Vào nội dung chính
PHÁP - GIÁO DỤC - XÃ HỘI

Pháp : Bình đẳng học đường không được đảm bảo

Khủng hoảng kinh tế ảnh hưởng tiêu cực đến mọi mặt xã hội, khiến người nghèo đã khổ lại càng khổ hơn. Pháp, một trong hai đầu tàu kinh tế châu Âu, nước có nền giáo dục thuộc loại tiên tiến nhất thế giới, cũng không tránh khỏi những đòn sấm sét của cuộc khủng hoảng.

Quảng cáo

Theo một nghiên cứu vừa được công bố của Tổ chức Hợp tác và Phát Triển Kinh tế, (OECD), trên 34 nước thành viên, Pháp xếp thứ 33 về việc đảm bảo quyền bình đẳng trong giáo dục. Tuần san Le Nouvel Observateur phản ánh chủ đề này qua bài viết mang dòng tựa khá ấn tượng : « Bức tường ngăn cách bằng tiền bạc ».

Tờ báo nhận định, tại Pháp, tình trạng dân chủ trong giáo dục đang xuống dốc. Một bức tường tiền bạc đang tùng bước được dựng lên, ngăn trở đường đến trường của con em các giai tầng thấp trong xã hội. Trong giai đoạn 2006-2010, tỷ lệ con em các giai tầng này được vào học đại học đã giảm từ 35% xuống 31%, trong khi con số của các tầng lớp thuộc loại sung túc tăng từ 32% lên 36%. Tình trạng này càng tồi tệ hơn ở các trường đại học thuộc hàng danh giá. Sinh viên xuất thân gia đình công nhân ở các trường này chỉ chiếm tỷ lệ 10%, còn tại Trường Hành chính Quốc gia (ENA), trường chuyên đào tạo quan chức Nhà nước, thì chỉ có 4%.

Giải thích nguyên nhân, Le Nouvel Observateur cho rằng, dưới sức ép của khủng hoảng kinh tế, việc thi tuyển vào các trường lớn trở nên khó khăn hơn. Thêm vào đó, đời sống vật chất của « lớp dưới » xã hội bị tuột dốc. Thất nghiệp gia tăng, cuộc sống trở nên bấp bênh, gánh nặng cơm áo gạo tiền thêm chồng chất.

Trong bối cảnh đó, trường học góp phần đào thêm hố sâu ngăn cách giàu nghèo. Theo nghiên cứu nói trên của OECD, ở Pháp, hiện có đến 20% học sinh lâm cảnh khó khăn cùng cực ở tuổi 15, tức tăng gấp đôi so với cách đây 10 năm. Một điều đáng chú ý là trong số này, không có mặt con em nhà cán bộ và giáo chức. Hiệu trưởng một trường danh tiếng tại Pháp cho biết, có nhiều « rạn nứt » xuất hiện giữa gia đình công chức, giáo chức, những người đầu tư đủ phương tiện và sự quan tâm cho con em họ, và các giai tầng xã hội khác.

Nhà giàu chẳng ngại tiêu tốn để con em mình được vào trường danh giá. Họ sẵn sàng bán nhà rộng rãi ở ngoại ô để mua một căn hộ chật chội trong thành phố để cho con em mình được đi học gần trường. Mong ước vào trường lớn đã tạo nên tình trạng chạy đua căng thẳng. Nguyên nhân một phần là do việc ngày càng có nhiều học sinh đậu tú tài, trong khi chỉ tiêu tuyển sinh cho các ngành « cao cấp » như thương mại, kỹ sư, y khoa, luật… lại chẳng tăng thêm. Trong giai đoạn 2000-2010, số thí sinh thi vào ngành y, chính trị học và luật đã tăng gấp đôi.

Như vậy, để đầu tư cho chuyện học hành của con em mình, nhà giàu Pháp chấp nhận tốn tiền tốn sức, còn nhà nghèo thì chạy vạy vất vả và luôn bị ám ảnh bởi quan niệm phổ biến sau : Thất bại trong học đường sẽ kéo theo thất bại trong xã hội.

An ninh Syria « đục nước béo cò »

Tình hình bất ổn tại Syria tiếp tục thu hút báo các tạp chí Pháp tuần này. Tạp chí L’Express có bài về tình trạng tham ô nhũng nhiễu của ngành an ninh nước này với bài viết mang dòng tựa : « Giá máu ».

Đầu tiên, tờ báo kể chuyện về một người dân lái xe hơi bị lực lượng cảnh sát chặn lại và yêu cầu bán xăng cho anh ta với giá rẻ. Theo tờ báo, hiện tượng này ngày càng phổ biến ở Syria.

Một câu hỏi đặt ra là có phải chính phủ Assad không đủ phương tiện chi tiêu cho «cỗ máy giết người của mình » ?

L’Express dẫn lời chuyên gia kinh tế Syria ,ông Samir Aita, cho biết, việc chính phủ thiếu tiền là không thể ; giá quân nhu không cao ; vả lại, các khoản chi tiêu này thuộc diện ưu tiên của chế độ Assad, vì thế nếu thiếu, chế độ sẵn sàng cắt giảm các lĩnh vực khác để bổ sung.

Ngân sách chỉ trả cho 500 000 người thuộc quân đội, cảnh sát, còn hàng chục ngàn người hoạt động chỉ điểm hay tìm cách ngăn chặn biểu tình… thì không lĩnh lương từ ngân sách quốc gia, mà được trả theo ngày với mức khá cao, mỗi ngày tương đương 1/5 lương tháng trung bình của một công chức. Lính bảo an hay dân vệ ở địa phương thì do những doanh nhân trả. Các doanh nhân thường xuyên bị vòi vĩnh tiền bạc, buộc phải tìm nguồn thu khác dù bất chính để có tiền chi trả. Những phần tử khác của bộ máy đàn áp được trả công cho mỗi lần làm việc.

Tờ báo còn cho biết hiện tượng cơ quan cửa khẩu Syria nhận hối lộ để cho vượt biên những người đấu tranh trong nước thuộc diện bị truy nã. Mỗi lần vượt biên như thế trị giá vài ngàn euro. Còn việc bắt cóc đòi tiền chuộc cũng phổ biến. Tiền chuộc dạng này thay đổi tùy theo gia đình giàu có hay không. Bên cạnh đó, lực lượng hải quan cũng rủng rỉnh hầu bao từ việc buôn lậu hàng quốc cấm hay hàng bị cấm bởi lệnh trừng phạt kinh tế nước ngoài.

Nói về các lệnh trừng phạt kinh tế do phương Tây áp đặt, nhà kinh tế Aita cho biết nó gây hại cho người dân nhiều hơn cho chính phủ. Tuy nhiên, các biện pháp trừng phạt nêu đích danh một số người trong chính phủ thì đã nhắm trúng đích.

Cuối cùng, L’Express nhắc lại thông tin đăng tải trên một tờ nhật báo của Anh hôm 6/10 về việc gia đình Assad cho bán bất động sản ở châu Âu. Một câu hỏi đặt ra là liệu có phải đó là dấu hiệu báo trước của một sự sụp đổ ? Theo tờ báo, còn phải tìm hiểu xem việc bán này có phải đến từ tâm lí lo sợ việc ông Assad bị mất quyền lực hay là để phục vụ cho bộ máy đàn áp của chính phủ ?

Báo chí Thái Lan cảnh báo tình trạng « tẩy não » trong trường học

Đến với châu Á, tạp chí Courrier International nhìn về Thái Lan qua bài trích lại của tờ Bangkok Post với dòng tựa : « Tẩy não ở mọi cấp học ».

Ngày 23 tháng 9 rồi, tại Chiang Mai, thành phố lớn thứ hai của Thái Lan, học sinh trường công giáo Sacré-Cœur đã mặt đồng phục của chế độ Hitler trong buổi lễ tuần hành chào mừng ngày thể thao của trường. Cuộc tuần hành dáng vẻ « Quốc xã » này làm dấy lên nhiều phản ứng mạnh mẽ.

Lãnh đạo trường đã lên tiếng xin lỗi và giải thích rằng do các học sinh còn quá trẻ nên không lường hết được tính nhạy cảm của vụ việc, và rằng các giáo viên không hề biết trước nội dung tham gia của học sinh do theo truyền thống xưa nay học sinh được phép giữ bí mật nội dung đến phút chót.

Về vấn đề này, tác giả bài viết không đồng ý khi cho biết, theo hình ảnh đăng tải trên mạng, trước ba tầng lầu của ngôi trường, có treo nhiều lá cờ quốc xã Đức to tướng và có hình Hitler.

Như vậy, làm sao giải thích được sự « vô tình » này của các học sinh ? Căn bệnh vô tình có thể được chữa trị bằng những bài lịch sử về tội ác Đức Quốc xã ? Hay vấn đề mang tính sâu xa hơn ? Sự việc nói trên, theo tác giả, không nên chỉ qui cho việc giảng dạy lịch sử.

Tác giả khẳng định, nếu trẻ em không biết tội ác Hitler, thì người lớn không thể nào không biết, vấn đề là họ không ý thức được tính chất nguy hiểm của chế độ quân phiệt và chủ nghĩa phát xít. Về cơ bản, họ không phải là người ác. Thế nhưng, họ đã lớn lên trong một đất nước mà ngay từ những ngày đầu đặt chân đến trường, đã được đào tạo theo kiểu nhận lệnh quay trái quay phải như những quân nhân, khi đến cấp ba học sinh nam phải gọt đầu như lính thủy ; trong một đất nước mà đảo chính thường xuyên xảy ra. Trong bối cảnh đó, họ dễ dàng chấp nhận chủ nghĩa quân phiệt như một phần tất yếu của cuộc đời họ.

Tác giả thẳng thắn : « Chủ trương chính trị của hệ thống giáo dục với mục đích cổ vũ cho chủ nghĩa dân tộc cực đoan dựa trên sự đặc dân tộc Thái lên trên hết, không thể cho kết quả tốt ». Theo tác giả, thay vì trách cứ thầy trò trường Sacré-Cœur, chúng ta nên cảm ơn vì họ đã làm lộ rõ cái sâu xa của chủ nghĩa quân phiệt và sự thờ ơ của xã hội Thái.

Cuối cùng tác giả kêu gọi : « Chúng ta hãy hành động để chấm dứt hiện tượng tẩy não, một vấn nạn biến chúng ta thành những kẻ không có trái tim ».

Ấn Độ : Người nghèo đang rất khổ vì qui định hộ nghèo của chính phủ

Cũng tại châu Á, Courrier International phản ánh những khó khăn đè nặng lên người nghèo Ấn Độ trong việc hưởng quyền ưu đãi mua lương thực với giá rẻ. Bài viết trích lại từ tờ The Hindu mang dòng tựa « Nhiệm vụ bất khả thi cho một túi gạo ».

Tờ báo dẫn lại trường hợp một công dân tên Dablu ở bang Jharkhand (đông bắc Ấn Độ). Anh này sống bằng nghề tự do. Cách đây hai năm, khi làm việc, anh bị ngã từ mái nhà xuống đất, bị chấn thương ở lưng và liệt vĩnh viễn. Vợ anh phải vừa nuôi chồng bệnh tật vừa nuôi hai con nhỏ, lại không tìm được việc làm. Gia đình bên bờ vực chết đói.

Thế mà, gia đình Dablu không được cấp thẻ trợ giá lương thực. Thẻ này mang tên BPL (below poverty line), được cấp cho những gia đình được xếp dưới ngưởng nghèo. Nếu có thẻ này, người ta có thể tiếp cận nhiều chương trình ưu đãi xã hội trong đó có chương trình ưu đãi giá nhu yếu phẩm. Thế nhưng, gia đình Dablu lại không thuộc diện dưới ngưỡng nghèo nên dĩ nhiên là không được cấp thẻ BPL.

Câu chuyện của Dablu được chính quyền địa phương biết đến và phản ánh lên cấp trên, thậm chí tới tận New Delhi. Thế nhưng, các cơ quan đùn đẩy trách nhiệm cho nhau, và thế là một năm trôi qua Dablu vẫn chưa có thẻ BPL. Chính quyền địa phương muốn cấp thẻ cho anh, nhưng nếu vậy thì phải gạch tên người khác. Cuối cùng, « may mắn » cho Dablu, là trong làng có người chết, vợ con người này đã có thẻ, vì thế người chết bị bôi tên, và Dablu hưởng phúc phần do người chết để lại là được ghi tên vào danh sách và được cấp thẻ.

Tuy nhiên, Dablu đang có nguy cơ bị thu hồi thẻ. Số là việc thống kê người sống dưới ngưỡng nghèo trong năm nay sẽ kết thúc vào tháng 12 tới đây. Bất hạnh cho Dablu là gia đình anh dù khổ đến thế nhưng cũng chỉ đáp ứng được 1 trên 7 tiêu chuẩn qui định hộ nghèo do chính phủ đưa ra. Khổ hơn nữa là hồi tháng 9 rồi, chính phủ lại công bố tiêu chuẩn nghèo mới, theo đó người nghèo là người có thu nhập 25 roupi (0,4 euro) một ngày ở vùng nông thôn và 32 roupi (0,50 euro) ở thành thị. Thế nhưng, 25 roupi là mức thuốc thang tối thiểu mỗi ngày của Dablu. Nếu cộng thêm các khoản chi tiêu khác, Dablu dĩ nhiên không thuộc hộ nghèo.

Theo thống kê mới nhất, hiện Ấn Độ có 400 triệu người sống dưới mức nghèo khổ. Thế nhưng, nhiều chuyên gia đánh giá con số này thấp hơn nhiều so với thực tế. Nếu nâng ngưỡng nghèo lên mức 90 roupi (1,40 euro) mỗi ngày, thì có đến 800 triệu người ở nước có nền kinh tế đứng thứ tư thế giới này thuộc diện nghèo đói.

Về bộ tiêu chuẩn qui định ngưởng nghèo mới nói trên, tác giả bài viết cho rằng chính phủ Ấn Độ đang cố tình giảm bớt người thuộc diện nghèo để hạn chế chi tiêu cho ngân sách nhằm đối phó khủng hoảng kinh tế.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.