Vào nội dung chính
DU LỊCH - DU THUYỀN

Dù bị chỉ trích, ngành du lịch tàu biển vẫn phát triển

Từ đây cho đến ba năm tới, ngành du lịch tàu biển sẽ thu hút khoảng 40 triệu lượt hành khách. Trên đây là dự phóng của Hiệp hội Quốc tế các Hãng tàu Du lịch (CLIA) nhân dịp công bố bản cáo thường niên. Hầu hết các hãng tàu lớn đều đã cử đại diện tham gia hội chợ quốc tế Seatrade Cruise, tổ chức tại thành phố Miami, Mỹ, hôm 22/04/2024.

Ành minh họa : Biểu tình phản đối các du thuyền khổng lồ gây ô nhiễm, ngày 17/06/2023, ngoài khơi thành phố Marseille, miền nam Pháp.
Ành minh họa : Biểu tình phản đối các du thuyền khổng lồ gây ô nhiễm, ngày 17/06/2023, ngoài khơi thành phố Marseille, miền nam Pháp. © AFP/Nicolas Tucat
Quảng cáo

Theo tờ báo Ouest France, sau hơn hai năm trì trệ do tác động của đại dịch Covid, ngành du lịch trên biển đã có dấu hiệu tăng trở lại (hơn 7%) vào năm 2023, với tổng cộng 31,7 triệu lượt khách quốc tế. Theo bản báo cáo thường niên được hiệp hội ngành du lịch tàu biển CLIA công bố tại Miami, thành tích trong năm qua đã vượt qua sự chờ đợi của giới chuyên gia: doanh thu cũng như số hành khách đều cao hơn hẳn so với năm 2019. Nhìn chung, sự phục hồi này chủ yếu được thúc đẩy bởi sức mua sắm của du khách Âu, Mỹ, cao hơn nhiều so với khách châu Á.

Khi dùng tàu biển để đi du lịch nước ngoài, người Âu, Mỹ vẫn sẵn sàng chi tiền để có thể đi nhiều ngày, trả thêm một số dịch vụ trên tàu, cũng như phí tham quan phụ trội, mỗi lần tàu cập bến đưa khách vào đất liền. Theo số liệu của hiệp hội CLIA được tờ báo Ouest France trích dẫn, trong năm 2023, hành khách Bắc Mỹ đã tăng 17,5% với tổng cộng 18 triệu hành khách, du khách châu Âu cũng tăng 6,5% với 8,2 triệu người. Ngược lại, số hành khách châu Á lại giảm mạnh đến -37,7%, từ 3,5 triệu xuống còn 2,3 triệu khách, chủ yếu cũng vì số khách Trung Quốc đi tàu biển trong năm qua đã xuống mức rất thấp.

Đầu tư 47 tỷ euro để đóng 63 tàu du lịch

Theo Marie-Caroline Laurent, giám đốc khu vực châu Âu của Hiệp hội quốc tế CLIA, ngành du lịch tàu biển sẽ tiếp tục phát triển với 35,7 triệu khách du lịch trong năm 2024. Và từ đây cho đến cuối năm 2027, ngành du lịch trên biển dự kiến sẽ tiếp đón hơn 40 triệu hành khách quốc tế, tăng chậm mà đều đặn, cứ mỗi năm tăng thêm khoảng 3%.

Các chuyến du lịch trên biển thu hút được thêm nhiều hành khách là vì các sản phẩm du lịch ngày càng đa dạng, nội dung các chương trình sinh hoạt trong kỳ nghỉ cũng phong phú hơn nhiều so với trước đây. Độ tuổi trung bình của hành khách đi du lịch bằng tàu biển là 47 tuổi. Trong năm qua, cứ trên 4 khách là có một người (27%) lần đầu tiên đi du lịch tàu biển. Các chuyến thưởng ngoạn trên ''du thuyền'' cỡ lớn chủ yếu nhắm vào đối tượng trung niên, đi cùng với gia đình.

Tuy nhiên, bên cạnh loại hình du lịch phù hợp hơn với các gia đình (family friendly), giờ đây còn có thêm các tour theo chuyên đề, du lịch khám phá ''mạo hiểm'' các vùng đất lạ, chẳng hạn như trên vành đai Bắc Cực, hay tại quần đảo Đất Lửa ở mũi cực nam vùng Nam Mỹ. Có lẽ là để thu hút thành phần du khách trẻ tuổi hơn, các chuyến tàu này đòi hỏi nơi người tham gia có đủ sức khỏe để ''leo núi'', hay đi bộ đường trường. Đối với khách ít có máu phiêu lưu, nhiều chuyến đi tàu biển kết hợp tham quan văn hóa với du lịch ẩm thực, thanh lịch sang trọng nhưng cũng vì thế mà có giá cao hơn.

Rõ ràng là xu hướng thịnh hành hiện nay vẫn là ''premiumization'', nâng cấp sản phẩm để làm tăng thêm giá trị của hình thức trải nghiệm du lịch. Nhưng để thực hiện điều này, ngành du lịch tàu biển phải tìm cách thích nghi : chế tạo thêm nhiều loại tàu có kích cỡ khác nhau. Du thuyền ''khổng lồ'' phục vụ số đông, cho nên giá cả vẫn phải hợp lý cho một kỳ nghỉ gia đình, trong khi du thuyền cỡ vừa nhắm vào ít hành khách nhưng lại là khách có nhiều tiền hơn.

Đóng thêm tàu biển mà chưa giải quyết vấn đề ô nhiễm

Theo báo cáo của hiệp hội CLIA, các hãng du lịch đã đặt mua 63 chiếc tàu trong vòng 5 năm tới, bên cạnh 350 chiếc đang hoạt động. Theo Marie-Caroline Laurent, một phần ba (34%) các tàu du lịch hiện có dưới 1.000 giường nằm. Các chiếc tàu cỡ lớn với 4.000 giường trở lên chiếm 12% đội tàu hiện nay. Theo dự kiến, một số tàu lớn sẽ được xây thêm để đạt mức 15% vào năm 2028. Chi phí đầu tư vào việc đóng tàu mới lên tới 47 tỷ euro ở châu Âu, trong đó có gần 9 tỷ euro về tay các xưởng đóng tàu ở Pháp, tại thành phố Saint Nazaire, vùng Loire Atlantique.

Điều quan trọng nhất đối với ngành du lịch tàu biển chính là nỗ lực phát triển hạ tầng cơ sở để ''tiếp tế'' cho các du thuyền mỗi khi tàu cập bến. Tại Pháp hiện giờ, chỉ có hai thành phố cảng là Toulon và Le Havre và sắp tới đây nữa là Marseille, cho phép các tàu du lịch cỡ lớn cập bến, cung cấp năng lượng qua dây cáp điện. Không phải thành phố biển nào cũng có cảng dành riêng cho du thuyền và chịu đầu tư để lắp đặt được một hệ thống như vậy.

Điều đó buộc Hiệp hội Quốc tế các Hãng tàu Du lịch phải thảo luận với hội đồng các thành phố cảng, cũng như xin phép các chính quyền địa phương. Nhiều điểm đến đông khách du lịch giờ đây không còn xem tàu biển là một nguồn doanh thu béo bở. Bằng chứng là Hiệp hội CLIA vẫn phải đang thảo luận với Barcelona (Tây Ban Nha) và Lisboa (Bồ Đào Nha), để duy trì hai thành phố cảng này trên lộ trình các điểm tham quan hàng đầu châu Âu.

Trong khi đó, hàng loạt danh lam thắng cảnh khác đều đã áp dụng quota du khách, hoặc thu thêm phí đối với những khách nào rời thuyền vào trong thành phố để tham quan nhưng không ngủ lại qua đêm. Các thành phố nổi tiếng như Venise (Ý), Dubrovnik (Croatia), Bergen (Na Uy), hay Santorini thuộc quần đảo Cyclades (Hy Lạp) đều tìm cách hạn chế tình trạng du khách quá tải.

Một vấn đề khác nữa là, dù có cố gắng cách mấy, các hãng tàu du lịch vẫn chưa tìm ra được một giải pháp thích hợp trong việc giảm thiểu khí gây ô nhiễm, hạn chế những tác hại về môi trường. Các du thuyền cỡ lớn được so sánh như những thành phố nổi khổng lồ. Vần đề là cho dù cập bến cảng, các du thuyền này vẫn không thể nào ''tắt máy''. Động cơ phải chạy liên tục để duy trì hệ thống điều hòa không khí, tủ lạnh, cũng như để sưởi ấm các bể bơi. Do vậy, trong lúc dừng lại, các du thuyền này tạo ra một lượng lớn khí thải, đôi khi gây nhiều ô nhiễm hơn cả khi lướt sóng trên biển.

Họa người phúc ta : Sự phát triển của ngành du lịch trên biển dĩ nhiên tạo thêm nhiều việc làm cho các xưởng đóng tàu, nhưng lại gặp phải làn sóng phản đối từ phía các hiệp hội bảo vệ môi trường, trong lúc khí hậu đang chịu nhiều biến đổi.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.