Vào nội dung chính
BIỂN ĐÔNG

Quan hệ Việt-Trung không thể như xưa sau vụ giàn khoan HD-981

Ngày 15/07/2014 có thể nói là Bắc Kinh đã bất ngờ cho rút giàn khoan HD-981 ra khỏi vùng biển của Việt Nam mà Trung Quốc đòi chủ quyền cũng như hơn 80% còn lại của Biển Đông. Nhiều giả thuyết đã được nêu lên về lý do khiến Bắc Kinh phải giảm nhiệt sau hơn hai tháng gây căng thẳng với Hà Nội. Các giả thuyết đó có thể đúng, có thể sai, tuy nhiên, theo giới chuyên gia, có một điều chắc chắn là hệ quả của vụ HD 981 là quan hệ Việt Trung không thể nào được như trước đây.

Carlyle Thayer : Hành động của Trung Quốc đã tạo ra một vết nứt sâu đậm trong giới lãnh đạo Việt Nam. Dư luận Việt Nam rất tức giận vì khủng hoảng giàn khoan và muốn chính phủ phải hành động kiên quyết
Carlyle Thayer : Hành động của Trung Quốc đã tạo ra một vết nứt sâu đậm trong giới lãnh đạo Việt Nam. Dư luận Việt Nam rất tức giận vì khủng hoảng giàn khoan và muốn chính phủ phải hành động kiên quyết Reuters
Quảng cáo

Ngay sau ngày Trung Quốc loan báo quyết định di chuyển giàn khoan HD-981 về phía đảo Hải Nam, Giáo sư Carlyle Thayer; chuyên gia phân tích về Biển Đông tại Học viện Quốc phòng Úc (Đại học New South Wales) đã dành cho Ban Việt Ngữ RFI một bài phỏng vấn (18/07/2014) về khả năng diễn biến trước mắt của quan hệ Việt-Trung thời hậu HD-981. 

Sau đây là toàn văn bài phỏng vấn

RFI : Trung Quốc đã rút giàn khoan HD-981 ra khỏi vùng biển tranh chấp với Việt Nam một tháng sớm hơn so với dự kiến ​​ban đầu. Giáo sư đánh giá sao về động thái này ?

Thayer : Trung Quốc đã rút giàn khoan dầu ra khỏi vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam vì ba lý do : (1) Giàn khoan HD-981 được cho là đã hoàn thành nhiệm vụ thương mại là tìm kiếm dầu khí. (2) Trung Quốc đã cho rút giàn khoan và đội tàu hộ tống đi để giảm thiểu nguy cơ đến từ bão Rammasun. (3) Trung Quốc di chuyển giàn khoan để tác động đến Việt Nam trước lúc mở ra Hội nghị đặc biệt của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam mà mục tiêu là cân nhắc một hành động pháp lý chống lại Trung Quốc (kiện Trung Quốc).

Lý do thứ ba nêu trên quan trọng nhất bởi vì nó mở ra cánh cửa cho các cuộc thảo luận song phương giữa Bắc Kinh và Hà Nội. Điều này có thể thúc đẩy Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam có một cách tiếp cận thận trọng và gạt bỏ khả năng hành động pháp lý.

Ngoài ra, việc rút giàn khoan sớm hơn dự định diễn ra một tháng trước Hội nghị Ngoại trưởng thường niên của Diễn đàn An ninh Khu vực ASEAN (ARF). Điều này cho phép Trung Quốc chuyển dịch trọng tâm chú ý của Diễn đàn, từ hành động khiêu khích của Trung Quốc qua việc tập trung vào hợp tác.

Tóm lại, Trung Quốc đang tìm cách chuyển từ việc đối đầu trên biển qua đối thoại chính trị.

RFI : Có thể gắn liền việc Trung Quốc cho rút giàn khoan với sức ép đến từ ngành ngoại giao Mỹ gần đây hay không ?

Thayer : Ngành ngoại giao Mỹ đã đóng một vai trò quan trọng nhưng không quyết định. Trung Quốc đã đoan chắc rằng Mỹ sẽ tổ chức một cuộc phản công chính trị lớn tại cuộc họp của Diễn đàn An ninh Khu vực ASEAN ARF năm nay,và bằng cách mở cửa cho các cuộc thảo luận song phương với Việt Nam. Trung Quốc đang tìm cách làm cho Mỹ hụt chân. 

Quan trọng hơn, bằng cách mở cửa cho các cuộc thảo luận song phương với Hà Nội, Trung Quốc hy vọng rằng Việt Nam sẽ đáp ứng lại bằng cách bác bỏ các kế hoạch của phe thân Mỹ trong giới lãnh đạo, muốn Việt Nam liên kết chặt chẽ hơn với Mỹ và Nhật Bản. 

Nói cách khác, cuộc khủng hoảng giàn khoan dầu là một ví dụ khác về tính toán của Trung Quốc đẩy các con chốt tiến lên để xem họ có thể đi xa đến đâu, trước khi thối lui. Trung Quốc hiện đã xác định được rằng họ có thể triển khai một giàn khoan dầu ở vùng biển tranh chấp mà tương đối không bị trừng phạt. 

RFI : Theo Giáo sư, động thái tiếp theo của Trung Quốc sẽ là gì vì Bắc Kinh luôn luôn nói rằng họ không hề làm gì sai trong vụ giàn khoan ? 

Thayer : Động thái tiếp theo của Trung Quốc sẽ là lôi kéo Việt Nam vào các cuộc đàm phán, qua đó tăng cường uy thế cho cái gọi là nhóm thân Trung Quốc tại Hà Nội hoặc là phe mà tôi gọi bằng thuật ngữ "thỏa hiệp" (accommodationist). 

Các nhà lãnh đạo Hà Nội sẽ tìm cớ để đưa quan hệ song phương Việt-Trung trở lại đường hướng trước đây (trước vụ giàn khoan). Trung Quốc nhắm mục tiêu phá tan bất kỳ nỗ lực nào của Việt Nam trong việc xúc tiến một hành động pháp lý chống Trung Quốc, và như vậy sẽ khuyến khích các quốc gia khác trong khu vực làm theo. 

Trung Quốc muốn lấy lại thế chủ động chính trị-ngoại giao và chuyển trọng tâm chú ý trở lại các cuộc đàm phán ASEAN-Trung Quốc về việc thực thi bản Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và các cuộc thảo luận liên quan đến một bộ quy tắc ứng xử. 

Trung Quốc, tuy nhiên, sẽ tiếp tục tăng áp lực đối với Philippines tại vùng bãi cạn Scarborough và bãi Cỏ Mây Second Thomas Reef và tiếp tục các hoạt động đòi lại các đảo trong khu vực quần đảo Trường Sa. 

Qua tháng Năm năm tới, có thể dự trù là Trung Quốc sẽ có những cuộc tấn công mới trong lãnh vực thực thi lệnh cấm đánh cá của họ trên Biển Đông; và thực hiện các hoạt động thăm dò dầu hỏa khác. 

RFI : Quan hệ Việt Nam - Trung Quốc có thể trở lại tình trạng như trước vụ triển khai giàn khoan dầu hay không ?

Thayer : Hành động của Trung Quốc đã tạo ra một vết nứt sâu đậm trong giới lãnh đạo Việt Nam. Dư luận Việt Nam nói chung rất tức giận vì cuộc khủng hoảng giàn khoan và muốn chính phủ phải có hành động kiên quyết. Trong khi phe bảo thủ trong chính quyền Hà Nội rất có thể là sẽ hoàn toàn phản ứng thuận lợi trước Trung Quốc, sức đề kháng đáng kể chống lại kiểu "kinh doanh như bình thường" với Trung Quốc đã thẩm thấu vào Đảng Cộng sản Việt Nam. 

Điểm mấu chốt gây căng thẳng là tính chất hữu hiệu của hệ tư tưởng xã hội chủ nghĩa được tôn lên thành nhân tố trung tâm của mối quan hệ song phương Việt-Trung đã đi ngược lại lợi ích dân tộc Việt Nam Hành động của Trung Quốc đặt giàn khoan dầu trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam đã góp phần làm suy yếu lòng tin chiến lược giữa hai bên. 

Nói cách khác, cuộc khủng hoảng giàn khoan đã biến quan hệ đối tác chiến lược toàn diện giữa Việt Nam và Trung Quốc thành một trò cười. Trong bất kỳ trường hợp nào trong tương lai, từ ngữ này khi được dùng sẽ vang lên một cách rỗng tuếch trong công chúng. 

RFI : Việt Nam có thể rút ra những bài học gì từ vụ đối đầu với Trung Quốc ?

Thayer : Việt Nam sẽ kết luận rằng các lực lượng bán quân sự của họ - Cảnh sát Biển và Kiểm ngư - không đủ để ngăn việc Trung Quốc đặt một giàn khoan trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam trong tương lai.

Việt Nam cũng sẽ kết luận rằng mặc dù được nhiều quốc gia hỗ trợ về mặt chính trị, ASEAN đa phần sẽ không thay đổi chính sách và đối đầu với Trung Quốc trên việc Bắc Kinh không tuân thủ luật pháp quốc tế cũng như các cam kết không dùng vũ lực hoặc đe dọa dùng vũ lực.

Việt Nam cũng sẽ kết luận rằng cuộc khủng hoảng giàn khoan đã đánh động được Nhật Bản để nước này trợ giúp vật chất cho Việt Nam, cụ thể là tàu tuần duyên (bằng tín dụng mềm lấy từ quỹ ODA). Việt Nam có thể hy vọng rằng Hoa Kỳ sẽ tăng cường cam kết về an ninh hàng hải và trợ giúp Việt Nam trong việc giám sát vùng biển của mình.

Bài học căn bản mà Việt Nam sẽ phải nhớ là phải luôn luôn cảnh giác với Trung Quốc vì hành động triển khai giàn khoan dầu vừa qua đã làm suy yếu lòng tin chiến lược giữa hai nước. Việt Nam sẽ phải đánh giá lại chính sách quan hệ đối ngoại đa phương của mình.

Khuôn khổ đó đã thành công khi các cường quốc bên ngoài hợp tác với Việt Nam, nhưng lại không thích hợp trường hợp (giàn khoan) hiện tại. Việt Nam phải xem xét các chiến lược mới để làm đối trọng với Trung Quốc.

RFI : Động thái tiếp theo của Việt Nam sẽ phải là gì ? 

Thayer : Việt Nam hiển nhiên là phải tích cực đáp ứng nếu Trung Quốc báo hiệu rằng họ đã sẵn sàng tiếp đón một phái đoàn cấp cao để thảo luận về cuộc khủng hoảng giàn khoan và về việc quản lý các vấn đề Biển Đông. Nhưng Việt Nam không nên rơi vào cái bẫy của Trung Quốc làm hòa mà không có được bảo đảm chắc chắn về các hành vi tương lai của Bắc Kinh. Việt Nam cần phải kiên quyết trong các cuộc thảo luận riêng để đòi Trung Quốc cam kết hành động phù hợp với các thỏa thuận trước đây giữa hai bên. 

Việt Nam cũng phải ủng hộ chính sách của Mỹ nhấn mạnh đến tầm quan trọng của việc hành xử dựa trên luật lệ và tuân thủ luật pháp quốc tế. Việt Nam phải thúc đẩy mạnh mẽ điều này trong khối ASEAN. Mục tiêu chính của ASEAN nên chuyển từ việc đặt trọng tâm trên một bộ quy tắc ứng xử cho Biển Đông COC qua việc nhấn mạnh đến việc đòi tất cả các đối tác đối thoại của khối, kể cả Trung Quốc, là phải tôn trọng các chuẩn mực và pháp luật quốc tế, trong đó có Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển. 

Việt Nam cũng phải tiếp tục để mở khả năng tiến hành hành động pháp lý (kiện) Trung Quốc nếu nước này làm quá trong tương lai. 

Việt Nam nên cố gắng định hình chương trình của Hội nghị các Tư lệnh Hải quân ASEAN, Diễn đàn Hàng hải ASEAN Mở rộng và Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN sao cho các cơ chế này chú trọng hơn đến các biện pháp thiết thực để tăng cường an ninh hàng hải ở Đông Nam Á, trong đó có Biển Đông.

Việt Nam cần phát triển mối quan hệ chặt chẽ với Philippines (đã được tiến hành), Malaysia, Indonesia và Singapore. Cuối cùng, Việt Nam cần đẩy mạnh hợp tác quốc phòng và an ninh với càng nhiều đối tác đối thoại càng tốt trên cả hai cơ sở song phương và đa phương.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.