Vào nội dung chính
BIỂN ĐÔNG - ASEAN

Việt Nam lên án Trung Quốc gây hấn ở Biển Đông tại Thượng đỉnh ASEAN

Ngày 11/05/2014, Thượng đỉnh ASEAN khai mạc tại Miến Điện. Căng thẳng tại Biển Đông là trọng tâm Hội nghị. Lãnh đạo 10 thành viên Hiệp hội các nước Đông Nam Á đặc biệt quan ngại về tình hình Biển Đông. Thủ tướng Việt Nam trực tiếp lên án Trung Quốc « ngang nhiên » gây hấn và đã có những hành động « cực kỳ nguy hiểm » đe dọa hòa bình. 

Các nguyên thủ Đông Nam Á tại Thượng đỉnh Asean, Naypyidaw, 10/05/2014. Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng (thứ sáu từ trái sang).
Các nguyên thủ Đông Nam Á tại Thượng đỉnh Asean, Naypyidaw, 10/05/2014. Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng (thứ sáu từ trái sang). REUTERS/Soe Zeya Tun
Quảng cáo

Căng thẳng ở Biển Đông làm lu mờ sự kiện lần đầu tiên thượng đỉnh ASEAN được tổ chức tại Miến Điện kể từ khi quốc gia này tham gia Hiệp hội các nước Đông Nam Á. Phát biểu tại phiên họp toàn thể các lãnh đạo ASEAN tại Naypyidaw, Miến Điện, thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng lên án Trung Quốc vi phạm luật biển quốc tế qua việc đã « ngang nhiên » đưa giàn khoan vào thềm lục địa, « rất hung hăng » bắn vòi rồng, và « đâm húc thẳng vào các tàu công vụ, dân sự của Việt Nam, gây nhiều hư hại và làm nhiều người bị thương ».

Thủ tướng Việt Nam nói thêm : « Đây là lần đầu tiên Trung Quốc ngang nhiên đưa giàn khoan vào địa điểm nằm sâu trong thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của một nước trong ASEAN. Đây là sự vi phạm đặc biệt nghiêm trọng luật pháp quốc tế, Công ước Liên hiệp quốc về Luật biển 1982 và cũng là sự vi phạm đặc biệt nghiêm trọng Tuyên bố về ứng xử của các bên trên biển Đông (DOC) mà Trung Quốc là một bên tham gia ký kết. Hành động cực kỳ nguy hiểm này đã và đang đe dọa trực tiếp đến hoà bình, ổn định, an ninh, an toàn hàng hải ở biển Đông ». 

Sau cùng Thủ tướng Việt Nam cho biết Hà Nội đã dùng mọi kênh đối thoại để liên lạc với Bắc Kinh nhằm "phản đối và yêu cầu” Trung Quốc rút giàn khoan, tàu vũ trang, tàu quân sự ra khỏi vùng biển của Việt Nam. Nhưng đến nay « Trung Quốc không những không đáp ứng mà còn tiếp tục gia tăng các hành động vi phạm ngày càng nguy hiểm và nghiêm trọng hơn ».

Trong cuộc họp với các lãnh đạo ASEAN, Thủ tướng Việt Nam khẳng định coi trọng quan hệ Việt Trung nhưng « kiên quyết phản đối các hành động vi phạm và bằng mọi biện pháp cần thiết, phù hợp với luật pháp quốc tế để bảo vệ chủ quyền và lợi ích chính đáng của mình ». Việt Nam kêu gọi ASEAN và quốc tế phản đối hành động khiêu khích của Trung Quốc và ủng hộ Việt Nam.

Phản ứng của Trung Quốc

Hôm qua (10/05/2014) chỉ vài giờ sau khi các bộ trưởng Ngoại giao ASEAN ra Tuyên bố về tình hình Biển Đông, phát ngôn viên bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh khẳng định « Biển Đông không phải là vấn đề giữa Trung Quốc với ASEAN ». Đồng thời Bắc Kinh lên án một số quốc gia « lợi dụng vấn đề Biển Đông để chia rẽ Trung Quốc với Hiệp hội các nước Đông Nam Á ».

Sau khi Trung Quốc đơn phương đạt giàn khoan vào vùng biển của Việt Nam, sau vụ tài Trung Quốc tấn công tàu Việt Nam, bản Tuyên bố của các Ngoại trưởng ASEAN về tình hình Biển Đông được công bố hôm 10/05/2014 tại Naypyidaw bày tỏ « quan ngại sâu sắc » về những gì đang diễn ra tại khu vực này. Ngoại trưởng các nước ASEAN kêu gọi các bên liên quan tôn trọng luật pháp quốc tế và Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển 1982 ; giải quyết tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình ; khẳng định tầm quan trọng của an ninh hàng hải, tự do lưu thông trên biển và trên không ở Biển Đông. Ngoại trưởng Singapore, nhấn mạnh : ASEAN không thể im lặng trước những sự cố gần đây ở Biển Đông vì điều đó sẽ càng làm tổn hại đến uy tín của khối này.

Đây là lần đầu tiên kể từ năm 1995, ASEAN ra một Tuyên bố riêng về mối đe dọa hòa bình, an ninh, an toàn hàng hải ở Biển Đông. Giới quan sát nhấn mạnh đến sự đoàn kết của 10 thành viên Hiệp hội các nước Đông Nam Á.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.