Vào nội dung chính
VIỆT-TRUNG

Trung Quốc và Việt Nam tìm cách hàn gắn quan hệ sau vụ HD-981

Trung Quốc và Việt Nam đã đồng ý đàm phán trở lại với nhau về tranh chấp Biển Đông, một vấn đề đã khuấy động quan hệ hai nước sau khi Bắc Kinh đơn phương cho hạ đặt giàn khoan HD-981 vào sâu trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.

Đặc sứ Việt Nam Lê Hồng Anh tiếp xúc với giới lãnh đạo Trung Quốc - Vietnam News Agency
Đặc sứ Việt Nam Lê Hồng Anh tiếp xúc với giới lãnh đạo Trung Quốc - Vietnam News Agency
Quảng cáo

Bộ Ngoại giao Việt Nam vào hôm nay 28/08/2014 đã xác nhận kết quả trên đây của các cuộc tiếp xúc tại Bắc Kinh, chủ yếu vào hôm qua, của đặc sứ Việt Nam Lê Hồng Anh với nhiều lãnh đạo Trung Quốc, trong đó có chủ tịch Tập Cận Bình.

Trong cuộc họp báo tại Hà Nội, phát ngôn viên Bộ Ngoại Giao Việt Nam Lê Hải Bình cho biết là Việt Nam và Trung Quốc đã đã nhất trí thúc đẩy trở lại quan hệ « lành mạnh, ổn định » giữa hai bên, thông qua việc tăng cường hợp tác trên mọi lĩnh vực.

Riêng về vấn đề Biển Đông, theo ông Lê Hải Bình, hai bên đã đồng ý giải quyết các bất đồng trên cơ sở « nghiêm túc thực hiện “Thoả thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển Việt Nam - Trung Quốc” », một văn bản có từ năm 2011.

Xin nhắc lại là Việt Nam đã cử đặc sứ Lê Hồng Anh qua Trung Quốc từ hôm 26/08 để thảo luận về vấn đề quan hệ song phương Việt-Trung thời hậu giàn khoan HD-981. Ngay từ hôm qua, trong một bản tin ngắn công bố ngay sau cuộc gặp giữa ông Lê Hồng Anh, Ủy viên Bộ Chính trị Đảng chính sách Việt Nam với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Tân Hoa Xã xác định rằng lãnh đạo Trung Quốc đã nhấn mạnh đến quan hệ hữu nghị giữa hai láng giềng, đều là hai nước xã hội chủ nghĩa.

Ông Tập Cận Bình đã công nhận rằng quan hệ song phương Việt Trung « gần đây bị tác động rất lớn, dẫn đến sự quan tâm cao độ của nhân dân hai nước và cộng đồng quốc tế », nhưng đã khuyến cáo phía Việt Nam là phải cùng với Trung Quốc « nắm bắt đại cục… kiên trì định hướng quan hệ hai nước từ tầm cao chiến lược và góc độ lâu dài, đặc biệt là đưa ra quyết đoán chính trị đúng đắn trong thời điểm then chốt ».

Trước lúc gặp chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, ông Lê Hồng Anh đã có buổi làm việc với ông Lưu Vân Sơn, Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị, Bí thư Ban Bí thư Trung ương Ðảng Cộng sản Trung Quốc, trong đó hai bên đồng ý trên một loạt hành động nhằm tránh làm cho tranh chấp chủ quyền tại Biển Đông leo thang.

Trong các vấn đề được nêu bật có yêu cầu thực hiện nghiêm túc « Thoả thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển Việt Nam - Trung Quốc ».

Quan hệ hòa dịu trở lại, nhưng bao lâu ?

Theo thông tín viên RFI Heike Schmidt tại Bắc Kinh, qua phát biểu hòa hoãn của cả hai bên vào hôm qua, có thể nói là sau nhiều tháng căng thẳng cao độ, Việt Nam và Trung Quốc như đã sẵn sàng « chôn lưỡi búa chiến tranh », như người Pháp thường nói. Thế nhưng, tình trạng hòa dịu này có thể là sẽ không kéo dài.

« Chúng ta là hàng xóm và đều theo chủ nghĩa xã hội ». Chủ tịch Tập Cận Bình Tập Cận Bình đã nhấn mạnh như trên trong cuộc tiếp xúc với đặc phái viên Việt Nam. Ông nói tiếp : « Do đó, lợi ích chung của chúng ta là phải thân thiện với nhau ».

Giọng điệu quả là đã thay đổi đáng kể từ sau khi xẩy ra các vụ bạo động chống Trung Quốc tại Việt Nam, đã khiến năm người thiệt mạng và thúc đẩy Bắc Kinh cho hồi hương 4000 công dân Trung Quốc.

Có hai lý do đã giúp cho quan hệ Trung-Việt lắng dịu trở lại sau nhiều tháng bị sóng gió. Trước hết, Hà Nội đã bồi thường cho chủ nhân của khoảng 140 công ty nước ngoài đã bị người biểu tình đập phá. Kế đến là việc Bắc Kinh đã cho rút giàn khoan HD-981 ra khỏi vùng quần đảo Hoàng Sa vào tháng Bảy vừa qua.

Tại cuộc họp ở Bắc Kinh, như vậy là hai bên đã có thể đồng ý là kể từ nay sẽ tránh mọi hành động nào có nguy cơ kích động căng thẳng ở Biển Đông.

Tuy nhiên, tình hữu nghị vừa được tái hiện giữa Việt Nam và Trung Quốc có thể sẽ rất ngắn ngủi. Tập đoàn dầu khí quốc gia khổng lồ của Trung Quốc đã phát hiện ra dầu khí trong khu vực tranh chấp. Các mẫu được lấy trong quá trình khoan dò hiện đang được xem xét để quyết định các bước tiếp theo. »
 

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.