Vào nội dung chính
Tạp chí Việt Nam

Kinh tế Việt Nam có nguy cơ bị biến đổi khí hậu tác hại nặng

Đăng ngày:

Với địa hình nhiều núi non, lại có một bờ biển rất dài, Việt Nam đã trở thành một trong những quốc gia thuộc diện phải gánh chịu nhiều nhất tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu, cả về mặt con người lẫn kinh tế. Các tác hại này tuy nhiên sẽ được giảm thiểu nếu Việt Nam quyết tâm đề ra những chính sách thích hợp ngay từ lúc này để khắc phục kịp thời các hệ quả.

Hội nghị lần 2 của Climate Vulnerability Monitor tại New York ngày 26/09/2012.
Hội nghị lần 2 của Climate Vulnerability Monitor tại New York ngày 26/09/2012. REUTERS/Chip East
Quảng cáo

Trên đây là khuyến cáo cụ thể dành cho Việt Nam của tổ chức quốc tế DARA, rất có uy tín trong lãnh vực môi trường và biến đổi khí hậu, cùng với Diễn đàn các nước dễ bị tác hại của biến đổi khí hậu CVF (Climate Vulnerable Forum), trong bản báo cáo mới nhất Climate Vulnerability Monitor 2012, công bố ngày 26/09/2012 vừa qua tại New York.

Bản phúc trình chủ yếu đề cập đến những vấn đề chung của toàn thế giới, nhưng đặc biệt có riêng hai phần tập trung trên trường hợp điển hình của Ghana (tại châu Phi) và Việt Nam.

Nghiên cứu của DARA và CVF về Việt Nam đã được thực hiện một cách rất bài bản, với cả hai chuyến khảo sát thực địa tại hai địa phương tiêu biểu cho vấn đề ảnh hưởng của biến đổi khí hậu là tỉnh Bến Tre, vùng đất thấp ven biển vùng Đồng bằng sông Cửu Long, và tỉnh Yên Bái, trên vùng đồi núi miền Tây Bắc.

Nhìn chung, theo công trình nghiên cứu này, do hình thể và vị trí địa dư của mình, Việt Nam thuộc loại quốc gia « cực kỳ dễ bị tổn hại về mặt môi trường trước tình trạng biến đổi khí hậu ». Khu vực đồi núi và duyên hải là vùng đón bão đến từ ngoài khơi Thái Bình Dương, dễ bị thiệt hại vì mưa to, gió lớn kéo theo lũ lụt, đất lở nghiêm trọng. Còn đồng bằng sông Cửu Long lại là một vùng thấp, thuộc diện dễ bị ngập lụt nhất trên thế giới. Hầu hết các khu vực phía nam của Việt Nam, kể cả vùng lân cận Thành phố Hồ Chí Minh, đều ở độ cao không đầy một mét so với mặt biển, do đó sẽ phải chịu tác hại trực tiếp khi nước biển dâng lên.

Điểm mới được bản báo cáo nêu bật là các thiệt hại về mặt kinh tế - tính theo tỷ lệ phần trăm GDP - mà Việt Nam có nguy cơ phải gánh chịu từ nay đến năm 2030 do vấn đề biến đổi khí hậu. Tuy vậy, theo các chuyên gia, tình hình không đến nỗi bi quan vì Việt Nam hoàn toàn có thể giảm bớt đáng kể các thiệt hại này nếu kịp thời có biện pháp khắc phục. Bản báo cáo đã đề ra một loạt khuyến cáo về mặt chính sách cho Việt Nam.

Biến đổi khí hậu có thể cắt bớt 11% GDP của Việt Nam

Một cách cụ thể bản báo cáo CVM 2012 ước tính là biến đổi khí hậu đã làm cho Việt Nam mất đi 5% GDP vào năm 2010, một tỷ lệ có nguy cơ tăng lên mức 11% vào năm 2030. Về mặt con người, tác hại của tình trạng ô nhiễm không khí được đánh giá là nghiêm trọng, với khoảng 50.000 ca tử vong mỗi năm hiện nay có thể vượt mức 60.000 ca mỗi năm vào năm 2030.

Đi sâu vào chi tiết, bản báo cáo đã nêu bật 8 lãnh vực bị tác hại nặng nề nhất tính theo tỷ lệ GDP bị mất đi vào hai thời điểm 2010 và 2030:

Lãnh vựcGDP bị mất 2010GDP bị mất 2030
Năng suất lao động4,4%8,6%
Mực nước biển dâng cao1,5%2,7%
Thủy sản0,5%1,6%
Nông nghiệp0,2%0,4%
Nóng lạnh thất thường0,1%0,3%
Lũ lụt và đất lở0,1%0,1%
Đa dạng sinh học0,1%0,1%
Hạn hán0,1%0,1%

Biến đổi khí hậu chủ yếu có ảnh hưởng tiêu cực, nhưng trong trường hợp Việt Nam, một số tác động có thể được xem là tích cực, chẳng hạn như là mưa nhiều hơn sẽ bù đắp cho phần nước bị bốc hơi do tình trạng nhiệt độ gia tăng, và giảm bớt tình trạng hạn hán tại nhiều vùng nổi tiếng là khô cằn. Tuy vậy, các tác giả bản báo cáo Climate Vulnerability Monitor 2012 cũng thận trọng nhắc lại rằng theo khảo sát của riêng phía Việt Nam, tỷ lệ cao của lượng nước bốc hơi, trong lúc lượng mưa và lưu lượng các con sông giảm mạnh trong mùa khô sẽ không thể bù đắp được…

Nói chung, bản báo cáo của tổ chức DARA là một nghiên cứu quốc tế hiếm hoi về môi trường và biến đổi khí hậu tại Việt Nam. Để hiểu rõ hơn về giá trị của công trình này, RFI đã đặt câu hỏi cho chuyên gia môi trường Nguyễn Đức Hiệp tại Úc, một người thường xuyên theo dõi tình hình môi trường Việt Nam.

Theo chuyên gia Nguyễn Đức Hiệp, ngoài một số điểm thường xuyên được đề tới, bản báo cáo Climate Vulnerability Monitor 2012 có nêu lên nhiều yếu tố mới lạ và hữu ích.

11:24

Ông Nguyễn Đức Hiệp - Úc

Trọng Nghĩa

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Xem các tập khác
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.