Vào nội dung chính
CANNES

“ Tôi ba mươi”: Tiêu biểu cho “làn sóng mới” của điện ảnh Việt Nam

Đại diện cho Việt Nam tham gia Liên hoan phim lần này là một bộ phim ngắn tựa đề : “Tôi ba mươi” của nữ đạo diễn Hoàng Trần Minh Đức. Bộ phim được giới thiệu ở Cannes trong khuôn khổ chương trình “ Short Film Corner” ( Góc phim ngắn).

Một cảnh trong phim 'Tôi ba mươi' của đạo diễn Minh Đức
Một cảnh trong phim 'Tôi ba mươi' của đạo diễn Minh Đức
Quảng cáo

Nhân vật chính trong phim là Mai ( do Minh Chuyên thủ diễn ), một cô gái vừa bước sang tuổi ba mươi, từng mơ làm đạo diễn, nhưng giấc mộng không thành. Thất chí vì công danh sự nghiệp lận đận, Mai muốn thoát ra khỏi các khuôn khổ cứng nhắc, ngột ngạt của truyền thống lễ nghi, của hôn nhân ép uổng, của giáo lý khô khan. Hình thức “nổi loạn” của cô gái tuổi này là cạo đầu trọc, là xâm mình, là làm người mẫu chụp hình khoả thân. Nhưng liệu Mai có dứt khoát vượt ra khỏi những giới hạn ràng buộc cuộc sống của cô hay không ? Đoạn kết là những dằn vặt day dứt của nhân vật chính. Trong phim có nhiều cảnh quay khá độc đáo, những hình ảnh đẹp.

Sự có mặt của bộ phim “ Tôi ba mươi” tại Liên hoan Cannes trong chương trình Short Film Corner lẽ ra đã là một sự kiện đáng chú ý đối với làng điện ảnh Việt Nam, vì đây là dịp để các nhà làm phim Việt Nam học hỏi thêm về phim ngắn, một thể loại còn mới mẻ đối với họ. Thế nhưng nhà sản xuất phim François Serre rất thất vọng vì nữ đạo diễn Minh Đức đã không đến Cannes như dự trù để giới thiệu tác phẩm của cô. Đến khu vực “Short Film Corner”, ta chỉ có thể xem phim “ Tôi ba mươi” trên máy vi tính, chứ không có dịp tiếp xúc với đạo diễn qua các buổi chiếu giới thiệu trong phòng.

Đến Cannes giới thiệu phim Tôi ba mươi rốt cuộc chỉ có nhà sản xuất phim François Serre. Trả lời phỏng vấn RFI Việt ngữ tại Cannes, ông cho biết trước hết về quá trình làm phim “ Tôi ba mươi”:

06:03

Phỏng vấn François Serre - Nhà sản xuất phim 'Tôi ba mươi'

François Serre:  Phim này được thực hiện trong khuôn khổ một chương trình hợp tác đào tạo đạo diễn ở Việt Nam mà tôi có tham gia. Tôi đã giúp nữ đạo diễn Minh Đức, lúc đó đã tốt nghiệp, làm bộ phim này. Thật ra, đây là bản thu ngắn của bản dài hơn, có tựa “Nổi buồn trên cây”. Cách đây 2 năm tôi có đến Sài Gòn và đã xem những hình ảnh đầu tiên của phim, mà tôi thấy là rất đẹp. Đạo diễn Minh Đức đã nhờ tôi giúp hoàn tất phim này ở Pháp, vì theo cô, ở Việt Nam không có những người cắt và chỉnh sửa phim theo đúng ý của cô. Minh Đức đã được tôi đưa sang Pháp vài lần. Cô là một người có đầu óc cởi mở và tôi rất muốn giúp cô nâng cao trình độ.

Tôi đã nhờ một người bạn làm việc cắt nối phim cho đài truyền hình Arte giúp hoàn tất giai đoạn hậu kỳ cho phim “Tôi ba mươi”. Vì lý do ngân sách, cho nên bộ phim này đã được thực hiện trong khuôn khổ hợp tác giữa trường điện ảnh của Sài Gòn với trường của tôi, Trường Hình ảnh và Âm thanh Angoulême. Nhờ vậy mà chúng tôi có kinh phí cho việc đi lại, ăn ở của Minh Đức ở Pháp, để có sự phối hợp chặt chẽ giữa đạo diễn với người làm hậu kỳ. Đồng thời cũng có sự tham gia của các sinh viên trường tôi vào việc hoàn tất bộ phim theo nhãn quan của các em.

Bản thân tôi và một số đạo diễn ở Việt Nam nhìn nhận rằng đây là một bộ phim tiêu biểu cho cái có thể được gọi là “làn sóng mới” của điện ảnh Việt Nam.

RFI: Nhưng phim ngắn và nhất là phim rất ngắn là một thể loại khá mới mẻ đối với đạo diễn Việt Nam và chắc là rất khó mà làm một phim ngắn như vậy để nói về những đề tài còn rất là nhạy cảm đối với xã hội Việt Nam hiện nay?

François Serre: Rất khó làm được phim ngắn như vậy. Bản phim đầu tiên dài đến 45 phút và để có thể được giới thiệu ở Cannes, chúng tôi đã rút ngắn còn chưa tới 15 phút, nhưng phải giữ những gì là cốt lõi, với sự đồng ý của đạo diễn. Bao giờ cũng khó mà bảo một đạo diễn cắt bớt 10 hay 15 phút của bộ phim. Cho nên, việc cắt ráp đã rất là lâu để đạt đến một bộ phim như vậy.

Tôi nghĩ đây là một bộ phim có trình độ rất cao đối với điện ảnh Việt Nam hiện nay. Cho dù đối với những nước có mức phát triển cao về sản xuất phim ảnh, đây cũng là phim có chất lượng tốt. Phải thấy rằng với bộ phim này, điện ảnh Việt Nam đã nhảy một bước quan trọng.

Trong phim có rất nhiều cảnh để ta suy nghĩ và có nội dung khá là “nóng” đối với xã hội Việt Nam. Có những cảnh khoả thân, tuy không phải là cảnh sex. Phim cũng đụng đến đạo Công giáo, một điều cũng là nhạy cảm. Ngoài ra, phim còn đả phá những mối quan hệ dựa trên tiền bạc. Tức là có rất nhiều vấn đề được nêu lên trong một phim rất ngắn như vậy.

Nhân đây tôi cũng xin cám ơn bà giám đốc trường điện ảnh Sài Gòn đã bảo trợ phim này, mặc dù đây là một bộ phim rất khác xa so với xu hướng hiện thực xã hội chủ nghĩa còn bao trùm điện ảnh Việt Nam.

RFI: Tuy “Tôi ba mươi” không phải là phim tranh giải và chỉ được giới thiệu trong chương trình Short Film Corner, nhưng việc có phim được giới thiệu ở Cannes có ý nghĩa quan trọng như thế nào?

François Serre: Dù là phim Pháp hay phim nước nào, được khởi đầu ở Cannes lúc nào cũng quan trọng. Riêng đối với phim ngắn, thì sau Liên hoan Cannes, bước kế tiếp trên nguyên tắc sẽ là Liên hoan phim ngắn ở Clermont-Ferrand. Cho nên, có phim được tuyển chọn để chiếu ở Cannes là điều rất tốt, cho dù không phải là trong danh sách chính thức. Có điều tôi không hiểu vì sao đạo diễn Minh Đức đã không đến Cannes. Hiện giờ tại Cannes, “Tôi ba mươi” được khán giả Cannes đón nhận rất thuận lợi. Đây không phải là một phim Việt Nam mà họ thường được xem. Đây quả là một bộ phim “ Làn sóng mới” khác hẳn với xu huớng hiện thực xã hội chủ nghĩa.

RFI: Vậy ông nghĩ thế nào về điện ảnh Việt Nam hiện nay?

François Serre: Cho tới nay ở Việt Nam chưa có phim gọi là phim d’auteur ( phim thể hiện quan điểm nghệ thuật của chính đạo diễn ). “Tôi ba mươi” quả đúng là phim d’auteur. Hiện nay, ở Việt Nam người ta làm phim trước hết là để kiếm tiền. Tất cả những phim được sản xuất, kể cả bởi những sinh viên của tôi, đều là nhằm mục đích đó. Riêng Minh Đức là một đạo diễn mang nặng tư tưởng triết học, vì tối nào cô cũng dịch sách triết, nói chung ( nói điều này có lẻ là hơi đụng chạm ), cô là đạo diễn mang tính trí thức nhiều hơn.

RFI: Ông có dự án phim nào khác sẽ làm với Việt Nam?

François Serre: Hiện tôi đang viết kich bản cho một phim với tài trợ của Trung tâm điện ảnh quốc gia CNC và vùng Poitou-Charente. Đó là phim truyện về nhà tù Côn Đảo. Tôi đang cố hoàn tất kịch bản phim để sau đó tìm nhà sản xuất. Tôi đã từng đoạt hai giải về kịch bản, cho nên chắc là sẽ không gặp khó khăn nhiều.

Lịch sử nhà tù Côn Đảo là một đề tài rất hay. Trước đây tôi đã thử làm một phim tài liệu về nhà tù Côn Đảo nhưng không thành, cho nên nay tôi chuyển sang phim truyện về nhà tù này, với bối cảnh là giai đoạn từ 1930 đến năm 1957. Côn Đảo là nhà tù khắc nghiệt nhất trong số các nhà tù của Pháp trước đây, nhưng lại ít được biết đến nhất.

Trên nguyên tắc tôi sẽ giao phim này cho Minh Đức thực hiện, vì dẫu sao cô cũng đã đến Pháp nhiều lần, lại là một trong số hiếm hoi đạo diễn làm phim d’auteur ở Việt Nam, tiêu biểu cho những đạo diễn trẻ đang tự tạo dựng con đường riêng cho mình và cố bắt kịp trình độ của những nước khác. Theo tôi đó là thế hệ đạo diễn rất đáng chú ý.

RFI Xin cám ơn ông François Serre.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.