Vào nội dung chính
BIỂN ĐÔNG

Việt Nam vẫn phải cảnh giác trước âm mưu của Trung Quốc sau vụ HD-981

Với việc Trung Quốc loan báo dời giàn khoan HD-981 về phía đảo Hải Nam hôm 15/07/2014, căng thẳng giữa Việt Nam và Trung Quốc đã giảm bớt. Nhưng theo giới quan sát, thái độ hòa dịu của Bắc Kinh che giấu một mưu toan sâu xa hơn, mà mục tiêu vẫn là thôn tính Biển Đông, kể cả những vùng biển đảo mà Việt Nam tuyên bố chủ quyền hay cho là thuộc vùng đặc quyền kinh tế của mình.

Tàu tuần duyên Trung Quốc trong lúc dời giàn khoan HD 981 hôm 15/07/2014 - REUTERS/Nguyen Minh
Tàu tuần duyên Trung Quốc trong lúc dời giàn khoan HD 981 hôm 15/07/2014 - REUTERS/Nguyen Minh
Quảng cáo

Trong một bài phỏng vấn dành riêng cho Ban Việt Ngữ RFI, Giáo sư Carlyle Thayer, chuyên gia kỳ cựu về Biển Đông đã cho rằng một trong những bài học mà Việt Nam cần rút ra từ cuộc khủng hoảng giàn khoan HD-981 là phải luôn luôn đề cao cảnh giác trước các âm mưu của Trung Quốc. 

Theo giáo sư Thayer, quan hệ gọi là Đối tác Chiến lược Toàn diện mà Việt Nam đã ký với Trung Quốc đã trở thành một trò đùa đối với Bắc Kinh, do đó Hà Nội phải chuẩn bị các đối sách mới để chống lại sức ép từ phía Trung Quốc. 

Về động thái của Trung Quốc cho dời giàn khoan HD-981 hôm 15/07 vừa qua giáo sư Thayer đặc biệt nhấn mạnh đến âm mưu chính trị của Trung Quốc là tác động đến nội tình chính trị của Việt Nam. Ông ghi nhận ba nguyên nhân chính của quyết định dời giàn khoan : 

Giáo sư Thayer : Trung Quốc đã rút giàn khoan dầu ra khỏi vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam vì ba lý do. Trước hết : Giàn khoan HD-981 được cho là đã hoàn thành nhiệm vụ thương mại là tìm kiếm dầu khí. Thứ hai : Trung Quốc đã cho rút giàn khoan và đội tàu hộ tống đi để giảm thiểu nguy cơ đến từ bão Rammasun.

Thứ ba : Trung Quốc di chuyển giàn khoan để tác động đến Việt Nam trước lúc mở ra Hội nghị đặc biệt của Ban Chấp hành Trung ương đảng Cộng sản Việt Nam có mục tiêu cân nhắc một hành động pháp lý chống lại Trung Quốc (tức là kiện Trung Quốc).  

Lý do thứ ba nêu trên quan trọng nhất bởi vì nó mở ra cánh cửa cho các cuộc thảo luận song phương giữa Bắc Kinh và Hà Nội. Điều này có thể thúc đẩy Ban Chấp hành Trung ương đảng Cộng sản Việt Nam có một cách tiếp cận thận trọng và gạt bỏ khả năng hành động pháp lý.  

Ngoài ra, việc rút giàn khoan sớm hơn dự định diễn ra một tháng trước Hội nghị Ngoại trưởng thường niên của Diễn đàn An ninh Khu vực ASEAN (ARF). Điều này cho phép Trung Quốc chuyển dời trọng tâm chú ý của Diễn đàn, từ hành động khiêu khích của Trung Quốc qua việc tập trung vào hợp tác. Tóm lại, Trung Quốc đang tìm cách chuyển từ việc đối đầu trên biển qua đối thoại chính trị.  

Theo Giáo sư Thayer, khi đưa giàn khoan vào sâu trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, Trung Quốc muốn thăm dò phản ứng và hiện nay họ đã rút ra được kết luận là có thể triển khai giàn khoan dầu ở một vùng biển tranh chấp mà không bị trừng phạt. 

Đối với Việt Nam, Giáo sư Thayer cho rằng bài học rút ra thì rất nhiều, nhưng quan trọng hơn cả là việc phải hết sức cảnh giác trước các thủ đoạn của Trung Quốc. 

Giáo sư Thayer : Việt Nam sẽ kết luận rằng các lực lượng bán quân sự của họ - Cảnh sát Biển và Kiểm ngư - không đủ để ngăn việc Trung Quốc đặt một giàn khoan trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam trong tương lai.  

Việt Nam cũng sẽ kết luận rằng mặc dù được nhiều quốc gia hỗ trợ về mặt chính trị, nhưng ASEAN đa phần sẽ không thay đổi chính sách và đối đầu với Trung Quốc trên việc Bắc Kinh không tuân thủ luật pháp quốc tế cũng như các cam kết không dùng vũ lực hoặc đe dọa dùng vũ lực.  

Việt Nam cũng sẽ kết luận rằng cuộc khủng hoảng giàn khoan đã đánh động được Nhật Bản để nước này trợ giúp vật chất cho Việt Nam, cụ thể là tàu tuần duyên (bằng tín dụng mềm lấy từ quỹ ODA). Việt Nam có thể hy vọng rằng Hoa Kỳ sẽ tăng cường cam kết về an ninh hàng hải và trợ giúp Việt Nam trong việc giám sát vùng biển của mình. 

Bài học căn bản mà Việt Nam sẽ phải nhớ là phải luôn luôn cảnh giác với Trung Quốc vì hành động triển khai giàn khoan dầu vừa qua đã làm suy yếu lòng tin chiến lược giữa hai nước. Việt Nam sẽ phải đánh giá lại chính sách quan hệ đối ngoại đa phương của mình.  

Khuôn khổ đó đã thành công khi các cường quốc bên ngoài hợp tác với Việt Nam, nhưng lại không thích hợp với trường hợp (giàn khoan) hiện tại. Việt Nam phải xem xét các chiến lược mới để làm đối trọng với Trung Quốc.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.