Vào nội dung chính
VIỆT NAM - PHÁP

Sainte Livrade, ký ức cuối cùng của cuộc chiến Đông Dương trên đất Pháp

Bên cạnh những sự kiện nóng đó nhật báo Libération có một bài phóng sự dài về một khu làng đặc biệt của những người « hồi hương » từ Đông Dương từ khi Pháp rút khỏi xứ thuộc địa này năm 1956.  « Một khu phố cho ký ức ».

Người việt ở CAFI làng Sainte Livrade sur Lot. Nguồn : Mairie de Sainte-Livrade-sur-Lot
Người việt ở CAFI làng Sainte Livrade sur Lot. Nguồn : Mairie de Sainte-Livrade-sur-Lot
Quảng cáo

Bài viết đề cập đến số phận một khu làng ở Sainte Livrade sur Lot, nằm ở phía tây nam nước Pháp. Đó là một khu dân cư nhỏ bé ít người biết đến nhưng lại là nơi lưu lại những dấu tích cuối cùng về cuộc chiến tranh của người Pháp ở Đông Dương.

Tác giả bài phóng sự nhận định, Trung tâm đón tiếp kiều dân Pháp (Cafi) này là kết quả của thất bại cay đắng của nước Pháp ở xứ thuộc địa Đông Dương. Năm 1956, 2 năm sau thất thủ ở Điện Biên Phủ và hiệp định Genève chấm dứt cuộc chiến tại Đông Dương, nước Pháp vội vã sơ tán các kiều dân của mình về nước. Gần 400 nghìn kiều dân Pháp đã rời khỏi Đông Dương trong hoàn cảnh đó.

Trong số những người được xếp vào diện kiều dân Pháp có nhiều người đã phục vụ cho chính quyền bảo hộ bị quy kết là phản bội tổ quốc, những người con lai có cha là người Pháp, mẹ là người bản xứ. Họ được đưa xuống tàu về Pháp. Số « kiều dân » như vậy có khoảng 5000 người,sau đó được đưa rải rác đến nhiều trại đón tiếp ở chính quốc.

Có gần 1200 người, đa phần là người Việt Nam, trong số đó có 700 trẻ em, sau 3 tháng hành trình lên đênh trên biển được đưa đến Sainte Livrade sur Lot, một xã nhỏ trong vùng Lot- et-Garonne có 6000 dân ở miền tây nam nước Pháp.

Những người « hồi hương Đông Dương » được đưa đến tạm trú trong một trại lính bỏ hoang từ năm 1947. Đón họ là những dãy lều trại xây bằng gạch, mái lợp tôn nối tiếp nhau theo kiểu trại lính. Nơi trú thân của các kiều dân hồi hương này không có cách nhiệt, hệ thống sưởi ấm, khu vệ sinh chung cho hai lô nhà ở bên ngoài. Đến nơi với hai bàn tay trắng, những người hồi hương từ Đông Dương được cấp các vật dụng thiết yếu cho cuộc sống như chăn màn, bát đĩa, giường và 20 cân than cho mỗi tuần để sưởi ấm trong mùa đông.

Ban đầu những người dân này được đặt dưới sự bảo trợ của quân đội nên phải tuân theo kỷ luật quân sự. Việc đi lại ra ngoài bị hạn chế đến 22 giờ, như lệnh giới nghiêm. Phải nhiều năm sau đó các quy định sinh hoạt khắt khe theo kiểu trại lính mới dần được xóa bỏ và phải cho đến tận năm 1981 nhà nước Pháp mới trao lại cho chính quyền địa phương Sainte Livrade sur Lot quyền quản lý hoàn toàn khu cư dân Pháp đặc biệt này.

Thời gian trôi đi nhanh chóng, những người hồi hương này đã sống hơn nửa thế kỷ trong khu định cư « tạm bợ » đó cùng với nhiều thế hệ con cháu họ đã lớn lên và hội nhập tốt vào xã hội Pháp. Cộng đồng này cũng đã mở rộng lên tới 2000 cư dân, sống gần như khép kín, tự cung cự cấp trong sự thờ ở của chính quyền địa phương. Trong khu trại này có một nhà thờ công giáo và một ngôi chùa Phật giáo, một trường học riêng và một cửa hàng khô bán đồ châu Á.

Chỉ còn vài tuần nữa chính quyền địa phương sẽ cho san bằng khu làng của họ để xây dựng lại mới. Việc làm của chính quyền là có lợi cho cuộc sống của những cư dân Sainte LivradesurLot nhưng vô tình đã làm xóa đi những hồi ức về một quãng đường đời long đong theo những biến cố của lịch sử, của những cư dân trong làng. Thế hệ con cháu của những kiều dân Pháp bất đắc dĩ đó đã phải đấu tranh rất nhiều với chính quyền để giữ lại những nét tập tục sinh hoạt rất Đông Dương của cha mẹ họ đã mang tới đây, cho dù ngày nay có nhiều điều mà những đứa con của Đông Dương này không muốn nhắc đến nữa.

 

Paris đã tránh bị khủng bố giữa ngày Quốc khánh

Chắc chắn hàng tựa trên trang nhất của Libération : « 14 tháng Bảy 2014 Vụ khủng bố mà Paris đã tránh được » không khỏi khiến nhiều người Pháp ớn lạnh xương sống. Cụ thể, đó là nghi phạm Mehdi Nemmouche, bị bắt hôm 30 tháng 5 vừa rồi trong vụ xả súng giết 4 người tại Bảo tàng Do thái ở Bruxelles, đã lên kế hoạch tiến hành một vụ tấn công khủng bố lớn ngay trong lễ diễu hành mừng Quốc khánh Pháp 14/7.

Theo tờ báo : « Được tổ chức Nhà nước Hồi giáo ở Trung Đông tại Irak ( EI) cử đến châu Âu để tiến hành các cuộc tấn công, Medhi Nammouche đã lên kế hoạch làm « ít nhất một vụ tấn công tại Pháp, ngay giữa thủ đô Paris ». Đây là nội dung trích ra từ biên bản thẩm vấn của Tổng cục an ninh nội địa Pháp với Nemmouche, trong khoảng thời gian từ ngày 30 tháng 5 đến 2 tháng 6, liên quan đến vụ sát hại 4 người tại Bảo tàng Do thái ở Bruxelles.

Libération dẫn lại thông tin đã được nhật báo Le Monde đăng tải hồi cuối tuần qua, theo đó Nemmouche từng có mặt ở Syria trong hàng ngũ của các chiến binh Nhà nước Hồi giáo và là một trong những cai ngục giam giữ các con tin phương Tây bị tổ chức này bắt cóc. Thông tin trên đã được nhà báo Pháp Nicolas Henin, một con tin đã được giải thoát cho biết rõ, chính Nemmouche là kẻ đã giữ và tra tấn ông. Nicolas Henin kể lại : « Khi Nemmouche không hát thì hắn ta tra tấn. Hắn nằm trong nhóm nhỏ người Pháp khi tới nơi đã đã gây kinh hoàng cho khoảng năm chục tù nhân người Syria ở phòng giam bên cạnh. Đêm đến là việc tra tấn bắt đầu và kéo dài cho giờ cầu nguyện sáng ».

Nhật báo Libération đặt câu hỏi tại sao nhà báo Pháp bây giờ mới tiết lộ. Lý do là vì, theo tờ báo, những con tin được tự do nhận được yêu cầu không nói với báo chí về điều kiện bị giam giữ của họ để khỏi gây hệ lụy đến những con tin còn bị giữ. Như vậy là với phát giác của Le Monde, điều cấm kỵ này đã bị phá vỡ, và không ai có thể biết được hậu quả sẽ ra sao đối với 7 hay 8 con tin phương Tây vẫn còn đang nằm trong tay Nhà nước Hồi giáo.

Libération bình luận : « Việc Nemmouche, có xuất xứ từ miền bắc nước Pháp, là một trong những kẻ giam giữ bốn con tin Pháp cho thấy một thực tế nguy hiểm hơn đó là hiện đang có hàng trăm thậm chí hàng nghìn chiến binh thánh chiến từ các nước phương tây ra đi đang mong muốn du nhập cuộc thánh chiến trở lại khi trở về nước, trong đó Pháp và Anh là hai nước đứng đầu danh sách. Vậy có nên chăng công bố công khai những thông tin như vậy ? Libération đặt vấn đề.

Người ta đã thấy rõ từ sau vụ hành hình hai con tin Mỹ, những đao phủ của Nhà nước Hồi giáo không còn chút gì ngần ngại ra tay hạ sát con tin nữa. Báo Le Monde rồi nhà báo Nicolas Henin đã quyết định vén màn bí mật, Libération khẳng định đã chọn đưa ra cho độc giả tất cả những chi tiết thông tin mà tờ báo có được.

 

Liên minh quốc tế truy quét Nhà nước Hồi giáo đang hình thành

Trước những hành động tàn bạo và sức lan tràn khắp vùng Trung Cận Đông của Nhà nước Hồi giáo, theo Le Monde « cuộc phản công vào Nhà nước Hồi giáo đang được định hình », tựa của tờ báo trên trang nhất.

Tổng thống Mỹ Barack Obama đánh giá Nhà nước Hồi giáo là mối đe dọa lâu dài đối với các nước thành viên NATO. Tại hội nghị thượng đỉnh Nato ở Newport cuối tuần qua ,Tổng thống Obama đã quy tụ xung quanh Hoa Kỳ các thành viên Liên Minh Bắc Đại Tây Dương cùng nhiều nước vùng vịnh tham gia tấn công Nhà nước Hồi giáo.

Theo Le Monde, các nước phương Tây biết là trong cuộc tấn công này tập hợp được các nước trong vùng tham gia là điều không thể thiếu vì để tiêu diệt lực lượng Nhà nước Hồi giáo còn phải cần « hành động mạnh trên bộ », các đòn không kích hay tiếp viện vũ khí chưa đủ, trong khi liên quân thì không ai muốn tham chiến trực tiếp trên bộ và chỉ muốn dựa vào lực lượng của địa phương trong vùng.

Theo Le Monde, trong chuyện này còn một vấn đề khó : Hành động ở Syria thế nào khi mà phương Tây đang đối đầu, không muốn hợp tác với chế độ Bachar al-Assad ?

 

Ukraina : Ngừng bắn mong manh và thất bại của Petro Porochenko

Chuyển qua vùng miền đông Ukraina, mặc dù thỏa thuận ngừng bắn đã được ký hôm mùng 5/9 nhưng nhiều nơi trong vùng miền đông vẫn chưa im tiếng súng, Kiev và phe ly khai đổ lỗi cho nhau vi phạm lệnh ngừng bắn.

Xã luận báo le Monde chạy tựa : Tại Ukraina, một lệnh ngừng bắn quá mong manh. Trong khi đó một bài viết khác trên le Monde nhận định « Chiến thắng của lực lượng thân Nga, thất thế lớn cho Petro Porochenko ».

Đặc phái viên của Le Monde nhận định : « Lệnh ngừng bắn thỏa thuận được tại Minsk hôm 5/9 vừa qua đã thừa nhận một người thắng cuộc trong cuộc chiến tranh đang xé nát miền đông Ukraina từ 5 tháng qua : Đó là Vladimir Putin. Với tăng cường tiếp viện ồ ạt cho lực lượng ly khai, kể từ giữa tháng 8, Tổng thống Nga đã đánh quỵ quân đội Ukraina và đề cập thương lượng về quy chế các vùng miền đông Ukraina trên thế mạnh. Vị trí của kẻ thất bại giờ thuộc về người đồng nhiệm Ukraina ».

Tờ báo nhắc lại, khi lên nhậm chức hôm 25/5, tổng thống Porochenko hứa sẽ giành thắng lợi trong cuộc chiến và duy trì thống nhất Ukraina. Đến giờ thì ông Porochenko, đứng đầu một đội quân rệu rã, có thể sẽ phải nhượng bộ cho lãnh đạo phe nổi dậy cả một mảng lãnh thổ lớn. Người từng hứa là « không bao giờ đàm phán với quân khủng bố » sắp tới sẽ phải ngồi cùng bàn đàm phán với quân nổi dậy.

Theo tờ báo, thứ Sáu vừa qua, tổng thống Ukraina cho biết là « rất hài lòng » với thỏa thuận đạt được tại thủ đô Belarus, và ông hy vọng thỏa thuận sẽ là « cơ sở cho một giải pháp hòa bình » cho cuộc xung đột. Nhưng trên thực tế ông Porochenko đã phải ngậm đắng nuốt cay, thậm chí còn không dám thông báo lệnh ngừng bắn, như ông đã bị hố trước đó hai ngày.

Buộc phải ký lệnh ngừng bắn tại Minsk, giờ đây vị thế của tổng thống Petro Porochenko ở trong nước cũng bị lung lay thêm, cuộc bầu cử quốc hội trước thời hạn vào ngày 26/10 đang đe dọa chiếc ghế tổng thống của ông Porochenko.

 

Xcotlen phe đòi độc lập chiếm ưu thế

 

Một thời sự khác liên quan đến vấn đề tách nhập lãnh thổ đang bắt đầu nhen nhóm ở Xcotlen cũng đang được các báo chú ý đến nhiều. Chỉ còn 10 ngày nữa sẽ diễn ra cuộc trưng cầu dân ý về việc vùng đất này tách ra độc lập với Vương quốc Anh, các cuộc thăm dò dư luận tại chỗ cho thấy những người ủng hộ Xcotlen độc lập chiếm 51% , số người chống là 49%.

Nhật báo Le Figaro cho biết đây là lần đầu tiên số người ủng hộ một nước Xcotlen độc lập chiếm đa số trong các cuộc thăm dò dự luận. Nữ hoàng Anh Elizabeth chắn hẳn sẽ rất lo lắng và không khỏi « hoang mang » trước viễn ảnh vương quốc của bà bị tan vỡ. Le Figaro nhận xét thấy « làn gió hỏang loạn đang thổi ở Luân Đôn ».

Libération cũng có chung nhận định trong bài viết mang hàng tựa « Người Xcotlen làm vương quốc chấn động ». Tuy nhiên đó vẫn chỉ là thăm dò dư luận, câu trả lời cuối cùng sẽ có sau ngày 18/9 tới đây khi 4,2 triệu dân Xcotlen từ 16 tuổi trở lên sẽ đi bỏ phiếu trả lời cho câu hỏi rất đơn giản : « Xcotlen có nên chăng trở thành một nước độc lập ? » và câu trả lời mới là quan trọng có thể gây ra nhiều phức tạp.

 

 

 

 

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.