Vào nội dung chính
CAM BỐT

Liên Hiệp Quốc thúc giục Cam Bốt tôn trọng tự do ngôn luận

Tình hình tự do ngôn luận tại Cam Bốt ra sao ? Tự do tới đâu và bị hạn chế tới mức độ nào ? Tường trình của thông tín viên Phạm Phan từ Phnom Pênh.

DR
Quảng cáo

06:45

Thông tín viên Phạm Phan- Cam Bốt ngày 06/06/11

Trên nguyên tắc, luật pháp hiện nay được thi hành dựa trên bản hiến pháp tiến bộ được LHQ giúp soạn thảo vào năm 1993 có nền tảng đa nguyên, đa đảng. Tuy nhiên trong thực tế, quốc gia này bị cai trị bởi Đảng Nhân Dân Cam Bốt có nguồn gốc từ Đảng Cộng Sản Cam Bốt.

Đề cập đến hai yếu tố quan trọng này để thấy rằng tình hình tự do ngôn luận tại đây phải tiến bộ hơn Việt Nam. Nhưng khi so với quyền tự do ngôn luận ở Thái Lan, thì tại Cam Bốt vẫn còn bị kiềm chế do vì người cai trị muốn được tự do cầm quyền và không hài lòng khi bị phê phán.

Các phương tiện truyền thông của tư nhân nằm ngoài sự kiểm soát của chính quyền hoặc thuộc một chính đảng khác, có thể được cho phép thành lập hoạt động. Tuy nhiên cũng khó tồn tại, vì các lý do sau : Thứ nhất, nếu phương tiện truyền thông của chính đảng đối lập chỉ trích chính quyền tất nhiên phải bị hạn chế và đi đến chỗ bị loại bỏ như trường hợp đài truyền hình và đài phát thanh của Đảng Bảo Hoàng do Hoàng Tử Norodom Ranariddh cầm đầu trước đây. Thứ nhì nếu phương tiện truyền thông của tư nhân thì chỉ được phép nói những vấn đề làm ăn bình thường hoặc chuyện chính trị vô thưởng vô phạt, chứ đụng chạm đến quyền lợi đảng cầm quyền thì e khó sống.

Thế thì vì sao LHQ chỉ trích và kêu gọi cải tiến ? Cụ thể LHQ phê phán những điểm nào? Thí dụ minh họa những chỉ trích của LHQ là chính xác?Trong chuyến đi đến xứ Chùa Tháp lần thứ 5 với sứ mệnh tìm kiếm sự thật trong vị thế báo cáo viên đặc biệt về lĩnh vực nhân quyền của LHQ, ông Surya Subedi tại cuộc họp báo cuối tuần qua cho biết ông thất vọng nhiều khi tình hình tự ngôn luận không thay đổi bao nhiêu tính từ hồi tháng Hai tới nay.

Điều mà ông Subedi thấy vẫn không tiến bộ đó là không gian chật hẹp dành cho những tiếng nói phê bình chính quyền hoặc muốn phát biểu ý kiến của họ về các vấn đề xã hội hay quốc gia. Theo ông Subedi quyền tự do bày tỏ ý kiến như thế không phải là tội ác như chính quyền kết án. Và vì lo sợ bị chính quyền có biện pháp đàn áp nên nhiều người hoạt động trong ngành báo giới, hay lĩnh vực nhân quyền hoặc hoạt động chính trị đã phải chọn phương pháp tự kiểm duyệt chính mình để không rước lấy tai họa.

Thời gian vừa qua chính quyền bị nhiều tai tiếng vì đã sử dụng các vụ kiện để chống lại những người lên tiếng chỉ trích. Hồi năm ngoái chính quyền cho ban hành bộ luật hình sự mới theo đó có các điều khoản dễ dàng giam tù các tiếng nói vạch trần việc làm sai trái của bộ máy cầm quyền.

Một nhân viên làm việc cho Chương Trình Thực Phẩm Thế Giới đã bị tù giam 6 tháng hồi tháng 12 năm 2010 chỉ vì đưa lên mạng internet một tài liệu chỉ trích nhà nước.

Theo báo cáo viên Subedi, những người đã thực thi các quyền tự do dân chủ chính đáng không nên bị nhốt tù, tuy nhiên trong thực tế tại xứ Chùa Tháp họ lại bị chính quyền tống giam vì bị coi là “thành phần phá rối sự ổn định của đất nước”.

Khi đến xứ Chùa Tháp lần này, ông Subedi đích thân đi đến vài vùng đất đang nổi lên việc tranh chấp đất, kể cả ở hồ Boeng Kak thuộc trung tâm Phnom Penh. Tranh chấp đất giữa người dân nghèo và kẻ quyền thế tại đất nước này hiện nay là một vấn nạn chính gây chú ý nhiều khiến LHQ phải lên tiếng cảnh báo Cam Bốt có nguy cơ dẫn đến bất ổn xã hội nếu chính quyền cứ để cho dân nghèo rơi vào cảnh sống mất đất, mất nhà. Dù thị trường bất động sản nơi đây đang ngủ im nhưng người quyền thế vẫn cứ muốn thâu tóm đất về tay họ.

Giới báo chí, truyền thông bị những khó khăn gì khi thi hành sứ mệnh truyền thông tự do? Bị áp lực, bị mua chuộc và họ tránh né ra sao ?

Đối với nhà báo làm việc tại nước này, áp lực nặng nhất là hình ảnh thây người ngã xuống sau khi có tiếng súng nổ vang trên đường phố. Ngày 12/7/2008, khi mùa bầu cử Quốc Hội đang diễn ra, nhà báo Khem Sambo 47 tuổi và người con trai 21 tuổi khi vừa rời khỏi sân đá banh Phnom Pênh sau buổi tập thể dục mỗi chiều, đã bị kẻ lạ mặt lái xe honda phía sau bắn vào người khiến hai cha con gục xuống và sau đó chết trong bịnh viện.

Nhà báo Khem Sambo thường viết bài cho báo chí đối lập, nội dung bài viết tập trung vào chủ đề chống tệ nạn tham nhũng. Trước khi bị hạ sát, theo nguồn tin báo chí độc lập, thì ông có viết một bài về viên Tướng Hok Lundy, Tư Lịnh Cảnh Sát Quốc Gia hay đi đánh bài ở casino Bavet - Mộc Bài sát biên giới Tây Ninh -Việt Nam.

Thời gian ngắn sau, lúc 8 giờ tối ngày 9/11/2008 Tướng Hok Lundy bị chết trong một tai nạn trực thăng, nguyên nhân do chính quyền đưa ra là do trục trặc kỹ thuật nên trực thăng rớt xuống một cánh đồng trên đường bay đến vùng biên giới Việt - Cam Bốt.

Thế nhưng những thân nhân người bị giết dưới thời Tướng Hok Lundy nắm quyền thì tin rằng “quả báo nhãn tiền”. Được biết ông Hok Lundy chết không toàn thây. Hok Lundy sinh năm 1950 là một người gốc Việt khét tiếng tại Phnom Pênh và cũng là một trong các sui gia với Thủ Tướng Hun Sen.

Về phần đối lập chính trị, họ bị những áp lực dưới hình thức nào?

Những người hoạt động chính trị đối lập, những nhà hoạt động binh vực nhân quyền hay các nhà báo làm việc không thuộc hệ thống kiểm soát của chính quyền thường phải chịu một thứ áp lực giống nhau. Đơn giản chỉ vì họ muốn nói lên sự thật và không chịu cúi đầu trước hệ thống chính trị độc chuyên.

Đảng Sam Rainsy là một chính đảng đối lập tương đối mạnh nhưng người lãnh đạo đã phải lưu vong vì dám mở miệng nói Việt Nam lấn đất Cam Bốt. Dù đảng này đang ở thế yếu và có thể sẽ tiếp tục thua phiếu trong các cuộc bầu cử địa phương và toàn quốc sẽ diễn ra vào một, hai năm tới, thế nhưng các đảng viên cấp cơ sở vẫn tiếp tục bị thanh trừng.

Theo tường thuật của báo Phnom Penh Post, lúc 10 giờ tối thứ Tư tuần trước, ông Ouk Chhanteak, 64 tuổi, cán bộ Đảng Sam Rainsy tại xã Chhoeu Teal, quận Kien Svay, tỉnh Kandal đã bị 3 kẻ lạ mặt chận xe và đánh đập đến chết khi ông đang lái chiếc Honda trở về nhà sau chuyến công tác. Chính quyền địa phương nói đây là vụ giết người cướp của không liên quan đến chính trị. Tuy nhiên giới chức Đảng Sam Rainsy cho biết nạn nhân là một cán bộ năng nỗ và ông sẽ ra tranh cử chức xã trưởng trong cuộc bầu cử năm 2012.
 

 

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.