Vào nội dung chính
HỘI NGHỊ G20

Cơn sốt G20 tại Hàn Quốc

Đặc phái viên của nhật báo cánh hữu Le Figaro tại Séoul hôm nay có bài viết mô tả "cơn sốt" G20 tại Hàn Quốc, với niềm tự hào của một quốc gia châu Á trước đây nghèo khó, lần đầu tiên tổ chức hội nghị thượng đỉnh G20, với sự hiện diện của các vị nguyên thủ 20 nền kinh tế quan trọng nhất hành tinh.

Quảng cáo

"Cơn sốt G20" được thúc đẩy bởi chính quyền, mà cụ thể là Tổng thống Lee Myung Bak, vốn xem hội nghị thượng đỉnh này là một sự kiện trọng đại của quốc gia, và là đỉnh cao trong sự nghiệp chính trị của mình. Le Figaro mô tả, một tấm băng-rôn khổng lồ mang dòng chữ "Tương lai của thế giới mở ra tại Seoul" được treo trước Tòa Đô chính, dưới tấm ảnh phóng to cao đến 20 mét của nhà nữ vô địch trượt băng Kim Yuna, đại sứ của hội nghị thượng đỉnh G20 lần này. Trong hệ thống tàu điện ngầm, là những tấm áp-phích giải thích cho hành khách các hoạt động của G20, bên cạnh là tấm bản đồ thế giới. Còn tại các trường học, trẻ em được dạy về các vấn đề xung quanh tỉ giá hối đoái. 

Đây cũng là vấn đề đau đầu của Tổng thống Lee Myung Bak. Làm thế nào để đạt được một thỏa hiệp giữa Trung Quốc, đối tác thương mại hàng đầu của Hàn Quốc, với đồng minh Hoa Kỳ, hiện đang có 28 500 binh lính trú đóng tại nước này ? Ông Lee hy vọng sẽ có được kết quả tốt đẹp, sau khi cuộc hội nghị các bộ trưởng tài chính G20 tại Gyeongju ngày 23/10 trước đây đã đề ra việc tạm « đình chiến » cuộc chiến tranh tiền tệ, và hứa hẹn sẽ thiết lập những trật tự mới nhằm giảm bớt tình trạng mất quân bình thương mại thế giới. Hội nghị thượng đỉnh lần này cần xác định các nội dung chủ đạo, và hoạch định được một lịch trình cụ thể. 

Seoul cũng mong muốn được bật đèn xanh cho một cơ chế an toàn tài chính cho các nước mới trỗi dậy, một ưu tiên nay đã bị cuộc chiến tranh hối đoái làm chìm khuất. Một danh sách gồm 100 sáng kiến để tái thúc đẩy viện trợ phát triển cũng sẽ được đưa ra. Đối với Hàn Quốc, một đất nước mà vào năm 1950 còn nghèo khổ như Sudan bây giờ, việc đặt chân vào câu lạc bộ các quốc gia giàu nhất thế giới là một niềm tự hào vô biên, và hội nghị thượng đỉnh G20 có thể là bàn đạp để vươn lên cao hơn. Phó tổng giám đốc công ty điện thoại KT cho biết : « Chúng tôi mong muốn Hàn Quốc chiếm được ngôi vị số một thế giới về kỹ thuật cao ». Công ty này phân phối cho các nhà lãnh đạo đến dự hội nghị các máy tính bảng giúp họ xem được các kênh truyền hình của nước họ, giống như đang ngồi tại nhà. 

Nền kinh tế đứng thứ tư châu Á đã tập trung mọi nỗ lực để tổ chức hội nghị G20, một sự kiện được xem là quan trọng nhất kể từ Thế vận hội 1988 cho đến nay. Các tập đoàn lớn nhất Hàn Quốc đều cho in logo hội nghị lên các sản phẩm của mình. Theo Viện Nghiên cứu Kinh tế Samsung, thì các sản phẩm xuất khẩu của Hàn Quốc có thể được hưởng lợi nhờ uy tín của việc tổ chức hội nghị này, được ước tính khoảng 19 tỉ đô la ; nhưng một giáo sư đại học cho rằng con số này được phóng đại quá đáng. 

Đặc phái viên Le Figaro cho biết một chi tiết, tại trung tâm thương mại lớn nhất châu Á Coex, các thanh thiếu niên Hàn Quốc xếp hàng trước một máy chụp hình tự động đặc biệt. Việc các nhà lãnh đạo các nước giàu nhất hành tinh tìm cách ngăn chận làn sóng chiến tranh tiền tệ đang đe dọa nền kinh tế toàn cầu, đối với họ không quan trọng bằng việc có được tấm hình đứng cạnh Tổng thống Mỹ Obama, hay gởi được e-mail cho Tổng thống Pháp Sarkozy, nhờ kỹ thuật mới tại đây.

Nhưng các nghiệp đoàn thì tố cáo việc huy động toàn lực cho hội nghị G20. Hôm chủ nhật, đã có từ 20 đến 40 ngàn người biểu tình trước Tòa Đô chính, giơ cao các biểu ngữ « Stop G20 ! ». Những nhà hoạt động công đoàn gan lì vốn đã từng bơi qua vịnh Hồng Kông hồi năm 2005 để đấu tranh chống một hội nghị của Tổ chức Thương mại Thế giới, đang là ác mộng cho cảnh sát. Có đến 50 ngàn nhân viên cảnh sát được triển khai để an ninh, và khu vực 2km kể từ khu trung tâm được rào chắn cẩn thận để ngăn các cuộc biểu tình. Đội trưởng an ninh của Dinh Tổng thống cho biết, họ sẽ tỏ ra nghiêm khắc nhất từ trước đến nay. 

Trung Quốc chưa đáp ứng được các tiêu chuẩn của kinh tế thị trường 

Liên quan đến kinh tế châu Á, nhật báo kinh tế Les Echos hôm nay có bài phỏng vấn Quốc vụ khanh đặc trách ngoại thương của Pháp, bà Anne-Marie Idrac, trong dịp chiến dịch thương mại mới cho cả cộng đồng được trình lên Liên hiệp châu Âu hôm nay. Theo bà Idrac, Trung Quốc đang là đối tượng đang gây ra nhiều chỉ trích do chủ trương bảo hộ, và quốc gia này chưa đáp ứng được các yêu cầu của một nền kinh tế thị trường. 

Bà Anne-Marie Idrac cho biết, hai chủ đề lớn nhất là vấn đề thâm nhập thị trường và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ. Về thị trường cung ứng cho lãnh vực công thông qua đấu thầu, tuy đã là thành viên Tổ chức Thương mại Thế giới, nhưng các điều kiện mà Trung Quốc đưa ra hết sức ngặt nghèo, đang là một rào cản chặt chẽ. Châu Âu sẽ đòi hỏi Trung Quốc áp dụng các tiêu chuẩn chung của quốc tế. Về vấn đề sở hữu trí tuệ, tuy bộ trưởng Thương mại Trung Quốc trong khi tháp tùng ông Hồ Cẩm Đào thăm Pháp vừa qua đã khẳng định, tương lai của Bắc Kinh không phải là sao chép mà là sáng tạo, nhưng việc này cũng cần phải xem lại. 

Còn vấn đề công nhận Trung Quốc là nước có nền kinh tế thị trường, hiện nay có nhiều tiêu chuẩn mà nước này vẫn chưa đạt. Hơn nữa, nếu công nhận, thì sẽ có đến phân nửa số biện pháp chống phá giá hiện nay lên hàng Trung Quốc sẽ không còn áp dụng được nữa, và châu Âu sẽ mất đi hàng chục ngàn công ăn việc làm. 

Ông Obama mang lại giấc mơ cho học sinh trường cũ ở Indonesia 

Nhân chuyến viếng thăm Indonesia của Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama, đặc phái viên của nhật báo công giáo La Croix tại Jakarta đã đến thăm ngôi trường cũ mà ông Obama từng theo học. 

Trong số đăng ký của nhà trường năm 1968 vẫn lưu giữ dòng chữ nắn nót « Barry Soetoro (tên gọi theo cha dượng ông Obama thời đó), sinh tại Honolulu năm 1961, tôn giáo : Hồi giáo ». Thời ông Obama theo học, trường tư thục công giáo này chỉ có khoảng chừng trăm học sinh, nhưng nay đã lên đến hàng ngàn. Trong lớp 6A mà hồi đó cậu học sinh Obama luôn phụ trách việc lau bảng vì là cậu học trò cao nhất lớp, vẫn không hề thay đổi.

Nhưng bên cạnh cây thánh giá treo phía trên bàn giáo viên, giờ đã có thêm bức chân dung của đương kim Tổng thống Mỹ. Các nhà giáo của trường Saint-François-d’Assise hy vọng, đây sẽ là dịp để chuyển giao thông điệp cho các học sinh tại đây, đó là : « Mỗi người trong các em, dù tôn giáo hay ước vọng ra sao, tất cả đều có thể thực hiện được hoài bão của mình ».

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.