Vào nội dung chính
HOA KỲ - VIỆT NAM

Quốc hội Hoa Kỳ xem xét hiệp định hạt nhân Mỹ-Việt

Từ ngày 08/05/2014, Quốc hội Hoa Kỳ bắt đầu xem xét hiệp định hạt nhân ký kết với Việt Nam, một hiệp định sẽ mang lại cho Mỹ hàng tỷ đôla xuất khẩu, nhưng cũng có thể gặp trắc trở do quan ngại về tình hình nhân quyền ở Việt Nam.

Liệu Hoa Kỳ sẽ đồng ý chuyển giao công nghệ hạt nhân cho Việt Nam? Trên đây là mô hình nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận (DR).
Liệu Hoa Kỳ sẽ đồng ý chuyển giao công nghệ hạt nhân cho Việt Nam? Trên đây là mô hình nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận (DR).
Quảng cáo

Tổng thống Barack Obama đã gởi cho Quốc hội Mỹ văn bản hiệp định cho phép Hoa Kỳ chuyển giao các lò phản ứng hạt nhân và công nghệ hạt nhân cho Việt Nam, quốc gia hiện đang có kế hoạch xây dựng các nhà máy điện nguyên tử để đáp ứng nhu cầu về năng lượng đang tăng cao cùng với đà phát triển kinh tế. 

Trên nguyên tắc, hiệp định hạt nhân Mỹ-Việt sẽ có hiệu lực sau khi Quốc hội Hoa Kỳ nhóm họp trong 90 ngày, tức là đến cuối năm 2014, trừ phi các nghị sĩ Mỹ thông qua một nghị quyết bác bỏ hiệp định này. 

Quan hệ giữa Việt Nam với Hoa Kỳ đã được cải thiện đáng kể từ khi hai nước tái lập bang giao vào năm 1995. Nhưng cho tới nay, một số nghị sĩ, chủ yếu là các nghị sĩ đại diện những địa phương tập trung các cộng đồng người Mỹ gốc Việt, vẫn liên tục bày tỏ quan ngại về tình trạng vi phạm nhân quyền ở Việt Nam. 

Trong một cuộc điều trần về hiệp định hạt nhân Mỹ-Việt vào tháng Giêng vừa qua, một số thượng nghị sĩ đã yêu cầu Quốc hội Hoa Kỳ thông qua một dự luật về nhân quyền ở Việt Nam cùng lúc với việc thông qua hiệp định hạt nhân Mỹ-Việt. 

Nhưng rất có thể là quyền lợi kinh tế của Hoa Kỳ sẽ lấn át vấn đề nhân quyền ở Việt Nam. Theo thẩm định của Viện Năng lượng Nguyên tử của Mỹ, hiệp định hạt nhân Mỹ - Việt sẽ tăng kim ngạch xuất khẩu của Mỹ sang Việt Nam thêm từ 10 đến 20 tỷ đôla và tạo ra thêm hơn 50 ngàn việc làm ở Hoa Kỳ. Viện Năng lượng Nguyên tử Mỹ lập luận rằng nếu Quốc hội bác bỏ hiệp định ký với Việt Nam, nhưng nước khác như Nga và Nhật sẽ lấp ngay vào chổ trống này. 

Vấn đề là một số nghị sĩ Mỹ cho rằng Việt Nam chưa hội đủ các tiêu chuẩn cần thiết như của các hiệp định ký kết gần đây với Đài Loan và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất, ngăn chận việc các nước này sử dụng công nghệ hạt nhân để chế tạo vũ khí nguyên tử. 

Trong bức thư gởi kèm theo văn bản hiệp định hạt nhân Mỹ-Việt, tổng thống Obama cho biết là Hà Nội đã đưa ra một « cam kết chính trị » là sẽ chỉ mua các nhiên liệu hạt nhân trên thị trường quốc tế, chứ không tự chế biến. Nhưng khác với Đài Loan và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất, cam kết nói trên của Việt Nam không có tính ràng buộc pháp lý. 

Về phần thượng nghị sĩ Robert Menendez ( Dân chủ ), chủ tịch Uỷ ban Ngoại giao Thượng viện Mỹ thì quan ngại về thời hạn của hiệp định, sẽ có hiệu lực trong 30 năm và sau đó sẽ được triển hạn mỗi 5 năm một lần. Đối với ông Menendez, điều này làm giảm khả năng giám sát của Quốc hội Mỹ.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.