Vào nội dung chính
XÃ HỘI

Đấu tranh chống bất bình đẳng nam nữ giúp thúc đẩy tăng trưởng

Cuộc đấu tranh chống các bất bình đẳng nam-nữ trong giáo dục, việc làm hoặc quản trị doanh nghiệp sẽ tạo ra những nguồn lực mới giúp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Đó là nhận định của Tổ chức Hợp tác Phát triển Kinh tế (OECD), trong một bản báo được công bố ngày 22/05/2012 với tựa đề : Bình đẳng giới tính trong giáo dục, việc làm và quản lý doanh nghiệp.

DR
Quảng cáo

Theo Tổng thư ký OECD Angel Gurria, muốn có được tăng trưởng lâu dài, chắc chắn, bền vững và có lợi cho tất cả mọi người, thì cần phải có sự tham của cả hai giới. Tạo điều kiện cho phái nam và phái nữ có khả năng tham gia vào các hoạt động ở nhà cũng như ở nơi làm việc, sẽ góp phần thúc đẩy tăng trưởng, cuộc sống ấm no hạnh phúc và một xã hội công bằng hơn đối với tất cả mọi người.

Báo cáo cho biết, tại các nước thành viên OECD, nhiều tiến bộ đáng kể đã đạt được trong lĩnh vực giáo dục. Nữ giới chiếm gần 60% trong tổng số sinh viên tốt nghiệp đại học, trong năm 2009.

Trong nửa thế kỷ qua, trình độ học vấn nâng cao đã tạo ra một nửa mức tăng trưởng tại các nước thành viên OECD. Và mỗi một năm học thêm giúp tăng trung bình 9% tổng sản phẩm quốc nội tính theo đầu người.

Nhưng đồng thời, các tác giả bản báo cáo lưu ý, nếu muốn khai thác được các đóng góp tiềm tàng của phụ nữ trong lĩnh vực kinh tế, thì các nước cần phải đạt được những tiến bộ mới.

Mặt khác, phái mày râu và phái yếu vẫn tiếp tục có những khác biệt trong việc lựa chọn ngành học, nghề nghiệp. Nữ giới chiếm hơn 75% trong số sinh viên tốt nghiệp khoa học xã hội và y học, trong lúc 70% nam giới có bằng cấp kỹ sư, quản lý sản xuất, xây dựng.

Do vậy, OECD cho rằng « Cần phải tìm ra những phương thức mới khuyến khích nữ giới nghiên cứu và tham gia vào các ngành nghề hiện có đa số là nam giới, những ngành có triển vọng nghề nghiệp tốt hơn và thu nhập cao hơn ».

Trong lĩnh vực việc làm, theo bản báo cáo, tại các nước OECD, tỷ lệ nhân dụng là nữ giới thấp hơn 13% so với nam giới và phụ nữ dễ chấp nhận làm việc bán thời gian hơn đàn ông.

Để khắc phục tình trạng này, OECD nhấn mạnh đến việc mở rộng hệ thống nhà trẻ, tạo các điều kiện làm việc linh hoạt hơn.

Về thu nhập, khoảng cách chênh lệnh vẫn còn khá lớn trong các nước thành viên OECD : Cùng một loại công việc, lương của phái nữ thấp hơn 16% so với phái nam. Trong các doanh nghiệp, số phụ nữ làm công tác quản lý, lãnh đạo cũng chỉ chiếm có một phần ba. Trong Hội đồng quản trị, tỷ lệ này chỉ là 10%.

Câu hỏi được đặt ra là tại sao những bất bình đẳng này vẫn tồn tại ? Có thể một phần là do vai trò của phụ nữ hầu như ít thay đổi trong cuộc sống gia đình. Tại các nước OECD, mỗi ngày, phụ nữ làm việc nhà nhiều hơn đàn ông khoảng hai giờ và đó là những thời gian làm việc không có thù lao. Ở nhiều nước khác, con số này là hơn 5 tiếng.

Nhiều nước đã áp dụng chính sách bình đẳng nam - nữ trong khu vực công. Điều rõ ràng là chính sách này chỉ có thể được thực hiện nếu như có sự can thiệp tích cực của chính phủ. Do vậy, OECD nhấn mạnh là các chính phủ cần phải can thiệp, hỗ trợ khu vực tư nhân tiến hành các thay đổi. Về phần mình, các doanh nghiệp cần phải xem xét lại văn hóa quản trị, bố trí nhân sự, tạo cơ hội đồng đều cho cả hai phái, qua đó, sử dụng tốt hơn các tài năng.

Theo hướng này, OECD chủ trương đưa ra những khuyến nghị cụ thể. Báo cáo về « Bình đẳng giới tính trong giáo dục, việc làm và quản lý doanh nghiệp » được đem ra thảo luận nhân cuộc họp hàng năm cấp bộ trưởng của OECD, trong các ngày 23 và 24/05 vừa qua.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.