Vào nội dung chính
Tạp chí âm nhạc

Phá cách ca khúc cũ, sự sáng tạo mang nhiều rủi ro

Đăng ngày:

Trong tuần qua, nếu có ai quan tâm đến đời sống âm nhạc trong nước, hẳn chúng ta không thể không nhắc đến sự kiện bài hát Đi Học, đơn thuần là một ca khúc được sáng tác cho thiếu nhi, lứa tuổi "ô mai" hồn nhiên trong sáng, dựa trên nền thơ của Hoàng Minh Chính, mà nhạc sĩ Bùi Đình Thảo đã khéo léo vận dụng những giai điệu mang âm hưởng dân ca Tầy, Nùng của vùng trung du Bắc bộ để phổ nhạc cho bài thơ này.

Nhạc sĩ Quốc Trung.
Nhạc sĩ Quốc Trung. DR
Quảng cáo

Chuyện sẽ chẳng có gì để nói, nếu như Đi Học, một ca khúc miêu tả khung cảnh đến trường của một em bé miền đồi trung du, ngây thơ, đáng yêu, trong sáng, đã được nhạc sĩ Quốc Trung, mang hẳn một dàn nhạc dây, sang trọng, bề thế, thậm chí người ta còn thấy có cả sự góp mặt của nhạc công người nước ngoài, tham gia đệm cho Hải Bột, (vốn được biết đến như một ca sĩ khởi nghiệp từ nhạc Rock), ôm cây đàn guitare đứng trên sân khấu trình bày nhạc bản này, với tâm trạng hơi não nề, u ám, nắn nót cầu kỳ quá độ.

Bỏ qua sự cẩu thả của chàng ca sĩ Hải Bột khi liên tục hát sai lời của ca khúc, thậm chí có đoạn còn hát phô, khi có ý định chuyển tông, không biết vô tình hay cố ý. Tuy nhiên, điều đã làm cho công chúng yêu nhạc tỏ ra vô cùng bức xúc chính là việc làm mới ca khúc này, khiến nó trở nên tan nát, qua bản phối hoàn toàn lạ lẫm với số đông người nghe của nhạc sĩ Quốc Trung.

Những chỉ trích gay gắt chưa từng có, đặc biệt đã được ghi nhận trên các trang mạng xã hội. Những cụm từ như : "bản phối tệ", "phá nát", "thảm họa", "không chấp nhận được"… đã lần lượt không ngớt được bình luận trên Facebook khi nhận xét về cách dàn dựng tiết mục Đi Học này của nhạc sĩ Quốc Trung.

Gần đây, việc phá cách những giai điệu cũ cho một số ca khúc, dường như đang trở thành một trào lưu trong nhiều chương trình truyền hình thực tế âm nhạc trong nước. Trong khi một số bộ phận trẻ tỏ ra hào hứng đón nhận, thì số đông các nhạc sỹ có thâm niên và tên tuổi trong làng sáng tác lại cho rằng, việc tìm kiếm phối khí theo phong cách mới trong âm nhạc, đôi khi giống như một con dao hai lưỡi, nếu anh vung quá đà sẽ bị đứt tay, không phải là chuyện đơn giản, bởi, không phải bài nào cũng có thể “thổi làn gió mới”. Sự thay đổi không phù hợp có thể sẽ làm “chết” bài hát. Thực tế này đang trở thành sự tranh cãi gay gắt trong giới phê bình và công chúng yêu nhạc trong nước hiện nay.

Hẳn khán thính giả yêu nhạc Trịnh Công Sơn vẫn còn nhớ cách đây khoảng gần chục năm, (2005), chỉ vì với suy tư là "...nếu mình cứ đi mãi con đường ấy thì làm sao “qua” được chị Khánh Ly…", mà bộ đôi Thanh Lam - Lê Minh Sơn đã dồn dập tung ra hai album nhạc Trịnh, phá cách, đầy "chất Lam", cũng đã khiến công chúng yêu nhạc Trịnh từ chỗ băn khoăn đã trở nên bức xúc mạnh mẽ, chê bai việc "phá cách một cách quá đà" nhạc Trịnh, khiến sau này, chính Thanh Lam cũng đã phải từ bỏ con đường đó.

Thế mới thấy ranh giới của sự sáng tạo, giữa cái hay và cái dở, trong nghệ thuật bao giờ cũng mong manh, và luôn nhậy cảm hơn bao giờ hết. Tuy nhiên, trong khuôn khổ chuyên mục âm nhạc tuần này của đài RFI, chúng tôi chỉ gói gọn trong việc giới thiệu lại nhưng phiên bản trình bày khác nhau của bài hát Đi Học, với mong muốn đem đến cho quý thính giả những giai điệu, những giọng hát đa chiều đa dạng của nhiều ca sĩ, thể hiện trên cùng một bài hát, để qua đó mang đến cho quý vị một sự thẩm thấu, so sánh hài hòa tổng thể hơn, về một bài hát viết cho thiếu nhi, nhưng đã đi vào tâm tư của biết bao nhiêu người, trong suốt chiều dài hơn nửa thế kỷ.

Thường thì những ca khúc viết cho thiếu nhi chỉ gắn bó với người nghe khi mà người ta vẫn còn trong độ tuổi niên thiếu. Khi trưởng thành, xu hướng và sở thích nghe nhạc tất nhiên cũng sẽ thay đổi, tâm hồn âm nhạc của mỗi người trong chúng ta sẽ trở nên rộng lượng hơn, phóng khoáng hơn và đa dạng hơn.

Cùng với thời gian, tâm hồn ấy tự mở tung các cánh cửa, và thế là hàng nghìn các ca khúc cứ mặc nhiên thỏa thích ùa vào, ấy vậy mà trong chúng ta, ai cũng vẫn muốn giữ lại cho mình một khoảng trời thơ dại, với vốn liếng vài ba ca khúc "ruột" của tuổi thần tiên, và chắc cũng chính vì lẽ đó mà các bài hát sáng tác cho thiếu nhi bao giờ cũng có tuổi thọ dài nhất.

"Đi Học", sáng tác nhạc Bùi Đình Thảo, phổ thơ Hoàng Minh Chính là một ca khúc viết cho thiếu nhi không giống những ca khúc khác, có lẽ bởi vì bài thơ "Đi Học" của Hoàng Minh Chính, từ suốt nhiều thập niên qua, đã được lựa chọn in trong sách giáo khoa Tiếng Việt lớp 2 trong chương trình tiểu học.

Cũng chính bởi thế nên bài thơ "Đi Học" đã trở nên quen thuộc đối với các cô cậu học trò trong nước, ngoài ra, "Đi Học" còn mang theo mình một định mệnh ngặt nghèo khi nó được sinh ra trong thời chiến, thế nhưng lại luôn tiếp tục được cất lên từ giọng ca của nhiều thế hệ ca sĩ cả trong Nam lẫn ngoài Bắc của thời bình.

Nhân vật chính trong bài hát là một em bé của miền đồi Trung Du, có lẽ mới bắt đầu chập chững vào tiểu học, bởi vì mẹ vẫn còn phải dìu em từng bước khi tới trường. Khi nghe ca sĩ Thanh Thảo trình bày, bỗng dưng ta có cảm giác như thể một người chị đang kể về những ngày đầu đến trường bỡ ngỡ của em gái mình.

Tuy nhiên, ta thấy ngôi thứ của bài hát sẽ thay đổi, sẽ trở về hình ảnh của chính mình, nếu khi đó là một ca sĩ "tí hon" thể hiện, như trường hợp sau đây của ca sĩ "nhí" Xuân Mai. Mặc dù giờ đây Xuân Mai đã trưởng thành và không còn phát âm ngọng nghịu dễ thương như thời điểm em thâu thanh ca khúc này nữa, nhưng người nghe vẫn cảm nhận được một cách rõ rệt sự đồng trang đồng lứa của cô ca sĩ "nhí" với nhân vật "em bé" trong bài hát, và điều đó đem lại nhiều ấn tượng thú vị cho ca khúc.

Khi thay đổi các giọng ca khác nhau, cách thể hiện khác nhau, ở lứa tuổi khác nhau, thậm chí giới tính khác nhau, thì cũng ít nhiều làm thay đổi về cách hình dung và tưởng tượng ra chủ thể của nhân vật trong bài hát.
Quay trở lại với bài thơ "Đi Học" của Hoàng Minh Chính, thì Hoàng Minh Chính là người gốc Nam Định, nhưng năm 1948 theo gia đình lên vùng đất trung du Phú Thọ định cư, bản thân anh là một người lính tham gia chiến trường Quảng Trị.

Lần đầu tiên Hoàng Minh Chính viết bài thơ "Đi Học" vào khoảng năm 1959, sau nhiều lần chỉnh sửa và sắp xếp lại, phải chờ đến cuối những năm 60 thì bài thơ mới có được phiên bản như chúng ta biết sau này.
Từ chiến trường, Hoàng Minh Chính đã gửi bài thơ "Đi Học" ra ngoài bắc cho một nhà xuất bản tại Hà Nội, nhưng đến tháng 3/1970 anh đã hy sinh tại chiến trường Quảng Trị khi mới tròn 26 tuổi, và anh không thể biết rằng một năm sau đó, bài thơ “Đi học” do anh sáng tác đã được ra mắt bạn đọc lần đầu tiên ở Hà Nội (theo tác giả Trần Hòa Bình).

Trong một cuộc chiến, ắt hẳn sẽ phải có kẻ thắng người bại, nếu gạt sang một bên khía cạnh chính nghĩa hay vô nghĩa của nó, thì bất kể một cuộc chiến nào, sự hy sinh của người lính với mục đích vì dân vì nước thì bao giờ cũng xứng đáng được tôn vinh và nghi nhận, đặc biệt nhất khi đó lại là những người lính, mang trong mình một tâm hồn nghệ sĩ, một tâm hồn thi sĩ tài năng. Tuy nhiên, bài thơ"Đi Học" của Hoàng Minh Chính có lẽ chỉ thực sự trở nên nổi tiếng hơn, khi bắt gặp những nét nhạc hồn nhiên trong sáng của nhạc sĩ Bùi Đình Thảo.
Bùi Đình Thảo là một nhạc sĩ chuyên nghiệp, từng tốt nghiệp đại học sáng tác ở Nhạc viện Hà Nội, nhưng sau này về làm việc tại Sở Văn hóa -Thông tin tỉnh Hà Nam.

Thành tựu nổi bật của Bùi Đình Thảo lại là mảng sáng tác ca khúc dành cho thiếu nhi với hàng trăm bài hát mà trong đó ca khúc "Đi Học" là một bằng chứng. Âm nhạc của ông mang nhiều mầu sắc dân gian, uyển chuyển, mềm mại, nhiều luyến láy nhưng nhẹ nhàng, dễ hát, dễ nhớ, lời ca đẹp, và trữ tình, khắc hoạ những hình ảnh thiên nhiên của quê hương đất nước, gắn với tình cảm và tâm hồn trẻ thơ, nhạc sĩ đã mất vào tháng 12/1997 tại mảnh đất quê nhà tỉnh Hà Nam.

Nếu như ở phần trên chúng ta đã nghe ca khúc "Đi Học" với hai mầu sắc khác nhau qua giọng hát Thanh Thảo và ca sĩ "nhí" Xuân Mai, thì ở phần tiếp theo đây, giọng hát chững chạc của Hồng Nhung lại đưa người nghe đến một sự liên tưởng khác, với cách sử lý ca khúc một cách trau chuốt và đầy đặn, người nghe có cảm giác như Hồng Nhung đã hóa thân thành cô giáo trẻ trong bài hát.

Mặc dù có nhiều ca sĩ thể hiện ca khúc "Đi Học", với nhiều cách hòa âm phối khí đa dạng, nhưng nhìn chung, phần nhạc dạo đầu của ca khúc, mang âm hưởng dân ca Tầy, Nùng của vùng trung du bắc bộ, gần như vẫn được giữ nguyên vẹn, trừ phiên bản gần đây nhất của nhạc sĩ Quốc Trung.

Gần đây nhất là phiên bản đệm bằng guitar do cặp song ca Anh Khang và Quang Thắng thể hiện, đã góp phần làm cho bài hát thăng hoa một cách rất độc đáo, người nghe vừa có thể liên tưởng đến hình ảnh của hai anh trai kể về cô em gái của mình trong những ngày đầu tựu trường, nhưng đồng thời cũng thấy nó hơi hao hao giống dòng nhạc Celtique cổ điển của những nước thuộc vùng ven biển Đại Tây Dương, nhờ vào lối hòa âm sử dụng nhạc cụ accoustique.

Anh Khang là một ca sĩ trẻ nhiều triển vọng, bắt đầu xuất hiện trong chương trình "Gala Tuổi Đời Mênh Mông", do đài truyền hình VTV3 trong nước tổ chức, dành cho học sinh PTTH, lợi thế của Anh Khang là được sinh trưởng trong một gia đình có bố mẹ hoạt động nghệ thuật.

Bản thân chàng ca sĩ trẻ này cũng có nhiều ảnh hưởng từ người chị gái là nữ ca sĩ Ngọc Anh, cựu thành viên tam ca 3A, mà gần đây khán giả trong nước cũng như hải ngoại cũng thấy Ngọc Anh xuất hiện trong chương trình ca nhạc của trung tâm Thúy Nga.

Ca khúc "Đi Học" qua phần trình bầy của cặp song ca Anh Khang, Quang Thắng sẽ khép lại chuyên mục tuần này, xin cảm ơn quý thính giả của RFI đã chọn nghe chương trinh của đài cho ngày nghỉ cuối tuần.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Xem các tập khác
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.