dương Văn Mình.

Bằng chứng rõ rệt nhất là chính quyền các cấp bắt người H’Mông phải ký giấy bỏ đạo Dương Văn Mình. Đây là sự xâm phạm đến quyền tự do có tôn giáo là một trong những nhân quyền tuyệt đối mà Công ước Quốc tế về Quyền Dân sự và Chính Trị không cho phép chính quyền được giới hạn trong bất cứ hoàn cảnh nào. Chính quyền Việt Nam đã cho thành lập "Ban chỉ đạo 160“ để điều động bộ đội, công an và các đoàn thể trong MTTQ bắt ép người dân phải bỏ đạo tập thể. Theo một báo cáo của Tỉnh ủy đảng Cộng sản ở tỉnh Cao Bằng vào ngày 8/10/2012, chỉ trong vòng 4 tháng thực hiện chỉ thị của tỉnh ủy thì đã có 17 trong số 32 xóm ở Cao Bằng chịu "ký cam kết không theo Dương Văn Mình“. Ai không ký thì "chính quyền có biện pháp gọi hỏi, răn đe và xử lý nghiêm“. Đó là lý do khiến nhóm Cao Bằng là nhóm đông người nhất trong đoàn biểu tình H’Mông ở Hà Nội.

4) Việt Nam đã nộp đơn ứng cử vào Hội đồng nhân quyền LHQ. Việc đàn áp này có ảnh hưởng gì đến việc ứng cử không?

Muốn làm thành viên của Hội đồng nhân quyền LHQ thì Việt Nam phải đáp ứng các tiêu chuẩn bảo vệ nhân quyền cao nhất. Do đó chính quyền Việt Nam phải thay đổi toàn bộ chính sách đối với các tôn giáo của người H’Mông. Cụ thể Việt Nam phải tôn trọng quyền tự do có tôn giáo và quyền tự do thực hành tôn giáo của họ bằng cách chấm dứt mọi hình thức bắt giam, truy tố, sách nhiễu, phá nhà táng, và quan trọng hơn hết là chấm dứt chính sách bắt bỏ đạo đối với các tôn giáo họ như Vàng Chứ, Dương Văn Mình, … Rất tiếc tôi hiện chưa thấy Việt Nam có thiện chí này.

Việc đàn áp tôn giáo Dương Văn Mình nằm trong một loạt các vi phạm nhân quyền trầm trọng từ hồi đầu năm ngoái tức là từ khi Việt Nam loan báo ý định muốn ứng cử vào Hội đồng nhân quyền LHQ. Chỉ trong khoảng 18 tháng trong lãnh vực tự do tôn giáo đã có 70 tín đồ của các đạo như Hội đồng Công luật Công án Bia Sơn, Công giáo, Tin Lành, Phật giáo, Phật giáo Khmer Krom và Phật giáo Hòa Hảo bị xử tổng cộng một án tù chung thân, 532 năm tù và 200 năm quản chế. Đó là những bằng chứng không thể chối cãi về thành tích nhân quyền rất tồi tệ của Việt Nam.

Trong phiên họp của Đại hội đồng LHQ vào ngày 12/11/2013 tới đây ở New York các thành viên của LHQ nên cân nhắc xem họ có nên bỏ phiếu cho một ứng cử viên có nhiều hành động thách thức quốc tế trong thời gian chuẩn bị nộp đơn như vậy không.

Xin cảm ơn ông Vũ Quốc Dụng

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.