Vào nội dung chính
TRUNG - NGA - MỸ

Crimée và giàn khoan HD 981 : Gọng kìm Nga – Trung chống Mỹ ?

Hãng tin Mỹ UPI, ngày 14/05/2014 có bài phân tích của Jeff Moore về hành động của Trung Quốc đưa giàn khoan HD 981 vào vùng biển của Việt Nam, tựa : “Kịch bản chiếu tướng nguy hiểm đang diễn ra ở Biển Đông”. Tác giả nhìn nhận sự kiện này, cùng với việc Nga sáp nhập Crimée, như một chiến lược gọng kìm của Trung Quốc và Nga chống lại ảnh hưởng của Mỹ, vì theo Bắc Kinh, Hoa Kỳ đang suy yếu, khó có thể đối phó cùng một lúc với một cuộc chiến trên hai mặt trận. Xin giới thiệu cùng bạn đọc.

Tàu tuần dương Trung Quốc (màu trắng) cản mũi tàu cảnh sát biển Việt Nam trong vùng biển của Việt Nam (ảnh chụp ngày 14/05/2014)
Tàu tuần dương Trung Quốc (màu trắng) cản mũi tàu cảnh sát biển Việt Nam trong vùng biển của Việt Nam (ảnh chụp ngày 14/05/2014) REUTERS
Quảng cáo

Việc Trung Quốc triển khai dàn khoan biển nước sâu 981 ở bờ biển Việt Nam vào đầu tháng Năm vừa là một sự leo thang nguy hiểm trong lúc tình hình Biển Đông đang căng thẳng. Khả năng va chạm hàng hải giữa Trung Quốc và Việt Nam không còn chỉ ở mức có thể xẩy ra nữa, kể từ vụ xung đột ở đảo Gạc Ma (Johnson Reef) năm 1988 làm khoảng 70 thủy thủ Việt Nam thiệt mạng. Nhiều người ở Washington đánh giá hành động của Bắc Kinh là không đáng lo ngại, thế nhưng, trong suy tính của Trung Quốc, thì sự khiêu khích này bắt nguồn từ lô gich chiến lược.

Điều gì đã xẩy ra ?

Bắc Kinh khẳng định rằng, trên cơ sở nghiên cứu lịch sử, Biển Đông và tất cả các nguồn tài nguyên trong đó thuộc về Trung Quốc. Gần đây, Bắc Kinh lớn tiếng đưa ra các đòi hỏi lãnh thổ dựa trên bản đồ 9 đường gián đoạn và Trung Quốc đã triển khai tàu đánh cá, tàu cảnh sát biển và tàu hải quân ra để khẳng định đòi hỏi này.

Việt Nam cho rằng khu vực đó là của mình mà Việt Nam gọi là Biển Đông và khu vực này thuộc vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý. Cả Việt Nam và Philippines phản đối mạnh mẽ các hành động của Trung Quốc, còn Indonesia, Brunei và Malaysia thì cũng có phản ứng tương tự, tuy có kín đáo hơn.

Trung Quốc biết là việc triển khai giàn khoan dầu 981 có thể làm cho Việt Nam tức giận, do vậy, họ điều khoảng 80 tàu đi bảo vệ. Việt Nam chống lại và đã điều động 29 tàu tuần duyên và hải quân, trong số này, nhiều tàu bị các tàu Trung Quốc đâm và phun vòi rồng tấn công.

Tất cả những điều này có nghĩa gì ?

Trước tiên, nhìn từ góc độ chiến lược chung, Bắc Kinh hành động phối hợp với đồng minh mới của họ là Nga. Trong ba năm qua, hai bên đã xây dựng liên minh chiến lược, cho dù còn lỏng lẻo, để chống lại ảnh hưởng của Mỹ. Vào lúc Nga chiếm Crimée và làm cho chiến trường Tây Âu ù tai với các máy bay ném bom chiến lược, thì Trung Quốc cũng hành động tương tự ở phía đông. Đó là một động thái xiết gọng kìm, với cuộc chiến phi đối xứng, được tính toán kỹ lưỡng, sử dụng tối thiểu lực lượng và thủ đoạn, chưa đến mức để gây ra phản ứng quân sự của Mỹ, nhưng cũng đủ để Nga và Trung Quốc đi xa hơn trong các mục tiêu của mình. Điều này phần nào được khuyến khích do chính quyền Obama đã mất đi khả năng đối phó với một cuộc chiến trên hai mặt trận. Trung Quốc và Nga đã buộc Hoa Kỳ phải dàn trải các mối quan tâm và nguồn lực. Trong “Tam Thập Lục kế” truyền thống, người Trung Quốc gọi đây là kế « Hỗn thủy mạc ngư – Đục nước bắt cá – Lợi dụng tình thế, hành động đạt mục đích ».

Thứ hai, Trung Quốc nhìn thấy Hoa Kỳ, với tư cách là cường quốc thế giới, đang trong quá trình rút lui chiến lược nhanh chóng. Trung Quốc nhận ra cốt lõi các thất bại của Mỹ về an ninh quốc gia, như trong hồ sơ Irak (ra đi quá sớm), Afghanistan (chiến lược chống nổi dậy quá khó để thực hiện), Libya (tình trạng tồi tệ sau thời kỳ « lãnh đạo từ phía sau, giật dây ở hậu trường ») và Yemen (Al Qaeda có căn cứ mới bất chấp các vụ tấn công liên tiếp bằng máy bay không người lái). Bắc Kinh nghĩ rằng Washington không thể hiểu nổi Pakistan, « anh em cừu địch » của Hoa Kỳ và gần như là đồng minh của Bắc Kinh. Trung Quốc cũng đánh giá rằng chính sách dấn thân vào Trung Đông của Tổng thống Obama ở Trung Đông trong bài diễn văn Cairo 2009 đã thất bại vì khủng bố thánh chiến Hồi giáo gia tăng và tất cả các cuộc cách mạng Mùa Xuân Ả Rập đều trở nên tồi tệ. Do vậy, ở trong khu vực Châu Á, cần phải chiếm lấy Biển Đông. Người Trung Quốc gọi kế này là « Cách ngạn quan hỏa – Đứng trên bờ xem lửa cháy trên sông » - có nghĩa là cứ để yên cho kẻ địch tự rối loạn, kiệt quệ về quân sự, sau đó, ra tay hành động.

Thứ ba, liên quan đến chiến lược khu vực, cho dù Trung Quốc nhìn thấy Hoa Kỳ đang ngày càng yếu đi, nhưng họ cũng lo ngại về chuyến công du Châu Á của Bộ trưởng Quốc phòng Chuck Hagel, để « thêm da đắp thịt » cho chiến lược xoay trục sang Châu Á, với các thỏa thuận quốc phòng và hỗ trợ an ninh. Các thỏa thuận này bao gồm cả việc đẩy mạnh các cuộc tập trận quân sự thường niên với các đồng minh Đông Nam Á như Philippines : Cuộc tập trận Balikatan (Vai kề vai) đã bắt đầu ngày 05/05 vừa qua. Do vậy, các hành động khiêu khích của Trung Quốc là nhằm lách vào bên trong « chiến lược tổng lực dấn thân cùng khu vực » truyền thống của Hoa Kỳ, với một « cú đấm thẳng trong cuộc chiến phi đối xứng ». Nếu hành động nhanh bây giờ, Trung Quốc nghĩ rằng sẽ khiến cho Mỹ gặp nhiều khó khăn hơn trong việc giúp đỡ các đồng minh ASEAN về sau này.

Thứ tư, Trung Quốc lo ngại Việt Nam đang mạnh lên. Kinh tế Việt Nam phát triển. Hà Nội đang nâng cấp quân đội và hải quân để bảo vệ bờ biển - Biển Đông – nơi đóng vai trò trung tâm đối với ngành hàng hải, ngư dân và lĩnh vực năng lượng của Việt Nam. Chính quyền Hà Nội cũng biết rằng toàn bộ đất nước của họ có thể bị xâm lược và tấn công từ phía bờ biển vào.

Với các ý tưởng về an ninh quốc gia, Trung Quốc mong muốn có một Việt Nam ngoan ngoãn và vâng lời theo truyền thống Khổng Tử và Vương triều Trung Quốc. Họ nhắc lại cuộc xâm lăng trừng phạt vào miền bắc Việt Nam trong lúc Hà Nội có đội quân đứng hàng thứ tư trên thế giới. Việt Nam đã nhượng một ít lãnh thổ và mỗi bên có khoảng 30 ngàn người bị thiệt mạng trong gần một tháng chiến sự. Do vậy, theo quan điểm của Bắc Kinh, làm giảm sức mạnh đang chớm nở của Việt Nam là trò chơi thông minh.

Vậy tình hình ở Biển Đông sẽ đi tới đâu ? Dường như tình hình sẽ tồi tệ hơn. Không bên nào chịu lùi bước. Vả lại, Trung Quốc đang có những động thái tương tự trong các đòi hỏi chủ quyền biển đảo với Nhật Bản. Trừ phi những cái đầu trầm tĩnh ở Bắc Kinh thắng thế, những rối loạn này có thể dẫn đến một sự sai lầm khủng khiếp.

Một nước Việt Nam bị dồn vào chân tường sẽ phản ứng dữ dội hơn là Bắc Kinh lầm tưởng. Các nước ASEAN, vốn liên minh lỏng lẻo với nhau, sẽ buộc phải đoàn kết trước các hành động của Trung Quốc và điều này đi ngược lại các mục tiêu của Bắc Kinh. Nhật Bản đang bị chèn ép và tiến hành tái vũ trang. Còn Hoa Kỳ chưa hẳn là quá suy yếu và bị tổn thương đến mức Bộ Chỉ huy Thái Bình Dương và hải quân Mỹ không còn khả năng hành động.

Bắc Kinh dường như bị mù quáng về « sự trỗi dậy Trung Hoa », về sự tự hào dân tộc hào nhoáng và thành công kinh tế vang dội. Do vậy, Trung Quốc đang gặp nguy hiểm khi không tuân thủ ngạn ngữ của chính họ : « Lên nhà rút thang », có nghĩa là Trung Quốc đang trên đường tự cô lập mình về mặt quân sự, khi hành động một cách vội vã. Chỉ có các chiến lược gia sáng suốt của Trung Quốc có thể giúp làm giảm nhiệt tình hình đang rất nóng bỏng này.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.