Vào nội dung chính
CHÂU ÂU - VIỆT NAM

EU - Việt Nam kết thúc đàm phán tự do mậu dịch lần thứ sáu

Theo nguồn tin từ Bruxelles, vòng đàm phán thứ sáu về một Thỏa thuận tự do mậu dịch giữa Liên Hiệp Châu Âu và Việt Nam mở ra từ đầu tuần đã kết thúc vào hôm qua, 17/01/2014. Theo giới quan sát, các cuộc đàm phán tiến triển rất tốt, và Bruxelles và Hà Nội hoàn toàn có thể đúc kết hiệp định trong năm nay.

Liên Hiệp Châu Âu và Việt Nam đạt bước tiến về tự do mậu dịch (DR)
Liên Hiệp Châu Âu và Việt Nam đạt bước tiến về tự do mậu dịch (DR)
Quảng cáo

Trong vòng đàm phán lần này, có ba lãnh vực được cho là đã đạt được bước tiến đáng kể : Hải quan và hỗ trợ giao thương, rào cản kỹ thuật đối với thương mại, và cạnh tranh. Trong các địa hạt này, phái đoàn hai bên đã đúc kết được các cuộc thảo luận về mặt kỹ thuật và đạt đến thỏa thuận.

Bên cạnh đó, các cuộc thương thảo còn gay go trên một số hồ sơ như tiếp cận thị trường đối với hàng hóa, dịch vụ và đầu tư, vấn đề mua sắm của chính phủ... Các vấn đề chưa được giải quyết sẽ được thảo luận vào tháng Ba tới đây, với một vòng thương thuyết mới tại Hà Nội (17-23/03/2014).

Báo chí Việt Nam đã trích dẫn tuyên bố rất lạc quan của ông Trương Đình Tuyển, nguyên Bộ trưởng Thương mại, cố vấn đoàn đàm phán Việt Nam, theo đó « về tổng thể, hai bên đã xác định được lộ trình đi đến kết thúc đàm phán vào tháng 9/2014 ».

Việt Nam và Liên Hiệp Châu Âu đã loan báo bắt đầu đàm phán về một Hiệp định Tự do Mậu dịch song phương tháng 06/2012. Quan hệ thương mại giữa giữa Bruxelles và Hà Nội rất mạnh mẽ. Theo số liệu của châu Âu, trong năm 2012, kim ngạch thương mại hai chiều Liên Âu-Việt Nam lên tới gần 24 tỷ euro, và Liên Hiệp Châu Âu là một trong những nhà đầu tư trực tiếp nước ngoài lớn nhất của Việt Nam.

Trong khối Đông Nam Á, Việt Nam là quốc gia ASEAN thứ ba tham gia đàm phán tự do mậu dịch với Liên Hiệp Châu Âu, sau Singapore và Malaysia. Tiếp bước Việt Nam là Thái Lan.

Các cuộc đàm phán song phương với từng nước một không cấm cản Liên Hiệp Châu Âu tìm cách đạt được một thỏa thuận với ASEAN trong tư cách một tổng thể, điều mà ASEAN đã từng làm với Trung Quốc.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.