Vào nội dung chính
VIỆT NAM - THIÊN TAI

Việt Nam: Bão Haiyan di chuyển về vùng ven biển Bắc Bộ

Hôm nay, 10/11/2013, cơn cuồng phong Haiyan (Hải Yến, còn gọi là bão số 14), vừa gây thiệt hại kinh hoàng tại Philippines, di chuyển dọc theo bờ biển Việt Nam về phía Bắc. Theo dự báo của Trung tâm Khí tượng Thủy văn Quốc gia, tối nay qua sáng mai, các khu vực từ Thái Bình, Hải Phòng cho đến Quảng Ninh là những nơi có thể bị bão Haiyan đe dọa nhiều nhất.

Người dân Đà Nẵng, Việt Nam, đắp túi cát bảo vệ nhà, trong khi chờ bão Haiyan (Hải Yến) đổ vào, 09/11/2013
Người dân Đà Nẵng, Việt Nam, đắp túi cát bảo vệ nhà, trong khi chờ bão Haiyan (Hải Yến) đổ vào, 09/11/2013 REUTERS/Duc Hien
Quảng cáo

Theo thông báo vào lúc 20 giờ 15 (giờ địa phương) của Trung tâm Khí tượng Thủy văn Việt Nam, tâm bão ở cách bờ biển Thanh Hóa – Quảng Ninh khoảng 190 km về phía đông nam và trong khoảng 12 giờ tới bão có xu hướng dịch chuyển về phía các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ và suy yếu thành áp thấp  nhiệt đới.

Dự báo các tỉnh ven biển phía đông Bắc Bộ có gió mạnh tới cấp 10 (khoảng 100 km/giờ), tức là nhẹ hơn rất nhiều so với thời điểm bão Haiyan đi qua Philippines, với tốc độ có lúc tới hơn 300 km/giờ. Miền Bắc sẽ có mưa to từ đêm nay đến ngày 12/11 và có thể sẽ có lũ ở mức trung bình trên hệ thống sông Hồng – sông Thái Bình. 

Hàng trăm ngàn dân cư ở các khu vực sát bờ biển, thuộc nhiều tỉnh ven biển miền Bắc và Trung Bộ, như Thanh Hóa, Ninh Bình... đã được sơ tán.

AFP dẫn lời Hội Chữ Thập đỏ quốc tế, theo đó, việc bão Haiyan chuyển hướng mở rộng vùng ảnh hưởng của cơn bão, từ 9 tỉnh theo dự kiến thành 15 tỉnh, khiến công tác cứu trợ trở nên khó khăn hơn. Hãng máy bay Vietnam Airways đã hủy bỏ 62 chuyến bay vì bão số 14. Tất cả tàu bè đã được yêu cầu trở về bến. 

Theo báo chí trong nước, dù chưa đổ bộ thẳng vào bờ biển Việt Nam, bão Haiyan đã khiến ít nhất 7 người thiệt mạng và khoảng 30 người bị thương, tại các tỉnh Quảng Ngãi, Quảng Nam, Thừa Thiên-Huế, Hà Tĩnh và Nghệ An.

Về tình hình cụ thể tại Hải Phòng, vào khoảng 16 giờ hôm nay, qua điện thoại, nhà văn Bùi Ngọc Tấn cho RFI biết : 

01:02

Ông Bùi Ngọc Tấn (Hải Phòng)

« Chưa thấy gió, chỉ thấy mưa lắc rắc thôi. Các cụ gọi là mưa rò gió may, nhưng gió may cũng chưa có. Lo ngại nhất là cái tin lần đầu bão có thể vào miền Trung. Thương miền Trung quá ! Miền Trung bị mấy cơn rồi, bây giờ lại bão nặng như thế. Đến bây giờ, thì thấy bảo là nó chuyển lên đây, thì cũng là mừng cho miền Trung. Còn dân Hải Phòng thì cũng không phải là chủ quan đâu, nhưng thấy rằng bão có vẻ nhẹ đi, và mấy lần trước cũng đã quen với những cơn bão cấp 9, cấp 10 rồi.

Riêng gia đình tôi, hai vợ chồng già ở một cái tầng hai của một biệt thự cũ, các cánh cửa cũng lỏng lẻo cả rồi, thì chân đau cũng cố ra chằng buộc để chờ bão. Có mấy cái cây cảnh ở ban công, cũng hạ rồi. Không có ắc quy, nhưng đèn pin cũng xạc rồi, nến cũng chuẩn bị rồi ». 

Về cảnh chờ bão vào tại Hải Phòng, chị Phạm Thanh Nghiên cho biết thêm : 

01:03

Bà Phạm Thanh Nghiên (Hải Phòng)

« Bây giờ trời cũng mưa, không phải là mưa to lắm, hy vọng là bão không mạnh. Lúc khoảng 12 giờ trưa, xem tin thì đài báo là bão di chuyển về phía bắc thì cũng lo. Nhưng vừa rồi, tôi ra ngoài đường thì cũng thấy là mọi sinh hoạt cũng không có gì là đặc biệt lắm.

Đặc biệt hôm nay là Chủ nhật, các công chức họ được nghỉ, nên có nhiều người có nhu cầu ra ngoài. Nhà tôi cũng cẩn thẩn, cũng chuẩn bị thuốc men, nước uống, rồi là lương thực, phòng khi có bão to. Thường tâm lý của mọi người cũng rất là lo sợ. Nếu mà bão mạnh quá, thì nhà cấp 4 như nhà tôi cũng rất là sợ. Cũng hy vọng là cơn bão này sẽ không tàn phá nặng nề Việt Nam ».

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.