Vào nội dung chính
Tạp chí xã hội

‘‘Đờn ca tài tử’’ : Hồn cốt cổ truyền trước làn sóng hiện đại

Đăng ngày:

Đầu tháng 12/2013, tại Baku, Azerbaijan, Unesco -Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên Hiệp Quốc - chính thức ghi nhận môn nghệ thuật Đờn ca tài tử của Việt Nam là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Đâu là những điều độc đáo làm nên nghệ thuật âm nhạc tài tử ? Những lo ngại nào ám ảnh người lo lắng cho tương lai của môn nghệ thuật cổ truyền đặc sắc của mảnh đất Nam Bộ ?...

Một cuộc đờn ca của nghệ thuật tài tử trong đời thường (DR)
Một cuộc đờn ca của nghệ thuật tài tử trong đời thường (DR)
Quảng cáo

Nhân sự kiện này, chương trình Tạp chí Cộng đồng của RFI xin chuyển đến quý vị tiếng nói của các chuyên gia âm nhạc học dân tộc, những người đã đóng góp phần rất quan trọng để hồ sơ Đờn ca tài tử Nam Bộ được công nhận. Các vị khách mời của tạp chí tuần này là Giáo sư Trần Quang Hải (Paris) và Nhạc sĩ Đặng Hoành Loan (Hà Nội).

Mấy lý do chính khiến Đờn ca tài tử được ghi nhận

Trước hết là các giải thích của Nhạc sĩ Đặng Hoành Loan về lý do mà môn Đờn ca tài tử đã nhận được sự trân trọng của các chuyên gia quốc tế.

Nhạc sĩ Đặng Hoành Loan : Trước hết để được thế giới thừa nhận, Đờn ca tài tử là một tập tục không thể thiếu được trong sinh hoạt của người dân Nam Bộ trong khoảng 100 năm nay. Đờn ca tài tử đối với người dân Nam Bộ như cơm ăn nước uống. Trong bất kỳ sinh hoạt nào, từ vui buồn, cho đến tết nhất.

17:56

Trò chuyện với Nhạc sĩ Đặng Hoành Loan

Điều thứ hai là nó thật sự là một giải trí cao cấp của người dân Nam Bộ. So với tất cả các nghệ thuật cổ truyền Việt Nam, Đờn ca tài tử là nghệ thuật duy nhất không phụ thuộc vào các không gian văn hóa, hoặc các không gian trình diễn theo mùa vụ. Nó là một nghệ thuật giải trí, chơi bất kỳ lúc nào, chơi bất kỳ ở đâu. Cứ hứng lên thì chơi, gặp nhau thì chơi, thương nhau thì cũng chơi, và hội hè, tiệc tùng thì cũng chơi.

Điểm thứ ba, đó là một lối hòa đàn trác tuyệt, mà ở đấy cái tính ngẫu hứng được đặt lên trên hết. Và ở trong tính ngẫu hứng ấy, nó có tính thú vị là mỗi lần đánh một bản đàn thì hầu như là những cuộc đối thoại bằng âm thanh. Có lẽ đây là một trong những nghệ thuật ngẫu hứng, có thể nói là duy nhất ở Việt Nam. Cho nên, người ta thường gọi là « quăng bắt »…, tức là làm sao cho đối thủ hiểu được tài năng của mình, hiểu được tâm tư tình cảm của mình. Đây là cuộc tao ngộ, mà lại thi thố tài năng bằng nghệ thuật.

Điểm thứ tư rất quan trọng là Đờn ca tài tử đã xác định được cách hoàn thiện « nhạc ngữ » của âm nhạc cổ truyền Việt Nam. Có lẽ, trước Đờn ca tài tử chỉ có Ca trù là xác định được. Nhưng các xác định của Ca trù không rành mạch, không rõ ràng, không khúc chiết, như xác định về nhạc tính của Đờn ca tài tử. Đờn ca tài tử xác định ra bốn « hơi » : Bắc, Hạ, Nam, Oán. Đây là nghệ thuật đã đúc kết và hoàn thiện được nhạc ngữ cổ truyền của người Việt Nam.

Điều thứ năm là Đờn ca tài tử đã tạo được các « ngón đờn », để thỏa mãn được các cung bậc tình cảm. « Người tài tử » Nam Bộ đã tìm ra được các phương pháp bấm các ngón đàn, để tạo ra các nhạc ngữ khác nhau, khi vui, khi buồn, khi oán hận… Những điều trác tuyệt là ở chỗ này. Có nhiều người nói, cái hơi trong Đờn ca tài tử đóng vai trò quan trọng. Mà hơi là được tạo ra từ các « ngón bấm ». Tức là các ngón rung, ngón nhấn, ngón vuốt, rồi ngón mổ. Đấy là các ngón đờn để tạo ra các hơi trên thang bậc năm âm. Đây là cái vi diệu trong nghệ thuật Đờn ca tài tử.

Đấy là năm điều kiện để thế giới công nhận. Điều kiện thứ sáu là Đờn ca tài tử vẫn đang được người dân Nam Bộ yêu mến, vẫn đang được người dân Nam Bộ trao truyền cho nhau, như thuở nào.

Sự hòa trộn của nhiều truyền thống và tính « dân chủ » trong sinh hoạt

Giáo sư Trần Quang Hải ôn lại lịch sử của sự ra đời của môn nghệ thuật âm nhạc « cổ truyền », xuất hiện đúng vào thời kỳ đất nước chuyển mình sang kỷ nguyên hiện đại. Giáo sư Trần Quang Hải nhấn mạnh đến tính chất nổi trội của âm nhạc trong môn đờn ca tài tử và ông cũng lưu ý đến tính chất « dân chủ » hy hữu của môn nghệ thuật, nở rộ cùng lúc với sự phát triển của đời sống đô thị tại xứ Nam Kỳ thuộc Pháp…

Giáo sư Trần Quang Hải : Đờn ca tài tử là một loại nhạc phát xuất từ miền Trung, được hình thành từ cuối thế kỷ XIX. Các nhạc sư làm quan cho triều Nguyễn, theo phong trào Cần Vương (sau khi phong trào tan rã - ndr), đi vào trong miền Nam để đem truyền nhạc ca Huế. Trên đường đi, các nhạc sư dừng chân tại Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Nam… Từ đó tiếng đờn cùng với giọng ca của miền Trung, mới hòa chung với hương vị của xứ Quảng (cũng có người cho rằng nghệ thuật này phát xuất từ cách nay ba, bốn thế kỷ - ndr).

Đến khi tới miền Nam, tiếng đờn của miền Trung được thay đổi tiếp tục một số bài bản, tuy mang cùng một tên. Cái bản chất phóng khoáng của con người miền Nam, nếp sống tại miền Nam, khiến cho các bài bản không y khuôn như bản gốc. Người đàn cũng người ca không muốn giữ nguyên thủy, như thầy đã dạy, mà luôn có đôi nét thêm thắt, thay đổi, tô điểm. Cái đặc tính của dân miền Nam là khi đờn, phải đờn những bài nhạc đúng theo cổ truyền, tức là đờn chân phương, rồi mới thêm thắt những luyến láy, những câu khác, để khiến mỗi lần nghe một lần khác nhau. Cái đó gọi là « đờn ca hoa lá ».

Ca trù và ca Huế, chỉ có một người hát mà thôi. Trong ca trù, có một người đờn. Ca Huế có bốn, năm cây đờn. Trong khi đó, ở trong miền Nam, Đờn ca tài tử có rất nhiều người hát. Người đờn cũng thay đổi khác nhau. Nhưng cái quan trọng là ở miền Nam, người ca và người đờn ngang hàng với nhau. Thành ra, trong hát salon (hát thính phòng), tức hát tài tử, tiếng đờn rất phong phú, đi vào trong lòng của người dân nhiều hơn là cải lương. Vì trong cải lương, đờn chỉ là phụ.

Nhóm Đờn ca tài tử tại Hội chợ Marseilles, Pháp (1906) Ảnh: Tư liệu của nhóm dự án Đông Dương
Nhóm Đờn ca tài tử tại Hội chợ Marseilles, Pháp (1906) Ảnh: Tư liệu của nhóm dự án Đông Dương

Đặc trưng của Đờn ca tài tử là sự dân chủ trong việc gặp gỡ. Một anh thợ hớt tóc hay một anh xích lô, hay bất cứ ai trong giới người nghèo, đều có thể đờn chung với những ông bác sĩ, doanh nhân, hay những ông quan lớn trong thành phố. Khi những người đó ngồi lại để đờn với nhau, thì họ không còn là những con người với các chức vụ nữa, mà họ chỉ là những bạn đờn của nhau. Ông bác sĩ có thể trở thành học trò của anh xích lô. Cái tinh thần dân chủ và tinh thần phóng khoáng của người miền Nam đã tạo thành một truyền thống âm nhạc mà suốt xứ Việt Nam không có nơi nào có.

Đờn ca tài tử - Cải lương : cùng gốc nhạc, khác cách dùng

Nhạc sĩ Đặng Hoành Loan : Đờn ca tài tử ra đời trước, hoàn thiện trước, rồi mới đến sự ra đời của cải lương. Có thể nói đờn ca tài tử là gốc rễ, là cội nguồn, để sinh ra sân khấu cải lương. Bởi lẽ sân khấu cải lương lấy trọn vẹn các bản đờn của đờn ca tài tử. Làm thế nào để phân biệt được hai nghệ thuật này ?

Đứng về mặt âm nhạc học, thật khó mà phân biệt. Bởi vì nó cũng là những cung bậc ấy, cũng Oán, cũng Nam xuân, Nam ai, cũng tất cả, cũng Bắc hạ, Nam oán…. Cái khác biệt thứ nhất là người chơi tài tử không bao giờ cắt bản đờn ra thành nhiều mảnh, một luật chơi luôn luôn được tuân thủ : Chơi hết bản hoặc chơi hết lớp. Trong cải lương, tùy theo tình huống và tâm trạng nhân vật, mà người ta có thể hát đến nửa câu thì dứt lại….

Điều thứ hai là trong đờn ca tài tử không bao giờ có “câu nói lối” trước khi vào hát. Đờn ca tài tử bao giờ cũng đờn vào trước, ca vào sau.

Điều thứ ba là đờn ca tài tử hát rất khuôn phép, rất nhịp điệu, không bao giờ phá vỡ… Sang đến sân khấu cải lương, bản đờn ca tài tử hoàn toàn phụ thuộc vào tính cách nhân vật. Cho nên cũng bản Bắc, cũng bản Lưu thủy, bản Kim tiền… nhưng khi vào cải lương, phụ thuộc vào tình huống của nhân vật, trạng thái của nhân vật… thì người ta có thể co giãn nhịp điệu, có thể nhấn mạnh vào câu hát để tạo ra kịch tính trong âm nhạc….

Trong 20 bản cổ của đờn ca tài tử không có bản vọng cổ, nhưng khi tiếp thu bản vọng cổ người ta cũng biến nó theo lối chơi của tài tử, tức là không bao giờ có nói lối. Còn nếu ta nghe bản đờn ca tài tử mà có nói lối, thì người tài tử đó chính là nghệ sĩ cải lương.

Tóm lại, âm nhạc của hai môn là một, nhưng phương thức biểu đạt, trình diễn phụ thuộc vào hai điều khác nhau. Một đằng tập trung vào âm nhạc, một đằng mang âm nhạc phục vụ cho sân khấu, nhân vật và tình huống của nhân vật.

Cuộc đối thoại âm thanh và không gian sáng tạo mở

Tại sao Đờn ca tài tử từng được người dân khắp nơi trên mảnh đất miền Nam yêu mến và trân trọng ? Tại sao Đờn ca tài tử lại là mảnh đất sinh sôi cho cải lương, một loại hình nghệ thuật được ưa chuộc nhất mội thời ? Có lẽ điểm đáng chú ý nhất đó là không gian sáng tạo mà môn nghệ thuật này đã mở ra, trên cơ sở quy tụ và chắt lọc nhiều tinh túy trong các dòng âm nhạc cổ truyền. Về điều này, nhà nghiên cứu âm nhạc Đặng Hoành Loan cho biết :

Nhạc sĩ Đặng Hoành Loan : Trước khi anh nhập môn vào nghệ thuật chơi Đờn ca tài tử thì anh phải thuộc những bản nhạc rất quan trọng. Người ta gọi là « lòng bản ». Lòng bản là những bản đờn được viết ra bằng « chữ nhạc ». Chữ nhạc đó được viết theo lối cổ truyền. Cao độ của các chữ nhạc tương đương với các nốt ở nhạc Phương Tây. Lòng bản như một chỗ tựa rất quan trọng để hòa tấu.

Tại sao lại gọi là lòng bản ? Lòng bản là bản đờn mà trong đó người ta chỉ ghi những chữ đờn chính, những câu nhạc, những đoạn nhạc. Còn giữa tất cả những chữ đờn, người ta để những khoảng trống, để làm sao người tài tử, từ chữ đờn thứ nhất sang chữ đờn thứ hai, có một khoảng cách để có thể phát triển ra nhiều chữ đờn khác nhau. Hay nói cách khác, lòng bản là bản nhạc tập trung tất cả những nốt chính, chứ không có những nốt phụ. Những nốt chính ấy tạo nên một bản đờn không sinh động, nhưng rất cần thiết để có thể hòa tấu. Trong lòng bản quy định sự nhịp nhàng, quay định lớp nhạc. Thế thì, nếu anh thăng hoa, thì phải thăng hoa trên quy định của nhịp nhạc, câu nhạc và lớp nhạc. Còn từ lòng bản mà tạo ra được các bản đàn hay đến đâu, trác tuyệt đến đâu, đấy là do tài năng của mỗi người tài tử - dựa vào lòng bản để tạo ra sự hoàn thiện khi ngẫu hứng sáng tạo...

Đờn ca tài tử là sự phối hợp của hai hình thức : Thứ nhất là nhạc đờn, rồi thứ hai mới là nhạc đờn cộng với lời ca. Dường như là hai yếu tố ấy, lúc thì nó độc lập, lúc thì nó hòa vào nhau. Khi hòa ca, thì bản đờn lại trở thành phần đệm cho phần ca, nhưng khi không có ca, thì bản đờn trở thành một bản nhạc độc lập. Đây cũng là một điều vi diệu của âm nhạc của đờn ca tài tử, mà trong âm nhạc Việt Nam không có hình thức nào có thể đạt đến hiệu quả như vậy. Do vậy, khi các tài tử chơi với nhau, để có sự đối thoại về âm thanh là không có ca. Mà người ta hoàn toàn dùng các giai điệu âm nhạc, do sáng tạo ngẫu hứng : Người chơi những ngón rất nhanh, người chơi những nhóm chậm chạp, người đang chơi, người kia dừng lại, dừng lại rồi bắt vào… Dường như đấy là cuộc đối thoại âm thanh, mà cuộc đối thoại âm thanh ấy mới chính là cái vi diệu của đờn ca tài tử.

rao… tùy hứng… xuống cùng… song lan… đờn kìm…

Giáo sư Trần Quang Hải : Trong đờn tài tử, lúc nào cũng phải có phần “rao” hết. Rao tức là dạo một hồi để cho người ta thấm nhuần, đi vô trong điệu thức, trong âm giai… Thứ nhất, trong cách rao, người ta có thể đoán được cái tài nghệ của người đờn. Rao mà lảnh lót, “truyền chữ” thật hay, thì ông đó là người đờn giỏi. Khi đờn xong… trước khi bắt đầu, thì người đờn tranh phải làm chữ “á”, tức là kéo dây (tiếng dài)…

Rồi mỗi người vô. Khi vô, mỗi cây đờn có một giai điệu khác nhau. Không phải tất cả bốn năm cây đờn, đều đờn chung một giai điệu. Mỗi một cây đờn có một đặc trưng, có những cách luyến láy, có những kỹ thuật, thành ra khi họ đờn họ hoàn toàn được tự do phóng túng. Nhưng mà có điều, sau khi một câu chấm dứt, tất cả mấy cây đờn đều phải xuống cùng một nốt nhạc, khi thì xuống chữ “”, khi thì xuống chữ “sang”, khi thì xuống chữ “xề”… Phải xuống cùng một lúc, thì mới ăn giơ với nhau, hợp với nhau. Trong khi mà ở đoạn giữa, có người thì chậm chậm một hai chữ, có người bốn năm chữ, có người chơi rất nhanh…

Điều này cho thấy sự tự do, tùy hứng, nhưng mà có điều tùy hứng trong khuôn khổ của âm nhạc. Thành ra, có khi mình nghe mình thấy “ủa, sao ông này đờn chạy loạn, không xuống ?”… Nhưng khi xuống cùng một chữ nhạc, tiếng song lan đánh cái cóc, thì ai nấy cũng mặt mày tươi rói hết. Tiếng song lan là để chấm dứt một câu…. Khi mình ngồi đờn, nghe hai tiếng “cóc”, “cóc” là biết chỉ còn hai nhịp nữa là hết. Người chơi đàn kìm phải làm việc gõ này. Đờn kìm là đờn chánh, giống như là trưởng ban, người điều khiển.

Những người khác đờn sau thì đờn, nhưng phải theo anh đờn kìm. Đờn kìm đúng tiêu chuẩn phải là : Đờn chân phương, mà có hoa lá một chút. Còn mấy người kia cứ hoa lá, chạy sao thì chạy, đờn một cách phóng túng tự do. Có điều phải đi về cùng một lúc với nhau, hẹn với nhau.

Bài bản cổ và sự dễ dãi của sân khấu hiện đại

Đờn ca tài tử được công nhận là di sản nhân loại mang lại niềm vui, tất nhiên, nhưng bên cạnh đó là những lo âu. Là một người tha thiết với việc bảo tồn các nghệ thuật âm nhạc cổ truyền của dân tộc, Giáo sư Trần Quang Hải rất bị ám ảnh bởi xu hướng mai một của vốn cổ và sự xa lánh của công chúng đương đại đối với những gì thuộc về di sản, hoặc chỉ thích thú với những gì mang tính « thời thượng ». Ông tâm sự :

Giáo sư Trần Quang Hải : Theo như tôi hiểu, có 20 bài bản cổ, gồm có 7 bài Lễ, 6 bài Bắc, 3 bài Nam và 4 bài Oán. Những người biết đờn và giỏi đờn phải thuộc 20 bài này. Đến hiện nay, tôi thấy số người đờn tài tử, gần như không còn ai có thể nhớ được, đờn được toàn vẹn 20 bài đó.

24:01

Trò chuyện với Giáo sư Trần Quang Hải

Khi đem Đờn ca tài tử lên sân khấu, thì nghệ thuật này có một vai trò khác, một vị trí khác, không làm cho người nghe thích thú nữa. Vì đời xưa, gọi là đờn salon, tức là chỉ đờn cho một nhóm nhỏ khoảng 10 người, 20 người nghe thôi. Bây giờ lên sân khấu, có cả trăm người, ngàn người nghe. Họ chỉ chờ xuống 6 câu vọng cổ là vỗ tay. Không cần biết là người đó hát hay hay hát dở. Chỉ chờ hát xong là vỗ tay, chứ không phải là tấm tắc khen, như hồi đời xưa, nghe từng « chữ đờn », từng câu của người hát đưa vào, thành ra có sự hài hòa giữa giọng hát và tiếng đờn. Làm cho người nghe trở thành người sành sỏi về âm nhạc.

Chuyển hóa nhạc cụ phương Tây : Sáng tạo hay học đòi ?

Một điểm độc đáo của Đờn ca tài tử - một trong những môn nghệ thuật cổ truyền cuối cùng của xã hội Việt Nam – là đã sử dụng được một số nhạc cụ vốn thuộc về một nền văn minh âm nhạc hết sức khác biệt. Cây đàn guitar « phím lõm » đặc biệt của Nam Bộ là một sản phẩm ra đời trong giai đoạn sáng tạo đỉnh cao của Đờn ca tài tử. Nhạc sĩ Đặng Hoành Loan cho chúng ta biết thêm :

Nhạc sĩ Đặng Hoành Loan : Đây cũng là một điều mà Đờn ca tài tử đã làm được, mà tôi cho rằng đây là sáng tạo rất lớn, tức là tiếp thu âm nhạc nước ngoài, tiếp thu nhạc cụ nước ngoài, mà Việt Nam hóa đi. Trước tiên để cho đàn guitar Tây Ban Nha có thể đáp ứng được nhu cầu chơi Đờn ca tài tử, thì các tài tử đã phải khoét lõm các phím xuống. Khoét lõm phím xuống thì mới nhấn nhá ngón được. Nhưng khoét lõm chưa đủ, để thỏa mãn việc hòa nhập vào môn nghệ thuật này, người ta lên dây theo nhiều cung bậc khác nhau, mà những cung bậc đấy không phải là cung bậc của đàn guitar Tây Ban Nha nữa, mà là các dây đấy là của đàn tài tử. Ví dụ, dây Sài Gòn thì lên thế nào, dây Rạch Giá thì thế nào ?... Ở đây còn có sự sáng tạo thứ hai, đó là sự sắp xếp lại các cao độ của cây guitar Espagnol thành cây đàn phím lõm. Cùng với đàn Tây Ban Nha còn có đàn violon, người ta không để dây son, rê, la, mí như dây phương Tây, mà người ta chuyển lại các dây ấy theo các cung bậc của Đờn ca tài tử. Và tùy bài người ta lên các dây khác nhau. Bây giờ có thể nói là guitar phím lõm đã trở thành người bạn đồng hành của người tài tử. Bất kỳ cuộc hòa đàm nào cũng không thể vắng mặt cây đàn này.

Ra đời và phát triển trong giai đoạn xã hội miền Nam bước vào kỷ nguyên hiện đại, những bước đi của môn nghệ thuật đờn ca tài tử gắn liền với việc du nhập các phương tiện kỹ thuật âm nhạc mới. Dõi theo những thay đổi này trong suốt hàng chục năm qua, Giáo sư Trần Quang Hải có thái độ không thiện cảm với việc sử dụng nhiều phương tiện kỹ thuật, đã xuất hiện ngay từ những năm 1960 của thế kỷ trước, đe dọa tước đi cái thâm trầm độc đáo của nghệ thuật ca nhạc tài tử.

Giáo sư Trần Quang Hải : Về việc đưa các nhạc cụ Tây Phương vào trong dàn nhạc Đờn ca tài tử, chúng ta được biết rằng, từ sau Thế chiến thứ nhất chấm dứt, có sự xuất hiện của một vài cây đàn. Thứ nhất là đờn măng-đô –lin, gọi là măng cầm. Đờn này chỉ đờn được những bài vui, những điệu Bắc. Tới đó, có người đưa vào một cây đờn khác, chế biến từ đờn măng-đô-lin, gọi là đờn octavina, lớn hơn cây măng-đô-lin một chút. Từ đó mới thấy được cây guitar Tây ban cầm. Họ thấy cây đờn này cũng được. Khi họ nhấn những bài buồn không được, thì họ mới nghĩ ra cách khoét lõm… để có thể nhấn được các điệu buồn đặc trưng, điệu Nam, Nam Ai, Nam Xuân, Ngũ cung đảo hay Tứ đại oán… hay là sau này dùng trong bài Vọng cổ…

Khi đờn nghe « nhức xương »…

Lúc đó, chưa có việc để điện vào. Sau này, từ thập niên 1950, họ mới gắn điện vào. Tiếp sau đó, có các nhạc cụ như trong nhạc rock, rất tiện lợi, đờn dễ dàng. Có điện, có những tiếng oaoa… những kỹ thuật đặc biệt cho cây đờn guitar. Những năm 1960, có xuất hiện cây đờn guitar Hạ uy cầm (Haiwai), nghe cũng lả lướt lắm. Nhưng âm thanh ở đây là của cây đờn điện chứ không phải tự nhiên. Rồi lần lần guitar Tây ban cầm bằng điện thay thế cho cây đờn kìm (đờn nguyệt). Guitar điện tiếng chạy lả lướt, đánh rất mau. Điều này cho thấy người ta, nhất là giới trẻ, chú trọng nhiều về tốc độ hơn. Đờn thiệt mau, đờn cho hoa lá, đờn để gây ấn tượng với người nghe. Ba cây đờn Tây ban cầm, violon và Hạ uy di gia nhập vào dàn nhạc Đờn ca tài tử. Nhưng có điều, cái đó dùng nhiều cho đờn trên sân khấu hay cho nhạc cải lương. Chứ dàn nhạc cổ truyền, chỉ có đờn kìm, đờn tranh (thập lục), tiêu, đờn độc huyền (đàn bầu). Đó là những cây đờn căn bản của dàn nhạc ca tài tử.

Chúng ta có thể thấy rõ bây giờ người trẻ thích đờn guitar hơn là đờn kìm, vì cái đó phù hợp với tuổi của họ, họ thích nghe những tiếng âm thanh rộn rã, lớn, chạy thiệt mau… trong khi đó, những ông già đờn trong dàn nhạc salon, đờn những chữ nhấn vuốt theo cái điệu trong tâm hồn của họ. Những tiếng đờn đó, người nghe nói : « Trời ơi, ông ấy đờn nghe nhức xương ! » Tức là nhấn làm sao mình thấy rộn trong người. Còn cái cách kia là chạy thiệt mau, để gây ấn tượng : « Đờn hay quá, đờn mau quá ! ». Có điều này không làm cho mình xúc động bằng những người ở thế hệ trước, tiếng đờn rất nhẹ nhàng, đi vào lòng người nghe...

RFI xin chân thành cảm ơn Giáo sư Trần Quang Hải và Nhạc sĩ Đặng Hoành Loan đã dành thời gian cho chương trình. Xin mời quý thính giả nghe thêm toàn bộ phần trò chuyện với các vị khách mời qua hai hộp âm thanh kèm theo. 

Các tin bài liên quan

Bạch Huệ : Đệ nhất nữ danh ca tài tử Nam Bộ

Bài học từ buổi ra mắt Hội Cải Lương Về Nguồn

Hà Thị Cầu – Truyền nhân cuối cùng của nghệ thuật Hát xẩm?

Vua Vọng Cổ Út Trà Ôn, giọng ca vang lộng sinh khí

Văn hóa cổ truyền : Làm sao đến được với công chúng ?

Ca trù trước ngã ba đường: Phục sinh hay mai một

Vẻ đẹp của Quan Họ cổ truyền xứ Kinh Bắc

Hát Xoan : sự hồi sinh của một môn nghệ thuật giao duyên

Đờn ca tài tử có chinh phục được công chúng ?

Xung quanh vấn đề bảo tồn di sản Đờn ca tài tử, có nhiều ý kiến khác biệt. Có người quan tâm rất lo cho tương lai của truyền thống nghệ thuật này, nhưng có người lại cho rằng hiện tại Đờn ca tài tử vẫn đang có nhiều sức sống.

Giáo sư Trần Quang Hải : Vấn đề chánh để bảo tồn được vốn cổ, là làm sao phải có các cuộc hội thảo, tất cả những nhạc sư chịu khó ngồi lại cùng nhau một bàn, trao đổi một cách thành thật, không bị mặc cảm, không tự cao, tự đại. Khi đó mới tìm được cách để truyền lại được di sản cho thế hệ hậu sinh. Bởi vì muốn duy trì một truyền thống, thì không phải chỉ Unesco tôn vinh, mà chính những người trong xứ phải tự giác để bảo vệ vốn cổ đó, bằng cách khuyến khích người trẻ học hỏi, qua những lớp dạy ở nhà trường cũng như ở các trường âm nhạc (…).

Người mà tôi thấy là xứng đáng nhất trong giới nghệ nhân, nhạc sĩ đờn là nhạc sư (Nguyễn) Vĩnh Bảo. Năm nay, nhạc sư 97 tuổi rồi. Ông là người đã gặp cả hàng trăm nhạc sĩ. Ông đã tự thú rằng trong việc học hỏi, ông học ở tất cả mọi người. Mỗi người có một đặc điểm mà ông hấp thụ và ông đem vào trong âm nhạc. Nhất là ông là người đờn tranh rất giỏi, đờn kìm cũng thật giỏi (...)

Người thứ hai là nhạc sư Ba Tu (Trương Văn Tự). Ông ấy là người còn sót lại, sau khi các nhạc sư tiền bối, như nhạc sư Sáu Tửng, nhạc sư Bảy Hàm, nhạc sư Chín Trích, nhạc sư Ba Dư… ra đi. Ông là người quán thông được 20 bài tổ…

Việc Unesco công nhận Đờn ca tài tử, không phải vì vậy mà chúng ta tự mãn, biến đổi nó theo mục đích để thu hút khách du lịch, rồi đem lên sân khấu làm thành những tiết mục đi xa với truyền thống.

Nên tổ chức các cuộc đờn ca salon (thính phòng), mỗi lần gặp gỡ lại là lúc học các bài bản mới (những bài căn bản), rồi từ đó chúng ta phát triển thêm. Như thế mới bảo đảm được Đờn ca tài tử duy trì được lâu dài, nếu không sẽ bị mất đi với thời gian. Đây không chỉ là trách nhiệm của giới nghệ sĩ mà thôi, mà đây còn là những việc làm của chính phủ và những người lãnh đạo có thẩm quyền. Mục tiêu không phải là để đào tạo các ca sĩ tương lai, mà là để giúp trẻ em Việt Nam ý thức được sự phong phú của ca nhạc cổ truyền. Làm sao đánh thức được sự đam mê trong giới trẻ quay về với vốn cổ. Đó là cả một chương trình làm việc rất lâu dài. Tôi cũng mong rằng ở trong xứ có người đứng lên kêu gọi và hỗ trợ cho chương trình này. (…)

Nhạc sĩ Đặng Hoành Loan : Đờn và ca tài tử, “pure” (thuần túy) tài tử, thì thực sự là ít. Đấy là cái nỗi lo khiến người ta thấy rằng có thể có sự pha trộn. Cùng với thực tế này, thì nghệ sĩ đờn cải lương rất nhiều và họ tham gia vào chơi tài tử rất mạnh mẽ. Điều đấy đương nhiên nó sẽ đem đến sự giao thoa, mà rất nhiều bậc nhạc sư thì không ưng ý. (Tuy nhiên), điều đó sẽ phải xẩy ra, và cứ phải xẩy ra.

Hiện nay, có rất nhiều tài tử bậc thầy đang tìm mọi cách để tìm cách trao truyền nghệ thuật của mình một cách chân chính nhất, một cách đúng đắn nhất cho cộng đồng. Tôi thấy họ đang làm cái việc ấy rất tốt. Năm 2012, khi chấm thi ở đồng bằng sông Cửu Long, tôi thấy các câu lạc bộ Đờn ca tài tử đến tham dự đã đàn rất “tài tử”. Thực ra sau khi được Unesco công nhận, tôi thấy việc chơi nguyên dạng theo lối tài tử đang được phát triển. Nỗi lo (về sự mai một hay vốn cổ bị sai lệch - ndr) cũng có một phần, nhưng chỉ là lo xa, vì tôi thấy (nguy cơ) đó không phải là điều làm tổn thất nghệ thuật này.

Vừa rồi, chúng tôi tổ chức cuộc họp 21 tỉnh thành phố để soát xét lại, thống nhất lại 20 bản cổ, để duy trì nghệ thuật này. Chúng tôi thấy tất cả các tài tử đều thống nhất rằng hiện nay đờn ca tài tử vẫn là đờn ca tài tử, chứ chưa có gì biến dạng, cũng không có gì lệch lạc. Còn đương nhiên, trong cái biến động xã hội, sự hấp dẫn của cải lương và việc nhiều người chơi cải lương, thì đương nhiên nó cũng có lai tạp giữa tài tử và cải lương. Và chỉ có cải lương, thì mới sinh ra cái tiếp thu âm nhạc mới gọi là tân cổ giao duyên, còn với tài tử thì không có chuyện đó xẩy ra.

Hiện nay tại Việt Nam, theo quan sát của tôi, khoảng 10.000 người chơi Đờn ca tài tử, từ các bậc thầy cho đến những người chỉ biết chơi dăm ba bản. Tôi thấy người ta chơi “rất tài tử”, người ta vẫn giữ được cái cốt lõi, cái linh hồn của tài tử, tức là chơi “rất âm nhạc”. Đây là điều mà tôi cho rằng rất quan trọng đối với việc bảo tồn.

Cũng về vấn đề này, không những không lo ngại cho tương lai của Đờn ca tài tử, Nhạc sĩ Huỳnh Văn Khải, Trường khoa Âm nhạc dân tộc, Nhạc viện TP.HCM, cho rằng : « cần phải phát triển loại hình này mà "không ngại" cạnh tranh với đủ các thể loại nhạc khác đang thịnh hành. Cần có đội ngũ nhạc sĩ, nghệ sĩ sáng tác những bài Đờn ca tài tử phù hợp với cuộc sống hiện nay (...) » (Bài "Không trường học nào dạy được đờn ca tài tử"). « Đờn ca tài tử ở ngã ba đường » (Le đờn ca tài tử à la croisée des chemins) là hàng tít trên tờ Le Courrier du Vietnam (21-12-2013).

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Xem các tập khác
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.