Vào nội dung chính
CAM BỐT - NHÂN QUYỀN

Lập "Công Viên Dân Chủ" để hạn chế dân chủ

Vừa qua, chính quyền Cam Bốt đưa ra dự án thành lập "Công Viên Dân Chủ". Thế nhưng, theo giới bảo vệ nhân quyền, dự án này là nhằm giới hạn dân chủ.

Quảng cáo

Dự án của chính quyền Cam Bốt dường như dựa theo mô hình của Singapore. Tuy nhiên, địa điểm dự án lại được đặt ở một nơi xa trung tâm hành chính quốc gia.

Theo một số nhà phân tích, cuộc khủng hoảng chính trị tại Thái Lan có thể là một trong những nguyên nhân buộc chính quền Phnom Penh đưa ra dự án này nhằm tạo ra một nơi đề người dân bầy tỏ nỗi bất bình, đồng thời vẫn khống chế được tự do ngôn luận.

Xin nhắc lại là trước Thế Vận Hội mùa hè 2008 ở Bắc Kinh, chính quyền Trung Quốc cũng đã có một dự án tương tự.

Từ Phnom Penh, thông tín viên Phạm Phan cho biết thêm một số thông tin về dự án này tại Căm Bốt.

Chính quyền khởi xướng một đề nghị gây không ít thắc mắc lẫn hoài nghi trong công chúng, đó là cho phép thành lập một nơi tập trung người biểu tình có tên gọi “Công Viên Dân Chủ”. Theo ông Touch Naruth, chỉ huy trưởng cảnh sát Phnom Penh nói: Đây là khu vực để người dân tự do phát biểu ý kiến, ông đã đi thị sát địa điểm này, nó có thể chứa đến 5.000 người, trong khi luật hiện hành chỉ cho phép tập hợp khoảng 200 người, còn các cuộc tụ họp đông hơn phải xin phép tòa đô chính Phnom Penh.

Tuy nhiên nơi này cách xa các cơ quan hành chính trung ương, xa tòa nhà Quốc Hội, mặc dù theo viên chỉ huy trưởng cảnh sát Phnom Penh, “Công Viên Dân Chủ” sẽ sẵn sàng dành cho bất kỳ nhóm hay tổ chức nào muốn thực hiện biểu tình phản đối chính quyền. Theo ông Touch Naruth, phạm vi thủ đô Phnom Penh không được phép thực hiện biểu tình, bất cứ nhóm người nào không tuân lịnh coi như vi phạm luật nhà nước.

Các nhà quan sát tình hình chính trị Cam Bốt cho rằng, ý kiến thành lập “Công Viên Dân Chủ” mô phỏng theo cách thức của Singapour, tại đó biểu tình được cho là hợp pháp từ năm 2008 nhưng chỉ được tổ chức trong các khu vực do nhà nước chỉ định. Và cách làm của Singapour lại đi theo khuôn mẫu của Anh Quốc, tuy nhiên quyền tự do bày tỏ ý kiến, tư tưởng của người dân Anh được chính quyền tôn trọng hơn.

Tác động của cuộc khủng hoảng chính trị Thái Lan ?

Trong gần một tháng qua, khi phe Áo Đỏ thân cựu thủ tướng Thái Thaksin chỉ đạo cuộc biểu tình qui mô dài ngày ngay trung tâm Bangkok, các đài truyền hình thân chính quyền Cam Bốt như CTN (Cambodia Television Network), Bayon (tên một ngôi đền cổ trong khu vực Angkor ở tỉnh Siêm Riệp)… cho thực hiện hàng loạt các chương trình phóng sự, bình luận hàng ngày về sự kiện nóng bỏng của lực lượng đối lập Thái chống chính quyền. Báo chí nhà nước cũng đưa tin. Dù các chương trình, bài viết này cố giữ vị thế khách quan, nhưng không tránh khỏi bị cho là thiên vị đứng về phe Áo Đỏ. Điều này cũng tất nhiên, vì ông Thaksin là thân hữu và cố vấn của chính quyền Cam Bốt.

Tuy nhiên nhiều hình ảnh, sự kiện của truyền hình và báo chí đập vào mắt, thấu vào tai, thấm vào đầu công chúng Cam Bốt có thể gây ra một tác dụng ngược lại. Đó là quyền tự do phát biểu của công chúng Thái được thực thi, cần biểu tình để nói lên nguyện vọng chính đáng của họ thì tổ chức tập họp biểu tình không sợ chính quyền. Thứ hai, sự kiện biểu tình rầm rộ tại Thái chứng tỏ cho người dân Cam Bốt thấy rằng nhà nước không phải là một lực lượng chính trị của một phe đảng hay đại biểu cho một giai cấp ưu quyền nào có vị thế độc tôn, tuyệt đối, cai trị trên đầu dân chúng vĩnh viễn, trái lại khi đại đa số người dân muốn nó thay đổi chính sách quản trị đất nước hay bước xuống từ bỏ quyền lực thì có thể làm được thông qua sức mạnh quần chúng có tổ chức, có quyết tâm.

Theo một số ý kiến riêng tư trong cư dân Phnom Penh, có thể vì lo sợ tinh thần phản kháng chính quyền trong xã hội sẽ có cơ nổi dậy thành cuộc biểu tình tuần hành qui mô hàng ngàn người kéo dài nhiều ngày trên các đường phố trung tâm Phnom Penh như từng xảy ra năm 1998 do lãnh tụ đối lập Sam Rainsy tổ chức, cho nên chính quyền mới đưa ra kế hoạch thành lập “Công Viên Dân Chủ” như hình thức tạo điều kiện cho các bất mãn trong công chúng có môi trường giải bày nhưng không ảnh hưởng đến quyền lợi riêng của lãnh đạo chính quyền.

Ngay khi nghe tin chính quyền thông báo cho phép thành lập “Công Viên Dân Chủ”, nhiều lời chỉ trích đưa ra nói chính quyền cố gắng bảo vệ họ và bịt miệng đối lập. Hồi tháng 10 năm ngoái, luật cho phép biểu tình được thông qua làm bùng lên các phản đối từ nhiều nhóm nhân quyền và phe đối lập, họ cho rằng Đảng Nhân Dân Cam Bốt đương quyền đã lạm dụng thế đa số tại Quốc Hội để ngăn chận quyền tự do phát biểu của người dân Cam Bốt. Luật về phỉ báng cũng bị xiết chặt hồi năm rồi sau khi tòa án của chính quyền tiến hành nhiều vụ kiện chống lại các dân biểu đối lập và ký giả, những người lớn tiếng phê bình các nhân vật lãnh đạo quốc gia.

Một số tổ chức công đoàn nói “Công Viên Dân Chủ” được chọn lựa đặc biệt cẩn thận tại những vị trí để bảo đảm rằng công luận không hay biết gì về biểu tình đã xảy ra. Ông Rong Chhun, chủ tịch Hội Giáo Chức Độc Lập phát biểu: “Công Viên Dân Chủ” là một khu đất nhỏ, cách xa với các định chế cao cấp của nhà nước. Ông Chan Soveth, trưởng Nhóm Quan Sát của tổ chức nhân quyền địa phương Adhoc nói: “Công Viên Dân Chủ” nên ở vị trí trước tòa nhà Quốc Hội để công chúng có nhiều cơ hội trình bày ý kiến của mình trước các vị dân cử.

Trong khi đó phía cảnh sát lại nói việc chọn địa điểm cho “Công Viên Dân Chủ” nhằm bảo vệ tính mạng các vị dân cử và giới chức chính quyền.

Mấy năm gần đây sự kiện nổi bật khiến Liên Hiệp Quốc phải lên tiếng cảnh báo đó là việc cướp đất và trục đuổi thô bạo hàng ngàn gia đình nghèo khó. Có nơi xảy ra cảnh bắn giết người dân để chiếm đất bán cho người nước ngoài. Có địa phương xảy ra cảnh đánh nhau tới trọng thương giữa dân làng và cảnh sát, một bên muốn giữ lại miếng đất để cho gia đình họ sinh tồn, một bên quyết chí cướp đất để bán kiếm Mỹ kim bỏ túi. Theo tiên đoán của nhiều nhà quan sát về tình hình xã hội Cam Bốt, việc cướp đất dân sẽ dẫn đến rối loạn trật tự xã hội, và cảnh sống chênh lệch giữa đại đa số dân nghèo và thành phần cao cấp đại diện dân trong chính quyền chỉ làm gia tăng nỗi bất mãn trong công chúng.

 

06:12

Thông tín viên Phạm Phan_Phnom Penh_17/05/2010

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.