Vào nội dung chính
VIỆT NAM

Điện Biên Phủ và một thế kỷ thực dân Pháp ở Đông Dương

Nhật báo Libération hôm nay 27/11/2013 giới thiệu cuộc triển lãm tại Bảo tàng Quân đội, tái hiện lại một thế kỷ hiện diện của Pháp tại Đông Dương với những trang phục, bản rập, tài liệu bằng văn bản và nghe nhìn. Khách tham quan có thể hình dung một trăm năm đô hộ của Pháp ở vùng Viễn Đông và cuộc chiến Điện Biên Phủ đã chấm dứt chủ nghĩa thực dân ở Đông Dương.

Cảnh quân Pháp nhảy dù xuống lòng chảo Điện Biên Phủ năm 1954.
Cảnh quân Pháp nhảy dù xuống lòng chảo Điện Biên Phủ năm 1954. Musée de l'Armée
Quảng cáo

Tờ báo nhận định, sau Algérie năm ngoái, nay đến lượt Đông Dương: Bảo tàng Quân đội nằm ở quảng trường Invalides, Paris tiếp tục lật lại những trang sử đau thương của quá trình thuộc địa và phi thực dân hóa của Pháp. Gần sáu mươi năm sau thất bại ở Điện Biên Phủ vào tháng 5/1954 dẫn đến hồi kết của cuộc viễn chinh tại Đông Dương, cuộc triển làm này vẽ lại quá trình chinh phục Nam Kỳ, giai đoạn đô hộ (1856-1954) rồi việc Pháp phải rút quân trong tiếng đùng đoàng của súng đạn.

Tuy cuộc chiến Đông Dương ít gây tranh cãi hơn so với cuộc chiến Algérie, nhưng tuyên bố của Ngoại trưởng Pháp Laurent Fabius nhân sự kiện tướng Võ Nguyên Giáp qua đời cũng đã gây ra một số phản ứng tại Pháp.

Tháng 10 năm nay, khi biết tin tướng Giáp từ trần, thọ 103 tuổi, Ngoại trưởng Fabius đã vinh danh « một người Việt Nam yêu nước vĩ đại ». Lời tuyên bố này không những gây giận dữ cho các cựu chiến binh Điện Biên Phủ, mà cả một bộ phận trong quân đội Pháp vốn không quên những đối xử tệ hại của Việt Minh với tù binh. Bằng chứng của việc chủ đề này vẫn còn nhạy cảm, theo Libération, đó là có những người có trách nhiệm của Việt Nam đã lặng lẽ đến Invalides để kiểm tra xem liệu đại sứ của Hà Nội ở Paris có thể đến xem triển lãm mà không gây phản ứng gì.

Phần thứ nhất của triển lãm pha trộn những trang phục, bản rập, văn bản, giúp người xem hình dung lại cuộc chinh phục bằng họng súng đại bác, rồi đến việc đô hộ mảnh đất nằm cách nước Pháp đến 15.000 km. Công cuộc đô hộ này vào cuối thế kỷ 19 đã làm dấy lên những cuộc tranh luận tại Quốc hội thời đó. Nếu Jules Ferry nêu ra « nghĩa vụ của các chủng tộc thượng đẳng » với các « dân tộc hạ đẳng », thì Georges Clémenceau tố cáo « các tội ác khủng khiếp » do quân Pháp phạm phải.

Triển lãm càng thu hút hơn với những tài liệu nghe nhìn. Từ những đòi hỏi độc lập tại Đông Dương ngày càng tăng, cho đến thời kỳ chiếm đóng, rồi cuộc chiến trước Việt Minh, việc Thống chế Pétain hợp tác với Nhật để duy trì kiểm soát. Sau khi kháng chiến thành công, người ta nghe giọng nói vừa nhỏ nhẹ vừa kiên quyết của Hồ Chí Minh, ca ngợi « dân tộc Pháp vĩ đại » đã « giương cao ngọn cờ của giá trị tự do, bình đẳng và bác ái ». Theo Libération, đây là một lời ca ngợi dưới dạng một nụ hôn thần chết, để biện minh cho cuộc chiến sắp tới.

Sau nỗ lực thương lượng không thành công giữa Paris và các nhà lãnh đạo cộng sản Việt Nam năm 1946, bán đảo Đông Dương chìm vào cuộc chiến. Ngược lại với cuộc chiến Algérie, Chú Sam hỗ trợ cho đồng minh Pháp vì xem Đông Dương là một con cờ domino phải giữ bằng mọi giá cho một thế giới tự do. Trong một cuộn phim quay vào thời đó, có một Phó tổng thống Mỹ đến thăm lòng chảo Điện Biên Phủ : đó là Richard Nixon, người mà hai thập kỷ sau đã ký kết hiệp định chấm dứt chiến tranh Việt Nam.

Một bộ phim khác được quay năm 1953, bởi một người lính trẻ có tương lai điện ảnh đầy hứa hẹn là Pierre Schoendoerffer, cho thấy những hình ảnh chiến tranh mà ngày nay không còn trông thấy nữa. Những loạt pháo kích, tiếng vang động đinh tai của những khẩu đại bác, những xác chết không nguyên vẹn của những người lính…trên nền nhạc sầu thảm.

Ở gian cuối triển lãm, Libération chú ý đến cuộc đàm thoại đáng kinh ngạc giữa hai sĩ quan cao cấp được ghi lại ngay trước khi Điện Biên Phủ thất thủ. Bên cạnh đó là một cuộn phim nghiệp dư do một hạ sĩ quan quay sau khi ký hiệp định Genève năm 1954, với cảnh quân Pháp chen chúc xuống tàu về nước, dưới cái nhìn dửng dưng của những người chiến thắng – những anh lính Việt Minh trẻ tuổi.

Thái Lan trước cơn sốt Áo Vàng

Nhìn sang Thái Lan, nhật báo Le Figaro có bài viết : « Tại Bangkok, cơn sốt màu vàng đe dọa chính quyền ». Phe đối lập hứa hẹn sẽ lật đổ chính phủ do em gái của cựu Thủ tướng đang lưu vong Thaksin lãnh đạo.

Bài báo mở đầu bằng việc mô tả cảnh Suthep Thaugsuban, người đại diện cho đợt sóng Áo Vàng mới đang thách thức Thủ tướng Yingluck Shinawatha từ cuối tuần qua, đang xướng lên qua micro bài ca của hoàng gia, và hàng ngàn người biểu tình trước Bộ Tài chính cùng đồng thanh hát theo. Ông Thaugsuban hứa hẹn trong vòng ba ngày sẽ kết thúc chính phủ.

Nguyên nhân của « cơn sốt màu vàng » này là một dự thảo luật ân xá, có thể giúp cho nhà lãnh đạo lưu vong Thaksin quay lại Thái Lan. Phong trào phản kháng quy mô nhất từ cuộc khủng hoảng 2010 đến nay, đã tập hợp được trên 100.000 người hôm Chủ nhật. Đa số người biểu tình thuộc tầng lớp trung lưu ở Bangkok, số khác đến từ miền nam.

Theo Le Figaro, bóng ma của cuộc khủng hoảng đã làm 90 người chết năm 2010 hãy còn xa. Sự cứng rắn của Suthep làm những người ôn hòa e ngại, họ tích cực vận động trong hậu trường để tìm ra một lối thoát hòa bình. Những ngày sắp tới, người ta mới biết được chính quyền có thành công trong việc tái lập trật tự mà không đổ dầu vào lửa hay không vì nếu những người Áo Đỏ ủng hộ ông Thaksin ở nông thôn kéo về, thì tình hình sẽ lại bùng nổ.

Mại dâm : Pháp dự định trừng phạt khách mua dâm

Nhân sự kiện dự luật chống mại dâm hôm nay 27/11/2013 được đưa ra thảo luận tại Quốc hội Pháp, nhiều tờ báo lớn xuất bản tại Paris đã đưa lên trang nhất vấn đề này.

Nhật báo Le Monde chạy tựa : « Mại dâm : Việc trừng phạt khách hàng gây chia rẽ các chính đảng ». Tương tự, trang bìa tờ báo cánh tả Libération đăng ảnh cận cảnh một đôi chân phụ nữ mang đôi giày gót nhọn với tựa đề « Mại dâm, cuộc tranh luận xưa nhất thế giới » và đặt câu hỏi : « Trừng phạt khách mua dâm ? Dự luật được đưa ra trước Hạ viện gây chia rẽ tẩt cả các đảng ». Nhật báo cộng sản L’Humanité đăng ảnh một cô gái bán dâm đang đứng chờ khách với dòng tựa lớn « Hủy bỏ » và nhận định, việc thông qua dự luật trên sẽ là một bước tiến đầu tiên về hướng chấm dứt dạng nô lệ này.

Bài xã luận của nhật báo Le Monde mang tựa đề « Luật pháp, giới tính, đạo đức » cho rằng mại dâm là một vấn đề triết lý phức tạp và là một thực tế xã hội xót xa.

Được 120 đại biểu ký tên ủng hộ, dự luật này bãi bỏ việc phạt vạ gái mại dâm vì tội níu kéo khách, thay thể bằng việc trừng phạt khách mua dâm ở mức 1.500 euro. Đây là lần đầu tiên giải pháp phạt vạ khách mua dâm được đưa ra tại Pháp, kèm theo việc giúp đỡ các nạn nhân của bọn buôn người và nô lệ tình dục ra khỏi nghề mại dâm.

Trừng phạt « cầu » để giảm « cung », đó là mục tiêu của dự luật, một cách ngăn cấm việc buôn bán thân xác. Tuy nhiên theo Le Monde, không phải người bán dâm nào cũng là nạn nhân của bạo lực, và không thể quy cho tất cả là quan hệ cưỡng ép. Luật pháp cần làm tất cả để truy lùng bọn ma cô và giúp đỡ cho các nạn nhân bị buộc phải bán thân. Nhưng khi nhắm vào khách mua dâm để trừng phạt, những người bán dâm có thể sẽ phải rút vào bí mật và chịu nhiều rủi ro hơn.

Công dân mạng và dân chủ

Nhân Diễn đàn Dân chủ Thế giới tổ chức tại Strasbourg từ ngày 23 đến 29/11, Le Monde dành nguyên một phụ trang cho đề tài này, trong đó có bài viết « Tư cách công dân trong kỷ nguyên kỹ thuật số ». Câu hỏi đặt ra là các mạng xã hội, truyền thông mạng và blog cũng như việc được tự do tham khảo các dữ liệu, có mang lại quyền lực cho công dân trước các định chế cầm quyền hay không ?

Theo tờ báo, các công cụ kỹ thuật số hẳn sẽ đóng góp vào việc tạo ra một cộng đồng ảo, một nền dân chủ có sự tham gia tích cực của công dân, nhưng đây chỉ mới là điều kiện ban đầu mà thôi. Trong bài « Internet tăng cường quyền lực của xã hội dân sự », nhà nghiên cứu Amanda Clarke chuyên về quan hệ giữa internet và dân chủ cho rằng các định chế chính trị nếu muốn đáp ứng những mong đợi của người dân, không thể bỏ qua các kênh thông tin trong thời đại kỹ thuật số.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.