Vào nội dung chính
Tạp chí Việt Nam

GS Phạm Duy Hiển : « Hoãn dự án hạt nhân sẽ là quyết định sáng suốt »

Đăng ngày:

Việt Nam đã dự trù bắt đầu xây dựng nhà máy điện hạt nhân đầu tiên Ninh Thuận I ngay từ năm 2014, với sự trợ giúp của tập đoàn hạt nhân Nga Rosatom. Ninh Thuận I dự kiến sẽ đi vào hoạt động vào năm 2023. Ngoài Ninh Thuận I, chính phủ Việt Nam đã chọn các tập đoàn Nhật để xây dựng một nhà máy điện nguyên tử thứ hai cũng tại tỉnh Ninh Thuận, với hai lò phản ứng đầu tiên dự kiến sẽ đi vào hoạt động từ những năm 2023-2024.

Mô hình nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận (DR)
Mô hình nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận (DR)
Quảng cáo

Thế nhưng, theo tờ Tuổi Trẻ số ra ngày 16/01/2014, trong một cuộc họp ngày hôm trước, thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã tuyên bố rằng phải đình hoãn dự án nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận I cho đến năm 2020, nhằm bảo đảm « an toàn nhất, hiệu quả nhất » cho dự án.

Ông Nguyễn Tấn Dũng đã tuyên bố như trên sau khi trước đó một tuần, trong chuyến viếng thăm Việt Nam, Giám đốc Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế Yukiya Amano đã khuyên Hà Nội không nên vội vàng tiến đến năng lượng nguyên tử và trước hết phải bảo đảm có đủ khả năng để vận hành nhà máy hạt nhân.

Trả lời phỏng vấn RFI Việt ngữ, giáo sư Phạm Duy Hiển, nguyên Viện trưởng Viện nguyên tử Đà Lạt, hoan nghênh tuyên bố của thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và theo giáo sư Hiển, nếu thật sự ông Dũng đình hoãn dự án nhà máy điện hạt nhân đầu tiên, thì đây sẽ là quyết định « sáng suốt ». Sau đây mời quý vị theo dõi bài phỏng vấn với giáo sư Phạm Duy Hiển.

RFI : Xin kính chào Giáo sư Phạm Duy Hiển. Là một người mà từ lâu vẫn chủ trương là Việt Nam chưa nên xây nhà máy hạt nhân, trước hết ông nghĩ gì về tuyên bố nói trên của thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng.

GS Phạm Duy Hiển : Về thông tin ấy, chúng tôi hiểu đó chưa phải là quyết định cuối cùng. Có nhiều người nói rằng quyết định cuối cùng phải thông qua Quốc hội. Tôi không rõ là việc đó có làm hay không, nhưng cách nói của thủ tướng, người có quyết định khá là lớn trong vấn đề này, cho chúng tôi và rất nhiều người khác có niềm tin rằng việc đó sẽ phải là như vậy.

Đó là một quyết định sáng suốt, hợp lòng dân và có thể nói, nếu thủ tướng quyết tâm thi hành quyết định này, thì phải nói ông là một nhà lãnh đạo có bản lãnh chính trị rất cao.

Để hiểu được bối cảnh của việc thủ tướng nêu lên ý kiến như vậy thì ta phải trở ngược lại từ cách đây hơn 10 năm và xin lỗi quý vị là tôi sẽ nói một số ý kiến liên quan đến cá nhân của mình hơi nhiều một tí, bởi vì tôi nhớ rõ và vì ngay từ đầu, trong giới khoa học, đặc biệt là khoa học hạt nhân, tôi là người quán triệt từ đầu đến bây giờ là chưa nên làm vội. Dĩ nhiên, bây giờ nghe thủ tướng nói như thế thì tôi rất là vui mừng.

Cách đây hơn 10 năm, khi bắt đầu nói đến chuyện hạt nhân Việt Nam, mà chưa có quyết định gì cả, thì tôi có viết một bài đăng trên tờ Tuổi Trẻ « Điện hạt nhân, tại sao phải vội ? », phân tích rõ là Việt Nam chưa đến mức cần phải làm vội như thế. Vả lại, điện hạt nhân không phải muốn làm là được, mà phải xem có đủ điều kiện để làm hay không.

Điều lo ngại nhất đó là tính kỷ luật của người Việt mình, từ sản xuất tiểu nông đi lên công nghiệp hiện đại, chưa cao. Điện hạt nhân cũng không an toàn, không rẻ như người ta tưởng. Lúc cao trào nhất là vào năm 2009, khi Bộ Công thương trình dự án nhà máy hạt nhân ra Quốc hội, Liên hiệp hội khoa học kỹ thuật Việt Nam có gởi Quốc hội một kiến nghị, dựa trên cơ sở bài phát biểu của tôi tại Liên hiệp hội, phân tích rất nhiều khía cạnh cho thấy là chưa nên làm vội như thế.

Rất tiếc là Quốc hội ấy vẫn thông qua, và có lẽ đây là lần đầu tiên mà một Quốc hội của Việt Nam thông qua một quyết định với một phần tư số đại biểu Quốc hội không đồng tình.

RFI : Vậy thì những lý do nào khiến Quốc hội thông qua dự án này mặc dù có nhiều người không đồng tình như vậy ?

GS Phạm Duy Hiển : Lý do thứ nhất là chúng ta thiếu điện lắm, và họ đưa ra con số là vào khoảng năm 2020, Việt Nam sẽ phải cần lượng điện tiêu thụ 340 tỷ Kwh. Lý do thứ hai là chúng ta sẽ không còn nguồn năng lượng nào cả, vì đến năm 2020, tất cả sẽ đều được khai thác hết rồi, chỉ còn điện hạt nhân. Lý do thứ ba là điện hạt nhân rẻ so với các điện năng khác.

Sau khi có quyết định của Quốc hội, thủ tướng Dũng đã đi Nga và ký một hiệp định với Nga về nhà máy hạt nhân đầu tiên do Nga xây dựng. Tiếp theo là xảy ra vụ Fukushima đầu năm 2011, làm cả thế giới sững sờ, thấy rằng hóa ra điện hạt nhân không an toàn và vấn đề xử lý tai nạn không dễ dàng chút nào. Việt Nam cũng thấy điều đó, nhưng rất làm lạ là một số giới chức Việt Nam lúc đó vẫn dứt khoát nói sẽ làm như cũ, không có gì thay đổi cả. Cả Viện trưởng Viện năng lượng Nguyên tử, nơi mà tôi có làm việc và có lãnh đạo trước đây, cũng tuyên bố là chúng ta sẽ có công nghệ hiện đại rất nhiều.

Từ đó đến nay, chúng ta đã có những bước chuẩn bị làm điện hạt nhân nhưng cũng cảm thấy rất khó khăn, nhất là vấn đề đào tạo nhân lực. Nga có hứa giúp đào tạo, nhưng đấy chỉ là những sinh viên đại học thôi, còn về vấn đề chuyên gia thì lúng túng vô cùng. Những nhà lãnh đạo Việt Nam cũng thấy là không đơn giản.

Nhưng một sự kiện có tác động cũng có ý nghĩa đó là chuyến viếng thăm gần đây của Tổng giám đốc Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế Amano ( người Nhật ). Cuối năm 2011, ông có đi thăm Việt Nam một lần, sau vụ Fukushima. Lúc đó, ông nói một cách đơn giản rằng Việt Nam làm điện hạt nhân là tốt và ông tin tưởng là Việt Nam sẽ thành công. Cuối năm 2013, khi sang thăm lại Việt Nam thì ông nói khác : Không nên vội vàng làm điện hạt nhân mà phải chuẩn bị rất kỹ.

Trong nước mà nói thì các vị lãnh đạo khó mà nghe, nhưng một người có thẩm quyền như ông Amano mà nói thì có tác động rất lớn. Tại vì sao mà sau hai năm, ông lại đổi ý kiến như vậy ? Đó là vì trong hai năm qua, Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế và nhiều nước có cử chuyên gia sang Việt Nam đánh giá tình hình và trợ giúp Việt Nam. Nếu không vì những quyền lợi riêng, nếu không phải là đại diện cho các tập đoàn hạt nhân, thì tôi chắc rằng toàn bộ những người có tâm tốt đều thấy là chúng ta chưa đủ sức để làm điện hạt nhân.

Lực lượng của chúng ta quá mỏng. Luật pháp, cơ sở hạ tầng đều rất yếu kém. Nhiều cái phải được sửa lại toàn bộ, nếu không thì không giải quyết được. Ví dụ như cơ quan về an toàn hạt nhân, các nước yêu cầu phải tách ra, không thể để dính với các cơ quan quản lý hoặc cơ quan điều hành như ở Việt Nam hiện nay. Còn về xét duyệt nhà máy hạt nhân ở Việt Nam vẫn là do bộ Công thương xét duyệt. Những cái đó họ thấy không thể chấp nhận được.

Trở lại vấn đề nhân lực. Nga thì lúc nào cũng nói là họ sẽ đào tạo, những người chỉ huy, những người có trách nhiệm khi xảy ra các sự cố, quyết định chuyện này chuyện khác thì chúng ta không có.

Cho nên, việc xây dựng nhà máy điện hạt nhân là hoàn toàn phó thác cho các chuyên gia nước ngoài. Thậm chí bộ trưởng Bộ Khoa học Công nghệ có nói là giám sát thi công cũng sẽ phải thuê chuyên gia nước ngoài.

Do đó, thủ tướng nói rất đúng : Chúng ta làm điện hạt nhân là phải an toàn nhất và hiệu quả nhất thì mới làm. Chừng nào chưa đạt được thì chưa làm. Đó là chỉ mới nói về an toàn, còn vấn đề hiệu quả thì sao ? Xây một nhà máy điện hạt nhân tốn rất nhiều tiền, ít nhất phải là 10 tỷ đôla. Với cách kinh doanh như hiện nay thì làm sao có lời được ? Cho nên, Nhà nước phải bù giá. Trong khi đó, có nhiều nguồn năng lượng khác có thể thay thế được.

RFI : Giáo sư có nói ở trên là nếu thủ tướng quyết định hoãn xây nhà máy điện hạt nhân đầu tiên thì đây sẽ là một quyết định sáng suốt, nhưng điều này có nghĩa là chưa hoàn toàn chắc chắn là chính phủ sẽ ra quyết định tạm ngưng dự án này ?

GS Phạm Duy Hiển : Có một số người không muốn chậm lại. Ngay như Rosatom là tổ chức cung cấp thiết bị nhà máy hạt nhân cho Việt Nam, một ngày sau khi thủ tướng tuyên bố, đã khẳng định là họ vẫn khởi công năm 2017. Vậy thì phải chờ xem quyết định sắp tới phải như thế nào. Nhưng tôi nhắc lại rằng một quyết định như vậy sẽ là một quyết định rất sáng suốt, rất hợp lòng dân.

RFI : Nếu hoãn xây nhà máy hạt nhân, chúng ta phải tìm những nguồn năng lượng nào khác để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ điện ngày càng tăng của Việt Nam ?

GS Phạm Duy Hiển : Việt Nam không thiếu điện. Có thể một số người không đồng ý với điều này, nhưng bây giờ ngày càng thấy là ý kiến của tôi đúng với thực tế. Dự báo sản lượng điện năm 2020 là 340 tỷ Kwh là một dự báo rất lớn, không đúng.

Thực tế là dẫu chúng ta có tiêu thụ điện với tốc độ như hiện nay thì cũng không cần đến mức như thế. Tôi đã nói nhiều lần : Việt Nam xài điện rất là không hiệu quả. Người Việt Nam làm ra 1 đôla thì phải tiêu thụ gần 1 Kwh điện, trong khi đó người Thái Lan với 1 Kwh điện họ làm ra được 2 đôla, Philippine và Indonesia làm ra được gần 3 đôla.

Điện dùng vào những công trình không mang lại hiệu quả và điện được tiêu thụ bởi những hãng nước ngoài vào Việt Nam với những công nghệ tiêu tốn rất nhiều năng lượng. Cho nên mới xảy ra tình trạng như vậy. Nếu chúng ta biết giải quyết bài toán sử dụng năng lượng hiệu quả, thì nền kinh tế của chúng ta sẽ rất sáng sủa, bởi vì đầu tư sẽ có hiệu quả.

Các nhà kinh tế trong những tháng gần đây có đưa ra những thông tin cho thấy đầu tư ở Việt Nam không có hiệu quả. Tôi về nông thôn cũng thấy như vậy, tức là người ta xây rất nhiều đường nhưng lại không có xe chạy ! Đầu tư như vậy tốn rất nhiều điện. Xi măng, sắt thép đều tốn rất nhiều điện. Hiện nay rất khó giải quyết, vì EVN quản lý việc này.

Nhưng thủ tướng cũng có nói là nếu từ đây đến năm 2020 mà thiếu điện thì sẽ xây những nhà máy chạy khí ở miền Nam, tổng cộng 5000 Mw, thay cho hai nhà máy điện hạt nhân. Như thế là hợp lý và đơn giản hơn rất nhiều, rẻ hơn rất nhiều. Còn khí đốt thì chúng ta vẫn còn để xài. Tại sao lại phải vội ?

Thứ hai, nếu như thủ tướng hoãn được trong sáu năm, thì thời gian sáu năm ấy sẽ là thời gian thử thách đối với điện hạt nhân trên toàn thế giới cũng như ở Việt Nam. Lý do là vì người ta đang chuyển về sử dụng năng lượng tái tạo, cụ thể ở Việt Nam là điện gió. Ở Việt Nam có một vài nhà máy điện gió. Đan Mạch gần đây có thông báo là điện gió kể từ nay chiếm tỷ trọng lớn nhất trong tổng sản lượng điện của nước này.

Trong 5,6 năm tới, sự tăng tốc của phát triển năng lượng tái tạo, như điện gió, sẽ càng cho thấy là điện hạt nhân khó có thể cạnh tranh được. Ngay trong điện hạt nhân, công nghệ cũng sẽ được cải tiến theo hướng rất là an toàn, như Mỹ và một số nước khác sản xuất các nhà máy điện hạt nhân, với công suất chỉ vài trăm Mw, nhưng làm thành từng mođun, chở thẳng tới lắp tại nơi.

Đến năm 2020 chúng ta bắt đầu xây nhà máy hạt nhân thì cũng có gì là muộn cả, bởi vì sẽ vẫn có đủ nguồn năng lượng. Thủ tướng đã nói là sẽ xây các nhà máy chạy khí, tức là ông bảo đảm sẽ có đủ khí để chạy. Không có gì phải lo lắng. Còn nếu mà từ đây đến đó đẩy mạnh chính sách sử dụng năng lượng có hiệu quả thì càng tuyệt vời hơn nữa, vì lúc đó lượng điện tiêu thụ sẽ giảm rất nhiều.

Hai năm vừa rồi, công nghiệp của Việt Nam đã chuyển sang công nghiệp cao, không phải là do Việt Nam, mà là do nước ngoài đầu tư vào, cụ thể là Hàn Quốc. Xuất khẩu của Việt Nam năm qua là 14 tỷ đôla là từ các nhà máy của Hàn Quốc lắp ráp điện thoại di động thông minh, hầu như không tốn điện, so với những nhà máy luyện thép, nhà máy xi măng tốn rất nhiều điện. Chính vì thế mà trong hai năm vừa rồi, mỗi một năm sản lượng điện tiêu thụ của Việt Nam chỉ tăng khoảng 9%, so với mấy năm trước là 15%.

Nhu cầu về điện của Việt Nam từ đây đến năm 2020 sẽ không như trước đây theo như tính toán của những người làm kế hoạch ( nhà máy điện hạt nhân ). Với tình hình như hiện nay, giá thành của năng lượng ngày càng giảm, trong khi đó chưa có một dấu hiệu gì cho thấy giá thành điện hạt nhân giảm. Nếu chúng ta vẫn cứ xây những nhà máy công suất rất lớn như thế, thì đầu tư vào để bảo đảm an toàn cho những nhà máy ấy sẽ rất nặng.

RFI : Xin cám ơn Giáo sư Phạm Duy Hiển.
 

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Xem các tập khác
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.