Vào nội dung chính
VIỆT NAM - TRUNG QUỐC

Giàn khoan HD 981 : Trung Quốc cử gần 130 tàu đến bảo vệ

Không chỉ đe dọa Việt Nam bằng lời nói, Trung Quốc đã tăng cường đáng kể lực lượng tàu thuyền bảo vệ giàn khoan mà họ đang cắm tại vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam tại Biển Đông. Theo nguồn tin chính thức của Việt Nam, tính đến hôm qua, 16/05/2014, số lượng tàu Trung Quốc trong khu vực giàn khoan HD-981 đã lên đến 126 chiếc, không kể đến máy bay tuần thám. Các phóng viên nước ngoài trên tàu của lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam tại hiện trường đều ghi nhận quyết tâm của phía Việt Nam trong việc bảo vệ chủ quyền đất nước.

Cảnh sát biển Việt Nam theo dõi tàu Trung Quốc vào cách bờ biển Việt Nam 130 hải lý. Ảnh chụp ngày 15/05/2014.
Cảnh sát biển Việt Nam theo dõi tàu Trung Quốc vào cách bờ biển Việt Nam 130 hải lý. Ảnh chụp ngày 15/05/2014. Reuters
Quảng cáo

Theo báo chí Việt Nam, trong một cuộc họp báo chiều hôm qua tại Hà Nội, một lãnh đạo Cục Kiểm ngư của Việt Nam đã xác nhận rằng cho đến hôm qua, phía Trung Quốc đã tăng cường đáng kể lực lượng tàu đủ loại của họ tại khu vực đặt giàn khoan HD-981. Theo lực lượng kiểm ngư Việt Nam, tính đến hôm 16/05, số tàu Trung Quốc đã « tăng thêm gần 30 chiếc » so với một hôm trước đó để lên đến mức 126 chiếc.

Lượng tàu Trung Quốc tại khu vực như vậy đã được tăng gấp rưỡi so với số lượng tháp tùng theo giàn khoan lúc ban đầu, được ước lượng khoảng 80 chiếc. Bên cạnh đó lực lượng kiểm ngư Việt Nam cũng ghi nhận nhiều phi cơ tuần thám vây quanh khu vực, thường xuyên bay lượn quanh các chiếc tàu Việt Nam.

Trước lực lượng Trung Quốc hùng hậu đó, số lượng vài chục chiếc tàu Việt Nam, theo ghi nhận của các nhà báo Việt Nam và quốc tế trên các chiếc tàu Việt Nam, không hề nao núng. Bất chấp nguy cơ bị tàu Trung Quốc đâm vào, tàu Việt Nam vẫn cố gắng chọc thủng hàng rào bảo vệ của phía Trung Quốc để áp sát giàn khoan, kêu gọi phía Trung Quốc tôn trọng chủ quyền của Việt Nam.

Phóng viên hãng tin Mỹ AP, trên tàu 4033 của Cảnh sát biển Việt Nam đã mô tả cuộc đấu không cân sức như sau :

« Ngày nào cũng thế, tàu Việt Nam cũng đều tìm cách tiến lại gần giàn khoan hơn. Và ngày nào cũng vậy, họ đều bị các chiếc tàu lớn hơn nhiều của Trung Quốc đẩy lui ».

Thế nhưng trước khi tăng tốc chạy đi, phía Việt Nam đều tung ra thông điệp bằng ba thứ tiếng Việt, Hoa và Anh, nội dung cảnh cáo phía Trung Quốc về các hành động khiêu khích và yêu cầu đối phương tôn trọng chủ quyền của Việt Nam, lập tức đình chỉ các hoạt động và rời khỏi vùng biển Việt Nam.

Một nhiếp ảnh gia AFP cũng trong đoàn phóng viên báo chí được chính quyền Việt Nam cho phép đi theo tàu của Cảnh sát biển Việt Nam ra tận hiện trường cũng nhìn thấy hàng chục chiếc tàu Trung Quốc, trong đó có cả chiến hạm của hải quân Trung Quốc, đối mặt với tàu Việt Nam.

Mỗi khi tàu Trung Quốc đến gần, các tàu Việt Nam đều phát đi thông điệp cảnh cáo Trung Quốc là đang ở trong vùng biển của Việt Nam, vi phạm vùng đặc quyền kinh tế và Luật biển của Việt Nam.

Hoạt động của lực lượng tuần duyên Việt Nam tại khu vực này rất nguy hiểm vì bị tàu Trung Quốc đâm thẳng vào hay phun vòi rồng cực mạnh để xua đuổi.

Hãng AP ghi nhận là một đoạn video do một người trên tàu Việt Nam quay được vào tuần trước, cho thấy cảnh một tàu hải cảnh Trung Quốc cố tình đâm vào tàu Việt Nam nhiều lần.

Trong lãnh vực này, chiến tranh thông tin cũng được Bắc Kinh sử dụng. Hôm qua, Bộ Ngoại giao Trung Quốc công bố ba tấm ảnh được cho là tàu Việt Nam đâm vào tàu Trung Quốc. Tuy nhiên, theo AP, giới báo chí trên tàu Việt Nam không hề chứng kiến một vụ đâm tàu nào trong tuần này.

Bên cạnh đó, AP cũng xác nhận là một chiếc tàu Trung Quốc có trang bị đại bác, được che dưới một tấm bạt.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.