Vào nội dung chính
VIỆT NAM

Luật gia Lê Hiếu Đằng từ trần

Luật gia Lê Hiếu Đằng, cựu lãnh tụ sinh viên từng bị kết án tử hình thời Việt Nam Cộng Hòa trước đây, nguyên Phó chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và là khuôn mặt đấu tranh hàng đầu cho dân chủ và nhân quyền, chống bành trướng Trung Quốc ở Biển Đông ; vừa qua đời vào khoảng 19 giờ hôm nay 22/01/2014 tại Saigon ở tuổi 70.

Luật gia Lê Hiếu Đằng - RFI /Capdevielle
Luật gia Lê Hiếu Đằng - RFI /Capdevielle
Quảng cáo

Ông Lê Hiếu Đằng quê ở Quảng Nam, học trung học ở Đà Nẵng và theo học trường đại học Luật khoa và Văn khoa ở Saigon, thành viên ban chấp hành Tổng hội Sinh viên Saigon. Ông là một trong những khuôn mặt nổi bật trong phong trào đấu tranh đô thị trước 1975, và từng bị chính quyền Việt Nam Cộng Hòa kết án tử.

Là Phó chủ nhiệm Hội đồng tư vấn về dân chủ và pháp luật Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và nguyên là Phó chủ tịch của Ủy ban này tại Thành phố Hồ Chí Minh, luật gia Lê Hiếu Đằng trong những năm gần đây được xem như ngọn cờ đầu của cuộc đấu tranh đòi dân chủ, đòi các quyền công dân và đặc biệt là trong phong trào biểu tình chống các hành động xâm lược của Bắc Kinh tại Biển Đông.

Luật gia Lê Hiếu Đằng là một trong những người đầu tiên ký vào Kiến nghị 72 ngày 19/01/2013 của nhóm 72 nhân sĩ trí thức góp ý cho việc sửa đổi Hiến pháp 1992, gồm bảy đề nghị cụ thể nhằm phát huy dân chủ và hòa hợp dân tộc.

Ông cũng là một trong những người đi đầu trong phong trào biểu tình tại Việt Nam, khi những hành động gây hấn trắng trợn của Trung Quốc tại Biển Đông làm sôi sục lòng dân. Luật gia thẳng thắn phê phán việc trấn áp những cuộc biểu tình chống bành trướng Bắc Kinh là vi phạm nhân quyền.

Đặc biệt luật gia Lê Hiếu Đằng đã gây chấn động với bài viết « Suy nghĩ trong những ngày nằm bịnh » đề ngày 12/08/2013. Trong đó ông nhận định « chủ nghĩa Mác-Lê đã lạc điệu, bị sụp đổ tan tành ngay trên quê hương Xô Viết », « đảng Cộng sản Việt Nam đã trở thành kiêu binh ». Luật gia mạnh dạn đề nghị thành lập một đảng mới, chẳng hạn như đảng Dân chủ Xã hội tại Việt Nam, « vì không có một văn bản luật pháp nào cấm đoán điều này ». Ông cho rằng « một khi xã hội dân sự mạnh lên sẽ kìm hãm được khuynh hướng độc tài của một Nhà nước toàn trị ».

Cách đây một tháng, vào ngày 04/12/2013 ông Lê Hiếu Đằng một lần nữa lại gây rúng động dư luận khi ra tuyên bố từ bỏ đảng Cộng sản Việt Nam. Người đảng viên 45 tuổi đảng, từng là giảng viên Trường Đảng Nguyễn Văn Cừ (1975-1983) nhận định, đảng Cộng sản « đang suy thoái biến chất, thực chất chỉ là đảng của những tập đoàn lợi ích, trở thành lực cản cho sự phát triển của đất nước, dân tộc ».

Luật gia mất đi mang theo những hoài bão chưa thành, một tấm lòng trăn trở vì dân vì nước. Ông luôn đau đáu ngóng về Biển Đông, lãnh thổ cha ông để lại cho con cháu đất Việt đang bị đe dọa từng ngày từng giờ.

Ông Huỳnh Kim Báu, nguyên Tổng thư ký Hội Trí thức Yêu nước Thành phố Hồ Chí Minh cho chúng tôi biết một ngày trước khi bệnh trở nặng khiến ông hôn mê hôm 14/12/2013, ông Lê Hiếu Đằng đã cố gắng viết một lá thư dài ba trang gởi cho các bạn thanh niên, sinh viên học sinh. Đây có thể là bản di chúc của ông gởi lại cho các thế hệ đi sau. Ông cũng biết các tin tức về các hoạt động kỷ niệm 40 năm trận hải chiến Hoàng Sa vừa qua.

Các bạn bè thân hữu của ông hầu hết là những khuôn mặt trong phong trào sinh viên trước đây như ông Huỳnh Tấn Mẫm, Lê Công Giàu…đều có mặt tại bệnh viện 115 hôm 14/12, lúc biết tin bệnh tình ông trở nặng, và tất cả đều bị theo dõi chặt chẽ, có lẽ do trùng hợp với dịp Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đến Saigon. Hôm nay các bằng hữu cũng đang đổ về bệnh viện để bàn bạc hậu sự cho ông.

Theo ước nguyện của người quá cố, ông sẽ được hỏa táng. Linh cữu của luật gia Lê Hiếu Đằng dự kiến được quàn tại chùa Xá Lợi ở quận 3 Sài Gòn, hoặc tại Dòng Chúa Cứu Thế.

RFI Việt ngữ đã hỏi chuyện nhanh các thân hữu của luật gia Lê Hiếu Đằng đang trên đường đến viếng ông.

Ông Huỳnh Kim Báu (nguyên Tổng thư ký Hội Trí thức Yêu nước Thành phố Hồ Chí Minh) :

Anh Đằng mất chỉ có hai người nuôi bệnh bên cạnh chứ gia đình không có ai, mà giờ đó bạn bè cũng không còn ở đấy. Nghe nói ảnh mất đâu hồi 7 giờ rưỡi tới 8 giờ tối. Thật ra cái gì đến sẽ đến, nhưng nghe anh chết tất cả anh em đều bàng hoàng, và đang trên đường tới bệnh viện. Không ai nghĩ rằng anh Đằng đã đi. Dù linh tính của đời người đã báo trước sau khi anh viết lá thư gởi cho tuổi trẻ Việt Nam, sinh viên học sinh, thì đó là lá thư cuối cùng của anh, như là một di chúc gởi lại cho tuổi trẻ.

Tuy biết rồi nhưng tất cả đều bàng hoàng, rất tiếc là anh không vượt qua được. Thực tế thế hệ bây giờ mà đi ở tuổi 70 thì vẫn còn trẻ. Kỳ hôn mê lần đầu, khi cứu tỉnh lại, anh gặp tôi thì điều đầu tiên là anh giơ tay lên để chứng tỏ là mình còn khỏe và nói : « Anh em đừng có lo, đừng nghĩ rằng tôi chết. Tôi phải sống vì dân này, đất nước này vẫn còn cần đến tôi. Tôi sẽ sống vì tôi chưa thể đi được ». Dịp bốn mươi năm Hoàng Sa anh có nghe và cũng quan tâm. Hôm Hoàng Sa thì anh còn tỉnh.Từ lễ kỷ niệm chúng tôi đã điện thoại báo cho anh biết, anh vui lắm. Anh biết rằng anh em vẫn tiếp tục con đường anh đã đeo đuổi.

Bác sĩ Huỳnh Tấn Mẫm (nguyên Chủ tịch Tổng hội Sinh viên Saigon)

Rất đau buồn, thương tiếc anh Đằng. Anh đã mất hôm nay, 22/01/2014. Một cái tin như thế rất là đột ngột, bởi vì trước đây anh cũng nhiều lần bệnh nặng rồi hồi sức lại. Nhiều anh em phong trào trong nước và kể cả từ nước ngoài đã đến thăm anh, lúc tình trạng sức khỏe của anh còn tương đối. Đến hôm nay bệnh quá nặng, di căn có lẽ đã lên tới não chăng nên sau đó anh ngất và ra đi.

Tất cả anh em đã có mặt ở đây. Anh em bằng hữu đến thăm rất đông, chuẩn bị quàn ở chùa Xá Lợi, giờ giấc viếng và động quan chưa rõ. Khuya rồi nhưng các anh Lê Công Giàu, Bùi Văn Nam Sơn, Trần Quang Long …khoảng trên hai chục anh em đang ngồi đây Có cả Mặt trận Tổ quốc thành phố, các cấp ủy quận 5 và nhiều đơn vị.

Về phía anh em được thông tin từ nhiều nơi lắm nên biết hết. Những người thân thiết nhất đã có mặt tại đây, có một số vừa nghe tin chưa đến kịp, nhưng rất đông. Tất cả những anh em phong trào, thân quen cũng như những người đã cùng hoạt động chung với anh Đằng trước và sau giải phóng nói chung là rất thương ảnh. Anh là một người rất dũng cảm, không sợ bị bắt, bị giam, mà mạnh dạn đấu tranh cho dân chủ.

Những điều này rõ ràng là khí tiết của anh. Anh đã hoàn thành nhiệm vụ của một người công dân trước hiện tình đất nước đang có nhiều bất công. Thái độ anh rất rõ ràng dứt khoát : không chấp nhận một tổ chức đảng sa sút về phẩm chất đạo đức, chính trị, do đó anh xin ra khỏi đảng.

Mặt trận dân chủ này quả thật rất khó, không ai tưởng tượng nổi những khó khăn trong hiện tại. Anh đấu tranh rất hợp tình hợp lý, dũng cảm. Là luật gia, anh nói rất chặt chẽ. Anh là người sống thanh đạm, trung thực -quan trọng nhất là thẳng thắn, dám nghĩ dám nói, với tình cảm và tấm lòng yêu nước cao độ. Người khác không dám nói lên tiếng nói trực diện như vậy đâu, nên người ta coi anh là một người "ngoài chiến tuyến", đối xử với anh không được tốt lắm.

Mời đọc lại một số bài RFI phỏng vấn luật gia Lê Hiếu Đằng:

Luật gia Lê Hiếu Đằng : Bỏ đảng Cộng sản để trở thành công dân tự do đấu tranh

Lê Hiếu Đằng : Cần cho lập thêm các đảng đối lập với đảng Cộng sản Việt Nam

Luật gia Lê Hiếu Đằng : Hoãn thông qua Luật Đất đai là bước lùi tích cực

Ô.Lê Hiếu Đằng : Bản án cho Phương Uyên và Nguyên Kha phản ánh khuynh hướng “phát-xít” đáng ngại

Luật gia Lê Hiếu Đằng: Việt Nam đừng bỏ lỡ cơ hội thoát khỏi vòng ảnh hưởng của Trung Quốc

Luật gia Lê Hiếu Đằng: Người biểu tình yêu nước không phải là đối lập

Luật gia Lê Hiếu Đằng: Thay đổi thể chế để tránh một vị Nguyễn Tấn Dũng khác

Luật gia Lê Hiếu Đằng: "Hội nghị Trung ương 6, kết quả đương nhiên của một Nhà nước toàn trị"

 

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.