Vào nội dung chính
ĐÀI LOAN - VIỆT NAM

Chống Trung Quốc tại Việt Nam : Hơn 500 nhà máy của Đài Loan bị thiệt hại

Hãng tin AFP dẫn nguồn tin từ Phòng thương mại Đài Loan tại Hà Nội cho biết , trong các vụ bạo động chống Trung Quốc vừa qua tại Việt Nam có hơn 500 nhà máy của các nhà đầu tư Đài Loan bị thiệt hại.

Nhiều doanh nghiệp Đài Loan bị vạ lây trong các vụ bạo động chống Trung Quốc tại tỉnh Bình Dương.
Nhiều doanh nghiệp Đài Loan bị vạ lây trong các vụ bạo động chống Trung Quốc tại tỉnh Bình Dương. REUTERS/Stringer
Quảng cáo

Chủ tịch danh dự của Phòng thương mại Đài Loan tại Việt Nam, bà Dương Vũ Phong cho AFP biết : « Hiện không xảy ra vụ bạo lực nào thêm nhưng chúng tôi lo ngại các cuộc biểu tình được kêu gọi cho ngày 18/05 tới. Chúng tôi đã đề nghị các công ty Đài Loan có biện pháp đề phòng và đóng cửa nhà máy vào ngày hôm đó ».

Việc Bắc Kinh đưa giàn khoan dầu trái phép vào thềm lục địa Việt Nam đã làm dấy lên làn sóng biểu tình chống Trung Quốc trong nhiều tỉnh thành của Việt Nam mà đỉnh điểm là cuộc biểu tình biến thành bạo động tại các khu công nghiệp của tỉnh Bình Dương, Đồng Nai và Hà Tĩnh từ ngày 13/5 đến 14/5. Các vụ bạo động đã làm ít nhất một người thiệt mạng và hơn một trăm người bị thương, theo con số của chính quyền Việt Nam trong khi Bắc Kinh đưa ra có số hai người chết.

Dù không liên quan đến vụ việc trên nhưng nhiều công ty Đài Loan cũng trở thành nạn nhân chịu những thiệt hại nặng nề về vật chất của những đợt tấn cưới phá này.

Bà Dương, cho biết thêm : « Chúng tôi đã rất bất ngờ về quy mô của các vụ bạo động. Ban đầu chỉ có vài công nhân nói họ muốn đình công, nhưng ngay sau đó khoảng 300 người vũ trang bằng gậy gộc, đi xe gắn máy tràn vào khuôn viên của các công ty. Họ đi hết nhà máy này sang nhà máy khác để tấn công phá phách ».

Tập đoàn nổi tiếng của Đài Loan Foxconn, chuyên lắp ráp điện thoại thông minh của Apple, hôm nay ra thông báo đóng cửa các cơ sở của mình tại Việt Nam trong ba ngày từ 17 đến 19/5, để đề phòng các cuộc biểu tình trong những ngày tới. AFP cho biết, Việt Nam đã cho triển khai lực lượng cảnh sát xung quanh nhiều khu công nghiệp.

Các công ty Đài Loan hiện đang thống kê các thiệt hại để đòi chính quyền Việt Nam bồi thường.

Hôm nay Chủ nhiệm văn phòng Kinh tế và Văn hoá của Việt Nam tại Đài Bắc, ông Bùi Trọng Vân đã đưa ra lời xin lỗi trên tư cách cá nhân đối với các doanh nghiệp Đài Loan là nạn nhân của các vụ bạo động vừa qua. Ông cũng hứa hẹn chính quyền Việt Nam sẽ xem xét hỗ trợ cho những doanh nghiệp bị thiệt hại trong các vụ tấn công vừa qua.

Các doanh nghiệp Đài Loan từ năm 1988 đến nay đã đầu tư khoảng 20 tỷ đô la vào Việt Nam, trong các lĩnh vực luyện kim, dệt may và lắp ráp chế tạo điện tử. Đài Loan là nhà đầu tư lớn thứ 4 tại Việt Nam chỉ sau Nhật Bản, Hàn Quốc và Singapore.

Bà Dương cảnh báo rằng các cuộc bạo động như vậy sẽ « gây thiệt hại cho kinh tế Việt Nam và hệ lụy của nó sẽ lan khắp thế giới vì các công ty Đài Loan có khách hàng trên toàn cầu ». Ngoài ra theo đại diện phòng thương mại Đài Loan, vụ việc đã làm hình ảnh của Việt Nam sẽ bị tổn hại, các nhà đầu tư mới sẽ không còn muốn đến Việt Nam làm ăn nữa.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.